Liệu chúng ta có thể phấn đấu giảm chỉ số FCR trong chăn nuôi heo từ mức 2.7 xuống mức FCR=2? Câu trả lời là Có, nếu chúng ta xác định và giải quyết được các nguyên nhân làm cho heo nuôi thương mại hiện tại đạt đến đỉnh của tiềm năng di truyền của chúng.
FCR viết tắt của Feed convertion ratio (Hệ số chuyển hóa thức ăn), là chỉ số kinh tế, tính cái mất đi, nên FCR càng nhỏ càng hiệu quả.
Chăn nuôi Việt Nam có chỉ số FCR cao
Bạn có thể tưởng tượng điều này không? Chỉ cần giới chăn nuôi heo giảm chỉ số FCR được 0.1 (ví dụ từ 2.7 xuống 2.6) thì lượng heo có thể sản xuất thêm ra của thế giới là 14 triệu tấn thịt, dựa trên số lượng thức ăn chăn nuôi hiện tại. Trong những năm qua, chúng ta đã có những bước tiến nhảy vọt trong năng suất chăn nuôi, nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật về di truyền giống và dinh dưỡng. Trước đây, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR=6, nó giảm dần xuống mốc FCR=4, rồi bằng 3 và hiện tại là FCR=2.7.
Ngành di truyền học vẫn đang tiếp tục phát triển, nếu chúng ta đạt được những tiến bộ nhanh chóng về chỉ số FCR như tốc độ đã đạt được trước đây thì dự đoán vào năm 2025, chỉ số FCR sẽ giảm từ mức hiện tại là 2.7 xuống còn FCR=2. Trong bối cảnh toàn cầu, điều này có nghĩa là chúng ta sẽ có thêm 5 triệu con heo xuất chuồng với cùng một số lượng thức ăn chăn nuôi như hiện nay. Điều này thật tuyệt trong tình hình dân số thế giới ngày càng tăng.
Hoạt động chăn nuôi heo đã có hiệu quả rất tốt, nhưng vẫn còn đó những khoảng trống giữa tiềm năng di truyền và năng suất heo thương mại. Vì vậy, để đạt được mức FCR=2 vào năm 2025 là một giấc mơ hay hiện thực còn tùy thuộc vào nhận thức và nỗ lực của con người. Chúng tôi tóm tắt ở đây những rào cản lớn nhất mà chúng ta cần vượt qua để đạt được con số lịch sử này.
1. Vấn đề dịch bệnh (đặc biệt dịch tai xanh, cúm heo, Mycoplasma hyopneumoniae)
Một nghiên cứu gần đây ước tính rằng hội chứng lọan sản và hô hấp trên heo (PRRS) tiêu tốn chi phí của ngành công nghiệp thịt heo riêng của Mỹ đến 664 triệu USD mỗi năm. Con số này tương đương với 1,800,000 USD (1.8 triệu USD) mỗi ngày hoặc 115 USD/nái/năm. Nghiên cứu trước năm 2005 cho thấy chi phí của Hoa Kỳ cho bệnh PRRS lúc bấy giờ là 560 triệu USD/năm. Trong một nghiên cứu khác, người ta ước tính rằng bệnh còi cọc do Circovirus 2 (PCV2) gây là khoảng 3-4 USD/con; trong trường hợp bệnh nặng, có thể tăng lên đến 20 USD/con vì tỷ lệ tử vong tăng và giảm năng suất tăng trưởng của heo bị nhiễm bệnh.
Sau 25 năm đối phó với PRRS, sấp xỉ thời gian con người đối phó với HIV, chúng ta vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu cho vấn đề. Ngày nay thế giới lại đang chuyển mình sang một giai đoạn mới, giai đoạn hạn chế kháng sinh trong chăn nuôi. Hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là tốt cho sức khỏe con người, nhưng nó cũng mang lại một thách thức mới cho ngành chăn nuôi thú y. Thách thức ở chỗ, làm sao để kiểm soát bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho vật nuôi để duy trì năng suất khi không dùng kháng sinh nữa. Và hơn nữa, mục tiêu giảm chỉ số FCR sẽ càng thêm khó khăn. Để vượt qua những rào cản này và đi đến thành công, đòi hỏi người chăn nuôi phải học cách quản lý tốt hơn đối với sức khỏe của gia súc gia cầm, làm dinh dưỡng tốt hơn bằng cách sử dụng những sản phẩm thay thế.
Trong một nghiên cứu được tiến hành bởi trường đại học North Carolina State, cúm heo, Mycoplasma hyopneumoniae, và virus PRRS đã được xếp hạng là ba thách thức hàng đầu về mặt dịch bệnh trong hoạt động chăn nuôi heo của Mỹ. Cuối cùng, virus dịch tiêu chảy trên heo (PEDV) lại mới bộc phát gần đây, gây bệnh nghiêm trọng nhất ở heo con sơ sinh, tử vong có thể là 80-100%. Virus này cũng thường có ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ chuyển đổi thức ăn ở heo.
2. Thức ăn (đặc biệt Độc tố nấm, phân tích NIR, và enzyme)
Ngành chăn nuôi cần tìm cách tăng khả năng tận dụng các nguồn thực liệu làm thức ăn gia súc. Ngoài ra, việc sử dụng các phương pháp phân tích tiến bộ như NIR và phân tích hóa học để đánh giá chính xác hơn hàm lượng dinh dưỡng trong thực liệu, góp phần đáp ứng chính xác hơn nhu cầu dinh dưỡng của thú, như vậy mới có thể cải thiện tỷ lệ chuyển đổi thức ăn một cách quyết liệt nhất.
Người chăn nuôi cũng nên tìm hiểu và tăng cường sử dụng các loại enzyme tiêu hóa để tận dụng tối đa dưỡng chất có sẵn trong thực liệu, cải thiện sức khỏe thú hơn nữa, hòng duy trì và cải thiện năng suất.
Độc tố nấm mốc là một vấn đề ngành chăn nuôi phải chấp nhận như là một yếu tố thường trực. Chúng ta chỉ có thể tìm và chọn cho mình những giải pháp phù hợp và kinh tế nhất. Cần lưu ý rằng tác hại phổ biến nhất và dễ bị bỏ qua nhất của độc tố nấm mốc chính là sự ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và giảm hiệu quả chuyển đổi thức ăn của vật nuôi.
Heo có độ nhạy cảm cao đối với thức ăn bị nhiễm nấm mốc và độc tố nấm mốc, triệu chứng phổ biến là heo giảm ăn hay tránh thức ăn. Ở nái mang thai và cho con bú, sự giảm ăn sẽ được nhận thấy rõ hơn, phần vì chúng được nuôi riêng lẻ và chúng ăn với số lượng cao hơn. Ngoài ra, độc tố nấm mốc còn gây các tổn thương khác trong cơ thể, ví dụ như hệ miễn dịch bị ức chế (dễ mắc bệnh), giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng qua đường tiêu hóa và giảm khả năng sử dụng các protein trong cơ thể. Độc tố Zearalenone là một mối quan tâm đặc biệt ở heo nái sinh sản, nó có thể gây sảy thai và tăng số lượng heo nái bị nân. Chi phí sản xuất cho một nái không sinh sản là khoảng 4 USD/con mỗi ngày. Zearalenone còn đi vào trong sữa và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe heo con sau sinh.
Liệu chúng ta có thể phấn đấu giảm chỉ số FCR trong chăn nuôi heo từ mức 2.7 xuống mức FCR=2? Câu trả lời là Có, nếu chúng ta xác định và giải quyết được các nguyên nhân làm cho heo nuôi thương mại hiện tại đạt đến đỉnh của tiềm năng di truyền của chúng.
3. Sức khỏe đường ruột (đặc biệt các vi khuẩn Salmonella , E. coli , Campylobacter , Clostridium)
Đường tiêu hóa, đặc biệt đoạn ruột non, chịu trách nhiệm cung ứng dinh dưỡng cho các nhu cầu duy trì và sản xuất của toàn bộ cơ thể. Vì thế, mọi bất lợi xảy ra trên đường tiêu hóa đều làm giảm hiệu quả chuyển đổi thức ăn. Nếu đường ruột của vật nuôi bị viêm nhiễm, nó không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe của chúng, mà còn cả sức khỏe con người. Những tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho động vật và gây thiệt hại cho con người do những rủi ro về an toàn thực phẩm có thể kể đến như Salmonella, E.coli, Campylobacter, Clostridium. Ngoài ra còn có nhiều vi sinh vật khác không ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng gây ra bệnh tật và mất mát cho ngành chăn nuôi.
Thử thách lớn nhất của ngành chăn nuôi khi việc sử dụng kháng sinh bị hạn chế chính là làm sao để giữ môi trường đường ruột của thú được mạnh khỏe nhất. Đường ruột, nhất là phần ruột già, chính là nơi tập trung nhiều vi sinh vật nhất trong một cơ thể sống, đó cũng là nơi xảy ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai thế lực, một tốt (tập hợp các loại vi khuẩn có lợi) và một xấu (tập hợp các loại vi khuẩn có hại, thường gây tiêu chảy). Bên nào chiến thắng hay chiếm thế áp đảo sẽ quyết định sức khỏe của thú và quyết định luôn sự thành bại của công tác chăn nuôi.
Đã đến lúc chúng ta cần những nỗ lực quán triệt hơn đối với việc nghiên cứu và sử dụng các sản phẩm chuyên biệt tăng cường sức khỏe đường ruột. Ngành công nghiệp chăn nuôi cần phải xem xét việc kết hợp nhiều chất bổ sung thức ăn như axit hữu cơ, tinh dầu và chế phẩm sinh học để cải thiện sức khỏe đường ruột; cải thiện mật độ nuôi và cải thiện thiết kế chuồng trại theo hướng tăng khả năng thông thoáng; cùng với việc cung cấp các khóa đào tạo cơ bản và nâng cao cho nhân viên để họ có khả năng làm việc và đối phó tốt hơn với những thách thức mới trong công việc.
4. Điều kiện chuồng trại và các trang thiết bị hỗ trợ chăn nuôi
Thiết kế tòa nhà và chuồng nuôi có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của gia súc gia cầm, bởi vì chất lượng thiết kế sẽ quyết định hiệu quả về các khía cạnh:
- Khả năng thông thoáng: bí hơi dễ dẫn đến bệnh đường hô hấp, khí độc tích tụ nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe của heo
- Độ chiếu sáng: ánh sáng cần cho hoạt động và sinh lý của heo, nhất là đối với heo nái sinh sản
- Độ khô ráo của chuồng trại: môi trường ẩm thấp dễ gây bệnh đường hô hấp và cả tiêu chảy nhất là trên heo con
- Nhiệt độ cũng như độ ẩm của môi trường sống: Như bạn đã biết, nhiệt độ môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ăn vào của vật nuôi. Nhiệt độ nóng hơn khoảng nhiệt độ tối ưu sẽ làm giảm khả năng ăn vào và ngược lại.
Như vậy, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và sự thông thoáng không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, lượng ăn vào, tỷ lệ chuyển hóa thức ăn và năng suất của heo. Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới đã ứng dụng lưới siêu lọc để làm sạch không khí, ngăn ngừa sự xâm nhiễm của virus, vi trùng vào môi trường chuồng trại, cải thiện đáng kể tỷ lệ bệnh ngay cả với những vi sinh vật lây lan qua không khí như PRRS , FMD … tuy chi phí cho trang thiết bị này còn khá cao.
Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng những thiết kế chuồng trại tốt có thể giúp tăng chỉ số tăng trọng/ngày lên 3-7%, cải thiện chỉ số FCR đến 5-10%.
5. Quản lý và nhân sự
Ngày nay, ngành chăn nuôi ngày càng cạnh tranh và đòi hỏi trình độ cao, quy mô lớn. Tương tự như tất cả các ngành nghề khác trong xã hội, trình độ nhân lực là điều kiện tiên quyết và mang tính quyết định cho sự thành công trong chăn nuôi. Như từ đầu bài viết chúng tôi đã trình bày, để cải thiện một chỉ số FCR vốn đã khá tốt hiện tại (mức 2.7), cần phải có những sự chuẩn bị chu đáo, triệt để và trường kỳ đến những chi tiết nhỏ nhất.
Những khóa đào tạo thích hợp về kỹ thuật và quản lý giúp nhân viên có kỹ năng thành thạo và có kiến thức đủ để thực hiện những nguyên tắc đã đề ra về chăm sóc và về dịch tễ. Thông thường, con người sẽ thực hiện công việc tốt khi họ hiểu được tại sao phải làm như vậy, làm vì lợi ích gì; còn nếu chỉ vì bị ép buộc hay câu thúc thì công việc chỉ được thực hiện khi có sự giám sát trực tiếp. Ở những nước có khí hậu nhiệt đới nóng bức như Việt Nam, vấn đề năng suất chăn nuôi gắn liền với những chiến lược để cải thiện lượng ăn vào và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn trong thời tiết oi bức.
Tối ưu hóa chất lượng không khí và nhiệt độ môi trường có tác động kinh tế quan trọng đến hiệu quả chăn nuôi heo. Cơ sở chăn nuôi không bao giờ được phép đánh giá thấp việc nhấn mạnh cho nhân viên phải lưu ý đến những chi tiết của vấn đề này. Các tác động của môi trường trong sản xuất thường ở dạng ẩn, khó phát hiện, nên thiệt hại tuy nhỏ ở từng ngày nhưng là rất lớn vì thường vấn đề chỉ được phát hiện sau một khoảng thời gian dài, khi mức độ ảnh hưởng đã lan tràn ra toàn trang trại.
Tóm lại, tuy hiệu quả chăn nuôi hiện nay đang được đánh giá là khá tốt, nhưng vẫn còn đó những tiềm năng di truyền của heo chưa được con người khai thác triệt để. Để phát huy tối đa tiềm năng di truyền đó, chúng ta cần nhìn lại, phân tích và rút kinh nghiệm về các khía cạnh quản lý dịch bệnh (sức khỏe đàn), chất lượng dinh dưỡng, sức khỏe đường ruột, thiết kế chuồng trại, đào tạo nhân lực và trình độ của quản lý cấp cao. Đây là những điều kiện tiên quyết cho sự thành công. Nếu tỷ lệ chuyển hóa thức ăn FCR=2 là mục tiêu của bạn thì bạn cũng phải tự hỏi bạn sẽ phải chi phí bao nhiêu để đạt được điều đó, trong mối tương quan với những điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn hiện tại.
Naipet.com