Quy Trình Chăm Sóc Và Nuôi Dưỡng Heo Con Theo Mẹ

0

Chăm sóc heo con theo mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất chăn nuôi vì không chỉ ảnh hưởng đối với heo con mà còn rất quan trọng đối với cả heo mẹ và heo thịt sau này…

Vì vậy cần có những kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng heo con ở giai đoạn theo mẹ phù hợp sao cho kết quả của giai đoạn này sẽ đạt được những chỉ tiêu về: Tỉ lệ nuôi sống heo con sơ sinh cao, trọng lượng cai sữa của heo con cao, tỉ lệ đồng đều của heo con cao và nhất là heo con không mắc bệnh (đặc biệt là bệnh thiếu máu và tiêu chảy phân trắng).

quy-trinh-cham-soc-va-nuoi-duong-heo-con-theo-me

1. Cho heo con bú sữa đầu

Do sữa đầu có vai trò rất quan trọng đối với heo con vì có chứa hàm lượng vật chất khô cao, đặc biệt là protein, vitamin, kháng thể γ-globulin và MgSO4… Nhưng sữa đầu chỉ hiện diện trong vòng 24h sau khi nên cần phải cho heo con bú sữa đầu càng sớm càng tốt để có thể nhận được kháng thể của mẹ truyền qua sữa.

2. Cố định đầu vú

a. Mục đích
Việc cố định đầu vú cho heo con sẽ đảm bảo được tất cả heo con đều được bú sữa đầu, nhất là trong trường hợp số heo đẻ ra vượt quá số vú thì cần thực hiện cho bú luân phiên. Đồng thời việc cố định đầu vú cũng góp phần làm nâng cao tỉ lệ đồng đều của bầy heo con, vì do giữa các vú khác nhau sẽ có sản lượng sữa khác nhau. Theo bản năng thông thường thì những con to khỏe nhất đàn bao giờ cũng chiếm được những vú tốt nhất và luôn bú cố định ở đó, còn những con nhỏ hơn thì phải bú ở những vú ít sữa, do đó tỉ lệ đồng đều thấp.
Mặt khác cố định vú cho heo con cũng là cách tập cho heo con có phản xạ trong khi bú nhằm nâng cao sản lượng sữa mẹ, vì sản lượng sữa tiết ra phụ thuộc vào sức bú của heo con, vào trạng thái thần kinh của heo mẹ khi cho con bú, nên khi không có sự tranh dành thì heo mẹ sẽ ổn định tinh thần giúp sữa tiết nhiều hơn. Hơn nữa, công tác này cũng tạo điều kiện cho người chăm sóc can thiệp kịp thời với những trường hợp heo mẹ đè chết con, giúp nâng cao tỉ lệ nuôi sống trên heo con.

b. Phương pháp:
Cách làm rất đơn giản nhưng đòi hỏi tỷ mỷ và kiên trì. Sau khi heo mẹ đẻ xong ta đánh dấu heo con theo số vú của heo mẹ qui định rồi đặt những con nhỏ vào bú những vú phía trước bên phải và những con to bú ở vú phía sau hoặc những vú phía trước bên trái. Mỗi ngày làm khoảng 5 lần, làm cho tới khi heo con tìm được vú của mình mà không bị nhầm lẫn thì thôi, thông thường phải làm trong 3 – 4 ngày đối với những heo mẹ hay thay đổi cách nằm (lúc nằm bên phải, lúc nằm bên trái).
Trường hợp heo mẹ đẻ số con nhiều hơn số vú thì tập cho bú luân phiên đối với những con bú các vú phía trước, còn những con bú ở vú phía sau có thể cho bú tất cả các lần và lúc này nên tiến hành biện pháp nuôi gửi.

3. Nhốt riêng heo con trong vòng 3 – 4 ngày sau sinh

Bên cạnh việc cho bú sữa đầu, cố định đầu vú thì heo con cần được nhốt riêng và cho bú theo cữ trong thời gian ít nhất là 3 – 4 ngày sau khi sinh để tránh tình trạng heo mẹ mệt hay vụng về đè chết con. Đây cũng là cách để dễ theo dõi tình trạng tiết sữa của heo mẹ vì sau mỗi cữ bú (thường cách khoảng 1,5 – 2 giờ) tùy theo tình trạng của bệ sữa mà người chăm sóc sẽ phát hiện ra những trường hợp dư sữa, nếu để nái dư sữa dễ gây đọng sữa và viêm vú. Sau khi heo con bú xong gom chúng vào ổ úm sẽ là biện pháp tốt để tránh cho heo con bị lạnh về đêm, bị rối loạn tiêu hóa.

Trong thời gian này, người chăn nuôi phải quan sát kỹ tình trạng sức khỏe của heo con, cần tái sát trùng rốn, kiểm tra sức bú của heo con, tình trạng tiêu chảy, nhịp thở và phát hiện sớm những con thiếu vú mẹ hoặc vú mẹ không có sữa để sớm ghép sang những đàn khác.

4. Tiêm sắt cho heo con

Khi heo con được 3 ngày tuổi thì tiến hành tiêm sắt (khoảng 1ml chế phẩm Dextran Fe chứa 100mg Fe++/con) và tiến hành tiêm lặp lại lần 2 cách 10 ngày sau để tránh thiếu sắt dẫn đến thiếu máu.
Những trường hợp bị sốc khi tiêm sắt rất dễ xảy ra ở những đàn heo con yếu sẽ do trong sữa mẹ nghèo vitamin E và khoáng chất Selenium. Khi heo con thiếu những chất này sẽ làm cho sắt tiêm vào bị oxy hóa, tạo độc tố trong máu, làm heo con chết rất nhanh. Vì vậy nên bổ sung vitamin E premix (100g/100kg thức ăn) và khoáng Selenium – Selplex50 (15g/100kg thức ăn) vào thức ăn của heo nái trong thời gian mang thai. Lưu ý khi tiêm sắt nên tiêm cho những heo nhỏ trước, nếu thấy heo có biểu sốc thì nên tạm ngưng tiêm sắt cho đến vài ngày sau và hổ trợ giải độc bằng cách tiêm thêm vitamin C. Bên cạnh đó cũng phải bổ sung Vitamin E và Selen cho heo con qua khẩu phần ăn của heo mẹ trước 1 ngày tiêm sắt cho heo con.

5. Bổ sung thức ăn sớm cho heo con

a. Mục đích:

  • Bù đắp phần dinh dưỡng thiếu hụt cho nhu cầu sinh trưởng phát triển của heo con khi sản lượng sữa mẹ giảm sau 3 tuần tiết sữa.
  • Rèn luyện bộ máy tiêu hóa của heo con sớm hoàn thiện về chức năng, đồng thời kích thích bộ máy tiêu hóa phát triển nhanh hơn về kích thước và khối lượng.
  • Giảm bớt sự nhấm nháp thức ăn rơi vãi của heo con để hạn chế được các bệnh đường ruột của heo con.
  • Giảm bớt sự khai thác sữa mẹ kiệt quệ và giảm tỷ lệ hao mòn của heo mẹ, từ đó heo mẹ sớm động dục trở lại sau khi cai sữa heo con.
  • Tránh sự cắn xé bầu vú heo mẹ, hạn chế bệnh viêm vú.
  • Có điều kiện để cai sữa sớm cho heo con, tăng hệ số quay vòng lứa đẻ/nái/năm.

b. Phương pháp tập ăn sớm:
Khi heo con đạt 7 – 10 ngày tuổi, ta nên tiến hành cho heo con làm quen với thức ăn. Thức ăn tập ăn phải đảm bảo có tính thèm ăn cao. Cần lựa chọn loại thức ăn, các chất phụ gia, cũng như phương pháp chế biến sao cho kích thích sự thu nhận thức ăn của heo con. Heo con thường rất thích ăn thức dạng viên hay bột nhỏ khô, những thức ăn này thường là các loại tấm, bắp, đậu nành được rang xay để tạo mùi thơm. Có thể nhét thức ăn tập ăn cho heo con vài lần đầu và luôn để phần thức ăn tập ăn vào ô úm hay máng ăn bán tự động để heo con tự do liếm láp khi chúng cần. Phải cho heo con làm quen với nguồn glucid, lipid, protid của các loại thực liệu thông thường để hệ tiêu hóa của heo con sớm bài tiết các enyme tiêu hóa thích hợp.

6. Dinh dưỡng cho heo con theo mẹ

Nước: Mặc dù sữa mẹ có chứa nhiều nước nhưng trong thành phần hóa học của cơ thể của heo con có tỷ lệ nước cao từ 70 – 80%, cộng với tốc độ sinh trưởng của heocon trong giai đoạn này nhanh do đó phải cho heo con uống nước thỏa mãn yêu cầu. Nước uống của heo phải sạch sẽ và được khử trùng để tránh nhiễm khuẩn đường ruột.

Protein: Cung cấp đủ protein cho heo con ở giai đoạn này rất quan trọng vì đây là thời kỳ sinh trưởng rất mạnh của hệ cơ và lượng protein được tích lũy rất lớn. Thông thường khẩu phần ăn của heo con phải đảm bảo 17 – 19% protein thô trong khẩu phần. Nguồn cung cấp protein thường dùng là: bột sữa, bột máu, bột thịt, bột cá loại I hoặc khô đậu nành. Ngoài ra cần phải đảm bảo cung cấp đủ 2 loại acid amin sau: Lyzine: 5 – 6,5% và Methionine: 3 – 3,2% trong protein thô của khẩu phần.

Năng lượng: Nhu cầu bổ sung năng lượng ở heo con chỉ cần khi heo con bắt đầu vào tuần tuổi thứ 3 và cần bổ sung ngày càng nhiều vì sữa mẹ ở giai đoạn này cũng cấp cho heo con ngày càng giảm. Nguồn cung năng lượng phải là những thức ăn dễ tiêu như: Bắp, gạo, cám mỳ..
Ở nước ta Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định mức bổ sung như sau (1986): Ngày tuổi Năng lượng trao đổi bổ sung (Kcal)
10 – 20 250
20 – 30 500
30 – 45 625

  • Khoáng: Vì đây là giai đoạn heo con phát triển mạnh về hệ cơ và hệ xương cho nên như cầu về các chất khoáng là rất cao, khẩu phần thức ăn cần cung cấp đủ các chất khoáng sau:
  • Ca, P: hai nguyên tố này có vai trò rất quan trọng trong hình thành xương, nếu không cung cấp đủ sẽ dẫn đến còi xương. Mức cung cấp đối với Ca là 0,8%; P là 0,6% (so với vật chất khô khẩu phần). Nguồn bổ sung thường dùng là bột xương hay bột đá.
  • Fe, Cu: đây là 2 yếu tố bị hạn chế trong quá trình tạo sữa nên cần phải cung cấp trong khẩu phần của heo con. Mức cung cấp đối với Fe là: 80 ppm, Cu là 6 – 8 ppm.
  • Vitamin: Ở giai đoạn này heo con nhận chủ yếu vitamin từ sữa mẹ và sữa mẹ hầu như đã đáp ứng được đầy đủ nhu cầu heo con. Riêng vitamin D, nếu heo con được vận động dưới ánh sáng mặt trời sẽ được bổ sung đầy đủ nguồn vitamin này.

Ngoài ra trong khẩu phần thức ăn của heo con thường bổ sung thêm kháng sinh sẽ giúp hạn chế tình trạng tiêu chảy, tăng tốc độ sinh trưởng, tăng tỉ lệ nuôi sống và mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Hầu hết các loại kháng sinh dùng để chữa bệnh đều có thể sử dụng để bổ sung vào khẩu phần thức ăn (thường dùng Oxytetracycllin, Tetracycllin, Ampicycllin..)

7. Chăm sóc và quản lý heo con theo mẹ

Chăm sóc là khâu quan trọng nhất trong việc nuôi dưỡng heo con ở thời kỳ bú sữa vì đây là thời kỳ heo con chịu ảnh hưởng rất lớn của điều kiện ngoại cảnh. Nếu điều kiện ngoại cảnh bất lợi sẽ rất dễ gây ra tỉ lệ hao hụt lớn ở heo con.

Chuồng nuôi: Chuồng nuôi phải được vệ sinh trước khi heo mẹ đẻ. Nền chuồng phải luôn sạch sẽ và khô ráo, ấm về mùa đông, mát về mùa hè, đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho heo con, vào ban đêm cần phải có đèn sưởi để đảm bảo chống lạnh cho heo con. Cần đảm bảo điều kiện môi trường xung quanh cho heo con như sau:
Ngoài ra chuồng nuôi phải có máng tập ăn và máng uống cho heo con riêng.

Cắt đuôi, bấm răng, thiến:Thường thì trong chăn nuôi công nghiệp cần phải tiến hành cắt đuôi cho heo nuôi thịt. Vì heo nuôi thịt thường được nuôi thành các đàn lớn và có mật độ cao cho nên heo thường tấn công nhau gây mất ổn định, giảm năng suất chăn nuôi. Vị trí tấn công thường là đuôi.

Việc cắt đuôi thường tiến hành ngay sau đẻ hoặc trong tuần đầu sau đẻ. Dùng kéo sắc cắt sát khấu đuôi sao cho để lại 2,5 – 3 cm. Cắt xong dùng cồn iot 700 để sát trùng.

Ngoài ra heo con mới đẻ đã có răng, nên việc bấm răng cũng tiến hành ngay sau đẻ để tránh tình trạng lưỡi heo con bị tét hoặc gây đau cho heo mẹ khi bú. Khi cắt răng, người cắt tránh không phạm vào nướu hoặc lưỡi heo con, ngoài ra người cắt cũng nên cẩn thận không để nanh gẫy bắn vào mắt mình.

Trong thời kỳ này cũng phải thực hiện thiến cho những heo đực không dùng làm giống. Có thể thiến trong khoảng từ 10 – 14 ngày tuổi. Cần sát trùng bằng cồn iod trước và sau thiến.

Tiêm phòng: Khi heo con được 20 ngày tuổi nên tiêm phòng những loại vaccine: Samonella (2 – 3 ml/con) phòng bệnh phó thương hàn.

  • Giai đoạn heo được 45 ngày tuổi nên tiêm phòng vaccine dịch tả
  • Giai đoạn 60 – 70 ngày tuổi nên tiêm phòng vaccine tụ huyết trùng và đóng dấu.
  • Quản lý heo con: Đối với những heo con có dự định chọn làm giống thì cần phải có kế hoạch quản lý tốt. Những con này sẽ được cân và đánh số ở các giai đoạn sơ sinh, lúc cai sữa, lúc 50, 60 hay 70 ngày tuổi. Đây chính là cơ sở giúp cho việc lựa chọn để làm giống sau này.

8. Cai sữa cho heo con

Đặc điểm mọc răng tiền hàm trên và dưới của heo con thường vào các ngày tuổi 22, 23, 24 và ngày tuổi 28. Việc mọc răng sẽ làm heo con bị sốt, tiêu chảy, mất sức kháng bệnh.. vì vậy việc cai sữa cho heo con nên thực hiện vào lúc 28 ngày tuổi.

  • Việc cai sữa heo con sớm hơn cộng với việc mọc răng sẽ làm tăng thêm yếu tố stress cho heo con, mặc khác cai sữa sớm cho heo con cũng khó làm nái động dục sớm và không rút ngắn chu kỳ sinh sản của nái bao nhiêu, mà heo con lại trở nên khó nuôi, tốn kém hơn.
  • Khi cai sữa, heo con cần giảm bớt khẩu phần thức ăn chừng 10 – 20% để chống stress, cần thiết phải giữ chuồng trại khô ráo và thoáng mát. Có thể pha thêm kháng sinh vào thức ăn để phòng chống bệnh trong vòng 3 – 5 ngày.
  • Nên nuôi chung những con có cùng tầm vóc với nhau để dễ chăm sóc nuôi dưỡng.
  • Cần cung cấp nhiều nước cho heo con vào giai đoạn này vì việc chuyển đổi đột ngột từ nguồn dinh dưỡng sữa mẹ có nhiều nước sang nguồn dinh dưỡng là thức ăn khô sẽ làm nhu cầu nước của heo con bị gián đoạn.
  • Nên sử dụng thức ăn cho heo cai sữa cho tới khi heo đạt trọng lượng từ 15 kg trở lên mới chuyển sang khẩu phần thức ăn tự do.
  • Khi được 60 – 70 ngày tuổi heo con chuyển thành heo nuôi thịt hoặc heo hậu bị làm giống và có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng khác.

Lưu ý: Sau khi cai sữa, nếu nuôi thêm 1 tháng heo con có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba trọng lượng cai sữa.

Naipet.com

Facebook Comments
Share.

Chat
1