I. Hiện trạng ô nhiễm môi trường
1.1. Ô nhiễm môi trường trong các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm
Trong thời gian qua, ngành chăn nuôi của nước ta phát triển với tốc độ nhanh. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001 – 2006 đạt 8,9%. Tổng đàn trâu, bò từ 6,7 triệu con năm 2001 tăng lên 9,7 triệu con năm 2007 (tăng 7,4%/năm), trong đó đàn bò sữa tăng bình quân 15,0%/năm, đàn bò thịt tăng 9,7%/năm và đàn trâu tăng 1,1%/năm; Đàn lợn tăng từ từ 21,8 triệu con năm 2001 lên 26,6 triệu con năm 2007 (tăng 3,3%/năm); Đàn gia cầm trước khi có dịch cúm tăng mạnh, từ 218 triệu con năm 2001 lên 254 triệu con năm 2003 (tăng 8,4%/năm); hiện nay tổng đàn gia cầm là 266 triệu con.
Chất thải trong chăn nuôi liên quan trực tiếp đến môi trường.
Sản phẩm chăn nuôi cũng tăng nhanh tương ứng trong thời gian qua và đáp ứng cơ bản cho nhu cầu thực phẩm tiêu dùng trong nước. Năm 2007, tổng khối lượng thịt hơi các loại sản xuất trong nước là 3,2 triệu tấn (tương đương 2,4 triệu tấn thịt xẻ) và bình quân 41,7 kg (28 kg thịt xẻ)/đầu người; trứng đạt 4,60 tỷ quả, bình quân 53 quả/người; sữa bò tươi 234 ngàn tấn, bình quân 2,7 lít người.
Chăn nuôi nước ta thời gian qua chủ yếu vẫn là phân tán nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở các hộ nông dân với 2 – 3 con trâu bò, 5 – 10 con lợn và 20 – 30 con gia cầm/hộ. Những năm gần đây, chăn nuôi phát triển theo xu hướng trang trại, tập trung sản xuất hàng hóa. Tính đến tháng 10/2006 cả nước có 17.720 trang trại và chủ yếu phat triển ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Các khu chăn nuôi phát triển tự phát, chưa theo quy hoạch, chủ yếu trên đất vườn nhà, đất mua hoặc thuê tại địa phương. Nhiều trang trại xây dựng ngay trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh cho vật nuôi, con người và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.
Theo đánh giá của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO): ngành chăn nuôi đến năm 2020 vẫn tiếp tục phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm đảm bảo cho sức khỏe cộng đồng và gia tăng dân số. Sản xuất chăn nuôi đang có xu hướng chuyển dịch từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, từ phương Tây sang các nước Châu Á Thái Bình Dương. Châu Á sẽ trở thành khu vực sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm chăn nuôi lớn nhất. Sự thay đổi về chăn nuôi ở khu vực này có ảnh hưởng quyết định đến “cuộc cách mạng” về chăn nuôi trên toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ thịt, sữa cho xã hội tăng nhanh ở các nước đang phát triển, ước tính tăng khoảng 7 – 8%/năm.
Cũng như các nước trong khu vực, chăn nuôi Việt Nam đứng trước yêu cầu vừa phải duy trì mức tăng trưởng cao nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và từng bước hướng tới xuất khẩu. Chăn nuôi phải phát triển bền vững gắn với nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, khả năng cạnh tranh và bảo vệ môi trường là xu hướng tất yếu hiện nay. Dự kiến mức tăng trưởng bình quân: giai đoạn 2008 – 2010 đạt 8 – 9% năm; giai đoạn 2010 – 2015 đạt khoảng 6 – 7% năm và giai đoạn 2015 – 2020 đạt khoảng 5 – 6% năm.
Chất thải chăn nuôi là nguyên nhân gây ô nhiễm lớn cho môi trường tự nhiên do lượng lớn các khí thải và chất thải từ vật nuôi. Các khí thải từ vật nuôi cũng chiểm tỷ trọng lớn trong các khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), chất thải của gia súc toàn cầu tạo ra 65% lượng Nitơ oxit (N2O) trong khí quyển. Đây là loại khí có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời cao gấp 296 lần so với khí CO2. Động vật nuôi còn thải ra 9% lượng khí CO2 toàn cầu, 37% lượng khí Methane (CH4) – loại khí có khả năng giữ nhiệt cao gấp 23 lần khí CO2. Theo số liệu ước tính của Cục Chăn nuôi, tổng số chất thải rắn hằng năm từ đàn gia súc, gia cầm ở Việt Nam khoảng 73 – 76 triệu tấn. Phần lớn chất thải chăn nuôi được sử dụng làm phân bón. Tuy nhiên trước khi đưa vào sử dụng, việc xử lý chất thải chăn nuôi có sự khác nhau theo quy mô chăn nuôi. Với quy mô chăn nuôi trang trại và gia trại thì việc xử lý chất thải được coi trọng hơn, còn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gắn với sản xuất nông nghiệp, chất thải chăn nuôi chủ yếu được vận chuyển trực tiếp từ chuồng nuôi ra ngoài đồng bón cho cây trồng, số lượng được xử lý rất ít. Theo kết quả điều tra chăn nuôi lợn 8 vùng sinh thái, số gia trại, trang trại chăn nuôi lợn có áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chiếm khoảng 74%, còn lại không xử lý chiếm khoảng 26%; trong các hộ, các cơ sở có xử lý thì 64% áp dụng phương pháp sinh học (Biogas, ủ v.v…), số còn lại 36% xử lý bằng phương pháp khác.
Hiện nay, còn nhiều trang trại chăn nuôi lợn, bò hàng ngày thải ra một lượng lớn chất thải không được xử lý và đổ trực tiếp vào hệ thống thoát nước, kênh mương trong vùng làm nhiều hộ dân không có nước sinh hoạt (nước giếng trong vùng có váng, mùi hôi tanh), tỷ lệ người dân bị mắc bệnh tiêu chảy, mẫn ngứa và ghẻ lở cao. Ô nhiễm do chất thải chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng nặng tới môi trường sống dân cư mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, tài nguyên đất và ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất chăn nuôi. Các hoạt động gây ô nhiễm do chăn nuôi vẫn đang tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước. Tình trạng chăn nuôi thả rông, chăn thả trên đất dốc, đầu nguồn nước v.v… còn khá phổ biến đã làm tăng diện tích đất xói mòn, suy giảm chất lượng nước, giảm thiểu khả năng sản xuất nông nghiệp trên vùng rộng lớn. Ô nhiễm môi trường còn làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Trong mười năm qua, từ 1997 đến nay, dịch lở mồm, long móng trên gia súc đã diễn ra thường xuyên và đến nay chưa được khống chế triệt để. Từ cuối năm 2003, dịch cúm gia cầm đã bùng phát. Từ năm 2003 đến nay, dịch đã tái phát 5 đợt, đã phải tiêu huỷ trên 51 triệu gia cầm các loại, thiệt hại ước tính lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Từ đầu năm 2007 đã bùng phát hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (bệnh tai xanh – PSSR) trên lợn, gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi, gây mất an toàn thực phẩm và còn có nguy cơ lây nhiễm sang người nguy hiểm không kém bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm, long móng.
Rõ ràng ngành chăn nuôi phát triển nếu không đi kèm với các biện pháp xử lý chất thải sẽ làm môi trường sống của con người xuống cấp nhanh chóng. Môi trường bị ô nhiễm lại tác động trực tiếp vào sức khoẻ vật nuôi, phát sinh dịch bệnh, gây khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh, giảm năng suất không thể phát triển bền vững.
1.2. Ô nhiễm môi trường trong các cơ sở giết mổ, sơ chế sản phẩm động vât
Theo số liệu điều tra của Cục Thú y, cả nước có 17.129 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó số cơ sở giết mổ tập trung có 617 cơ sở, chiếm tỷ lệ 3,6 %, tập trung tại một số tỉnh Miền Nam. 64,5% cơ sở giết mổ gia cầm nằm trong khu dân cư. Diện tích giết mổ gia cầm rất chật hẹp. 50 – 78% các cơ sở giết mổ có hệ thống xử lý nước thải nhưng rất đơn giản, hiệu quả xử lý thấp. Đối với các cơ sở giết mổ nhỏ ở nông thôn diện tích đất rộng thường làm hệ thống xử lý tự chảy qua hầm kỵ khí (kiểu hầm tự hoại) hoặc túi biogas. Nước thải sau xử lý chảy ra hồ tự thấm . Nhiều chủ cơ sở không nhận thức được sự nguy hại của chất thải lò mổ, chỉ xây hệ thống xử lý chất thải để đối phó, không vận hành, không kiểm tra, không tu bổ, sửa chữa. Kết quả phân tích 180 mẫu nước thải cho thấy Coliform từ 1,1.102 – 7,5.108/ml, E.coli từ 1,9.102 – 6,7.108/ml, Clostridium từ 0,2.102 – 2,1.104/ml, và đều vượt giới hạn cho phép, trên 30% số mẫu phát hiện Salmonella (+). 100% mẫu nước thải đều không đạt TCVN 5945-2005 (cột B) về các chỉ tiêu cơ bản như COD, BOD, SS, nitơ tổng số, phospho tổng số. Lượng gây ô nhiễm cao gấp 1,6 lần đến hàng ngàn lần so với tiêu chuẩn. Phần lớn các cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ không được kiểm soát thú y, không được hướng dẫn giám sát, xử lý chất thải do đó gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Lượng COD, BOD, số lượng vi sinh vật gây bệnh trong chất thải lò mổ cao không chỉ làm giảm khả năng tự làm sạch của nước, tạo ra nhiều chất khí tạo mùi như NH3, H2S gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, ô nhiễm nước mặt và nước ngầm mà còn là nguyên nhân gây lan truyền mầm bệnh từ động vật sang người, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm động vật.
Nguồn gốc chất thải từ chăn nuôi bò.
1.3. Ô nhiễm môi trường trong các cơ sở sản xuất thuốc thú y, chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật
Theo số liệu thống kê cả nước có khoảng gần 100 cơ sở sản xuất thuốc thú y. 190 công ty thuộc 32 nước nhập khẩu khoảng 1.800 loại sản phẩm thuốc thú y cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc thú y trong nước. Các cơ sở sản xuất trong nước có khoảng gần 5000 loại sản phẩm, đáp ứng được 70% nhu cầu thuốc thú y dùng để phòng chống dịch bệnh trong nước đồng thời xuất khẩu đi hơn 10 nước trong khu vực và trên thế giới. Các cơ sở này có quy mô khác nhau nhưng đều sản xuất các loại hoá được, chế phẩm sinh học, vácxin dùng trong thú y ( cho cả động vật trên cạn, lưỡng cư và thuỷ sản).
Theo số liệu ước tính cả nước có khoảng gần 4000 trung tâm nghiên cứu, trung tâm và phòng xét nghiệm chẩn đoán bệnh động vật. Trong đó rất nhiều bệnh thuộc danh mục bệnh phải công bố dịch của OIE, bệnh nguy hiểm và bệnh lây chung cho người và vật nuôi như nhiệt thán, cúm gia cầm H5N1, bệnh do Salmonella…
Tuy quy mô và mục đích hoạt động khác nhau nhưng thành phần chất thải của các cơ sở sản xuất thuốc thú y và các phòng xét nghiệm chẩn đoán bệnh động vật đều chứa các yếu tố nguy hại gồm : máu, dịch cơ thể, chất bài tiết; xác, phủ tạng của động vật có chứa mầm bệnh nguy hiểm, các bệnh truyền lây giữa người và vật; các bệnh phẩm, môi trường nuôi cấy vi sinh vật, xác động vật công cường độc các bệnh nguy hiểm, bệnh phẩm, môi trường nuôi cấy vi sinh vật, động vật bị chết không rõ nguyên nhân trong quá trình thí nghiệm. Đây là loại chất thải nguy hiểm tương tự chất thải y tế, có nguy cơ lan truyền mầm bệnh ra môi trường xung quanh rất cao nếu không được xử lý đúng phương pháp.
Mầm bệnh trong chất thải gồm vi trùng, virus, nấm, ký sinh và ấu trùng hay trứng của chúng. Sự tồn tại của vi sinh vật gây bệnh trong chất thải phụ thuộc nhiều yếu tố. Các điều kiện giúp chúng có khả năng tồn tại lâu trong bao gồm: số lượng ban đầu lớn; nhiệt độ môi trường thấp. Thực tế, số lượng mầm bệnh trong chất thải giảm nhanh do các nguyên nhân: nhiệt độ môi trường không thích hợp; không đủ chất dinh dưỡng; có sự tồn tại và cạnh tranh của nhiều vi sinh vật khác; pH môi trường giảm thấp do acid béo sinh ra từ sự chuyển hóa của các vi sinh vật trong tự nhiên, độ mặn và các hoá chất bổ sung vào chất thải. Tuy nhiên chúng có thể tồn tại một thời gian đủ để gây nhiễm sang vật chủ khác. Thời gian tồn tại của một số vi sinh vật trong chất thải (Strauch, 1987): Salmonella có khả năng sống 286 ngày trong phân trâu bò; B.abortus sống ít nhất 8 tháng trong phân trâu bò; Mycobacterium sống dài nhất đến 155 ngày trong phân trâu bò; Mycobacterium 2 năm trong đất; Leptospira có thể sinh sản trong phân được xử lý hiếu khí; Virus Aujeszky tồn tại trong phân 3 – 15 tuần; Virus Marek sống trong phân 7 ngày; Virus gây African swine fever 60 – 160 ngày; Virus FMD 21 – 103 ngày; Thời gian tồn tại của virus cúm gia cầm H5N1 ở nhiệt độ 4-10oC có khản năng sống tới 4 tháng ; 4 tuần ở nhiệt độ 18oC ( 2007); Trong phân và bệnh phẩm gia cầm virus cúm gia cầm H5N1 sống được 4 ngày ở nhiệt độ 32 -35oC; ở nhiệt độ 4oC sống được 20 -35 ngày. Vi khuẩn có nha bào như B.anthrasis, C.tetani có thể tồn tại nhiều năm trong phân, rác và bùn sa lắng từ chất thải. Chất thải chưa được xử lý thích hợp vào đất gây ra ô nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng, nitrate, và các chất độc khác vào nước ngầm, đất và cây trồng. Vi sinh vật gây bệnh và ký sinh trùng có thể tồn tại trên hoa màu, đặc biệt là lá rau cải khi chúng được tưới bằng nước thải. Các báo cáo cho thấy sự hiện diện của Salmenella, Giardia lamblia và Entamoeba histolytica trên nhiều loại rau củ bán trên thị trường. Sự tồn tại của các vi sinh vật này trên hoa màu phụ thuộc vào loại vi sinh vật, loại hoa màu và môi trường như ánh sáng mặt trời, nhiệt độ, gió và mưa.Chúng có thể tồn tại vài ngày đến nhiều tháng. Trứng ký sinh trùng, đặc biệt là trứng Ascaris có thể tồn tại trong đất 5–7 năm hoặc lâu hơn ở nhiệt độ – 20oC.
Sự thải chất thải hoặc nước thải từ các xí nghiệp sản xuất thuốc thú y, các cơ sở xét nghiệm chẩn đoán bệnh động chưa xử lý hoặc xử lý không thích hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường ( đất, nước). Chất thải không chỉ gây mất cảnh quang môi trường mà còn tác động bất lợi đến hệ sinh vật có ích trong nước, đất; Các loại động vật thủy sinh thân mềm (sò, nghêu) bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh và các hoá chất tồn dư, kim loại nặng, gây ô nhiễm các nguồn nước, kể nước bãi biển. Hậu quả không thể tránh khỏi là ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng. Các nghiên cứu cho thấy vi khuẩn Salmonella và Vibrio cholera được tìm thấy trong nước sông, hồ, biển gần vị trí nước thải chảy ra. Virus gây bệnh đường ruột như poliovirus, coxackie virus, echovirus, adenovirus, và rotavirus cũng được phát hiện trên bãi biển của một số quốc gia như Pháp, Israel, Brazil, Ý, Tây Ban Nha và Mỹ. Tuy nhiên Việt nam chưa có các nghiên cứu về vấn đề này.
Chất thải từ các cơ sở chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật là loại chất thải nguy hại (Danh mục chất thải nguy hại – Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường). Chính vì vậy, xác gia cầm chết phải được thu gom, tiêu hủy và xử lý theo đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại.
1.4. Ô nhiễm môi trường trong quá trình xử lý xác động vật bị dịch bệnh
Trên đàn gia cầm thịt, các bệnh chủ yếu gồm: Newcattle chiếm 40-50%, Gumboro chiếm 27-32%, tụ huyết trùng chiếm 14-15%, ngoài ra còn các bệnh khác như CRD, Marex, đậu gà…. Trên đàn thuỷ cầm thịt, các bệnh chủ yếu gồm: Newcattle, tụ huyết trùng , viêm gan vịt, dịch tả vịt. Đàn gia cầm để trứng thường bị các bệnh Newcattle, tụ huyết trùng, CRD, bạch lỵ, Hội chứng giảm đẻ ( EDS). Theo báo cáo của cục Thú y, bệnh Newcattle xảy ra lẻ tẻ tại các tỉnh , thành phố. Năm 2008 có khoảng trên 44 ngàn con mắc bệnh, số chết và xử lý trên 26 ngàn con. bệnh Marex xẩy ra nhiều nhất tại 3 tỉnh Tiền giang, Long An, Đồng Nai. Số gia cầm bị bệnh chết, tiêu huỷ gần 48 ngàn con. bệnh Gumboro vẫn gây thiệt hại đáng kể cho đàn ga nuôi tập trung theo hướng công nghiệp gây chết hơn 121 ngàn con. Tụ huyết trùng, dịch tả vịt xẩy ra lẻ tẻ ở các địa phương gây chết hơn 30 ngàn con hàng năm.
Ở nước ta, dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở nước ta từ tháng 12 năm 2003 đến nay với 6 đợt phát dịch lớn: Đợt 1 từ tháng 12/2003 – 30/3/2004 xẩy ra trên 57/64 tỉnh, thành phố, số lượng gia cầm bị tiêu huỷ gần 44 triệu con gia cầm; Đợt 2 từ tháng 4/ 2004 – 12/2004 xẩy ra trên 17 tỉnh, thành phố, số lượng gia cầm bị tiêu huỷ gần 80 ngàn con ; sau 17 tháng không xảy ra dịch cúm A (H5N1) ở người (11/2005 – 5/2007); dịch cúm gia cầm tái phát ở Đồng bằng sông Cửu Long, sau đó miền Bắc và miền Trung, 9 tỉnh có dịch. Trong 8 tháng năm 2008, dịch cúm gia cầm xẩy ra lẻ tẻ ở 27 tỉnh, thành phố gây chết và tiêu huỷ tổng số trên 75 ngàn con. Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cảnh báo dịch cúm gia cầm, cúm A (H5N1) ở người vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Năm 2008, dịch PRRS xẩy ra tại một số tỉnh gây thiệt hại lớn, với số lượng lợn chết và tiêu huỷ trên 200 ngàn con. Kết quả nghiên cứu và đánh giá tác động môi trường cho thấy các hố chôn gia cầm trong trại chăn nuôi gây ô nhiễm cục bộ nước ngầm tầng nông khoảng cách 15-40m tuỳ số lượng gia cầm/ hố và điều kiện thổ nhưỡng tuy không có dấu hiệu gây ô nhiễm nước giếng khoan trong khu vực nhưng theo Quyết định số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, xác gia súc, gia cầm là loại chất thải độc hại vì vậy, phải được thu gom, tiêu hủy và xử lý theo đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại.
II. Phân tích thuận lợi và khó khăn
2.1.Thuận lợi
Trong thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Ngoài Luật môi trường, nhiều văn bản của Chính phủ, các bộ ngành đã được ban hành phục vụ công tác bảo vệ môi trường. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động của ngành thú y. Từ năm 2004 đến nay, Bộ đã giao cho cục Thú y chủ trì triển khai một số nội dung xử lý chất thải trong các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở kinh doanh sản xuất thuốc thú y, xây dựng hướng dẫn quản lý chất thải, phương pháp xử lý xác gia súc, gia cầm… Kết quả được hội đồng khoa học đánh giá cao, có tính khả thi, được ứng dụng vào sản xuất.
Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành thú y được xây dựng từ trung ương đến địa phương: cấp Trung ương có 5 Trung tâm Thú y chuyên ngành; 7 Cơ quan Thú y vùng; 17 Trạm Kiểm dịch động vật xuất khẩu, nhập khẩu đóng tại các cửa khẩu, cảng, sân bay quốc tế. Cấp địa phương: 63/64 tỉnh, thành phố có Chi cục Thú y trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 58/63 tỉnh, thành phố có tổ chức mạng lưới thú y cấp xã. Tổng số cán bộ trên 54 ngàn người. Phối hợp hoạt động giữa các bộ phận chặt chẽ. Cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ cho công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng môi trường của Cục Thú y khá tốt. hai trung tâm chuyên ngành đều có phòng môi trường, có nhiều năm kinh nghiệm với trang thiết bị phân tích hiện đại như ELISA, HPLC, PCR..
Hệ thống thú y Trung ương và các tỉnh thành phố có mối quan hệ chặt chẽ với với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan trong và ngoài ngành trong các hoạt động nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng.
2.2. Khó khăn
Trong những năm gần đây, tổng đàn gia súc, gia cầm đã tăng lên không ngừng, nhiều cơ sở chăn nuôi hàng hoá đã ra đời, nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm ưu thế, nước thải chất thải nhiều nơi không được xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Số lượng gia súc, gia cầm tăng nhanh song song với việc gia tăng lưu thông, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm của chúng từ vùng này sang vùng khác khiến cho tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch bệnh xẩy ra ở nhiều nơi trong khi ở nhiều địa phương, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm thực sự.
- Việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thú y của một bộ phận người sản xuất chưa nghiêm túc: chăn nuôi, buôn bán, giết mổ tuỳ tiện, khi gia súc mắc bệnh không khai báo, giết mổ gia súc bị bệnh, vứt xác gia súc bừa bãi.
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật về công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh sản xuất thuốc tuy đã được bổ sung nhưng còn thiếu và bất cập. So với các nước trong khu vực, các văn bản quy phạm pháp luật Thú y của Việt Nam chưa đưa ra các quy định cụ thể, chi tiết và thường thấp hơn quy định của quốc tế. Các biện pháp xử phạp ô nhiễm môi trường trong hoạt động còn thiếu, bất cập. Việc tuyên truyền phổ biến các văn bản luật chưa kịp thời, sâu rộng và sự thực thi chưa được triệt để.
- Chưa có tổ chức ( phòng hoặc bộ phận) quản lý công tác bảo vệ môi trường của cục Thú y và các địa phương. Hoạt động bảo vệ môi trường từ trước đến nay được thực hiện dưới dạng các đề tài, dự án nghiên cứu theo đòi hỏi của thực tế. Trình độ chuyên môn về BVMT của cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nên họ gặp nhiều khó khăn khi thực thi công việc. Cơ sở vật chất và trang thiết bị tuy đã được đầu tư nhưng chưa đầy đủ, đặc biệt các địa phương
III. Giải pháp thực hiện
2.1. Mục tiêu
Ngăn ngừa, hạn chế sự ô nhiễm, suy thoái môi trường trong quá trình phát triển ngành góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Cụ thể
- Xây dựng và hoàn thiện quy chế hoạt động của nhóm làm việc ( Working group), giúp lãnh đạo Cục Thú y xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn trong công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động của ngành;
- Xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực ngành Thú y quản lý : phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, sản xuất thuốc và chẩn đoán điều trị bệnh động vật ;
- Nâng cao nhận thức của cán bộ và người sản xuất về tác hại của ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, áp dụng các biện pháp giảm thải, xử lý chất thải, tái sử dụng chất thải nhằm bảo vệ môi trường, sản xuất bền vững, phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường trong quá trình sản xuất ;
- Điều tra, đánh giá thực trạng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi, giết mổ, sản xuất kinh doanh thuốc thú y làm cơ sở cho các biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường ; Đến năm 2015, có 100 % cơ sở giết mổ tập trung có đánh giá ĐTM và có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường ; 100% cơ sở chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật ; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú y có hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn; có hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn
- Từng bước đáp ứng yêu cầu về môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế (năng lực quản lý, kỹ thuật xử lý môi trường…)
2.2. Kế hoạch
2.2.1. Xây dựng và hoàn thiện nhóm làm việc
Với tiềm lực sẵn có của ngành, Cục Thú y có chủ trương xây dựng tổ chức bộ máy gọn, nhẹ, ứng phó nhanh, làm việc có hiệu quả, phân công, phân cấp cụ thể không chồng chéo, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Cục đến từng chi cục; Phát huy sức mạnh sẵn có của tổ chức thú y từ TW đến địa phương; Sử dụng tối đa các tiềm lực về máy móc, thiết bị và nhân lực sẵn có đồng thời tăng cường năng lực các phòng thí nghiệm phục vụ công tác bảo vệ môi trường; Phòng kế Hoạch, Khoa học và hợp tác Quốc tế – Cục Thú y là bộ phận giúp việc Cục trưởng và làm đầu mối, liên hệ với Cơ quan cấp trên là Vụ KHCN và Môi trường – Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, với các trung tâm kỹ thuật thuộc Cục ( Trung tâm Kiểm tra Vệ sinh Thú y TW 1 và 2, Trung tâm chẩn đoán và 07 trung tâm vùng), các Chi Cục Thú y. Trên cơ sở đó, Cục Thú y thành lập nhóm làm việc (Working group) bao gồm thành phần như sau: 01 Phó cục Trưởng phụ trách, 01 cán bộ phòng Kế hoạch – trưởng nhóm cùng các thành viên của cục thú y, Trung tâm chuyên ngành và các chi cục ( theo danh sách kèm theo); Nhóm hoạt động theo quy chế được Cục Thú y ban hành sau khi có ý kiến của Phòng Môi trường – Vụ KHCN và MT Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn.
2.2.2. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về BVMT trong hoạt động của ngành Thú y
- Hoạt động bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ không thể tách rời trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, sản xuất, kinh doanh thuốc …của ngành Thú y do đó lồng ghép chương trình tuyên truyền bảo vệ môi trường trong các hoạt động phát triển cộng đồng, các hoạt động xã hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng;
- Tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo, tọa đàm nhằm cung cấp thông tin cho người dân, giải đáp các vấn đề môi trường, phản ánh kịp thời các vấn đề môi trường đang tồn tại hoặc mới phát sinh. Công khai các cá nhân, tổ chức, các vụ việc vi phạm qui định bảo vệ môi trường tại địa phương;
- Thông qua tuyên truyền, kềt hợp với Trung tâm khuyến nông Quốc gia tập huấn nông dân áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, giết mổ bằng các công nghệ phù hợp nhằm giảm ô nhiễm môi trường.
2.2.3. Tăng cường năng lực quản lý, BVMT, thể chế hoá yêu cầu BVMT trong các hoạt động, sản xuất
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
- Xây dựng và ban hành các quy chuẩn, quy phạm,hướng dẫn để triển khai thực hiện công tác BVMT trong thú y.
- Tăng cường công tác phối hợp quản lý môi trường giữa các đơn vị trong và ngoài ngành thú y.
2.2.4. Nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi, thú y
- Xây dựng dự án điều tra cơ bản về hiện trạng môi trường và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, giết mổ gia súc, nuôi trồng chế biến thuỷ sản…làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách quản lý phù hợp.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN bảo vệ môi trường các lĩnh vực: công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, chế biến giết mổ, sản xuất thuốc và nuôi trồng và chế biến thuỷ sản;
- Nghiên cứu hoàn chỉnh hệ thống quản lý dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y, giết mổ găn liền với công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.
- Nghiên cứu, lựa chọn mô hình quản lý chất thải lò mổ, trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất thuốc thú y, các cơ sở khảo nghiệm, kiểm nghiệm giống vật nuôi phù hợp để áp dụng vào thực tế;
- Nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, ưu đãi, khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường trong các khu vực chăn nuôi, giết mổ tập trung đã được quy hoạch ; các cơ quan, đơn vị và cá nhân tham gia những hoạt động BVMT như: nghiên cứu ứng dụng và khảo nghiệm giống, thức ăn, hoá chất và công nghệ xử lý ô nhiễm, BVMT
- Triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN BVMT cho các cơ sở sản xuất; áp dụng công nghệ mới tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường hơn; khuyến khích các cơ sở áp dụng sản xuất sạch hơn.
- Đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho các Trung tâm Kiểm tra Vệ sinh Thú y TW1 và 2 , viện Thú y, viện chăn nuôi để tăng cường năng lực trong công tác, kiểm tra, kiểm soát và quan trắc cảnh báo môi trường, dịch bệnh. Đảm bảo các trung tâm này có đủ khả năng kiểm soát và xử lý các vấn đề môi trường của ngành trên phạm vi quản lý.
- Có cơ chế khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài nước đầu tư, nghiên cứu giải quyết những vấn đề môi trường nổi cộm trong lĩnh vực chăn nuôi – thú y .
2.2.5. Phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm
- Thực hiện nghiêm túc ĐTM đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến, sản xuất mới thành lập. Nếu không đạt yêu cầu kiên quyết không cấp phép xây dựng.
- Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thân thiện với môi trường, sản xuất sạch hơn. Tùy điều kiện cụ thể từng nơi để lựa chọn các mô hình phù hợp nhằm đảm bảo việc thu gom triệt để nguồn thải từ quá trình chăn nuôi, không để các nguồn thải phát tán ra ngoài môi trường, sử dụng một số chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn và chất thải chăn nuôi nhằm hạn chế khí độc hại và vi sinh vật có hại, giảm ô nhiễm môi trường.
- Khuyến khích việc tái sử dụng chất thải của vật nuôi thông qua hệ sinh thái tự nhiên hoặc tác động của con người. Đây cũng là xu thế chung của các nước trên thế giới hướng tới những hành động thân thiên với môi trường. Xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ sinh học là giải pháp được ưu tiên so với các giải pháp khác. Thực hành quản lý hệ thống chăn nuôi đồng bộ theo một quy trình khép kín từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ.
2.2.6. Đẩy mạnh hợp tác giữa các tổ chức, cơ quan
- Tuyên truyền, phổ biến và thực thi các Công ước quốc tế liên quan đến BVMT
- Hàng năm tổ chức các cuộc hội thảo để tổng kết, đánh giác những nội dung đã thực hiện, tồn tại cần khắc phục trong công tác bảo vệ môi trường đồng thời trao đổi kinh nghiệm trong công tác quỷan lý và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ giữa các Cục, Vụ, Viện, các tỉnh thành phố.
- Nâng cao năng lực thực hiện các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi – thú y có liên quan đến môi trường.
Naipet.com