Một trong những thách thức khi loại bỏ dịch bệnh là phải đảm bảo rằng tất cả tác nhân gây bệnh đã thật sự được loại bỏ khỏi đàn. Mặc dù, điều này nghe rất đơn giản nhưng rất khó để xác định 100%. Để trả lời câu hỏi này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: đặc điểm của tác nhân gây bệnh, các xét nghiệm chẩn đoán và các biểu hiện lâm sàng của bệnh.
Trong trường hợp của vi-rút PRRS (Hội chứng rối loạn hô hấp sinh sản trên heo), điều này là rất quan trọng cho việc xác định chương trình loại bỏ vi-rút PRRS đã được hoàn tất và xác định khi nào có thể tái đàn với heo hậu bị sạch bệnh. Hơn nữa, việc xác định chính xác vi-rút PRRS đã được loại bỏ hoàn toàn sẽ giúp hỗ trợ việc kiểm soát bệnh này khi tái đàn trong tương lai.
Ở những đàn giống loại bỏ vi-rút PRRS bằng cách đóng đàn, tỷ lệ heo nái và heo hậu bị nhiễm vi-rútgiảm dần theo thời gian do việc loại thải những heo nhiễm và tỷ lệ heo cai sữa dương tính với vi-rút cũng giảm dần. Nguy cơ virus tồn tại và lưu hành trong đàn giống xuất phát từ việc nuôi ghép hoặc giữ lại những heo già, vì điều này tạo điều kiện cho vi-rút tồn tại trong trại đẻ.
Xác định đối tượng mục tiêu
Chương trình quản lý kiểm soát bệnh PRRS trong đàn giống cần thực hiện trên cả 3 nhóm heo: heo nái, nái hậu bị và heo con. Nái hậu bị có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn heo nái. Heo con cũng là nguồn vi-rút nếu chúng nhiễm từ lúc sinh ra và sau đó lây nhiễm virus cho những heo âm tính ở giai đoạn cai sữa. Trên thực tế, heo hậu bị và heo con trong trại đẻ là 2 đối tượng mục tiêu của chương trình kiểm sóat bệnh.
Sau khi kết thúc giai đoạn đóng cửa đàn trong chương trình kiểm soát bệnh PRRS, cần phải lấy mẫu xét nghiệm những nái thay thế âm tính với vi-rút PRRS vào thời điểm được đưa vào đàn trước đó. Vì những heo này dễ cảm nhiễm với vi-rút và sẽ là những heo chỉ báo tốt nhất cho sự tồn tại của vi-rút trong đàn. Chương trình giám sát sẽ bắt đầu khi nái hậu bị được tiếp xúc với heo nái trong đàn đã nhiễm bệnh ít nhất là hơn 30 ngày và tốt nhất là trong vài tháng.
Chương trình được xem là thành công nếu sau đó xác định đàn âm tính vẫn luôn duy trì tình trạng âm tính.
Cần phải liên tục lấy mẫu của heo con trước cai sữa, kết hợp với việc lấy mẫu từ nái hậu bị chỉ báo. Nếu chỉ dựa trên việc lấy mẫu từ heo con thì có thể việc chậm phát hiện heo con dương tính làm cho chương trình loại bỏ hoàn toàn vi-rút PRRS bị thất bại.
Tần số và số lượng mẫu
Điều quan trọng là phải lấy mẫu liên tục theo thời gian và không chỉ lấy một mẫu.
Trong báo cáo của Linhares và cộng sự (2012), chương trình giám sát vi-rút PRRS phải được tiến hành trên đàn heo con liên tục theo thời gian khi muốn xác định đàn giống đó âm tính.
Trong nghiên cứu này, 17 trong số 60 trang trại có ít nhất 1 tháng kết quả PCR âm tính (sau khi cho kết quả PCR dương tính) và 4 trang trại có ít nhất 2 tháng liên tục kết quả PCR âm tính (sau khi cho kết quả PCR dương tính). Ngoài ra, việc lấy mẫu từ heo con tuổi lớn và heo kém phát triển cũng làm tăng cơ hội phát hiện heo nhiễm (theo Cano và cộng sự, 2008). Nái hậu bị là một đối tượng tốt để lấy mẫu, tốt nhất là lấy mẫu từ dịch miệng.
Khi tỷ lệ nhiễm thấp, số lượng mẫu được lấy để có ít nhất một mẫu dương sẽ khá lớn. Theo Cano và cộng sự (2008) nếu tỷ lệ dương tính là 7% ở heo con cai sữa trong một đàn nái, để phát hiện heo dương tính với độ tin cậy là 95%, cần phải lấy 41 mẫu để đảm bảo đánh giá với độ chính xác 100%. Trong thực tế, chúng ta thường lấy khoảng 30 mẫu để phát hiện ít nhất một mẫu dương tính với tỷ lệ lưu hành là 10% và độ tin cậy là 95% (và 60 mẫu nếu tỷ lệ lưu hành là 5% theo dự tính). Khả năng bỏ sót trường hợp dương tính sẽ giảm nếu việc lấy mẫu được thực hiện liên tục theo thời gian. Vì vậy, cần thiết phải thực hiện một chương trình giám sát thường xuyên, có hệ thống.
Lựa chọn các xét nghiệm
Lưa chọn các xét nghiệm để chẩn đoán vi-rút PRRS là rất quan trọng. ELISA chưa cho phép phân biệt heo bị nhiễm tự nhiên và heo đã tiêm chủng vắc-xin. Vì vậy, xét nghiệm huyết thanh bị hạn chế trong việc theo dõi heo bị nhiễm trước đó và heo có miễn dịch thụ động. Xét nghiệm huyết thanh nên được sử dụng cho những đàn heo âm tính với những heo thay đàn âm tính. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, kết quả huyết thanh dương tính nên được xác nhận lại với thử nghiệm IFA vì kết quả ELISA không chính xác 100%.
Phương pháp PCR được xem là 1 lựa chọn tốt để theo dõi trên heo con. Ở heo con, tốt nhất là lấy mẫu máu hơn là mẫu dịch miệng (do rất khó lấy). Mẫu amidan cũng có thể được sử dụng để xác định heo lớn mang trùng, tuy nhiên việc lấy mẫu rất khó khăn nên không được khuyến cáo trong thực tế.
Tóm lại, việc xác định đàn âm tính với vi-rút PRRS là 1 quá trình khó khăn và tốn kém. Tuy nhiên, việc lấy mẫu liên tục theo thời gian ở những đàn mẫn cảm sẽ làm tăng cơ hội để xác định đàn đó có thực sự âm tính hay không. Đối với vi-rút PRRS, điều này bao gồm cả việc theo dõi heo nái hậu bị có kết quả huyết thanh âm tính sau khi đã được nhập vào đàn. Và việc theo dõi tình trạng nhiễm của heo con trước cai sữa bằng phương pháp PCR theo thời gian cũng được khuyến cáo nhằm xác định sự bài thải vi-rút PRRS từ heo nái, cũng như xác định thời điểm nhập heo âm tính với PRRS vào đàn.
Naipet.com