Giảm Số Ngày Lãng Phí Cám Ở Heo Nái

0

1. Vì sao phải giảm số ngày cấp cám lãng phí?

Khi xem xét số liệu về năng suất sinh sản ta thường nghĩ đến số lứa đẻ/năm của nái và số heo con cai sữa/nái/năm (PSY). Trong khi đó, thời gian mang thai và thời gian nuôi con trại đã quyết định trước. Chính vì vậy, để tăng năng suất thì cần phải giảm số ngày cấp cám lãng phí. Ở đây, không phải nói số heo con đẻ ra và tỷ lệ chết ở trại đẻ không có ý nghĩa quan trọng nhưng xét về mặt số liệu kinh doanh thì số ngày cấp cám lãng phí có ảnh hưởng lớn hơn so với số heo con đẻ ra. Sự lãng phí này ảnh hưởng trực tiếp tới heo con, heo thịt, số con xuất chuồng và lợi nhuận. Nếu giảm số heo xuất chuồng thì sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của một heo con.

giam-so-ngay-lang-phi-cam-o-heo-nai

2. Nắm rõ tình trạng nông trại.

Trường hợp, nếu nái nuôi dưỡng chung trong một ô chuồng lớn thì việc nắm rõ tình trạng từng con sẽ rất khó. Tuy nhiên, nếu heo được nuôi dưỡng trong chuồng cá thể thì việc nắm bắt tình trạng thường dễ dàng hơn. Những nông trại có PSY trên 30 con không phải là những nông trại có trang thiết bị quá đặc biệt mà đó là những nông trại quản lý phù hợp và nắm rõ tình hình của trại mình.

3. Quản lý khoảng cách từ khi cai sữa tới phối.

Khoảng cách từ ngày cai sữa tới khi phối có ảnh hưởng rất lớn tới số ngày lãng phí cám. Nếu rút ngắn được thời gian này thì tăng được lợi nhuận. Thời gian này có thể rút ngắn được 12 tiếng nếu ta kiểm tra lên giống kỹ, chiều chủ nhật vẫn đưa heo vào phối. Theo tài liệu nghiên cứu của Đan Mạch, nếu phối vào ngày thứ tư sau cai sữa thì số lượng heo con đẻ ra sẽ ở mức cao nhất. Chính vì vậy, thời gian từ lúc cai sữa cho đến lần phối tiếp theo rất quan trọng. Ngoài ra, trong thời gian nái nuôi con không để chúng giảm trọng lượng quá nhiều.

4. Giảm số nái chết và nái đào thải sau khi phối.

Một trong những nguyên nhân làm tăng số ngày lãng phí cám là nái chết hoặc đào thải khi mang thai vì điều này làm ảnh hưởng tới sự luân chuyển bố trí chuồng trại và lãng phí cám. Để giảm những sự cố này thì cần bố trí nhân viên quan sát và theo dõi. Ngoài ra, việc điều chỉnh cám, tình trạng hệ tiêu hóa của nái cũng rất quan trọng.

Những trại có năng suất tốt, có PSY bình quân chênh lệch với những trại khác tới 6,7 con chính là do quá trình quản lý nuôi dưỡng có những khác biệt lớn.

5. Nhanh chóng phát hiện nái có vấn đề.

Phát hiện sớm những nái có vấn đề và điều trị đúng phương pháp. Nếu giảm số ngày lãng phí cám tới mức tối đa thì đó là chìa khóa dẫn tới hiệu quả kinh tế trong việc sản xuất heo con.

Để phát hiện sớm những nái có vấn đề cần áp dụng theo các biện pháp sau:

  • Sau khi phối từ 14 – 15 ngày, cần quan sát cơ quan sinh dục nái. Cần chú ý kỹ những nái có tiết dịch nhầy và ghi chép vào sổ quản lý nái.
  • Từ ngày thứ 18, sử dụng heo đực và ấn vào lưng nái để kiểm tra heo lên giống. 60% heo lên giống lại rơi vào khoảng thời gian từ 18 – 24 ngày.
  • Kiểm tra xác định heo mang thai lần 01 nên chọn ngày thứ 23. Tuy nhiên, từ sau khi phối tới ngày thứ 23 thì mỗi ngày vẫn phải kiểm tra lên giống. Đa số các nông trại khi kiểm tra tới giai đoạn này là kết thúc, nhưng ở một số nông trại nếu có vấn đề thì vào tuần thứ 6 sau khi phối nên kiểm tra xác định heo mang thai lần 2.
  • Kiểm tra xác định heo mang thai lần 2 được tiến hành trong suốt một tuần vào tuần thứ 6 sau khi phối.

6. Lập kế hoạch xử lý heo lên giống lại.

Nếu heo lên giống lại lần đầu không phải do bệnh hay tuổi tác thì nên phối lại.
Trường hợp nái lên giống lại lần 2 hoặc lần 3 thì ta cần tìm nguyên nhân điều trị rồi sau đó mới phối lại.

Những heo nghi ngờ lên giống lại thì cần sử dụng đực, tạo stress, bổ sung cám, tạo các kích thích để nhanh chóng điều trị.

7. Tính toán số ngày cấp cám.

Hai nông trại có quy mô mỗi trại 500 nái bao gồm hậu bị. Trại A có số ngày cấp cám lãng phí là 45 ngày/nái/năm, trại B là 30 ngày/nái/năm. Thời gian mang thai được tính là 116 ngày và thời gian nuôi con là 25 ngày.
Chênh lệc số lứa đẻ/năm:

  • Số lứa đẻ/năm = (365 – số ngày lãng phí cám) : (thời gian mang thai + thời gian nuôi con).
  • Số lứa đẻ/năm trại A = (365 – 45) : (116 + 25) = 2,27
  • Số lứa đẻ/năm trại B = (365 – 30) : (116 + 25) = 2,38
  • Chênh lệch trại A và B: 2,38 – 2,27 = 0,11.

Chênh lệch số con cai sữa:

  • Trại A = 2,27 x số con cai sữa/nái/lứa (11 con) x số nái (500 con) = 12.485 con.
  • Trại B = 2,38 x số con cai sữa/nái/lứa (11 con) x số nái (500 con) = 13.090 con.
  • Chênh lệch trại B và A: 13.090 -12.485 = 605 con.

Naipet.com

Facebook Comments
Share.

Chat
1