Chăm Sóc Heo Nái Trong Thời Gian Sinh Và Nuôi Con

0

Chương trình sức khỏe vật nuôi phải đảm bảo giảm tối thiểu khả năng phơi nhiễm bệnh của heo nái, hoặc giảm khả năng mang bệnh trong thời gian mang thai, nhằm tối đa hóa khả năng sống trong tuần đầu sau khi sinh của heo con và khả năng tăng trưởng của bầy heo con đến lúc cai sữa, xuất chuồng. Nái nên được quản lý một cách thoải mái và nhẹ nhàng, theo một chương trình đều đặn mỗi ngày.

Newborn piglets suck the breasts of his mother

Heo nái khỏe là chìa khóa thành công cho trang trại.

1. Trước khi sinh:

Tẩy giun cho nái:
Nếu nái có dấu hiệu nhiễm giun thì nên tẩy giun 2 tuần trước khi di chuyển sang trại đẻ. Cũng nên điều trị nhiễm ngoại kí sinh trùng tối thiểu 2 lần (theo khuyến cáo thời gian sử dụng lặp lại của sản phẩm) trong một vài ngày trước khi di chuyển sang trại đẻ.

Chuẩn bị ở trại đẻ:
Nếu có thể, nên làm vệ sinh toàn bộ các chuồng trong trại đẻ bao gồm làm sạch các chất hữu cơ, khử trùng, để trống chuồng 5 – 7 ngày trước khi di chuyển nái qua chuồng đẻ. Khi không thể thực hiện những điều này, tối thiểu nên làm sạch các chất bám hữu cơ, khử trùng mỗi chuồng riêng rẻ trước khi di chuyển heo nái mới về chuồng. Công tác khử trùng sẽ không có hiệu quả nếu chưa làm sạch các mảng bám hữu cơ. Hiện nay, trên thị trường đang có rất nhiều sản phẩm khử trùng tốt như muối amonium bậc bốn, hỗn hợp idoform và nhiều sản phẩm khác như dung dịch kiềm tính … đều có hiệu quả khi công việc làm sạch đã được thực hiện. Một vài sản phẩm khử trùng có chứa than đá, hắc ín hoặc dung dịch kiềm tính đều gây hại cho heo, do đó cần làm sạch những sản phẩm này sau vài giờ sử dụng đặc biệt là trên các bề mặt heo có tiếp xúc trực tiếp.

Tắm cho nái:
Trước khi di chuyển nái đến trại đẻ, nên sử dụng nước ấm và xà phòng nhẹ làm sạch các đầu vú và vùng bụng. Công việc này giúp hạn chế đất và phân hữu cơ bám, đây là những yếu tố có thể mang vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy cho heo con trong giai đoạn cai sữa. Ngoài ra, công việc này cũng giúp hạn chế vấy nhiễm trứng ascaris (giun tròn) – nguồn lây bệnh cho heo con trong giai đoạn cai sữa.

Khẩu phần thức ăn của nái:
Trước khi sinh, có thể cho nái ăn khẩu phần tương tự như khi mang thai, cho ăn giới hạn 2 – 3kg/ngày tùy theo điều kiện chuồng nuôi, thời tiết. Tốt hơn nên cung cấp thức ăn giúp nhuận trường, hạn chế táo bón cho nái trước khi sinh. Có thể hạn chế chứng táo bón cho nái hoặc điều trị cho nái bằng việc sử dụng những thành phần thức ăn có cấu trúc vật lý lớn, bổ sung muối Mg với hàm lượng 10kg/tấn thức ăn hoặc bổ sung KCI khoảng 7kg/tấn thức ăn hoặc sử dụng bánh dầu hạt lanh như một nguồn protein hoặc bổ sung thêm các thành phần khác giúp nhuận trường. Có thể sử dụng lúa mạch hoặc cám mì khoảng 25% để có thức ăn với cấu trúc vật lý lớn; hoặc có thể sử dụng các nguồn chất xơ khác như cỏ linh lăng, bột củ cải đường. Nhanh chóng loại bỏ những thành phần thức ăn có cấu trúc vật lý lớn sau khi nái sinh. Luôn cung cấp đủ nước uống cho nái nhưng cần hạn chế rò rỉ nước làm tăng độ ẩm trong chuồng.

2. Giai đoạn sinh và nuôi con:

Yêu cầu môi trường:
Nhiệt độ thích hợp cho heo nái là từ 55 – 75oF (khoảng 13 – 24oC), nếu nhiệt độ chuồng nuôi cao hơn phạm vi nhiệt độ này thì tính thèm ăn và năng suất của heo nái có thể giảm. Đối với dạng chuồng làm bằng nền cứng hoặc nền chuồng xẻ rãnh, không có nệm lót, heo con nên được nuôi ở nhiệt độ 90 – 95oF (32 – 35oC) trong vài ngày đầu tiên, sau đó giảm nhiệt độ xuống còn 70 – 80oF (21 – 27oC) cho đến lúc cai sữa, khoảng 3 – 6 tuần tuổi.

Đảm bảo độ thông thoáng thích hợp ở mọi thời điểm:
Sẽ tốt hơn đối với nái được nuôi dưỡng trong chuồng mái khi vào mùa nóng. Theo kết quả nghiên cứu từ Trường Đại học bang Kansas, lắp đặt hệ thống vòi phun sương trong chuồng đẻ để làm mát vùng cổ và vùng vai của nái luôn mang lại kết quả tốt. Mỗi vòi phun cung cấp 0,8 gallon/giờ (1 gallon = 3,78 lít) và chỉ nên để vòi phun hoạt động khi nhiệt độ cao hơn 85oF (30oC). Nái được nuôi dưỡng trong chuồng nuôi thoáng mát sẽ giảm nhịp hô hấp, tăng lượng thức ăn tiêu thụ mỗi ngày, ít hao hụt trọng lượng khi nuôi con hơn so với nái không được nuôi trong chuồng mát. Tất cả heo nái trong nghiên cứu này đều được nuôi trên nền chuồng có xẻ rãnh.

Nhận biết thời gian heo nái sinh:
Nái phải được đưa vào đúng nơi và đúng thời điểm khi sinh, tùy theo hệ thống quản lý được sử dụng. Căn cứ vào ngày phối thì sẽ tính được ngày dự sinh, khi gần đến ngày dự sinh cần tăng cường quan sát để có biện pháp quản lý nái đẻ thích hợp. Những dấu hiệu ở giai đoạn mang thai cuối giúp chúng ta đảm bảo nái đẻ đúng nơi.
Nếu heo nái sinh trong chuồng cá thể thì nên di chuyển heo nái về chuồng sinh trước ngày mang thai thứ 110. Điều này giúp tránh hao hụt lứa đẻ ở giai đoạn cuối của chu kỳ mang thai thông thường (111 – 115 ngày) và cho nái mẹ có thời gian làm quen với hệ thống trang thiết bị, chuồng trại, cũng như với việc chăm sóc nái hằng ngày trước khi sinh. Nếu không tính được ngày dự sinh, cần chú ý quan sát heo nái hàng ngày vào giai đoạn cuối của thời kỳ mang thai, dựa theo các dấu hiệu như: bụng to ra, âm hộ sưng, vú nở để có thể dự đoán được ngày sinh của nái.
Thông thường, khi ấn đầu vú thấy có sữa bắn ra là dấu hiệu nái sẽ sinh trong vòng 24 tiếng sau đó. Lúc đầu sữa có thể màu xám, nhưng càng về gần thời điểm sinh thì sữa sẽ chuyển sang màu trắng. Nái có các biểu hiện bồn chồn, lo lắng, luôn tìm cách thoát khỏi chuồng, cắn phá đồ đạc, đi tiểu thường xuyên, có các hành động như cào đất làm tổ. Nếu quan sát thấy sữa thì nên chuẩn bị và di chuyển ngay nái đến chuồng đẻ. Nếu chuồng đẻ đã chuẩn bị sẵn sàng, cần di chuyển cả những con nái nghi ngờ đến, không nên chờ “thêm một ngày”. Có thể sử dung các sản phẩm kích thích nái sinh như prostaglandin (theo sự chỉ dẫn của bác sỹ thú y) nhằm lên kế hoạch sử dụng chuồng trại và công tác chăm sóc nái phù hợp. Tuy nhiên, khi đã sử dụng thuốc kích nái sinh, cần phải xác định rõ ngày sinh của nái.

Diễn biến quá trình sinh:
Cẩn thận chăm sóc nái trong lúc sinh để giảm số lượng heo con chết trong lúc sinh để giảm số lượng heo con chết trong khi sinh hoặc chết vài giờ sau khi sinh; cần giúp heo con gỡ bỏ màng bọc, thực hiện các sơ cứu giúp heo con yếu ớt hồi sinh, cẩn thận chăm sóc bầy heo con, tránh để heo con chết do những nguyên nhân khác trong vài ngày đầu sau khi sinh.
Thời gian nái sinh có thể kéo dài từ 30 phút đến hơn 5 tiếng. Đầu hoặc chân sau của heo con có thể ra trước, cả hai tư thế sinh này đều là bình thường. Màng thai hoặc nhau có thể được tống ra nhiều lần ngay trong quá trình sinh, nhưng thông thường nhau thai được tống ra vào giai đoạn cuối của quá trình sinh. Thỉnh thoảng, heo con bị dính chặt vào nhau thai, lúc này phải ngay lập tức bóc nhau thai ra nếu không heo con sẽ nghẹt thở. “Stillborn” – chết tươi, là cụm từ dùng để chỉ heo con chết trong lúc sinh hoặc chết trong vài ngày sau khi sinh. “Mummies” – thai gỗ, dùng để chỉ những thai chết đã lâu trong bụng mẹ, chất dịch lỏng và các mô mềm của phôi thai chết bị tái hấp thu lại nên thai chết trở nên khô, nhưng chưa phải là bộ xương.
Thời gian trung bình giữa hai heo con sinh ra là khoảng 15 phút, nhưng cũng có thể thay đổi, sinh đồng thời hay lâu hơn tùy trường hợp cụ thể. Trong trường hợp nái sinh chậm nhưng không có các dấu hiệu bất thường khác có thể sử dụng oxytocin để kích thích nái sinh nhanh hơn, lưu ý phải sử dụng đúng cách. Theo kinh nghiệm, không được phổ biến nhưng được sử dụng rộng rãi là nên tiêm oxytocin khi sau hơn 30 phút sinh con thứ nhất chưa thấy sinh con thứ hai hoặc không thấy tống xuất màng thai. Không nên tiêm oxytocin khi heo con vẫn được sinh ra liên tiếp. Không nên sử dụng oxytocin nếu có các triệu chứng như nái căng thẳng, đau đớn nhưng lại không sinh được heo con, điều này cho thấy heo con đang bị kẹt lại trên đường sinh ra.
Các trường hợp nái sinh khó, lứa đẻ lớn, nái già thường sẽ tăng số lượng heo chết trong lúc sinh và trong vài tuần đầu sau khi sinh. Heo nái được cho ăn quá nhiều trong thời giang mang thai và một vài cá thể do cơ địa, thường sinh khó. Cho nái ăn đúng mức hoặc chọn lựa và loại thải nái quá gầy sẽ hạn chế heo sinh khó.

Hỗ trợ những ca sinh khó:
Đôi lúc, hỗ trợ bằng tay là cần thiết để giúp nái sinh nhanh nhưng không nên sử dụng nếu không thật cần thiết. Nếu quan sát trong một khoảng thời gian dài mà nái vẫn chưa sinh được con thì cần thiết phải hỗ trợ. Làm sạch các cơ quan bên ngoài đường sinh dục (như vùng mông, âm hộ …) bằng xà phòng loãng, đựng nước sạch để rửa trong một thùng chứa sạch. Găng tay, tay phải sạch và được bôi trơn để dễ dàng xâm nhập sâu vào đường sinh dục của heo nái, tiếp cận với heo con đang nằm; nắm chặt heo con một cách nhẹ nhàng và lôi một cách dứt khoát để hỗ trợ nái sinh con.
Những trường hợp sinh khó thường có nguy cơ bị hội chứng MMA (hội chứng viêm vú, viêm tử cung, mất sữa). Để giảm nguy cơ dẫn đến biến chứng khi hỗ trợ bằng tay, sử dụng kháng sinh, ví dụ như nitrofurazone, là một giải pháp hữu hiệu. Kháng sinh có thể được sử dụng tương tự như một chất bôi trơn. Bơm khoảng 50 – 100cc dung dịch kháng sinh vào đường sinh dục sau khi nái sinh nhằm giảm và ngăn ngừa nhiễm trùng. Cũng có thể sử dụng kháng sinh để tiêm bắp.

Nái kích động, dễ bị kích thích:
Một vài heo nái trở nên kích động và nguy hiểm tạm thời, những nái này thường giẫm hoặc nằm đè lên heo con hay thậm chí là cắn chết bầy heo con của chúng. Nhiều người chăn nuôi chọn giải pháp loại thải những con nái này. Cần chú ý đến những heo nái dạng này để tránh mất mát heo con mới sinh. Trong trường hợp này, có thể hạn chế hoặc giảm tối thiểu hao hụt heo con mới sinh bằng cách chuyển ngay chúng sang chuồng úm cho đến khi nái đã sinh xong. Thông thường, sự kích động sẽ được giảm bớt trong vài giờ đồng hồ. Có thể kiểm tra phản ứng của heo nái bằng cách đặt một con heo con lại gần và quan sát thái độ của nái mẹ.

Dinh dưỡng cho heo con mới sinh:
Kháng thể sữa đầu là nguồn bảo vệ tạm thời nhưng rất quan trọng đối với heo con sau khi sinh để phòng chống bệnh do vi khuẩn. Heo con được sinh ra trong môi trường chứa đầy những vi khuẩn nguy hiểm. Kháng thể từ sữa đầu của heo mẹ là cách bảo vệ tốt nhất chống lại những vi khuẩn gây bệnh. Nái mẹ được cung cấp dinh dưỡng phù hợp, khẩu phần nhuận trường trước và sau khi sinh, nuôi dưỡng trong môi trường có nhiệt độ thích hợp, sạch sẽ không chứa vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm; tất cả những yếu tố này sẽ hỗ trợ heo mẹ sản xuất sữa đầy đủ cho heo con.
Heo con có thể không bú được sữa mẹ do heo mẹ hung hăng, số heo con đẻ ra quá lớn, heo con nhỏ hoặc yếu ớt, heo mẹ chết sau khi sinh hoặc sản xuất sữa ít. Có nhiều cách để cung cấp kháng thể cho heo con như cho heo con bú sữa non trong bình, ghép bầy heo con sơ sinh vào nái mới sinh có nhiều sữa, heo mẹ được chọn ghép phải mới sinh trong vòng 3 ngày. Sữa no có thể được vắt bằng tay, đem giữ lạnh, cho heo con uống sau khi cung cấp cám tổng hợp. Mặc dù, không hiệu quả những sữa non của bò cũng có thể giữ lạnh và cung cấp cho heo con mới sinh. Về lâu dài, có thể chọn phương pháp xoay vòng heo con theo một nái mẹ khác mà bầy heo con của nái này đã được chuyển sang cho nái dành riêng cho mục đích nuôi con.

Chọn những nái chăm con tốt, có bầy heo con trên 3 tuần tuôi để làm nái nuôi dưỡng cho heo con mới sinh. Nên cho heo con bú ít sữa đầu trước khi chuyển sang cho nái nuôi dưỡng. Các sản phẩm sữa thay thế dành cho heo con sơ sinh có hàm lượng dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu của heo con, nhưng lại không có kháng thể, mà chứa kháng sinh giúp kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Các sản phẩm sữa thay thế có chất lượng tốt có thể giúp heo con sống và tăng trưởng tốt. Hiệu quả sử dụng sữa thay thế còn phụ thuộc vào tình trạng vệ sinh của trang thiết bị và chuồng nuôi heo con, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Tiêu chảy là một bệnh phổ biến thường xảy ra trong môi trường tạm bợ. Môi trường ướt, lạnh và cho ăn quá nhiều sẽ tạo điều kiện cho bệnh tiêu chảy phát triển.

Khẩu phần của heo nái trong giai đoạn nuôi con:
Nái không cần ăn trong 12 – 24 tiếng sau khi sinh nhưng luôn luôn cần nước uống. Khẩu phần đầu tiên của heo nái sau khi sinh nên vào khoảng 1 – 1,5kg thức ăn nhuận trường; tăng dần lượng thức ăn cho nái đến mức ăn tối đa sớm nhất có thể sau khi sinh. Có thể cho heo nái ăn nhiều vào ngày sinh. Nhóm nái gầy sau khi sinh sẽ hồi phục tốt hơn nếu được cho ăn nhiều ngay sau khi sinh.
Những heo nái nuôi nhiều heo con cần rất nhiều dinh dưỡng trong giai đoạn nuôi con. Nhu cầu này tùy thuộc vào tỉ lệ năng lượng trong khẩu phần và số ngày nuôi con, nếu heo nái được phối ở lần lên giống đầu tiên sau cai sữa. Thông thường nái sẽ lên giống lại sau 3 – 7 ngày cai sữa, trong trường hợp khi nuôi con nái bị hao hụt trọng lượng quá mức, quá trình lên giống lại sẽ chậm trễ. Việc bổ sung chất béo vào khẩu phần của nái mang thai ở giai đoạn cuối và ở giai đoạn nuôi con, giúp cải thiện năng suất của nái và heo con.
Nhiều thí nghiệm được thực hiện để đánh giá lại hiệu quả kinh tế của các chương trình thức ăn cho nái giai đoạn nuôi con. Thông thường, nái có thể hao hụt trọng lượng trong quá trình nuôi con mà không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của heo con hoặc hiệu quả phối giống. Nếu nái phải nuôi ít hơn 8 heo con thì có thể sử dụng khẩu phần duy trì cơ bản (khoảng 3kg thức ăn/ngày) và bổ sung thêm phần thức ăn nuôi con khoảng 0,25kg cho mỗi heo con. Không cần thiết phải giảm lượng thức ăn của nái trước khi cai sữa. Bất kỳ một lượng thức ăn như thế nào, quá trình tạo sữa sẽ chấm dứt khi đến giai đoạn ngưỡng sinh lý.
Nên thúc cho nái, sau khi sinh, đứng dậy 2 – 3 lần mỗi ngày. Điều này kích thích nái tiêu thụ thức ăn và nước uống, tăng loại thải chất bài tiết và tạo cơ hội quan sát cho người quản lý. Một vài nái có thể cần tập vận động ở khu vực ngoài trại đẻ.

Thức ăn của heo con trong giai đoạn theo mẹ:
Sữa của heo mẹ không chứa đủ sắt cho heo con. Heo con phải được cung cấp sắt trong 3 – 4 ngày đầu sau khi sinh để tránh bệnh thiếu máu. Có thể cung cấp sắt cho heo con bằng cách cho chúng sử dụng đất sạch, tiêm sắt (tiêm dextran sắt vào đùi hoặc cơ vùng cổ), hoặc trộn sắt với các loại khoáng chất khác cho heo con ăn. Khi heo con được 1 tuần tuổi, bắt đầu cho chúng sử dụng cám tập ăn (khoảng 20% đạm) (prestarter, starter) trong máng tập ăn.
Thông thường, heo con dễ làm quen hơn với cám prestarter. Một ít cám tập ăn trộn chung với đất sạch sẽ kích thích heo con tiêu thụ thức ăn sớm hơn.
Sau khi heo con quen với thức ăn dạng cứng, chuyển sang cấp cám starter (khoảng 18% đạm) cho đến khi heo đạt trọng lượng khoảng 12 – 15kg. Sau đó, có thể chuyển sang sử dụng cám rẻ tiền hơn (16% đạm). Phải luôn luôn cấp nước sạch cho heo con ngay cả trước khi chúng sử dụng thức ăn khô.

Kiểm soát các vấn đề sức khỏe:
Nên cẩn thận chăm sóc nái vài ngày đầu sau khi sinh. Khi phát hiện heo náo có các biểu hiện: giảm tính ngon miệng, mệt mỏi, thờ ơ chăm sóc heo con … thì cần đưa ra biện pháp điều trị phù hợp. Phòng tránh những biểu hiện này sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và giảm mức độ nghiêm trọng của hội chứng MMA.
Nếu chẳng may, nái mắc hội chứng MMA thì nên có một chương trình điều trị và phòng bệnh dựa trên sự tư vấn của bác sĩ thú y và các chương trình quản lý. Giải quyết tương tự với các bệnh: viêm teo xoang mũi truyền nhiễm, viêm dạ dày ruột truyền nhiễm (TGE), parvorirus (SMEDI) và viêm phổi do Mycoplasma. Kiểm tra tình trạng hoạt động của ruột, chủ động phát hiện bệnh bằng cách thường xuyên kiểm tra nhiệt độ trực tràng, nếu phát hiện nái sốt thì cần can thiệp ngay.

Phòng bệnh
Mặc dù hiện nay đã có nhiều phương pháp thuận lợi để chuẩn đoán và phòng ngừa một số bệnh nhưng nái và bầy heo con của mình vẫn có thể bị mắc các bệnh hiện có. Hầu hết, những người chăn nuôi thành công đều có kế hoạch quản lý nhằm cắt đứt sự truyền lây bệnh trong các thời điểm nhạy cảm. Cách ly tối đa nái và nái tơ khỏi các loài gặm nhấm, mèo, chó, con người và các heo mới nhập đàn về là biện pháp hữu hiệu. Hơn nữa, phải cẩn thận làm vệ sinh và khử trùng các trang thiết bị chăn nuôi. Vệ sinh heo nái trước khi đưa về trại đẻ cũng là một biện pháp giúp kiểm soát các bệnh truyền nhiễm. Quản lý heo nái và đảm bảo heo con được tiêu thụ sữa non tối đa là biện pháp rất quan trọng cho sự phát triển tốt của heo con.
Nếu trại heo ở khu vực chăn nuôi heo nhiều, cần thực hiện đầy đủ các chương trình vắc xin. Điều này là cần thiết vì trong suốt năm không thể tránh khỏi stress và khả năng sống cao của tác nhân gây bệnh. Một vài bệnh cần phòng bệnh bằng cách tiêm phòng vắc xin như: viêm dạ dày ruột nhiềm nhiễm (TGE), đóng dầu son (Erysipelas), bệnh do Leptospira (5 chủng), một vài bệnh địa phương như bệnh giả dại Aujeszky (Pseudorabies), bệnh do E.coli. Hiện tại, cũng đã có vắc xin phòng bệnh viêm teo xoang mũi truyền nhiễm. Một số lượng lớn heo con bị đe dọa bởi các bệnh gây rối loạn đường ruột. Phương pháp phòng bệnh tốt nhất có thể là hạn chế các tác nhân gây stress như gió lùa, lạnh, ẩm độ cao, khu vực nuôi nhốt vệ sinh kém. Một số trại chăn nuôi có tình hình nghiêm trọng về bệnh đường ruột đã thực hiện chương trình auto vắc xin để phòng các bệnh đường ruột.

Kế hoạch làm việc
Tuần đầu sau cai sữa – phối giống.
Ba tuần trước khi sinh – điều trị nội, ngoại kí sinh trùng.
Một tuần trước khi sinh – điều trị nội và ngoại kí sinh trùng lặp lại.
Ngày mang thai thứ 110 – làm vệ sinh cho nái, sau đó di chuyển nái đến trại đẻ; bắt đầu sử dụng khẩu phần dễ tiêu hóa, nhiều chất xơ.
Từ ngày 111 đến khi sinh – theo dõi dấu hiệu nái sinh để hỗ trợ, can thiệp kịp thời.
Chăm sóc đặc biệt cho những con heo yết ớt, heo nhẹ cân và cho các bầy có số lượng heo con sinh ra nhiều. Chú ý quan sát biểu hiện của heo nái và bầy heo con.
Hỗ trợ nái ăn được tối đa thức ăn sớm nhất có thể sau khi sinh.
Loại thải những con nái cai sữa có năng suất sinh sản thấp, hung hăn và những yếu tố kinh tế khác.

Tóm tắt
Thực hiện và duy trì chương trình phòng bệnh, chương trình duy trì sức khỏe cho đàn heo ở tất cả mọi thời điểm nhằm bảo vệ heo nái và bầy heo con sau khi sinh.
Điều trị nội và ngoại kí sinh trùng đủ 2 lần trong khoảng thời gian đề nghị sớm nhất (tùy theo từng sản phẩm) trước khi di chuyển nái sang trại đẻ.
Căn cứ vào ngày phối giống, dự đoán ngày sinh, cẩn thận quan sát biểu hiện của nái ở những ngày mang thai cuối, đảm bảo nái phải được di chuyển đến trại đẻ vào ngày mang thai 110. Ghi chép dữ liệu sản xuất của nái nhằm tạo nguồn thông tin hỗ trợ loại thải hay chọn lọc sau này.
Từ ngày mang thai 110, khẩu phần thức ăn của nái phải có tính nhuận trường. Loại bỏ những thành phần thức ăn khó tiêu hóa trong khẩu phần sau khi sinh.
Nái thường sẽ sinh trong vòng 24 giờ sau khi vú có sữa. Một vài biểu hiện của nái trước khi sinh như bồn chồn, dễ bị kích động, một vài cá thể có biểu hiện hung dữ.
Thời gian sinh thông thường là ít hơn 1 giờ hoặc có thể dài hơn 5 giờ. Tiêm oxytocin có thể rút ngắn thời gian sinh nhưng chỉ nên sử dụng trong trường hợp nái đã sinh được ít nhất 1 con heo, không nên sử dụng oxytocin trong trường hợp có dấu hiệu heo con bị mắc kẹt trên đường ra.
Chăm sóc heo nái lúc sinh để phòng tránh các trường hợp heo con chết do tổn thương, bị cắn, nghẹt thở và yếu.
Can thiệp hỗ trợ bằng tay trong trường hợp nái có dấu hiệu không thể sinh nếu không được hỗ trợ. Sử dụng găng tay dài, chất bôi trơn, tiêm kháng sinh cho nái nếu phải can thiệp bằng tay.
Cung cấp sữa non cho toàn bộ heo con mới sinh. Tăng cường chăm sóc những con yếu và nhẹ cân, những bầy heo có số lượng heo con sinh ra nhiều để đạt mục tiêu heo cai sữa cao.
Trong vài ngày đầu sau khi sinh, cẩn thận quan sát nái và heo con để kịp thời phát hiện dấu hiệu bệnh hay nái sản xuất không đủ sữa hoặc ăn không đủ lượng thức ăn.
Sau khi sinh, tăng lượng thức ăn ăn vào tối đa sơm nhất có thể.
Để loại thải nái, nên lưu ý đến các yếu tố như: năng suất sinh sản, tính tình, các yếu tố kinh tế khác … Thông thường, không khai thác nái quá 6 lứa.

Naipet.com

Facebook Comments
Share.

Chat
1