Chương trình an toàn sinh học (ATSH) là các quy trình quản lý ở trại/hộ chăn nuôi (gọi chung là trại); được thiết kế để ngăn chặn lan truyền bệnh từ thú bệnh sang thú khoẻ, tránh gây hại cho con người và hệ sinh thái. Một kế hoạch thực hiện ATSH cần diễn giải tất cả công việc ở trại nhằm giảm đến mức tối thiểu nguy cơ xâm nhập tác nhân gây bệnh mới vào trại cũng như hạn chế tối đa sự phát triển và lây lan mầm bệnh nếu có. Mỗi trại có điều kiện chăn nuôi khác nhau nên các quy trình áp dụng ATSH cũng khác nhau. Phần một trình bày các điều cần lưu ý khi thiết lập một chương trình ATSH trong trại. Phần hai (ấn bản kỳ sau) mô tả các điều kiện chăn nuôi để thực hiện ATSH.
1. Mô tả tình hình trại
Loại hình chăn nuôi và quy mô đàn của trại: xác định loại hình chăn nuôi (trại ông bà, trại cha mẹ, trại nuôi đực giống, trại nuôi heo sinh sản và heo con đến cai sữa, trại nuôi heo sinh sản và heo con đến tuổi giết thịt, trại chỉ nuôi heo sau cai sữa đến tuổi xuất thịt). Trại ông bà và trại đực giống đòi hỏi chương trình ATSH nghiêm ngặt. Trại nuôi heo sau cai sữa đến tuổi xuất thịt ít có nguy cơ nhiễm bệnh hơn trại vừa nuôi đàn sinh sản lẫn đàn thịt. Quy mô đàn càng lớn mà không quản lý tốt thì nguy cơ xuất hiện bệnh càng cao. Các mức quy mô đàn có thể tham khảo như sau: quy mô lớn (nuôi trên 200 heo sinh sản, hoặc trên 1000 heo nuôi thịt), quy mô vừa (nuôi 20 đến dưới 200 heo sinh sản, hoặc 100 đến dưới 1000 heo nuôi thịt), quy mô nhỏ (nuôi 10 đến dưới 20 heo sinh sản, hoặc 50 đến dưới 100 heo nuôi thịt), và quy mô hộ gia đình (số lượng heo ít hơn quy mô nhỏ).
Địa điểm: ghi nhận khoảng cách từ trại của bạn đến trại heo gần nhất (kể cả các trại nuôi gia súc khác), và số lượng trại heo trong vòng 3 km xung quanh trại của bạn. Vùng nuôi nhiều heo và khoảng cách giữa các trại quá gần (< 500 m) làm tăng khả năng nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài.
Dãy chuồng: xác định bao nhiêu địa điểm trong trại sẽ được xây dựng chuồng để nuôi mỗi nhóm heo ở các vị trí cách xa nhau, cách kiểm soát việc ra vào các dãy chuồng, chuồng đã xây dựng bao lâu, và tình trạng vệ sinh của dãy chuồng. Những thông tin này giúp định hướng cách giảm thiểu lây lan mầm bệnh giữa các dãy chuồng, kể cả lây lan giữa các chuồng trong một dãy.
Heo: một tác nhân gây bệnh cho heo tùy thuộc phần lớn vào đặc điểm của heo. Do đó cần nắm rõ tuổi heo (heo càng nhỏ thì càng mẫn cảm với bệnh), heo có suy giảm khả năng miễn dịch không (suy giảm hoạt động miễn dịch của heo do vi-rút PRRS gây bệnh tai xanh và vi-rút PCV2 gây bệnh gầy còm, cai sữa sớm trước 21 ngày tuổi cũng làm heo mẫn cảm với vi sinh vật), chương trình chủng ngừa ra sao, heo mang gen đề kháng hay nhạy cảm với bệnh (giống Pietrain có nhiều cá thể nhạy cảm với bệnh), xem xét cách quản lý hoặc môi trường nuôi hoặc dinh dưỡng đã tối ưu cho sức khoẻ đàn heo chưa (nhu cầu dinh dưỡng phải phù hợp với từng giai đoạn sinh lý và thành tích sản xuất của chúng).
Bệnh: xác định bệnh nào đang có trong trại, bệnh nào đang ảnh hưởng xấu nhất đến đàn heo của trại, và bệnh nào chưa hiện diện trong trại nhưng làm bạn lo lắng. Một quy trình ATSH đặc biệt để giải quyết một bệnh vẫn có thể giúp giải quyết một vài bệnh khác.
Con người, vận chuyển heo và những trang bị khác có thể mang mầm bệnh (vectơ): sự lây nhiễm xảy ra do chu chuyển các nhóm heo trong trại, nhập heo hoặc nguyên liệu từ nơi khác mà không biết rõ tình hình bệnh/cách quản lý ở nơi đó, thiếu kiểm soát lượng người ra vào trại (người gieo tinh, khách tham quan kể cả thú y viên) cũng như không áp dụng vệ sinh thân thể trước khi vào trại (tắm/rửa tay, thay quần áo và giày dép), không giới hạn sự đi lại của công nhân trong khuôn viên trại, cách sát trùng phương tiện đi vào trại, cách kiểm soát thú gặm nhấm và không để heo tiếp xúc với các loài thú khác.
Không mua heo từ nguồn trôi nổi
Vệ sinh trước khi xe vào trại
Không cho phép thân thiện thế này!
2. Đặt mục tiêu trong chương trình ATSH
Xác định mục tiêu nào trong số các mục tiêu mong muốn khi thiết lập chương trình ATSH:
- Ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập vào trại.
- Nếu bệnh đã có ở trại thì cần ngăn ngừa bệnh lây lan giữa các nhóm heo trong trại hoặc lây sang trại xung quanh.
- Cần đạt cả hai mục tiêu này.
3. Chọn tác nhân gây bệnh cần giải quyết
Nên chọn bệnh nào cần giải quyết, từ đó xác định chương trình ATSH phù hợp nhất cho bệnh đó mặc dù chương trình này có thể giúp giải quyết bệnh khác bên cạnh bệnh chính. Đánh giá kết quả của chương trình ATSH dựa trên chương trình giám sát (theo dõi) bệnh chính.
Đối với bệnh tai xanh (PRRS), phân loại trại theo 4 nhóm.
- (1) Trại âm tính (không có triệu chứng của bệnh này và kết quả xét nghiệm âm tính);
- (2) Trại nhiễm ổn định trên đàn giống, và không xuất hiện triệu chứng ở đàn heo con sau cai sữa (ổn định nghĩa là không có minh chứng về lan truyền vi-rút PRRS trong đàn giống). Như thế, đàn giống nhiễm bệnh nhưng không thải vi-rút cho đàn heo con theo mẹ, do đó năng suất heo theo mẹ và heo cai sữa trở lại bình thường như trước khi nhiễm;
- (3) Trại nhiễm ổn định, và có triệu chứng trên đàn heo con sau cai sữa, vì vậy heo con theo mẹ có sức khoẻ tốt nhưng heo cai sữa nhiễm vi-rút vào khoảng 2-3 tuần sau cai sữa (vi-rút này lan truyền do nhốt lẫn lộn heo lớn tuổi với heo nhỏ tuổi, truyền qua không khí trong khoảng cách gần, hoặc truyền qua vật dụng giữa các dãy);
- (4) Trại không ổn định, nghĩa là trại mới có dịch cấp tính hoặc bị nhiễm dai dẵng.
4. Hiểu biết về tác nhân gây bệnh
Vi sinh vật thường thay đổi khả năng gây bệnh. Do đó, cần đặt các câu hỏi về tác nhân gây bệnh và về bệnh: bệnh trầm trọng thế nào, bao nhiêu heo bị nhiễm (tỷ lệ nhiễm), tỷ lệ chết trên số heo nhiễm, ảnh hưởng của bệnh lên năng suất ra sao, vi sinh vật truyền lây bằng cách nào (do tiếp xúc trực tiếp với heo bệnh, qua không khí, qua vectơ mang như dụng cụ, tinh dịch…), liều vi sinh vật có thể gây bệnh, bệnh có truyền từ mẹ qua heo con không, vi sinh vật tồn tại bao lâu ở ngoài môi trường. Đây là những vấn đề đòi hỏi người chăn nuôi phải đặt kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm, ghi chép diễn biến bệnh và năng suất thật kỹ lưỡng, có kiến thức về tác nhân gây bệnh và vectơ mang.
5. Lên kế hoạch thực hiện ATSH và theo dõi hiệu quả của chương trình này
Chọn lựa quy trình thực hiện trong mỗi phần của chương trình ATSH. Theo dõi hiệu quả của chương trình bằng cách lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm định kỳ, mổ khám bệnh tích trên heo bệnh, kiểm tra chất lượng phủ tạng và quày thịt heo giết mổ, lưu ý sự giảm năng suất và sức khoẻ đàn heo. Do đó, người chăn nuôi cần biết đàn heo thịt của mình được giết mổ ở đâu và bệnh tích trên các cơ quan nội tạng hoặc trên thân thịt ra sao để tìm hướng giải quyết sức khoẻ và năng suất đàn; nghĩa là cần có sự gắn kết giữa người chăn nuôi và thương lái mua heo với thú y kiểm soát giết mổ, tránh tình trạng mua đứt bán đoạn như hiện nay.
Một vấn đề quan trọng cần lưu ý là cho heo hậu bị thích nghi với bệnh tại trại trước khi phối giống vì đàn hậu bị dễ nhiễm bệnh nhất trong đàn giống. Chương trình thích nghi bệnh gồm 3 giai đoạn: cách ly (phải tiến hành công đoạn này nếu mua hậu bị từ bên ngoài), tạo thích nghi bệnh (nhốt hậu bị gần nái rạ để lây nhiễm từ nái rạ), và phục hồi (tách khỏi nái ra để chuyển qua dãy chờ phối cho hậu bị). Mỗi giai đoạn kéo dài tối thiểu 30 ngày. Vào giai đoạn phục hồi, heo hậu bị không có vi sinh vật trong máu/phân/dịch tiết do có đủ kháng thể chống những bệnh thường có ở trại.
Tóm lại, trước khi lên kế hoạch và thực hiện các quy trình trong chương trình ATSH, người chăn nuôi nên xác định rõ hiện trạng của trại và mục tiêu cần đạt đối với một bệnh hoặc nhiều bệnh cụ thể. Ghi chép các diễn biến và định kỳ mổ khám cùng với xét nghiệm mẫu bệnh phẩm sẽ hỗ trợ cho việc xác định mục tiêu của chương trình ATSH và cuối cùng là đánh giá kết quả thực hiện.
PGS. TS. TRẦN THỊ DÂN
Nguồn: UV-Việt Nam
Naipet.com