Từ lâu, chó là động vật gần gũi, thông minh và trung thành với chủ, được con người nuôi dưỡng thuần hóa. Chó có khả năng đặc biệt mà các loài vật khác không có: mắt có khả năng nhìn xuyên trong bóng tối, mũi có khả năng phân biệt 19.000 mùi khác nhau. Chính vì thế mà ngày nay một số giống chó đã được huấn luyện, biệt hóa để trở thành chó nghiệp vụ phục vụ trong công tác an ninh, quốc phòng.
Năm 1960, Việt Nam đã xây dựng đàn chó nghiệp vụ từ các nguồn giống nhập và lai tạo. Hiện có 5 giống chó ngoại (chó Berger, Cocker, Rottweiter, Boxer và Labrador), trong đó 3 giống chó Berger, Cocker, Labrador là các giống dễ nuôi, thích nghi cao, dễ phát triển. Ở nước ta, các giống chó này có hàng nghìn con được nuôi tại Cục Quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ – Bộ Công an và trường D24 Bộ đội Biên phòng.
Do việc nhân giống tự phát nên các giống này có nguy cơ bị thoái hóa và tạp pha, làm mất đi những đặc điểm, khả năng vốn có của chó nghiệp vụ. Hơn nữa, đa số các giống chó nghiệp vụ đều nhập giống từ nước ngoài và giá thành nhập nội từ 5000 USD – 8000 USD. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là cần có những biện pháp cụ thể để nhân giống lai tạo các giống chó này.
Để tìm ra giải pháp cho vấn đề trên, TS. Đỗ Văn Thu cùng các cộng sự tại Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành đề tài nghiên cứu: “Ứng dụng công nghệ bảo tồn tinh dịch và thụ tinh nhân tạo chó để nhân giống và bảo tồn một số giống chó nghiệp vụ của ngành Công an”. Mục tiêu của đề tài là hoàn thiện công nghệ bảo tồn tinh dịch và thụ tinh nhân tạo chó nghiệp vụ, bảo tồn và phát triển một số giống chó có phẩm chất tốt của ngành Công an.
Tinh chó đông lạnh cọng rạ bảo quản ở -1960C
Các nhà khoa học đã sử dụng tinh dịch của 29 con chó đực thuộc các giống: Berger, Cocker, Labrador có hoạt lực tinh trùng >70% để tiến hành thí nghiệm sản xuất tinh đông lạnh và pha loãng. Chó đực có tuổi từ 2 – 6 năm, trọng lượng 25 – 50 kg/con và được nuôi dưỡng theo khẩu phần chăn nuôi của Cục Quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ – Bộ Công an.
Quy trình thụ tinh nhân tạo chó sử dụng tinh đông lạnh cọng rạ
Đề tài tập trung chủ yếu vào các nội dung chính như nghiên cứu sinh học tinh dịch chó nghiệp vụ, nghiên cứu quy trình pha loãng bảo tồn tinh dịch chó ở nhiệt độ lạnh, công nghệ đông lạnh tinh dịch chó, quy trình kỹ thuật thụ tinh nhân tạo chó. Trải qua hai năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã thu được những kết quả đáng kể.
Về khoa học, đề tài đã xây dựng được quy trình bảo tồn tinh dịch chó pha loãng ở 50C. Tinh chó pha loãng bảo tồn sau 72 giờ đủ tiêu chuẩn phối giống (hoạt lực tinh trùng ≥60%). Thêm vào đó là xây dựng công nghệ đông lạnh tinh dịch một số giống chó nghiệp vụ: sản xuất và bảo tồn được 820 liều tinh chó đông lạnh cọng rạ (hoạt lực tinh trùng sau đông lạnh – giải đông đạt 35% – 50%). Tinh chó đông lạnh có chất lượng ổn định trong thời gian bảo tồn ở nitơ lỏng -1960C. Ngoài ra, các nhà khoa học còn tiến hành xây dựng quy trình kỹ thuật thụ tinh nhân tạo chó sử dụng tinh đông lạnh cọng rạ, tinh pha loãng ổn định, đơn giản đạt tỉ lệ thụ thai cao, số chó con sinh ra của một lứa tương đương với phương pháp phối giống trực tiếp, tỉ lệ giới tính ổn định. Kết quả đề tài thu được giúp các nhà khoa học thu thập có hệ thống về một số đặc điểm sinh học tinh dịch và các yếu tố ảnh hưởng lên chất lượng tinh dịnh của một số giống chó nghiệp vụ (Berger, Cocker, Labrador) của ngành Công an. Từ đó đánh giá và tuyển chọn được chó đực có phẩm chất tinh dịch tốt phục vụ cho công tác nhân giống.
Về ứng dụng, kết thúc quá trình nghiên cứu các nhà khoa học không chỉ tuyển chọn được chó đực giống phục vụ nhân giống tại Cục Quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ – Bộ Công an mà còn ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho chó bằng tinh đông lạnh cọng rạ và tinh pha loãng để phát triển đàn chó và bảo tồn nguồn gen một số giống chó nghiệp vụ có phẩm giống tốt.
Chó Berger sinh ra do thụ tinh nhân tạo bằng tinh đông lạnh cọng rạ. | Chó Cocker sinh ra do thụ tinh nhân tạo bằng tinh pha loãng |
Đề tài: “Ứng dụng công nghệ bảo tồn tinh dịch và thụ tinh nhân tạo chó để nhân giống và bảo tồn một số giống chó nghiệp vụ của ngành Công an” của các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học đã mở đường cho thành công mới trong việc thụ tinh nhân tạo chó bằng phương pháp đông lạnh cọng rạ tinh chó nghiệp vụ ở Việt Nam, góp phần tạo cơ sở số liệu khoa học về tinh dịch chó nghiệp vụ và cho phép ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trên vào thực tiễn.
Nguồn tin: TS. Đỗ Văn Thu – Viện Công nghệ sinh học
PGS.TS. Phan Tiến Dũng – Ban Ứng dụng và Triển Khai công nghệ
Nếu copy bài, xin để lại một link sống về trang này. Xin cảm ơn!