Nuôi Nhím Cảnh, Lãi 2 Triệu Đồng/ngày

0

Mỗi ngày anh Minh bán được 15 – 20 con, trừ các chi phí chăm sóc, đầu tư chuồng trại ban đầu, lãi hơn 2 triệu đồng/ngày.

nuoi-nhim-canh-lai-2-trieu-dongngay

Năm 2008, thấy bạn bè mua những con nhím cảnh đầy màu sắc, nhỏ bằng bàn tay có xuất xứ từ Thái Lan về nuôi, anh Phan Quốc Minh (Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 5, TP.HCM) cũng mua một cặp nuôi chơi. Nào ngờ, đó lại là nguồn thu nhập chính cho anh sau này…

Nuôi chơi thành thật

Việc “bén duyên” với nhím cảnh của anh Minh đến khá tình cờ. Lần đó, khi bỏ ra 800.000 đồng mua cặp nhím về, anh chỉ nghĩ đơn giản “thấy bạn bè nuôi đẹp quá nên mình cũng thử nuôi xem”.

Không ngờ, sau 3 tháng, nhờ chăm sóc kỹ, nhím sinh sôi nảy nở, phút chốc đã có được bầy nhím 10 con. Anh Minh thử lên mạng rao bán và được rất nhiều người quan tâm, hỏi mua. Khởi đầu suôn sẻ, anh quyết định mạnh dạn đầu tư vào nghề này.

Mỗi ngày anh Minh bán được 15 – 20 con, trừ các chi phí chăm sóc, đầu tư chuồng trại ban đầu, lãi hơn 2 triệu đồng/ngày.

Khi đi xem “trang trại” nhím của anh Minh với trên 100 con giống lớn nhỏ, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì công cụ nuôi nhím cảnh quá đơn giản.

Chỉ cần làm những cái lồng có diện tích chừng 40x40cm bằng thủy tinh hoặc nhựa cứng để trên bàn, trên kệ sách hoặc ngay trong phòng khách là đã có thể nuôi chúng. Thức ăn của chúng là các loại côn trùng như châu chấu, kiến, mối… hoặc thức ăn đóng hộp dành cho mèo.

Nhím cảnh có đủ màu sắc, từ trắng, muối tiêu, nâu, vàng… đến những màu sắc đột biến lạ mắt như con pintos (có 2 màu trắng đen hoặc trắng xám). Anh Minh cho biết, những con có màu sắc bình thường thì giá từ 400.000 – 500.000 đồng/con, những con đột biến thì giá cao gấp đôi.

Hiện nay, “sốt hàng” nhất là con pintos, đang được săn lùng có giá đến 900.000 đồng/con, nhưng thỉnh thoảng mới có. Những con có màu cam còn đắt hơn, đến 2,5 triệu đồng/con, rất khó kiếm.

Chăm sóc dễ

Nhím cảnh có tên khoa học là Hedgehogs, tuổi thọ trung bình là 3 – 4 năm. Ai cũng có thể chơi nhím cảnh vì con vật này rất thuần, dễ nuôi. Ngày cho nhím ăn 2 lần, sáng từ 6 – 7 giờ, chiều từ 18 giờ. Nhím cảnh không chịu được lạnh và gió nên trước khi cho nhím vào lồng kính để nuôi, phải rắc một ít mùn cưa hoặc cát để khi lạnh nhím chui vào ngủ.

Nếu ở miền Bắc, thời tiết lạnh, nên thêm vào chuồng nhím một chiếc bóng đèn (vàng, hồng) 40W để sưởi ấm cho nhím ban đêm. Khi nhím bị cảm, có thể dùng thuốc cảm cúm và vitamin cho uống với số lượng nhỏ. Nhím rất sạch nên người nuôi phải chú ý vệ sinh chuồng trại, 2 ngày thay mùn cưa một lần, 3 – 4 ngày phải tắm và sấy khô lông cho chúng.

Nhím sinh sản rất nhanh, sau 4 tháng tách mẹ và sống với bạn đời là có thể đẻ. Mỗi lần sinh từ 5 đến 6 con, nuôi 1 tháng tuổi là có thể bán. Nhím cảnh lúc mới sinh chỉ nhỏ bằng hai ngón tay. Người nuôi nhím phải chú ý, khi thấy nhím đực chạy lòng vòng quanh chuồng thì sau 2 tuần phải tách nhím đực và nhím cái, vì khi đó nhím cái đã có thai.

Một khi bắt đầu mang thai, nhím cái sẽ thải phân dài hơn bình thường. Trong thời gian nhím mang thai và nuôi con, chỉ nên cho đầy đủ thức ăn và nước uống, không được bế ẵm hay chơi nhiều với nhím. Những con nhím trong giai đoạn này thường sợ sệt mọi thứ nên không được thay đổi chỗ ở của chúng và không nên cho người lạ vào xem. Nếu nghe mùi lạ, có khi con mẹ sợ đến nỗi cắn chết con.

Nói về kinh nghiệm nuôi nhím, anh Minh chia sẻ: “Đặc trưng chung của loài nhím là có gai để tự bảo vệ mình, sẽ xù lên mỗi khi chúng sợ hãi. Vì vậy, bạn phải thường xuyên chăm sóc, vuốt ve, dỗ dành nhím cảnh. Khi nhím đang ngủ hoặc thức, muốn bắt lên thì phải luồn nhẹ tay để nhím ngửi thấy hơi tay mình trước. Nếu mình chụp ngay, nhím sẽ hốt hoảng xù gai làm buốt tay”.

Naipet.com

Facebook Comments
Share.

Chat
1