Xin hãy thận trọng vì có rất nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra với vật cưng của chúng ta. Dưới đây khuyến cáo những tai nạn hay xảy với chó mèo để các bạn tham khảo và phòng tránh:
1.) Tai nạn do Vật lý, Cơ học:
1.1. Rơi, ngã:
Trên tầng lầu cao xuống, hoặc bế chó non tuột tay làm gẫy xương, dập nát phủ tạng, chấn thương sọ não, liệt vận động, có thể tử vong. Đối với mèo thì nhẹ hơn, nhưng từ độ cao trên 10 m cũng rất nguy hiểm đến tính mạng.
1.2. Chấn thương, tử vong do:
Xe cộ chẹt khi đùa nghịch, đuổi ngau, sợ hãi chạy ngang hoặc trên đường giao thông. Không những chết chó mèo mà còn nguy hiểm với người và các phương tiện giao thông. Thả rông động vật là vi phạm “Luật lệ giao thông” đấy.
Bị đè, kẹt, rơi, đâm do các vật nặng, sắc nhọn: Thủy tinh, dao sắc, vật dụng: bàn ghế, tủ…nuốt phải dị vật: đinh, kim nhọn, dao cạo râu, hóc xương to, xương cá… Có những con chó, mèo mải đuổi săn chuột, côn trùng mà lao cả vào gương, kính tự gây tổn thương thân thể.
Bị đánh đập hoặc vô tình bị người dẫm phải, nhất là chó mèo non. Bị kẹp do đóng khép cửa hoặc chết ngạt do nhốt trong thùng, hộp, túi, bao kín…
Chó lạ, chó dữ tranh mồi hoặc tranh chấp bạn tình cắn xé nhau gây tổn thương, nhiễm trùng uốn ván, lòi con người mắt, phải xử lý khoét mắt. Chó mèo cắn nhau, khi mèo mang thai sắp sinh khó chạy thoát thân.
Bị treo cổ, ngạt thở do cổ xích quá chặt, nhất là xích chó mèo trên cao, cạnh hàng rào, gần cầu thang, cửa sổ, ban công, sân thượng khi rơi bị treo lơ lửng… Chớ xích vài con chó gần nhau quá, bị rối, quấn xích do nô đùa với nhau cũng có thể làm chó chấn thương , thắt cổ ngạt thở, tử vong.
Với mèo : rất lưu ý không được cho các loại thuốc dạng bột khô vào miệng, họng có thể bị chết do tắc khí quản vì họng mèo rất nhỏ hẹp. Mèo hay uống nước ở toi-let, cẩn thận kẻo chết đuối.
1.3. Cháy bỏng do nước sôi, lửa, điện giật:
Hay xảy ra trong bếp ăn, để dây điện và đồ điện thấp hoặc trên sàn nhà, chó mèo thường chơi, ngứa răng nên hay gặm, cắn xé dây và công tắc, phích cắm, thậm chí gây hở điện còn vô tình chết cả chó lẫn người. Để chó mèo chơi đùa gần bếp lửa, gas rất nguy hiểm không chỉ cho vật cưng.
1.4. Vô tình để đói, rét, nóng:
Bị mắc kẹt, nhốt do xây nhà mới có những chỗ lấp, hầm kín, bể phốt, đậy nắp toilet, đóng cánh cửa tủ lạnh, làm trần nhà chống nóng, nhốt trên sân thượng mùa hè…thậm chí “cảm nóng” trong mùa rét do sưởi chó mèo quá nóng. Nhốt chó mèo trong nhà khóa kín khi đi du lịch, nghỉ lâu dài… Khi sưởi điện cho chó mèo vào mùa đông cũng cần có nhiệt kế đo tại nơi chúng nằm để chỉnh nhiệt độ lý tưởng là 22-25oC.
2.) Tai nạn do Hóa chất, độc chất, dùng thuốc, thức ăn:
2.1: Trúng độc do ăn uống:
Trúng độc do ăn nhiều Sô-cô-la, nhất là với các thanh Sô-cô-la nguyên chất: Đây là điều không ai ngờ vì chó nào cũng rất thích ăn Sô-cô-la, vì trong Sô-cô-la có chứa hợp chất Methylxanthines (gồm có Caffein và Alkaloid theobromine). Nồng độ các chất này trong bánh kẹo có sô-cô-la hoàn toàn không độc với người nhưng có thể gây nôn mửa, tiêu chảy, đái giắt, mệt mỏi, thở gấp, tim đập quá nhanh gây loạn nhịp…Tuy tỷ lệ tử vong không cao nhưng cũng phải đi Bác sỹ và làm chủ chó phải “hú vía”. (Theo tài liệu của các Bác sỹ Thú Y Hoa-Kỳ: Dr. James M. Giffin,MD và Dr.Liisa D. Carlson, DVM).
Bất cứ thứ ăn gì khác nếu ăn quá nhiều đều có thể dẫn đến “ngộ độc, bội thực do thức ăn”, nhất là đồ ăn nhiều chất đạm, béo, tanh. Chó mèo khoẻ rất phàm ăn “big eaters”, thậm chí khoái khẩu, chó còn không nhai mà nuốt chửng thức ăn. Không ít trường hợp do “quá yêu” vật cưng của mình mà chó mèo bị”chết no!”. Mèo ăn thuwca ăn khô, mặn cần uống đủ nước phòng tránh viêm thận, tiết niệu gây bí đái, chết do nhiễm độc Urê huyết.
(Nhất quyết không được cho chó ăn các loại xúc xích, giò… bởi vì các loại thực phẩm này rất độc hại đối với chó. Chúng làm hỏng gan và có thể làm cho chó chết ngay trước khi trửơng thành.)
Ăn phải lá cây cỏ độc: Chó mèo có bản năng ăn cỏ, lá cây để tự gây nôn khi ươn người khó chịu, loại thải đồ ăn ôi thiu, đầy bụng. Có rất nhiều loại lá cây độc: lá ngón, trúc đào, lá na, các loại nấm có mầu sắc rực rỡ, kể cả không ít cây cảnh, hoa loa kèn, cây Thầu dầu, bon-sai…đều có thể là “sát thủ” của chó, mèo.
Ricinus communis – Cây Thầu Dầu :Toàn bộ thân cây, hoa, lá đều gây độc, đặc biệt quả nếu chó nhai nuốt quả và hạt sẽ bị nôn mửa liên tục, mất nước và rối loạn điện giải nghiêm trọng, rất khát nước, đau bụng dữ dội, thở gấp và thở yếu ớt, giãn toàn bộ cơ bắp, suy sụp và chuyển sang trạng thái hôn mê. Chó chết sau vài chục giờ nếu không cấp cứu kịp thời.
Hoa Loa Kèn có thể giết chết mèo! “Hoa Loa kèn và các loại hoa thuộc Họ Lily có thể phá hủy thận mèo”- Tiến sĩ Sharon Gwaltney-Brant, Chuyên gia về Độc chất học Thú Y, Trung Tâm Phòng Chống Độc Chất cho Động vật (Animal Poison Control Center) cảnh báo- “Thật đáng tiếc, hoa đẹp như vậy nhưng tất cả bộ phận của cây hoa lily này đều độc khi mèo ăn phải dù chỉ một lượng nhỏ trong vòng vài giờ làm mèo bỏ ăn, nôn mửa, nếu không có can thiệp cứu chữa thì chỉ sau 36- 72 giờ, mèo có dấu hiệu suy thận, bí tiểu và các rối loạn toàn thân khác.”
Nuốt dị vật, Ăn phải cao-su, chun vòng, nhựa , xốp chèn hàng: Những thứ này nở to gấp bội khi gặp dịch vị a -xít ở dạ dày và dịch mật, ruột. Một sợi chun vòng buộc tiền có thể nở to bằng những sợi mì ống trong dạ dày, gây viêm tắc đường tiêu hóa, chướng bụng, tiêu chảy, ngộ độc, tử vong.
2.2. Trúng độc do hóa chất:
Ăn, uống nứơc có lẫn bả chuột: Rất hay xảy ra khi dùng thuốc diệt chuột nhưng không nhốt, hoặc thả chó,mèo quá sớm khi chưa vệ sinh, dọn hết xác chuột chết bả. Để bả chuột lẫn vào thức ăn, nước uống hoặc thậm chí do người chủ mưu đánh bả diệt chó mèo.
Ăn uống Thuốc trừ sâu, diệt cỏ: Có các hợp chất Phốt-pho, Kẽm, chì, Thạch tín hoặc các hợp chất hữu cơ khác (organophosphate và carbarmate), xăng dầu và các sản phẩm xăng dầu, Hóa mỹ phẩm: phấn kem bôi da, xà-phòng, thậm chí nuốt kẹo cao su…
2.3. Trúng độc do dùng thuốc:
Có nhiều loại thuốc dùng cho người nhưng lại rất độc với chó, mèo: Strichnine Sulphat, Atropin liều cao gây co cứng toàn thân, giảm hoặc ngừng tiết dịch, liệt tiêu hóa, cơ bắp, ngạt thở dẫn đến tử vong.
Các thuốc nhóm sulphamide: biseptol, ganidane… nếu uống ít nước dễ ảnh hưởng đến chức năng thận. Phải rất thận trọng khi dùng các loại thuốc Tim mạch, huyết áp, giảm đau , chống viêm cho chó mèo: Asperin, Adrenalin, Corticoid. Nhiều chủ chó cho uống cả Streptomycine trị tiêu chảy gây rối loạn và tiêu diệt hệ vi khuẩn có ích để tiêu hóa chất xơ, sản sinh các loại men tiêu hóa.
Ngay cả các loại Vi-ta-min tổng hợp như: B-coplex của người tiêm chó GSD rất nhiều con bị dị ứng nặng nề, chỉ sau 3-5 phút khi tiêm, mặt và toàn thân chó sưng to phù nề, mẩn ngứa, chó kêu la, bỏ ăn, thần kinh hoảng loạn.
Các loại thuốc gây nghiện: Khó có thể chữa khỏi được một số chó tiêu chảy mạn tính do chủ đã tự chữa nhiều lần bằng cho nuốt “sái thuốc phiện, ma túy”, lúc này tiêu chảy chỉ là dấu hiệu vật vã của “cơn nghiện thuốc” mà thôi.
Tất nhiên mọi loại thuốc khác dùng quá liều (Over dose) và không theo chỉ dẫn của Bác sỹ Thú Y đều gây nguy hại cho chó, mèo của bạn. Đặc biệt thận trọng khi dùng các loại thuốc gây mê, ngủ, tẩy giun sán, trị ký sinh trùng ngoài da.
Thuốc xịt chống ve rận cũng nên dùng cẩn thận theo chỉ định và hướng dẫn của BSTY.
2.4. Trúng độc do rắn độc, côn trùng.
Chó nuôi ở nơi hoang dã thường hay bị tai nạn do rắn độc cắn vì chó rất nhậy bén và thích tấn công vật lạ. Các loại rắn độc như : Cạp nong, Hổ mang bành…có thể gây trụy hô hấp và trụy tim mạch chó mèo và chết không quá một giờ.
Một số loại ong: mật,vò vẽ cũng hay đốt vào các vùng da mỏng, ít lông, nhất lá ở bộ phận sinh dục của chó mèo, gây dị ứng, sưng đau viêm. Có trường hợp ong, kiến đốt châm thẳng, tiết nọc vào mạch máu cũng gây tử vong.
Các loại ve, mòng, rận đốt, hút máu đồng thời tiết độc tố vào máu lâu ngày làm chó mèo suy kiệt, bại huyết tử vong. Có khi ve, mòng còn chui sâu vào mũi, lỗ tai làm cho chó khó chịu, vật vã gây viêm, mất máu do tổn thương kế phát.
Bài viết này không thể nêu hết được tất cả những gì nguy hiểm với chó mèo của bạn. Khi con người càng văn minh, khoa học càng phát triển, tác động vào tự nhiên càng nhiều thì còn rất nhiều khả năng độc hại, ô nhiễm môi trường, không những chỉ con người mà cả vật nuôi cũng chịu hậu quả năng nề như: phóng xạ, hạt nhân, khủng bố tàn sát , lade, tiếng ồn, ô nhiễm khí quyển, hiệu ứng nhà kính…
Cần được thảo luận và bổ sung thêm những gì mà bài viết còn chưa đề cập tới về các tai nạn để khuyến cáo cho những chủ nuôi chó, mèo.
Naipet.com