Bệnh trướng hơi đầy bụng
Bệnh thường xảy ra ở những gia đình nuôi thỏ chủ yếu bằng rau lá củ quả chứa nhiều nước; có khi do thức ăn bị thối, nẫu nát, mốc hoặc chuyển tiếp thức ăn quá đột ngột từ thức ăn khô kéo dài sang thức ăn xanh với lượng lớn. Mùa hè khi thỏ khát nước mà cho uống nước cùng với thức ăn thô xanh, củ quả cũng có thể gây bệnh.
Thỏ bị trướng hơi thể hiện bụng to, phình ra, căng như quả bóng bay, thỏ không yên tĩnh, khó thở và chảy nước dãi ướt lông quanh hai mép. Nếu không điều trị, đường ruột căng hơi chèn ép các cơ quan nội tạng như phổi sẽ làm thỏ chết ngạt.
Khi thấy thỏ trướng hơi cần ngừng cho thức ăn xanh và nước uống, chỉ cho ăn ít lá chát, lá chè, lá ổi, lá sắn dây đồng thời cho uống 1- 2 thìa con dầu thực vật, lấy tay vuốt xuôi hai bên thành bụng nhiều lần, ép cho thỏ phải chạy nhảy hoạt động nhiều lần.
Cần đề phòng bệnh này bằng cách phơi các loại rau lá chứa nhiều nước trước khi cho ăn, phải chuyển tiếp thức ăn dần dần và cho thức ăn sạch có chất lượng tốt, không cho ăn rau xanh chứa nhiều nước ngay sau khi cho uống nước.
Bệnh đau bụng ỉa chảy
Thực chất của bệnh này là rối loạn tiêu hoá do chuyển tiếp thức ăn đột ngột; thức ăn, nước uống bị dính tạp chất bẩn, dính nước mưa, nước hồ ao bẩn; uống nước lạnh; hoặc thỏ nằm trên đáy lồng cao bị gió lạnh lùa vào bụng v.v… Lứa tuổi sau khi cai sữa một tuần đến khi được 3 tháng là hay bị mắc bệnh này.
Phân thỏ lúc đầu hơi nhão, sau đó lỏng dần, thấm dính bết lông quanh hậu môn. Thỏ kém ăn, lờ đờ, uống nước nhiều, gày yếu dần rồi chết.
Khi thấy phân nhão cần đình chỉ ngay các loại thức ăn, nước uống hoặc yếu tố khác mất vệ sinh. Đồng thời cho uống ngay nước chiết xuất đặc của cây nhọ nồi, búp chè, búp lá ổi, cỏ sữa… Có thể cho uống Sulfaganidin với liều 0,1g/kg thể trọng, uống trong 3 ngày liền.
Bệnh cầu trùng (cocidiosis)
Đây là bệnh phổ biến, dễ gây thiệt hại lớn trong chăn nuôi thỏ. Bệnh do đơn bào ký sinh Eimeria gây nên trong điều kiện chăn nuôi và vệ sinh kém. Có hai dạng bệnh do cầu trùng gan và cầu trùng ruột, hai dạng này khác nhau về bệnh tích.
Từ lúc hai tuần tuổi thỏ con đã bắt đầu sơ nhiễm kén cầu trùng, kén này thường xuyên ký sinh trong cơ thể thỏ; sau khi cai sữa, thỏ tiếp tục nhiễm cầu trùng trong phân thỏ thải ra. Nếu mật độ nuôi nhốt lớn, ẩm thấp, tối tăm, ngột ngạt, dinh dưỡng kém, thỏ thiếu chất, sức đề kháng của cơ thể giảm sút thì cầu trùng phát triển nhanh: vừa phân huỷ tế bào đường ruột, gan, vừa tiết độc tố làm thỏ gày yếu, nhiễm độc và chết, có khi chết hàng loạt vào cao điểm 2-3 tháng tuổi. Thỏ 5-6 tháng tuổi trở đi ít bị chết do cầu trùng, vì cơ thể lúc này đã có sức đề kháng cao, khả năng đồng hoá của tế bào lớn hơn, chống đỡ quá trình gây bệnh của cầu trùng. Triệu chứng lâm sàng của bệnh cầu trùng ruột là thỏ xù lông, kém ăn, đôi khi ỉa chảy, phân lông có màu xanh, nếu kết hợp với vi trùng gây bệnh viêm ruột thì phân chuyển sang màu đỏ do thấm máu. Thân nhiệt cao hơn bình thường, nước mũi, dãi chảy nhiều. Nếu là cầu trùng gan thì ngoài các triệu chứng trên còn thấy viêm kết mạc mắt, miệng vàng.
Bệnh tích cầu trùng ruột, trước hết ta thấy ở túi tiếp giáp ruột non với manh tràng và đầu ruột thừa có nhiều điểm trắng xám to bằng đầu tăm nổi lên, có khi dày đặc trên thành ruột. Do kết hợp với vi trùng đường ruột nên ở ruột thừa, ruột non thường bị viêm, niêm mạc sưng loét đỏ. Nếu cầu trùng gan thì trên mặt gan sưng to, có nhiều điểm chấm và nâu vàng có thể chất như bã đậu bọc trong tế bào gan làm cho gan cứng lại.
Khi thỏ mắc bệnh ở mức độ nặng (gày yếu) thì rất khó điều trị, cho nên chủ yếu là phải phòng bệnh thật tốt từ khi thỏ còn bú mẹ để ngăn cản sự lây lan mầm bệnh và phát bệnh. Biện pháp phòng bệnh như sau:
- Đáy lồng chuồng phải có lỗ, rãnh thoát phân dễ dàng … Hằng ngày phải quét đọn đáy lồng, rửa máng ăn uống, không để thức ăn thô trực tiếp ở đáy lồng.
- Thức ăn các loại phải sach sẽ, không bị ôi mốc, biến chất, phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng và số lượng thức ăn theo nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt là đủ vitamin, khoáng, muối …
- Sau khi cai sữa, dùng các loại Sulfamit như Sulfaquinoxalin, Sulfathiazol, Sulfadimethoxin … trộn với thức ăn tinh với liều 0,1-0,2g trên 1kg thể trọng, ăn trong 7 ngày liền, nghỉ 3 ngày lại cho ăn tiếp ngày nữa sẽ có tác dụng cản trở sự phát triển của cầu trùng trong cơ thể.
Nếu trong đàn có một số con chết vì bệnh cầu trùng thì có nghĩa cả đàn đã nhiễm nặng, cần dùng thuốc như trên với liều gấp đôi và uống điều trị trong 10 ngày liền. Đồng thời bồi dưỡng thức ăn giàu đạm và vita- min.
Bệnh viêm mũi
Xoang mũi thỏ có rất nhiều vách ngăn phức tạp trong đó thường chứa đọng các vi khuẩn tiềm sinh và bụi bặm. Nếu bị tác động của môi trường không khí ngột ngạt, thay đổi thời tiết đột ngột, gió lùa mạnh, ẩm thấp, vận chuyển đường dài thỏ mệt nhọc… thì bệnh viêm mũi phát ra, đôi khi kết hợp với bệnh khác như tụ huyết trùng, tụ cầu trùng… thì bệnh trở nên nặng và phức tạp hơn.
Thỏ bị viêm mũi sẽ hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở và thở có tiếng ran, sau đó có dịch mủ chảy ra và sốt. Thỏ thường lấy hai chân trước dụi mũi, nên lông phía trong hai bàn chân trước rối dính bết lại.
Khi thỏ mới bị viêm mũi cần phải thay đổi môi trường hợp vệ sinh và nhỏ thuốc như Chloramphenicol, Streptomycin, Kanamycin vào hai lỗ mũi, mỗi ngày nhỏ hai lần cho đến khi khỏi. Nếu bị nặng thì cần tiêm thêm streptomycin lieu 0,1g/kg thể trọng hoặc tiêm Kanamycin với liều 0,05 g/kg thể trọng trong 3 ngày liền.
Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tạo nên môi trường phù hợp, vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là khi vận chuyển đi xa cần tránh mưa nắng, gió lùa mạnh, lồng vận chuyển phải có vách ngăn, có đồ lót khô, sạch, không nhốt quá chật để thỏ đè lên nhau.
Bệnh tụ huyết trùng
Trong niêm mạc đường khí quản của thỏ thường có vi trùng Pasteurella tiềm sinh. Khi sức đề kháng của cơ thể giảm sút (do môi trường ngoại cảnh tác động như gió lùa, thay đổi thời tiết đột ngột, dinh dưỡng kém hoặc viêm mũi kéo dài…) thì loại vi trùng này có độc lực lớn hơn sẽ gây bệnh ở nhiều dạng khác nhau như: viêm phổi, viêm kết mạc, phế mạc, viêm màng ngoài tim, viêm não dẫn đến thỏ nghiêng đầu.
Bệnh lan nhanh qua đường hô hấp bằng cách hít thở phải vi trùng ô nhiễm trong phân, bụi không khí. Tụ huyết trùng lợn gà, cũng có thể lây lan sang thỏ và làm tăng độc lực cho tụ huyết trùng thỏ gây bệnh.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh là gày yếu, kém ăn, sốt cao 41- 420C, khó thở, kết mạc mắt đỏ, chảy nước mũi có lẫn dịch nhờn. Nhiều khi bệnh ở dạng cấp tính, có thể làm thỏ chết đột xuất, chết nhiều trong thời gian ngắn mà không biểu hiện lâm sàng.
Thuốc đặc hiệu là Streptomycin với liều lượng 0,1g/kg thể trọng hoặc dùng Kanamycin tiêm với liều lượng 0,05g/kg thể trọng. Tất cả đều tiêm trong 3 ngày liền.
Thỏ rất mẫn cảm với vi trùng Pasteurella nên phải đề phòng bằng cách nuôi dưỡng chăm sóc tốt, bảo quản thỏ trong môi trường hợp vệ sinh, không nên nhốt thỏ trên chuồng gà, chuồng lợn, vừa ngột ngạt, vừa có nguy cơ lây lan mầm bệnh từ gà sang thỏ.
Bệnh ghẻ ở thỏ
Bệnh ghẻ là một bệnh kí sinh trùng ngoài da rất phổ biến gây tác hại lớn trong chăn nuôi thỏ. Trong môi trường ô nhiễm, mất vệ sinh, các loài ghẻ có thể truyền nhiễm và kí sinh trên da thỏ qua các đồ vật, lồng chuồng tiếp xúc với thỏ, kể cả người chăn nuôi…Bệnh ghẻ ở thỏ lây lan rất nhanh.
Bệnh ghẻ ít biểu hiện ở đàn thỏ con theo mẹ và thỏ từ 1 -2 tháng tuổi. Nhưng với thỏ từ hai tháng tuổi trở đi, bệnh ghẻ phát triển rất nhanh. Đặc biệt, tỷ lệ thỏ mắc bệnh này vào mùa mưa thường nhiều hơn là vào mùa khô.
Khi bị ghẻ, cơ thể thỏ bị nhiễm độc do ghẻ tiết ra, mất máu, thỏ không yên tĩnh, mất ngủ, kém ăn, gầy dần và chết. Do vậy, bà con cần chú ý phát hiện và chữa trị sớm.
Triệu chứng bệnh ghẻ ở thỏ biểu hiện dưới hai dạng: ghẻ đầu và ghẻ tai. Ghẻ đầu do loài ghẻ Notoedres kí sinh gây bệnh ở mí mắt, mũi, mép, có khi lan sang cả cổ, gáy, vai. Bệnh này cũng thường lây sang móng chân, gót chân, da vùng hậu môn và cơ quan sinh dục. Còn dạng ghẻ tai do loài ghẻ Psoroptes ký sinh gây bệnh ở trong lỗ tai, vành tai.
Với những con thỏ bị ghẻ, khi kiểm tra thấy bờ tai thỏ dầy cộp, lông thỏ rụng nhiều, lông thỏ xồm lên và liên tục thấy ngứa
Cách phòng trị bệnh ghẻ ở thỏ có thể sử dụng thuốc nước dạng ống tiêm có chứa hoạt chất Ivermectin hoặc Biomectin để điều trị bệnh. Liều lượng sử dụng là 1cc thuốc/0,7kg thể trọng. Tiêm thuốc cho thỏ 1-2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 3-5 ngày. Tùy vào sức đề kháng của mỗi con thỏ mà thời gian khỏi sẽ khác nhau, nhưng thông thường sau khoảng 1 tuần thỏ sẽ ổn định và hết ngứa.
Ngoài ra, có thể dùng thuốc ghẻ nước bôi lên viền tai và những chỗ da mỏng.
Với những cơ sở nuôi thỏ đã có ghẻ, cứ 2 tuần cần phải kiểm tra từng con một ở các điểm hay mắc ghẻ. Nếu thấy con nào bị ghẻ phải cách ly để điều trị kịp thời. Sau đó, dùng lửa hoặc nước sôi sát trùng toàn bộ lồng, chuồng cùng các dụng cụ chăn nuôi khác.
Khi thỏ bị ghẻ, cần tăng hàm lượng dinh dưỡng cho thỏ, như cung cấp thêm cây chè colombia, lá sắn dây, hay thân cây ngô chặt nhỏ… cho thỏ.
Khi được cho ăn thêm những loại thức ăn thô xanh này, thỏ sẽ được củng cố thêm lượng đường trong cơ thể, nhờ đó chúng trở nên khỏe mạnh, sức chống đỡ với bệnh cao hơn.
Bệnh nấm da ở thỏ
Nấm da thỏ hay nấm tai thỏ là một bệnh tương đối khó trị, và lây lan rất nhanh. Nguyên nhân gây bệnh là do đàn thỏ được nuôi nhốt ở nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng và thức ăn hoặc vật lót ổ bị mốc. Bào tử nấm tai lây lan rất nhanh, có thể trong một ngày là lây lan toàn chuồng đến toàn lồng. Nếu bệnh kéo dài, thỏ gầy yếu có thể dẫn đến chết.
Bệnh nấm da thỏ thường phát triển và lây lan mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ và độ ẩm môi trường cao ở nơi thiếu ánh sáng. Bệnh xuất hiện trên tất cả các loại thỏ nhưng mẫn cảm và lây lan mạnh hơn ở thỏ con theo mẹ và thỏ sau cai sữa.
Thỏ sau cai sữa dễ mắc bệnh nấm tai
Triệu chứng biểu hiện của bệnh nấm da ở thỏ thường là những chấm nhỏ tròn màu trắng ở các vị trí mí mắt, tai, sau đó các vết bệnh lan rộng ra thành các vùng màu trắng tròn như cúc áo, đồng xu rồi lan ra các vùng da khác như đầu, 4 chân, đùi, bụng và hai bên sườn.
Cách phòng trị để điều trị bệnh nấm da thỏ, bà con cần cách ly toàn bộ thỏ bệnh ra một khu chuồng riêng biệt. Sau đó, bà con sử dụng các thuốc có chứa hoạt chất Ivermectin để tiêm trị bệnh cho thỏ. Liều lượng là 1cc thuốc cho khoảng 0,7kg thỏ.
Bên cạnh đó, cũng có thể dùng thuốc nấm bôi ướt hết vào vùng da bệnh liên tục 4-5 ngày (1lần/ngày) hiệu quả phòng trị bệnh cũng rất tốt.
Chuồng nuôi thỏ cần được tăng cường ánh sáng và hạn chế độ ẩm. Ngoài ra, cần tiến hành vệ sinh tẩy uế chuồng nuôi thỏ, bằng cách phun foormon, hay rắc vôi bột để hạn chế bệnh lây lan.
Phòng trị bệnh viêm mắt ở thỏ
Viêm mắt là một loại bệnh thường gặp ở thỏ. Bệnh thường phát sinh do khâu vệ sinh chuồng trại không tốt, khiến các khí độc thoát ra từ rác thải bay vào mắt thỏ, gây viêm nhiễm giác mạc. Bệnh cũng có thể xảy ra do thời tiết thay đổi khí hậu, nhất là trong thời điểm mưa bão và áp thấp như hiện nay.
Triệu chứng thỏ có biểu hiện nước mắt chảy ở khóe mắt hai bên, trong trường hợp nặng, mắt thỏ sẽ đỏ lên. Nếu phát hiện muộn sẽ dẫn tới mắt thỏ bị cùi nhãn, tức là con ngươi sẽ bị bao bọc bởi lớp màng đục trắng, và thỏ sẽ không nhìn thấy thức ăn.
Triệu chứng của bệnh viêm mắt ở thỏ
Bệnh đau mắt sẽ không làm thỏ chết, nhưng sẽ khiến thỏ mất đi cơ quan thị giác, không nhìn thấy thức ăn và trọng lượng nhanh chóng bị giảm sút. Bệnh có khả năng lây lan nhanh.
Vì vậy, hàng ngày, bên cạnh việc cho thỏ ăn, bà con cũng cần quan sát đàn thỏ để sớm phát hiện những con bị bệnh và kịp thời có phương pháp điều trị.
Cách phòng bệnh thông thường một căn bệnh sẽ xảy ra khi hội đủ 3 yếu tố:
Xuất hiện mầm bệnh.
Điều kiện vệ sinh môi trường kém.
Sức đề kháng của gia súc giảm.
Do đó để phòng bệnh, cần thực hiện tốt nguyên tắc “3 sạch” là ăn sạch, ở sạch, uống sạch đảm bảo môi trường chăn nuôi sạch sẽ.
Thường xuyên bổ xung vitamin cho thỏ từ 3-5 ngày để tăng sức đề kháng và chống stress.
Điều trị tùy vào mức độ của bệnh nặng hay nhẹ mà ta sẽ có liệu pháp trị bệnh hợp lý. Bệnh nhẹ có thể nhỏ thuốc mắt, khi bệnh nặng, ta nên dùng kết hợp cả nhỏ và tiêm.
Cách tiến hành: Sử dụng kháng sinh Kanamycin loại 20% (dung dịch) và sử dụng chủ yếu để nhỏ vào mắt cho thỏ. Dùng xi-lanh có gắn kim vào, hút dung dịch ra với lượng vừa đủ, khoảng 1- 2 cc.
Sau đó, dùng tay vuốt 2 tai thỏ xuống, vật ngửa thỏ lên để mắt thỏ hướng lên trên theo hướng nằm ngang và nhỏ trực tiếp vào mắt thỏ, nếu thỏ ko mở mắt ra, ta tiến hành vành mắt để thuốc chảy vào trong mắt, rồi tiến hành nhỏ mắt tiếp theo.
Nên tiến hành nhỏ thuốc 2 lần vào sáng và chiều. Trong trường hợp xung quanh mắt thỏ có màng trắng bao phủ, bà con cần kết hợp cả nhỏ mắt và tiêm.
Dùng xi-lanh, hút thuốc theo liều lượng, cứ 1kg thỏ sẽ dùng 10ml thuốc. Giữ thỏ và nhẹ nhàng tiêm thuốc vào phần da ở gáy. Thời gian điều trị kéo dài từ 3-5 ngày cho tới khi mắt thỏ hết các biểu hiện về bệnh.
Bệnh kiệt sức vì nóng
Kiệt sức vì nóng có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với thỏ nếu nhiệt độ môi trường cao trên 92oF (trên 33oC). Ngoài ra nếu nhiệt độ tăng, thông gió kém và độ ẩm cao cũng là thủ phạm làm gia tăng bệnh. Triệu chứng thường gặp là thỏ thở gấp, nằm nghiêng một bên, nếu nặng máu tiết ra từ miệng và mũi. Nếu không được điều trị thỏ dễ bị tử vong nhất là thỏ con và thỏ đang mang thai.
Cách phòng tránh và điều trị: Trước tiên là giảm nhiệt cho thỏ, nhất là thân nhiệt. Áp dụng phương pháp thông gió, cho bé nằm trên miếng làm lạnh ( miếng nhôm, gach Ceramic, đá hoa cương..v..v). Cung cấp đồ ăn nước uống đầy đủ, hợp vệ sinh và bổ sung muối vào đồ uống và thức ăn cho thỏ.
Bệnh viêm vú
Viêm vú là căn bệnh do vi khuẩn gây ra thường diễn ra khi sau khi bị chấn thương tuyến vú hay vú xuất hiện cục nổi và cũng là căn bệnh có mức độ lan truyền nhanh. Triệu chứng thường gặp như tuyến vú bị viêm, sốt (trên 40 độ C) sưng to và khi nặng, vú có màu xanh nhạt làm cho thỏ suy yếu, biếng ăn nhưng lại uống nhiều nước.
Cách phòng tránh và điều trị: Phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt, trước tiên để giảm sản xuất sữa thì nên cắt giảm thức ăn đầu vào. Vệ sinh và tẩy trùng chuồng trại và thiết bị. Tiêm cơ penicillin 75.000-100.000 đơn vị hai lần/ngày trong 3-5 ngày. Không nên nuôi chung thỏ nhiễm bệnh với thỏ khoẻ mạnh. Nếu thỏ còn nhỏ nên cho thỏ bú sữa khi nào khoẻ trở lại mới cho nuôi chung cùng chuồng.
Naipet.com