Một Số Bệnh Sản Khoa Ở Bò

0

1. Viêm âm đạo

Là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng viêm nhiễm ở âm đạo. Nguyên nhân là do nhiễm khuẩn hoặc do thụt rửa âm đạo bởi những chất sát trùng gây kích thích và nhiệt độ dung dịch thụt rửa cao. Có thể là hậu quả của đẻ khó, sa âm đạo, giao phối hoặc phối tinh. Cũng có thể kế phát từ sót nhau, viêm nội mạc tử cung, viêm cổ tử cung.

Trong trường hợp nhiễm khuẩn, chủ yếu là vi khuẩn định cư ở âm hộ, âm vật như Staphylococus spp; Streptococcus spp; E. coli và Actinomyces pyogenes. Viêm âm đạo sẽ giảm sự thụ thai nếu kết hợp với viêm nội mạc tử cung, viêm cổ tử cung. Rối loạn này có thể tự khỏi trong trường hợp viêm nhẹ và không biến chứng.

Nhiều khi nhìn thấy mủ chảy ra thất thường ở âm hộ và niêm mạc âm đạo xung huyết, sưng và có mủ ở thành âm đạo. Trường hợp viêm nặng, khám qua trực tràng và kích thích âm đạo sẽ thấy mủ chảy ra và bò có biểu hiện đau. Trong trường hợp có biến chứng kết hợp với viêm cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung thì khi khám âm đạo bằng mỏ vịt sẽ thấy có dịch hoặc mủ rỉ ra từ lổ vào của cổ tử cung.

mot-so-benh-san-khoa-o-boSiêu âm nhằm thăm khám tử cung bò

Điều trị bằng cách sử dụng những chất tẩy rửa ít gây kích thích như nước muối sinh lý, lugol 0,5% hoặc biodine. Sau đó bơm kháng sinh hoặc sulfamides vào âm đạo. Việc điều trị cần phải lặp lại nhiều lần mới khỏi bệnh nhưng tiên lượng tốt. Nếu có biến chứng viêm nội mạc tử cung hoặc viêm cổ tử cung thì cần điều trị theo hướng dẫn ở phần sau.

2. Viêm cổ tử cung

Là thuật ngữ dùng để chỉ sự viêm nhiễm ở khe hẹp nằm dọc bên trong cổ tử cung. Nguyên nhân có thể là nhiễm trùng kế phát từ sẩy thai, đẻ khó, sót nhau, đở đẻ không hợp lý hoặc viêm tử cung. Cũng có thể do tổn thương từ kỹ thuật phối tinh không tốt, kỹ thuật thụt rửa tử cung không hợp lý.

Phần cổ tử cung nhô ra âm đạo xung huyết và sưng, các vòng nhẫn bên trong của cổ tử cung xung huyết. Lối vào của lổ cổ tử cung biến dạng và niêm mạc trở nên đỏ hoặc đỏ tía. Mủ chảy ra từ miệng cổ tử cung. Trường hợp viêm lâu ngày thì lối vào của cổ tử cung giãn nở rộng mặc dù có sự hiện diện của thể vàng trên buồng trứng. Cần phải xem xét cẩn thận vì viêm cổ tử cung ít khi đơn lẻ mà thường kết hợp với viêm âm đạo hoặc viêm nội mạc tử cung.

Một vài trường hợp bệnh có thể tự khỏi sau khi bò động dục. Điều trị bằng cách thụt rửa cổ tử cung bằng nước muối sinh lý hoặc lugol 0,5%. Sau đó bơm kháng sinh vào dọc theo cổ tử cung. Tiên lượng của bệnh này khá tốt nhưng nếu có viêm âm đạo hoặc tử cung thì cần phải kết hợp xử lý tốt.

3. Viêm nội mạc tử cung

Là thuật ngữ dùng để chỉ sự viêm nhiễm nội mạc của tử cung. Bệnh thường xuất hiện và lan rộng trên bề mặt tử cung và giảm tỷ lệ thụ thai do làm giảm sức sống của tinh trùng, làm giảm sự phát triển của phôi và trong trường hợp nếu phôi có làm tổ được trong tử cung thì cũng gây chết phôi hoặc sẩy thai sau đó.

Bệnh thường chia thành hai thể: thể nhiễm trùng do vi khuẩn, virút, nấm, nguyên sinh động vật và thể không nhiễm trùng.

Thể nhiễm trùng thường thấy sự hiện diện của các loại vi khuẩn như Staphylococus spp; Streptococcus spp; E. coli; Actinomyces pyogenes và Pseudomonas aerugenusa và những vi khuẩn không truyền nhiễm khác định cư ở âm hộ, âm vật, trên cơ thể gia súc và chuồng trại. Thường thấy hiện tượng bội nhiễm của nhiều loại vi khuẩn. Loại vi khuẩn truyền nhiễm là Campylobacter foetus và Brucella abortus.

Viêm nội mạc tử cung nhiễm khuẩn chủ yếu là tự phát hoặc do con đường nhân tạo thông qua cổ tử cung như phối tinh, chuyển phôi, sự thăm khám tử cung để chẩn đoán hoặc điều trị với dụng cụ nhiễm bẩn hoặc từ những tiến trình khác trong lúc đẻ như là đẻ khó, sót nhau, đỡ đẻ không vệ sinh. Cơ chế nhiễm khuẩn tử cung liên quan đến điều kiện sức khỏe, nuôi dưỡng của bò và có quan hệ chặt chẽ đến những hóc môn giới tính có bản chất steroid. Trong khi estrogen có tác động bảo vệ tử cung chống lại sự nhiễm khuẩn còn progesterone kìm hãm tác động của estrogen và tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Tử cung giai đoạn đầu của pha thể vàng thường nhạy cảm với sự nhiễm trùng và viêm nội mạc tử cung. Những nguyên nhân viêm nội mạc tử cung không nhiễm trùng thường là do thụt rửa tử cung với những chất sát trùng gây kích thích và nhiệt độ dung dịch thụt rửa cao. Viêm tử cung chia thành hai thể cấp tính và mãn tính. Thể mãn tính thường được phân hành hai loại là viêm cata và viêm có mủ.

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào khám âm đạo. Nếu có thể thì lấy dịch làm sinh thiết tử cung. Quan sát dưới kính hiển vi những phần lắng lại lấy từ dịch cổ tử cung hay trong tử cung sau khi ly tâm và nhuộm Giemsa để đếm bạch cầu và kiểm tra vi khuẩn. Kết quả xét nghiệm vi khuẩn sẽ cho chúng ta hướng điều trị và kháng sinh cần sử dụng. Qua sinh thiết tiêu bản tử cung xem xét hình thái tổ chức mô cơ nội mạc tử cung sẽ cho chúng ta tiên lượng của bệnh. Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất hiện nay thì khám lâm sàng vẫn là ưu tiên số một. Đồng thời phải kiểm tra cẩn thận những rối loạn có thể có trên buồng trứng như u nang, thể vàng tồn lưu.

Phương pháp điều trị cơ bản là làm trống tử cung bằng cách thụt rửa với dung dịch nước muối sinh lý (39- 40oC, khoảng 2-4 lít và đưa vào bao nhiêu phải lấy ra bấy nhiêu) hoặc lugol 100 ml/lần. Sau khi thụt rửa 1-2 lần thì có thể thụt kháng sinh như tretramycin hoặc ampicillin. Sau đó có thể lặp lại một ngày thụt lugol và một ngày thụt kháng sinh, lặp lại 3- 4 lần sau đó cho đến khi thấy dịch trong. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp sự hồi phục là giả tạo. Vì thế, nếu thụt rửa 1-2 lần mà thấy dịch trong cũng phải điều trị tiếp vài ngày sau đó nữa mới dừng. Có thể kết hợp với chích prostaglandin để tiêu hủy thể vàng (nếu có) và tăng co bóp tử cung để thải dịch ra ngoài.

Hiệu quả điều trị bệnh này chỉ được xem là thành công khi phối giống đậu thai. Bệnh có thể biến chứng dẫn đến tắc ống dẫn trứng và vô sinh có thể xảy ra. Trong trường hợp bò bị tắc ống dẫn trứng, cấy phôi có thể là giải pháp khắc phục sự mang thai nhưng hiệu quả vẫn không cao, vì ở Việt nam tỷ lệ cấy phôi thành công thấp, chỉ khoảng 30- 35% ở bò bình thường.

4. Viêm tử cung tích mủ

Là trường hợp mủ tích tụ lại trong tử cung mà không thải ra ngoài được do cổ tử cung bịt kín. Bệnh này thường là kế phát của chậm thu teo tử cung sau đẻ, do đẻ khó hoặc sót nhau. Đôi khi cũng có thể do nhiễm vi khuẩn hoặc nấm trong quá trình dẫn tinh mà đặc biệt là dẫn tinh cho bò đã mang thai nhưng có dấu hiệu biểu hiện động dục.

Sự tích mủ trong tử cung làm kìm hãm phân tiết prostaglandin và cũng gây nên tồn lưu thể vàng và bò không động dục. Do bò không động dục nên mủ ngày càng tích nhiều hơn. Lượng mủ có thể từ vài ml cho đến hàng chục lít. Có những trường hợp ghi nhận lượng mủ lên đến 80 lít trong tử cung.

Kiểm tra âm đạo thường thấy dấu hiệu niêm mạc âm đạo khô và lối vào cổ tử cung bịt kín giống như mang thai. Sừng tử cung giống như mang thai 2-3 tháng. Cần phân biệt với sự có thai, nếu không chắc chắn thì kiểm tra lại trong vài tuần sau đó.

Việc điều trị có thể sử dụng prostaglandin hoặc các dẫn xuất của nó. Sau khi tiêm một vài ngày sẽ có dấu hiệu động dục và cổ tử cung sẽ mở cộng với co bóp tử cung khi động dục sẽ tống mủ ra ngoài. Đồng thời tiến hành thụt rửa bằng các biện pháp thông thường. Kết quả điều trị và sự mang thai lại sau đó tùy thuộc vào thời gian kéo dài bệnh lý này trước đó. Có những trường hợp phát hiện và điều trị quá muộn nên cơ nội mạc tử cung không thể phục hồi và sự mang thai sau đó rất khó đạt được.

5. Viêm tử cung tích dịch

Là trường hợp tích dịch trong tử cung. Dịch này có thể là nước, dịch nhầy hoặc dịch nhầy có chứa những mảnh mô đã biến chất.

Rối loạn này không có liên quan đến sự nhiễm khuẩn. Việc khám phá về sinh lý tổ chức mô người ta nhận thấy có sự thoái hoá những nang trên nội mạc tử cung và thành tử cung teo lại nhưng không rõ nguyên nhân gây nên. Rối loạn này có thể đi kèm với u nang buồng trứng hoặc tồn lưu thể vàng và xuất hiện ở từng cá thể (không lây) với sự bất thường về tử cung, lối vào cổ tử cung, âm đạo với màng trinh cứng và bịt kín (bò tơ).

Trong trường hợp có thể vàng thì điều trị bằng prostaglandin hoặc các dẫn xuất của nó. Nếu là u nang noãn kèm theo đó thì điều trị như trường hợp u nang noãn đã nêu phần trước. Nếu màng trinh bịt kín thì có thể phẫu thuật ngoại khoa nhưng đôi khi gây viêm kết dính âm đạo hoặc gây đẻ khó sau đó.

Khám qua trực tràng nhận thấy hai sừng tử cung lớn và dày lên. Thành tử cung mỏng và có hiện tượng sóng sánh ở bên trong. Nếu có cảm giác sền sệt là tích dịch và có hiện tượng “ba động” nhiều là tích nước.

Nếu chẩn đoán và điều trị tốt thì dịch trong tử cung sẽ tiêu biến trong vòng 30- 40 ngày sau đó. Nhưng trường hợp rối loạn này thường tái diễn lại và rất ít có cơ hội thành công. Vì thế, sau khi điều trị mà tái diễn thì nên loại thải.

6. Sót nhau

Bình thường, nhau ra hoàn toàn trước 12 giờ sau khi đẻ. Bò sau khi đẻ mà lưu nhau hơn 12 giờ sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tử cung so với bò không bị sót nhau. Tuy nhiên, nhờ co bóp của tử cung sẽ giúp tử cung thu teo nhanh chóng sau đó và chất bẩn sẽ được tống ra ngoài. Vì thế mà sót nhau ít ảnh hưởng đến sinh sản so với những nhân tố khác. Nguy cơ sót nhau sẽ tăng cao trong các trường hợp đẻ sinh đôi, đẻ non hoặc già ngày, đẻ khó, thiếu vận động và thiếu canxi trong cuối thai kỳ. Đôi khi sự thiếu hụt selenium và vitamin E cũng gây nên sót nhau.

Người chăn nuôi dễ dàng nhận biết được dấu hiệu sót nhau. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp thì nhau nằm nguyên trong tử cung nên người chăn nuôi không thể biết được là nhau đã ra hay chưa và đây mới chính là nguy cơ làm nhiễm trùng máu. Vì thế, việc xử lý hậu sản là rất cần thiết.

Khi bò bị sót nhau thường không biểu hiện những dấu hiệu lâm sàng nghiêm trọng, ngoại trừ dấu hiệu giảm tính ngon miệng và giảm sữa tạm thời. Khoảng 20- 25% số bò bị sót nhau có thể dẫn đến viêm tử cung ở mức độ trung bình đến nghiêm trọng. Dấu hiệu lâm sàng là dịch thải ra có mùi hôi khó chịu, màng nhau treo lơ lửng ở âm hộ và khấu đuôi hoặc mông. Bình thường, phần nhau sót lại có thể được tống ra ngoài trong vòng 7-10 ngày nhưng một vài trường hợp có thể trên 15 ngày.

Có nhiều quan điểm khác nhau trong việc xử lý sót nhau như bóc nhau, sử dụng viên đặt hoặc dung dịch kháng sinh (đơn lẻ hoặc kết hợp với bóc nhau) nhưng có thể nói rằng không có giải pháp nào hoàn hảo.

Bóc nhau
Hầu hết các nhà chuyên môn đều đồng ý rằng việc bóc nhau chỉ được thực hiện khi màng nhau đã tách ra khỏi tử cung và dễ dàng bóc tách phần còn lại bằng tay. Tuy nhiên, việc bóc nhau nên được thực hiện bởi những kỹ thuật viên có kinh nghiệm. Đặc biệt, cấm chỉ định bóc nhau trong trường hợp bò có biểu hiện nhiễm trùng máu. Điều không hay là hầu hết các kỹ thuật viên và nhà chăn nuôi đã quen với phương pháp cổ truyền này và cố gắng bóc nhau cho bằng được trong mọi tình huống, gây tổn thương niêm mạc tử cung bò mẹ cũng như khả năng sinh sản trong tương lai.

Kích thích co bóp cơ tử cung
Nhiều nhà chuyên môn cho rằng việc tiêm oxytoxin trong vòng 24-48 giờ sau khi đẻ có thể mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ đẩy nhau ra ngoài. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây cho rằng không có sự khác biệt khi sử dụng liều đơn oxytoxin trong việc làm giảm nguy cơ sót nhau giữa bò đẻ bình thường và bò cần phải can thiệp khi đẻ. Việc sử dụng kết hợp với estrogen ngay lập tức sau khi đẻ sẽ làm gia tăng hiệu lực của oxytoxin nhưng gây nên hiện tượng giảm khả năng sinh sản sau đó.

Sử dụng kháng sinh
Nhiều nghiên cứu về xử lý sót nhau bằng kháng sinh mang lại kết quả trái ngược nhau. Một số kết quả thực nghiệm cho rằng, hiệu quả sinh sản của bò bị sót nhau được điều trị bằng cách thụt tetracyclin vào tử cung tương đương với bò không bị sót nhau và tốt hơn so với những bò bị sót nhau mà không dùng kháng sinh. Một số kết quả thực nghiệm khác thì cho rằng, việc thụt tetracyclin vào tử cung khi bò bị sót nhau có thể làm giảm khả năng sinh sản sau đó và tỷ lệ thụ thai so với không sử dụng kháng sinh. Họ đưa ra khuyến cáo rằng việc sử dụng kháng sinh chỉ nên thực hiện khi bò sót nhau có dấu hiệu nhiễm trùng máu hoặc đẻ khó. Việc sử dụng kháng sinh không giúp phòng ngừa hoàn toàn viêm tử cung và hiện tượng viêm tử cung có mủ có thể phát triển sau đó. Vì thế, chúng ta phải cẩn thận và không nên quá tin tưởng vào sử dụng kháng sinh mà không có sự chú ý nào sau đó.

Trong điều kiện nóng ẩm như Việt nam thì giải pháp được khuyến cáo là kết hợp thật hợp lý giữa hai phương pháp bảo tồn nhau bằng kháng sinh với việc theo dõi lấy nhau ra ngoài.

7. Tử cung lộn bít tất

Là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng lộn hoàn toàn hay một phần tử cung ra ngoài sau khi đẻ.

Bệnh này thường xảy ra trong trường hợp do đẻ khó, thai to, sót nhau dẫn đến giãn dây chằng tử cung và nới hoàn toàn cổ tử cung. Nuôi nhốt bò tại chuồng mà nền chuồng dốc từ máng ăn về sau nhiều cũng là nguyên nhân dẫn đến trường hợp này sau khi đẻ. Thường thấy tử cung lộn ra ngoài còn dính cả màng nhau và thấy rõ núm nhau. Phần tử cung lộn ra ngoài dính đầy máu và có thể dính cả phân, bề mặt xung huyết và tụ máu nên bầm tím vì cản trở tuần hoàn. Nếu để lâu rất dễ dẫn đến chết do bí tiểu và ngô độc urê cũng như phần tử cung lộn ra bị hoại tử và nhiễm trùng máu. Triệu chứng toàn thân có thể xảy ra như sốt, bỏ ăn và đôi khi bại liệt.

Khi gặp bệnh này người chăn nuôi cần phải dùng vải sạch để hứng ngay phần tử cung lòi ra và gọi thú y càng sớm càng tốt.

Hướng xử lý: rửa sạnh phần lộn ra bằng nước muối 5-10%. Sau đó, bóc sạch nhau và rửa lại bằng nuớc muối. Thấm novocain toàn bộ bề mặt và lần lượt nhét vào lại bên trong. Bắt đầu nhét lần lượt từ phần sát âm hộ cho đến khi hết. Khi nhét vào xong thì dội nước vào tử cung bằng ống nhựa mềm có đường kính từ 27-34 mm gắn với một cái phễu nhằm giúp tử cung trở lại vị trí bình thường. Tránh xoắn tử cung khi nhét vào, khi dội rửa tử cung phải đưa toàn bộ lượng nước đó ra ngoài bằng cách hạ thấp phần gắn phễu xuống sát đất. Sau đó đặt kháng sinh vào tử cung. Cuối cùng may khép tầng sinh môn của âm hộ. Nếu bò rặn nhiều thì gây tê khum đuôi bằng novocain hoặc lidocain 5-10 ml. Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của bò trong một vài ngày sau đó. Nếu có sốt thì điều trị toàn thân bằng những kháng sinh thông dụng.

PGS.TS. Đinh Văn Cải, ThS. Nguyễn Ngọc Tấn

Facebook Comments
Share.

Chat
1