Bài viết cung cấp thông tin về kỹ thuậ nuôi tôm sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên.
1. Hệ thống nuôi copefloc
– Copefloc là một thuật ngữ dùng để chỉ một công nghệ nuôi tôm mới đang phát triển mạnh tại Thái Lan. Copefloc = Copepods + Biofloc là một công nghệ nuôi tôm sử dụng copepods (giáp xác chân chèo), các hạt biofloc và các động vật thân mềm sống đáy (giun nhiều tơ,…) như là một nguồn thức ăn chính yếu cho tôm nuôi và hoàn toàn không sử dụng thức ăn chế biến (thức ăn viên công nghiệp). Hệ thống nuôi tôm theo công nghệ copefloc có nhiều thuận lợi như: thiết kế vận hành đơn giản, ít rủi ro, chi phí nuôi thấp do không tốn tiền thức ăn cho tôm, tốc độ tăng trưởng của tôm rất cao, lợi nhuận thu được cao, không gây ô nhiễm môi trường. Một số đặc điểm nổi bật của hệ thống này là: ao nuôi không cần lót bạt, không cần cống trung tâm để siphong đáy ao, hoàn toàn khép kín và không thay nước, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất diệt khuẩn và xử lý nước nào, không sử dụng kháng sinh, không cần bổ sung khoáng chất, không cần ương tôm 30 ngày trước khi thả xuống ao nuôi, và đặc biệt là không sử dụng thức ăn công nghiệp, tôm sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên có trong ao nuôi.
– Copepoda giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái ao nuôi như là: thức ăn cho tôm cá nhỏ, động vật ăn thịt cỡ nhỏ của tôm cá và các sinh vật khác. Động vật phiêu sinh, đặc biệt là luân trùng, giác xác râu ngành và các giống loài thuộc bộ cyclopoidacủa copepoda là nguồn thức ăn quan trọng nhất trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt ấu trùng của copepoda có giá trị làm thức ăn cho tôm cá giai đoạn giống. Protein của copepods cần thiết cho sự tăng trưởng mạnh của ấu trùng, tôm cá con nên chúng đóng vai trò rất quan trọng trong nuôi trồng thủy sản. Copepoda có thể được nuôi hoặc là thu thập từ các thủy vực tự nhiên được sử dụng như nguồn thức ăn tự nhiên cho ấu trùng tôm cá.
– Biofloc là một phức hợp của tảo, vi khuẩn, nguyên sinh động vật (protozoans) và các hạt vật chất hữu cơ như phân tôm cá và các mảnh vụn thức ăn. Mỗi hạt floc được gắn kết lại với nhau trong một ma trận lỏng lẻo bởi các chất nhờn được tiết ra từ vi khuẩn, chúng bị ràng buộc bởi các vi sinh vật dạng sợi, hoặc do lực hút tĩnh điện. Cộng đồng vi sinh trên biofloc cũng bao gồm các động vật phù du và giun tròn. Các hạt biofloc lớn có thể nhìn bằng mắt thường, nhưng phần lớn phải dùng kính hiển vi. Biofloc trong hệ thống nước xanh (greenwater biofloc system) thường có kích thước lớn, vào khoảng 50 – 200 micron, và rất dễ lắng xuống trong nước tĩnh. Chất lượng dinh dưỡng của biofloc rất tốt cho tôm cá nuôi, nhưng chúng rất biến động. Hàm lượng protein khô trong biofloc chiếm khoảng 25 – 50%, phần lớn nằm trong khoảng 30 – 45%. Chất béo chiếm từ 0,5 – 15%, thông thường nằm trong khoảng 1 – 5%. Ngoài ra, có nhiều báo cáo về sự hiện diện của acid amin thiết yếu trong biofloc là methionine và lysine. Biofloc là một nguồn vitamin và khoáng chất rất tốt, đặc biệt là phosphorus. Biofloc cũng có tác dụng giống như là chế phẩm sinh học (probiotic).
Sơ đồ chuỗi thức ăn trong qui trình nuôi tôm theo copefloc. (1) Cung cấp nguồn dinh dưỡng cơ bản cho vi khuẩn (bacteria) và phiêu sinh thực vật (phytoplankton); (2) Vi khuẩn và phiêu sinh thực vật trở thành thức ăn cho phiêu sinh động vật (zooplankton) hoặc động vật thân mềm sống đáy ví dụ như giun nhiều tơ (invertebrates); (3) Phiêu sinh động vật và động vật thân mềm trở thành thức ăn tự nhiên tươi sống cho tôm cá nuôi; (4) Phân thải ra của tôm cá nuôi lại cung cấp nguồn dinh dưỡng cơ bản cho vi khuẩn (bacteria) và phiêu sinh thực vật (phytoplankton).
– Copefloc cùng lúc giải quyết được rất nhiều vấn đề quan trọng trong hệ sinh thái của ao nuôi một cách hoàn toàn tự nhiên. Công nghệ nuôi tôm copefloc hứa hẹn sẽ giảm thiểu khả năng phát sinh và lây lan bệnh trong quá trình nuôi tôm, giảm thiểu chi phí thức ăn và đặc biệt là tạo ra sản phẩm nuôi an toàn nhờ vào quy trình nuôi hữu cơ (organic) không sử dụng hóa chất, kháng sinh và thức ăn viên công nghiệp trong suốt chu kỳ nuôi.
2. Kỹ thuật cơ bản của qui trình nuôi copefloc
– Chuẩn bị ao nuôi: Thực hiện các bước cải tạo ao nuôi giống như các mô hình nuôi tôm khác (gia cố bờ ao, sên vét bùn đáy ao, bón vôi,…). Không cần lót bạt đáy ao, vì nó là nơi sinh sống của các loài động vật thân mềm sống đáy ví dụ như giun nhiều tơ,… Có thể lót bạt bờ ao để tránh sạt lở, hạn chế nước đục trong mùa mưa. Nên có lưới rào xung quanh ao để hạn chế các sinh vật mang mầm bệnh xâm nhập vào ao nuôi (cua, ba khía,…).
– Diện tích ao nuôi: Tùy theo điều kiện sẳn có, tuy nhiên, khuyến cáo diện tích ao nuôi nên từ 3.000 – 6.000 m2 để dễ chăm sóc và quản lý.
– Hệ thống sụt khí: Vì ao nuôi không lót bạt nên không bố trí (hoặc bố trí rất ít) hệ thống quạt nước. Thay vào đó, người ta sử dụng hệ thống sụt khí đáy dạng khuếch tán (air diffuser) bằng cách khoan các lổ nhỏ trên hệ thống ống nhựa PVC đặt ở giữa ao nuôi với diện tích bao phủ khoảng 40% tổng diện tích ao nuôi. Hiện nay có rất nhiều hệ thống sụt khí khác nhau, mỗi loại có ưu và nhược điểm khác nhau. Tùy theo điều kiện và đặc điểm vùng nuôi mà chọn hệ thống phù hợp. Một điều cần lưu ý là mô hình nuôi copefloc không sản xuất chất thải, không cần siphong nên chúng ta không cần hệ thống sụt khí tạo dòng chảy để gom chất thải. Thay vào đó, chúng ta chỉ cần cung cấp đầy đủ oxy cho tôm nuôi và các sinh vật là thức ăn tự nhiên có trong ao nuôi. Tóm lại, bất kỳ hệ thống sụt khí nào tạo được oxy tốt và phù hợp với ao nuôi, điều kiện kinh tế của người nuôi đều có thể sử dụng trong mô hình này.
– Gây nuôi thức ăn tự nhiên:
Krill: Loài giáp xác nhỏ hình dạng giống tôm thuộc bộ Euphausiacea trong mô hình nuôi copefloc, một trong những nguồn thức ăn tự nhiên rất tốt cho tôm.
+ Sau khi lấy nước vào ao nuôi từ ao lắng (nước được xử lý, lắng lọc ở ao lắng trong một thời gian dài) đến khi đạt độ sâu từ 1,2 – 1,5 m, tiến hành gây nuôi copepods, các loài phiêu sinh động vật, giáp xác nhỏ khác (krill) và động vật thân mềm sống đáy (barnacle, giun nhiều tơ, các loài hai mảnh vỏ, và các loài động vật thân mềm sống đáy khác) bằng cách dùng cám gạo lên men với chế phẩm sinh học (probiotics). Tuyệt đối không cung cấp nguồn copepods hay các sinh vật khác từ bên ngoài vào ao nuôi để tránh trường hợp chúng mang mầm bệnh vào ao nuôi, tất cả các loài thức ăn tự nhiên có trong hệ thống nuôi tự nó sẽ phát triển khi có các điều kiện thích hợp. Cám gạo được cho vào trong chậu (bể) lớn, cho nước ao nuôi và chế phẩm sinh học vào và sụt khí mạnh trong 24 – 48 giờ. Sau đó cho hỗn hợp cám gạo lên men vào trong túi vải thưa dài (dạng giống như ống bơm nước), chuyển xuống ao nuôi và thường xuyên đảo túi vải để dịch cám gạo lên men với probiotic lan tỏa khắp ao nuôi. Ao nuôi được sụt khí liên tục trong thời gian từ 7 – 10 ngày trước khi thả giống tôm. Sử dụng cám gạo lên men ban đầu với liều lượng khoảng 300 kg hoặc 30 ppm trên 1 hecta để gây tạo thức ăn tự nhiên trong ao. Cám gạo lên men sẽ là nguồn thức ăn cho copepod, động vật thân mềm và các loài sinh vật khác trong ao.
+ Cách thu mẫu và tính toán mật độ copepods: Copepods được thu bằng cách dùng xô (chậu) lấy 50 – 100 lít nước ở các vị trí khác nhau trong ao nuôi, sau đó lọc qua lưới phiêu sinh có kích thước 50 – 70μm, phần còn lại cho vào lọ 60 ml rồi dùng formol 2 – 4% cố định mẫu. Dùng pipet lấy 1 ml nước trong lọ 60 ml có chứa mẫu cho lên trên buồng đếm Sedgewich-Rafter và quan sát dưới kính hiển vi ở độ phóng đại 10X, 40X. Đếm số cá thể được phân tích bằng cách di chuyển buồng đếm theo tọa độ từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. Công thức tính: X (cá thể/m3) = (T x Ccđ x 1.000)/Vmt. Trong đó, X: số lượng copepods (và cả nhóm khác); T: Số cá thể đếm được trên buồng đếm, Vcđ: thể tích mẫu cô đặc (ml, 60 mL), Vmt: thể tích mẫu thu qua lưới lọc ban đầu (50 – 100 lít, tùy theo thể tích nước đã thu).
+ Đáy ao nuôi được xử lý bằng probiotic giúp sản sinh copepod và động vật thân mềm tự nhiên trong ao. Chúng là nguồn dinh dưỡng tự nhiên rất tốt cho tôm nuôi.
+ Krill: Loài giáp xác nhỏ hình dạng giống tôm thuộc bộ Euphausiacea trong mô hình nuôi copefloc, một trong những nguồn thức ăn tự nhiên rất tốt cho tôm. Krill ăn copepod rất khỏe và tăng trưởng nhanh, nó trở thành nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi. Krill mang trứng trong ao nuôi giàu copepod và các vi sinh vật khác.
– Tạo biofloc:
+ Để tạo và duy trì biofloc trong hệ thống nuôi, cần phải cung cấp thêm nguồn carbon cho hệ thống. Có rất nhiều nguồn nguyên vật liệu có thể dùng để cung cấp carbohydrate vào hệ thống biofloc, bao gồm bột ngũ cốc, mật đường, bã mía, cỏ khô băm nhỏ hay các nguồn khác. Nguồn carbon hữu cơ bổ sung phân hủy nhanh và dễ dàng là tốt nhất. Vi khuẩn dị dưỡng trong hệ thống biofloc có thể phân hủy vật chất hữu cơ đơn giản một cách nhanh chóng, chỉ trong vài phút đến vài giờ. Carbohydrate đơn giản như đường (sucrose hay dextrose) hoặc tinh bột sẽ có tác dụng nhanh nhất. Để tính số lượng carbon cần thiết thêm vào ao nuôi nhằm cân bằng hoặc giảm hàm lượng nitơ trong ao nuôi, chúng ta cần tính toán tổng hàm lượng nitơ trong ao nuôi bằng cách nhân giá trị NH4+/NH3tổng số (TAN) với tổng thể tích nước ao nuôi. Trong mô hình nuôi copefloc, nguồn nitơ trong ao chủ yếu là từ chất thải của tôm (phân) và sự phân hủy vật chất hữu cơ, xác tảo chết bởi vi khuẩn nên hàm lượng không lớn lắm. Có thể dùng test kit để đo TAN trong ao nuôi. Đường sucrose có hàm lượng carbon từ 50 – 60% và mật đường (rỉ đường) có hàm lượng carbon khoảng 40 – 50% tùy theo chất lượng của nguồn cung cấp. Trong mô hình nuôi theo công nghệ copefloc, hàm lượng biofloc tối ưu phải luôn luôn được duy trì ở mức < 1 ml/L khi đo bằng bình hình nón Imhoff để tránh tích tụ chất thải dưới đáy ao nuôi. Do đó, cần tránh việc bổ sung quá nhiều nguồn cung cấp carbon (mật đường, đường surcrose,…) vào trong ao nuôi.
+ Cách đo hàm lượng biofloc: Bình Imhoff hay bình lắng hình nón là một thiết bị đơn giản để đo hàm lượng biofloc trong ao. Thiết bị đơn giản này là một cái bình thường được làm bằng nhựa có hình nón úp ngược, bên ngoài có thang chia vạch, chúng thường được dùng để kiểm tra hàm lượng biofloc bằng cách cho lắng 1 lít nước từ hệ thống nuôi. Nước sau khi cho vào bình được để lắng khoảng 20 – 30 phút, sau đó ghi nhận thể tích chất rắn lắng xuống đáy bình. Trong mô hình nuôi copefloc, giá trị biofloc đo được bằng bình Imhoff phải nhỏ hơn 1 ml/L và được duy trì trong suốt chu kỳ nuôi.
– Mật độ thả nuôi: Khuyến cáo mật độ tôm nuôi trong mô hình này là dưới 50 con/m2. Ở mật độ nuôi này, tôm có thể phát triển tốt, hạn chế cạnh tranh về thức ăn tự nhiên. Thả nuôi với mật độ cao hơn sẽ dẫn đến việc cạnh tranh về thức ăn, dẫn đến thiếu thức ăn, chất lượng nước ao nuôi bị biến động, chất thải (phân tôm) nhiều có thể dẫn đến hình thành khí độc và phát sinh mầm bệnh. Tuy nhiên, trong một số thử nghiệm người ta có thể thả nuôi tôm với mật độ rất cao, khoảng 125 con/m2. Nguồn tôm giống thả nuôi trong qui trình này tại Thái Lan cũng được sản xuất theo qui trình biofloc.
– Quản lý ao nuôi:
+ Đây là công nghệ nuôi sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên nên hàng ngày chúng ta không cần cho tôm ăn. Người nuôi chỉ chú trọng đến việc quản lý quần thể thức ăn tự nhiên trong ao nuôi. Các vấn đề cần kiểm tra hàng ngày như: mật độ copepods trong ao nuôi, thể tích biofloc trong ao nuôi (luôn luôn duy trì hàm lượng biofloc < 1 ml/L trong suốt chu kỳ nuôi), kiểm tra động vật thân mềm sống đáy để có những điều chỉnh thích hợp thông qua việc bổ sung nguồn carbon để duy trì hàm lượng biofloc, bổ sung chế phẩm sinh học để làm thức ăn cho copepods và các nhóm sinh vật khác, kiểm tra chất lượng nước, kiểm tra sức khỏe tôm nuôi,… để có hướng xử lý kịp thời. Đặc biệt không được sử dụng các loại hóa chất diệt khuẩn, xử lý nước và kháng sinh vì nó sẽ ảnh hưởng đến các sinh vật là nguồn thức ăn tự nhiên trong hệ thống nuôi.
+ Tôm nuôi sử dụng công nghệ copefloc được kiểm tra bằng cách sốc độ mặn, tôm chuyển hoàn toàn sang nước ngọt trong 10 phút (hình bên dưới). Kết quả cho thấy, tôm rất khỏe mạnh, hoạt động mạnh, không có dấu hiệu yếu đi hoặc chết khi sốc, ruột đầy thức ăn, tôm không bị đục cơ, không gãy râu,…tôm không có dấu hiệu gì của việc sốc độ mặn!
+ Tôm rất khỏe, hoạt động mạnh, ruột đầy thức ăn tự nhiên. Thức ăn tự nhiên trong ao (copepods và các loài động vật thân mềm sống đáy) là nguồn thức ăn tự nhiên tốt nhất cho tôm. Tôm có thể hấp thu dinh dưỡng và khoáng chất từ thức ăn, giúp tôm tăng trưởng nhanh và tăng cường hệ miễn dịch.
+ Tôm 58 ngày bắt ngẫu nhiên từ ao bằng lưới, cho sốc độ mặn bằng cách chuyển tôm sang nước ngọt hoàn toàn. Ao nuôi này bị ngắt sụt khí hơn 5 giờ do ảnh hưởng của bão và mưa to. Tôm vẫn rất khỏe và hoạt động mạnh.
3. Kết luận
Hiện tại chưa có một qui trình hoàn chỉnh hay một bài báo hay nghiên cứu nào viết về qui trình nuôi tôm theo công nghệ copefloc này. Bài viết này dựa trên những gì tác giả đọc được phần lớn trên nhóm “Thai Organic Shrimp” trên Facebook, kết hợp với những hiểu biết về công nghệ biofloc trên tôm nuôi. Xét về nguyên lý và trên lý thuyết thì qui trình nuôi tôm theo công nghệ copefloc khá đơn giản và không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, đầu tư như công nghệ biofloc, nên có thể dễ dàng áp dụng. Điều quan trọng và mấu chốt trong qui trình này là tạo được nguồn tức ăn tự nhiên trong ao nuôi trước khi thả tôm giống và duy trì nó trong suốt chu kỳ nuôi như đã trình bày ở phần trên. Copefloc cùng với các mô hình nuôi tôm khác như tôm – rừng, tôm – lúa,… sẽ là tương lai của ngành công nghiệp nuôi tôm bền vững, sinh thái và an toàn sinh học. Tác giả hy vọng có bạn nào đang nuôi tôm ở Việt Nam thử nghiệm qui trình nuôi tôm này và có những chia sẻ với mọi người.
Kỹ thuật nuôi tôm sử dụng thức ăn tự nhiên, Nguồn: Triệu Thanh Tuấn – Cty Aquanetviet (kythuatnuoitrong)
Naipet.com