Hội Chứng Còi Cọc Ở Heo Con Sau Cai Sữa

0

1. Giới thiệu bệnh

Thông thường mỗi ổ lợn sau cai sữa thường thấy một vài con còi cọc chậm lớn. Nguyên nhân dẫn đến còi cọc, chậm lớn rất đa dạng. Trong một số trường hợp do yếu tố thể chất (di truyền) nên ngay từ khi mới sinh, lợn con đã không đủ sức mạnh cạnh tranh với những con khác cùng ổ đẻ để bú sữa mẹ lúc đầu và đẫn đến chậm lớn.

Một số con do kỹ thuật chăm sóc lợn sơ sinh của người chăn nuôi chưa đúng, chúng bị các yếu tố stress bất lợi tác động, trong đó các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió ảnh hưởng rất rõ lên cơ thể lợn sơ sinh. Nhưng đáng chú ý hơn là điều kiện vệ sinh ổ đẻ của nái đẻ không tốt làm cho lơn con bị chứng khó tiêu, tiêu chảy phân trắng… Thêm vào đó sự sai sót là các kỹ thuật chăm sóc lợn con lúc cai sữa cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn con sau này.

hoi-chung-coi-coc-o-heo-con-sau-cai-sua 1Heo còi cọc so với heo cùng lứa.

Ngày nay, ngoài các yếu tố nêu trên, người ta thấy hội chứng còi cọc có xu hướng tăng mạnh trong mỗi ổ đẻ và trong mỗi trại có khả năng lây lan và gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho ngành chăn nuôi lợn. Theo tính toán của các nhà khoa học Mỹ thì hội chứng còi cọc ở lợn con sau cai sữa làm giảm tổng khối lượng xuất chuồng khoảng 10 – 15%. Chính vì thế, năm 1990 các nhà khoa học thuộc trường đại học Saskatchewan- Canada đã phát hiện ra căn nguyên gây bệnh và thống nhất đặt tên cho bệnh này là “ Hội chứng còi cọc ở lợn con sau cai sữa ” Post- weaning Multi- systemic Wasting Syndrome viết tắt là PMWS” do một virus gây ra. Bệnh đã lây lan ra toàn thế giới và đang là điểm nóng thời sự cho các chuyên gia thú y, di truyền, chọn giống…

2. Nguyên nhân gây bệnh

Thực chất của hội chứng còi cọc ở lợn con sau cai sữa đã được các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, giải quyết từ những năm 1970 của thế kỷ trước. Đáng chú ý là kết quả phân lập được căn nguyên gây bệnh vào năm 1974 từ tế bào thận của những lợn còi cọc là một loại circovirus (porcine circovirus- PCV).

Đây là một loại AND virus, thuộc lớp II tức là sợi đơn AND không phân đoạn, dạng trần, capsid có đường kính 17nm. Virus thuộc họ Circoviridae.

Circovirus gồm 2 chủng (2 typ) được ký hiệu là PCV- 1 và PCV- 2, trong đó vai trò gây bệnh còi cọc chủ yếu do circovirus typ 2 (PCV-2).

3. Đặc điểm dịch tễ

Các nhà khoa học đã phân lập được circovirus ở mọi lứa tuổi lợn, điều đó chứng tỏ lợn ở mọi lứa tuổi đều có khả năng nhiễm virus. Vai trò gây bệnh của Circovirus typ 2 (PCV- 2) luôn được khẳng định ở Mỹ, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Anh, Hà Lan và một số nước Đông Nam Á…

Bệnh xảy ra quanh năm, không phụ thuộc vào mùa vụ, khí hậu. Tuy nhiên, người ta thấy ở các đàn nái ngoại cao sản, lợn được chăn nuôi công nghiệp thì bệnh xảy ra phổ biến hơn, tỷ lệ lợn con mắc hội chứng còi cọc nhiều hơn so với các giống lợn địa phương được chăn nuôi theo hướng phân tán, nhỏ lẻ.

Có thể virus gây bệnh vào cơ thể lợn con từ rất sớm, nhưng bệnh thường xuất hiện ở lợn từ 5- 18 tuần tuổi (lợn sau cai sữa và lợn vỗ béo).

Có một số thông tin cho rằng bệnh có thể truyền dọc (qua nhau thai, qua tinh dịch) và cũng có thể truyền ngang qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp.

Tỷ lệ mắc bệnh phổ biến từ 1- 5% trong đàn, nhưng cũng có những trại tỷ lệ mắc cao dao động tới 50%.

4. Cơ chế bệnh sinh

Đã có một số thông báo về cơ chế sinh bệnh “Hội chứng còi cọc ở lợn con sau cai sữa”, nhưng hầu hết đều chưa được nghiên cứu kỹ. Cơ chế sinh bệnh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ và người ta cho rằng cần phải xem xét vai trò của các yếu tố stress thúc đẩy khả năng gây bệnh đối với căn nguyên và cần lưu ý sự hiệp đồng gây bệnh giữa Cirvivirus typ2 (PCV- 2) với các căn nguyên gây bệnh khác như sảy thai do Parvovirus, viêm phổi tăng sinh, hội chứng viêm da và suy thận ở lợn con sau cai sữa và lợn vỗ béo, hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS), cúm lợn (PNP)…

5. Triệu chứng

Các triệu chứng thường xuất hiện rõ ở lợn từ 5- 18 tuần tuổi.

Triệu chứng điển hình nhất, dễ nhận tháy nhất là còi cọc, tức là lợn lớn chậm hơn rất nhiều so với các con khác cùng ổ hoặc cùng lứa tuổi.

hoi-chung-coi-coc-o-heo-con-sau-cai-suaHeo còi cọc được đánh dấu và tách riêng khỏi đàn.

Bệnh cạnh hiện tượng còi cọc thì những lợn này còn hay bị viêm phổi và tiêu chảy. Khi cán bộ kỹ thuật dùng kháng sinh để điều trị thì không mang lại kết quả, lợn vẫn tiếp tục chậm lớn viêm phổi và tiêu chảy, hình dáng xấu xí, lông xù, trông già trước tuổi.

Một số con có dấu hiệu lười vận động, da khô, nhăn nheo, có màu xanh, đôi khi có màu vàng xanh vàng. Một số khác thấy viêm da vành tai và da phía sau đùi, dần dần lan tỏa ra toàn thân.

6. Bệnh tích

Nếu bệnh chỉ do PCV- 2 thì thấy:

  • Thịt và mỡ có màu vàng (gần giống bệnh xoắn khuẩn).
  • Hạch lâm ba sưng to, thấy rõ nhất là hạch bẹn.
  • Lách sưng và cứng.
  • Thận viêm phù nề, sưng to, trên bề mặt có nhiều nốt trắng.
  • Phổi viêm tiết dịch.
  • Các khoang ngực, khoang bụng chứ nhiều dịch thẩm xuất màu đỏ hồng.
  • Ruột luôn bị viêm xuất huyết tăng sinh.
  • Dạ dày có nhiều nốt viêm hoại tử, viêm loét.
  • Trường hợp bị bội nhiễm thì ngoài các bệnh tích kể trên còn kèm theo các biến đổi cơ thể mỗi loại bệnh ghép (bệnh thứ phát).

7. Chẩn đoán

Dựa trên các triệu chứng lâm sàng, đặc điểm dịch tễ, bệnh tích có thể chẩn đoán sơ bộ hội chứng còi cọc ở lợn con sau cai sữa.

Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết, nhất là khi bệnh có xu hướng lây lan nhanh thì cần áp dụng các phương pháp trong phòng thí nghiệm để khẳng định bệnh.

Các phương pháp thường dùng là tìm kháng thể kháng huyết thanh PCV- 2 trong huyết thanh , trong tinh dịch, trong các tế bào nội tạng như thận, hạch lâm ba… gồm PCR, RT- PCR, ELISA…

Ở những nơi bệnh xuất hiện lần đầu tiên thì buộc phải phân lập, giám định PCV- 2 từ tế bào thận lợn nghi mắc bệnh.

8. Điều trị

Trên thế giới chưa có thuốc điều trị.

Ở Việt Nam, theo chúng tôi, với tình hình thiếu kiểm soát hoặc việc kiểm soát chưa đồng bộ, hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn trong kiểm dịch nhập lợn giống ngoại thì chắn trong tương lai gần, bệnh sẽ ồ ạt xuất hiện tại nước ta. Do đó, cần phải áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Trước mắt là tiêu diệt tận gốc lợn bệnh và các đàn lợn đã tiếp xúc với lợn bệnh nhằm tránh lay lan. Các nhà nhập khẩu phải xem xét kỹ hồ sơ, lý lịch đàn lợn cần nhập cà chỉ nhập lợn hoàn toàn khỏe mạnh, không mang virus PCV- 2 vào Việt Nam.

Nếu việc kiểm dịch bỏ lọt lưới lợn bị bệnh hoặc tính dịch đực giống bị nhiễm PCV- 2 thì nguy cơ bùng phát hội chứng còi cọc là rất lớn. Hơn nữa, sự thiếu hiểu biết và tùy tiện của người chăn nuôi, người tiêu dùng cũng làm bệnh lây lan nhanh chóng ra diện rộng. Lúc đó, vấn đề xử lý và can thiệp bệnh được tiến hành như sau:

  • Loại bỏ những con có dấu hiệu lâm sàng.
  • Thực hiện vệ sinh tiêu độc nghiêm túc.
  • Trường hợp tỷ lệ lợn mắc bệnh nhiều và có nguy cơ bội nhiễm gây nhiều thiệt hại về kinh tế thì có thể tiến hành điệu trị theo phương pháp sau …

9. Phòng bệnh

Trên thế giới có một số vacxin đang được sử dụng rộng rãi như:

  • Circovac của Pháp: tiêm 2ml/nái lúc 2-3 tuần trước khi đẻ nhằm tạo miễn dịch thụ động cho đàn con. Nếu nái đẻ chửa lần đầu thì phải tiêm 2 lần, lần 1 vào lúc nái chửa 80- 84 ngày, lần 2 nhắc lại lúc nái chửa 100 ngày.

Vì miễn dịch tạo ra ngắn nên mỗi lần tiếp theo, lợn nái chửa phải được tiêm nhắc lại vacxin vào lúc 15 ngày trước khi sinh.

  • Circumvent.VM.PVC của Hà Lan là vacxin sống nhược độc tiêm cho lợn sơ sinh lúc 3 tuần tuổi cho những cơ sở chăn nuôi đã từng mắc bệnh, tiêm nhắc lại lần 2 sau 3 tuần để loại bỏ sự lây nhiễm PCV- 2 tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa bệnh.

Bên cạnh biện pháp tiêm phòng chủ động, các nhà chăn nuôi phải luôn quán triệt việc áp dụng biện pháp an toàn sinh học hạn chế tối đa sự lây lan, mất mát không đáng có về kinh tế đẻ tăng hiệu quả chăn nuôi.

PGS.TS Lê Văn Năm

Naipet.com

Facebook Comments
Share.

Chat
1