Da Và Sản Phẩm Của Da Ở Gia Cầm

0

Da của gia cầm bao phủ toàn thân và có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc trao đổi nhiệt giữa cơ thể với môi trường, nhất là ở gia cầm non. Da gồm 2 phần chính, lớp biểu bì với lớp tế bào hình trụ cùng với lớp mô liên kết mỏng và sợi collagen tạo thành lớp da ngoài bền chắc, nghèo mạch máu và hầu như không có tuyến ngoại tiết. Dưới lớp biểu bì là lớp mô liên kết mỏng gần giống như mô mỡ, có chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh. Đặc điểm lớn nhất của da gia cầm là mỏng, nghèo các tuyến dưới da, không có tuyến mồ hôi.

Người ta cho rằng, cùng với việc phát triển của lớp da, khả năng điều chỉnh nhiệt của nó dần dần thay đổi, cho phép cơ thể gia cầm thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ của môi trường xung quanh. Trong những ngày đầu tiên sau khi nở, việc thải nhiệt xảy ra trên toàn bộ bề mặt da. Khi đó thân nhiệt của gà con khoảng 38,7 – 38,9°C. Việc giữ nhiệt kém của bộ lông tơ đã làm hạn chế khả năng thích nghi của cơ thể gà con với những thay đổi đột ngột về nhiệt độ môi trường, vì vậy khi nuôi gà con, việc giữ nhiệt độ thích hợp là quan trọng nhất.

da-va-san-pham-cua-da-o-gia-cam

Lông tơ trong 30 ngày tuổi đầu tiên đã xảy ra việc thay lông tơ bằng lông non đồng thời với việc phát triển các nang lông và tạo nên các nếp nhăn của da. Trong thời kỳ tiếp theo đến 150 ngày tuổi, lớp lông non được thay bằng lông trưởng thành có khả năng cách nhiệt rất tốt. Nhiệt độ bên trong cơ thể trong thời kỳ này là 40,6 – 41,0°C. Trong giai đoạn này, những biến đổi nhiệt ở môi trường bên ngoài ít ảnh hưởng hơn đến cơ thể gia cầm (A. G. Xviridjuc).

Cần lưu ý là thân nhiệt của gia cầm rất cao so với động vật có vú (40 – 41°C), toàn thân (trừ mỏ và chân) của gia cầm được che phủ bởi một lớp lông vũ dày. Tuyến mồ hôi (một tuyến có vai trò to lớn trong việc thải nhiệt của cơ thể khi quá nóng) lại không có ở gia cầm, do đó, việc thải nhiệt của cơ thể trong điều kiện thời tiết nóng là cực kỳ khó khăn. Trong chăn nuôi cần hết sức chú ý đến đặc điểm này để thiết kế chuồng trại, tạo tiểu khí hậu chuồng nuôi thích hợp, có độ thông thoáng cao, mát mẻ và thông khí tốt.

Màu vàng của da và chân gia cầm: được quyết định bởi hàm lượng sắc tố carotenoid, xanthophyl nằm trong lớp mỡ dưới da, các sắc tố này còn có tác dụng làm đậm màu của thịt, chúng chỉ được cung cấp từ thức ăn có carotenoid như ngô vàng, bột thức ăn xanh, dầu gấc… Ngoài ra, giống, dòng gia cầm cũng có ảnh hưởng đến chỉ tiêu này.

Tuyến phao câu (tuyến sáp): là tuyến duy nhất có ở biểu mô của gia cầm, nằm ở vùng đốt sống đuôi, tuyến này có 2 thuỳ hình ô van, chất tiết của chúng là chất nhờn, thành phần gồm nước, protein, lipit, axit nucleic, lexitin. Khi mới tiết ra, chất tiết ở dạng dầu nhờn, đặc quánh, sau một thời gian ngắn, chúng biến thành dạng sáp, có tác dụng làm cho bộ lông nhờn, sáng bóng và mềm mại, không thấm nước, nhất là ở thuỷ cầm. Sự hoạt động của tuyến phao câu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng mỡ trong thức ăn, nước uống. Sự hiểu biết về vai trò của tuyến phao câu cho đến nay vẫn chưa đầy đủ. Nếu cắt bỏ tuyến phao câu ở gà trống, nó sẽ trở nên giảm tính hăng và mất các phản xạ sinh dục thứ cấp.

Mào (mòng, tích): của gia cầm là do gấp nếp của da tạo thành, tại đó tập trung rất nhiều dây thần kinh, mạch quản và các hốc máu, làm cho chúng luôn có màu đỏ tươi. Có thể căn cứ vào màu sắc của mào mà đánh giá tình trạng sức khoẻ và sức sản xuất của gia cầm. Khi gia cầm khoẻ mạnh, nhất là khi thành thục sinh dục, mào và tích có màu đỏ rực rỡ. Khi gia cầm đẻ nhiều thì màu sắc của mào, tích trở nên nhợt nhạt. Trong mọi trường hợp, khi gia cầm ốm thì mào, tích đều trở nên tím tái, đó là dấu hiệu đầu tiên để đánh giá sức khoẻ của gia cầm ốm.

Phân loại mào: gà có 4 loại mào: mào đơn (mào cờ) thường có ở gà Ri, gà Mía; mào hoa hồng (mào giống như hoa mào gà) ở gà Hồ, Đông Tảo; mào quả dâu và mào hình hạt đậu (không có mào điển hình) ở gà trọi. Trong một số trường hợp, người ta phải diệt mào đi ngay từ khi nó mới chỉ là mầm (bằng mỏ hàn) ở gà mới nở để đảm bảo an toàn khi nuôi gà sinh sản sau này.

Mỏ, móng, cựa, vẩy: của gia cầm là các cấu trúc hoá sừng của biểu mô phát triển thành. Trong chăn nuôi gà, thường người ta phải cắt bớt mỏ, móng và cựa để phòng cho đàn gà sây xước, chấn thương khi chúng đánh nhau và đạp mái.

Bộ lông: Lông phân bố không đều trên bề mặt cơ thể gia cầm non cũng như trưởng thành, chiếm tỷ lệ 4-9 % khối lượng cơ thể và chứa 82% protein.

Những gia cầm vừa nở được phủ lông tơ, gốc của lông tơ gắn vào thân của lớp lông đầu tiên, phía ngoài xoà ra, phủ đều trên bề mặt của da. Sau 2-3 tuần tuổi, thân lông đầu tiên mọc từ túi lông, thay thế lông tơ. Việc hình thành bộ lông đầu tiên của gia cầm non ở các loài và giống khác nhau thì khác nhau và được hoàn thiện ở những tuần tuổi khác nhau.

Người ta phân biệt các loại lông theo cấu trúc và chức năng của chúng: lông ống, lông nệm (lông bông), lông chỉ, lông chổi và lông tơ.

Lông ống có số lượng nhiều nhất, đó là lông cánh, lông đuôi và lông bao phủ trên thân, chúng nằm xếp lớp lên nhau và tạo thành bộ lông bên ngoài. Về cấu tạo, loại lông này chỉ có 1 trục, 2 phiến lông đối xứng 2 bên và có nhiều móc lông để móc vào nhau tạo thành phiến. Cùng với lông nệm nằm dưới, nó tạo nên lớp lông cách nhiệt, bao phủ hầu như toàn thân và phát triển rất mạnh ở thuỷ cầm. Tuỳ thuộc vào nơi mọc mà người ta gọi tên của chúng: lông cổ, gáy, lưng, vai, diều, ngực, bụng, cánh….

Ở cánh có 3 loại lông ống: lớn, trung bình và nhỏ. Lông cánh dài và chắc, làm thành quạt lông chắn gió ở loài gia cầm bay , lông vũ hàng thứ nhất ở vùng ngón thứ 2 và thứ 3; ở gà có 10 – 12 chiếc. Lông vũ hàng thứ hai (1 1 – 12 chiếc) dính tới mặt ngoài của x ương cánh tay và có hình quạt đều rộng, 3 – 4 lông dính tới ngón thứ nhất của cánh tạo nên lông cánh nhỏ, có ý nghĩa rất quan trọng khi bay lên và hạ cánh, chống lại sự tạo thành dốc thẳng của các dòng không khí phía trước.

da-va-san-pham-cua-da-o-gia-cam 1Sơ đồ tên gọi các vùng lông của gà 
1- Lông cổ trước; 2- Lông vai; 3 – Lông đùi; 4 – Lông bao vùng cánh; 5 – Lông vũ lớp thứ nhất; 6 – Lông vũ lớp thứ hai; 7 – Lông đuôi nhỏ; 8 – Lông đuôi; 9 – Lông đuôi lớn; 10 – Lông bao vùng đuôi; 1 1- Lông bao thắt lưng; 12- Lông bao vùng lưng; 13 – Lông bao cổ; 14 – Mào; 15 – Tích

Lông đuôi (10 – 12) nằm theo hàng ngang, mọc tới 4 – 6 đốt sống đuôi cuối cùng. Lông đuôi có thân lông cứng và phiến lông thẳng, đuôi của gia cầm thường cong (ở gà trống), hoặc xoè rộng (ở gà tây trống).

Lông bông có trục ngắn, phiến lông trên đầu trục là một búi mềm không định hướng. Người ta phân biệt lông bông phủ toàn thân ở gia cầm non và trưởng thành. Số lượng lông bông không giống nhau ở các loài và giống gia cầm. Lông bông phát triển mạnh ở vùng bụng của thuỷ cầm.
Tất cả lông bao và lông tơ tạo thành bộ lông nhỏ của gia cầm, lông cánh và lông đuôi tạo nên bộ lông lớn.

Lông chỉ hay là lông hình sợi rất giống như lông mao của gia súc nhưng rất mảnh. Những lông này mọc thành từng nhóm nhỏ (từ 2 đến 10 chiếc) xung quanh lông vũ. Có thể quan sát loại lông này rất rõ sau khi gia cầm đã được vặt lông rồi cho tiếp xúc với nền nhà trong vòng 3-5 phút, khi đó, chúng sẽ mọc rất nhanh và nhiều. Chức năng của lông này hiện chưa được giải thích rõ.

Lông chổi (giống hình chổi quét sơn) mọc xung quanh lỗ thoát chất tiết của tuyến phao câu (tuyến sáp), có thân tương đối dài và mỏng, ở đầu có một chùm tơ.
Lông tơ chỉ có một thân mỏng, không có phiến lông, mọc chủ yếu ở gốc mỏ, thỉnh thoảng ở ngón chân, trên mắt (lông mi).

Lông bao của các loài và giống gia cầm khác nhau thì khác nhau, chúng tạo nên đặc trưng về hình dạng bên ngoài của gia cầm. Lông của thuỷ cầm dày hơn ở gà và gà tây, không thấm nước và giữ nhiệt tốt hơn, nhờ vậy mà cơ thể chịu được nhiệt độ thấp và độ ẩm không khí cao tốt hơn. Sự khác nhau về giống ở gà thể hiện ở độ dày của lông. Ví dụ, lông gà Lơgo trắng dày hơn so với lông của gà Rhode Island. Có sự khác nhau về loài theo độ dài của lông và tương quan giữa gốc lông với phiến lông. Lông tạo dáng của gà dài hơn so với ngỗng, nhưng ở ngỗng thì phiến lông chắc hơn.

Lông gia cầm thực hiện những chức năng khác nhau: bảo vệ cơ thể khỏi những ảnh hưởng xấu của môi trường (lạnh, ẩm…), điều hoà nhiệt và xúc giác. Một số lông chuyên dùng để bay, một số khác là dấu hiệu sinh dục thứ cấp của gia cầm.

Màu sắc lông gia cầm gắn chặt với sự có mặt của những sắc tố melanin và lipocrom. Ở trong lông, sắc tố có hình hạt hay hình gậy. Melanin được tạo nên trong ti lạp thể của tế bào sinh trưởng biểu mô melaniphor. Tiền sắc tố melanin là melanogen. Sự oxy hoá melanogen ở các mức độ khác nhau sẽ cho ra các màu của lông khác nhau: vàng đất, vàng gỉ sắt, hung gỉ sắt, nâu hung, nâu, đen.

Màu lông rực rỡ của một số giống gia cầm được tạo bởi sắc tố khác – lipocrom. Nó thuộc nhóm sắc tố carotenoit. Lipocrom hoà tan trong mỡ và có nguồn gốc ngoại sinh. Chúng làm cho lông có màu màu vàng, đỏ, xanh da trời hoặc xanh lá cây. Mỗi cá thể có thể có một màu hoặc nhiều màu. Ví dụ, ở gà tây màu đồng đen, lông có những ánh màu đồng, cổ và cánh vịt đực có ánh xanh.

Nếu không có sắc tố thì lông màu trắng, đó là gia cầm bạch tạng, thường thấy ở các giống gia cầm siêu thịt, do kết quả chọn lọc định hướng của các nhà tạo giống để tạo ra sản phẩm broiler có da sạch (không xuất hiện chân lông trên da của thân thịt).

Màu sắc của lông có vai trò rất lớn trong chăn nuôi. Các giống gia cầm bản địa, nguyên thuỷ thường có màu lông sặc sỡ, đa dạng, pha tạp. Các giống gà hiện đại thì có bộ lông đặc trưng, thuần nhất. Đó là các tính trạng bên ngoài rất quan trọng, được sử dụng trong công tác chọn giống. Ngày nay, gà siêu thịt thường có lông màu trắng, gà đẻ trứng thương phẩm thường có lông màu nâu. Màu lông còn dùng để phân biệt trống mái khi mới nở (autosexing), chẳng hạn, ở các giống gà siêu trứng hiện nay như gà Hy line, Gold line con trống thương phẩm có màu trắng (loại bỏ ngay), còn con mái có màu nâu. Trong trường hợp con trống và mái có cùng màu lông, người ta có thể căn cứ vào tốc độ mọc lông (chủ yếu là lông đuôi và lông cánh), mấu sinh dục (ở lỗ huyệt) mà phân biệt trống mái khi mới nở.

Màu sắc, độ bóng mượt của lông liên quan chặt chẽ với tình trạng dinh dưỡng, sức khoẻ, sức sản xuất của gia cầm: khi gà khoẻ mạnh, khẩu phần cân đối… thì bộ lông đẹp; ngược lại, dinh dưỡng kém, gia cầm ốm thì bộ lông xơ xác, dễ gãy, dễ rụng.

Hocmon tuyến giáp trạng tham gia điều khiển quá trình mọc lông bình thường ở gia cầm. Sau khi cắt bỏ tuyến này thì sự khác biệt về màu sắc lông giảm đi hoặc mất hoàn toàn ( A. A. V oikevich, 1986).

Sinh lý thay lông: Thay lông là sự thay đổi thường kỳ của lông và thành phần cấu trúc biểu bì của da. Đối với gia cầm hoang dã, sự thay lông có tính mùa vụ, thường là bắt đầu vào mùa thu, khi di chuyển chỗ ở hoặc lúc bắt đầu mùa đông giá lạnh. Vì vậy thay lông là sự thích nghi sinh học của gia cầm với việc thay đổi điều kiện sống. Gia cầm được thuần hoá đã nhận được tính di truyền này từ tổ tiên của chúng.

Người ta phân biệt thay lông của gia cầm non (thay lông non) và thay lông thường kỳ (hàng năm) của gia cầm trưởng thành, trùng với mùa nhất định. Gia cầm có thể thay toàn bộ hay một phần của bộ lông. Khi thay lông, trong cơ thể gia cầm xảy ra những thay đổi về hoạt động của hệ thần kinh về cơ quan nội tiết, đồng thời diễn ra quá trình tăng cường trao đổi chất, chủ yếu là trao đổi protein và muối khoáng, cơ thể rất mất cân bằng, giảm sức đề kháng với bệnh tật, dễ ốm, gia cầm trưởng thành giảm nhanh hoặc ngừng đẻ trứng.

Quá trình thay lông liên quan chặt chẽ với sức đẻ trứng của gia cầm. Ở những gà mái thay lông sớm, sức đẻ trứng trong năm sẽ thấp, còn ở những con thay lông muộn sẽ có sức đẻ trứng cao hơn. Rút ngắn chu kỳ thay lông của gà sinh sản sẽ làm tăng sức đẻ của chúng. Ở những gà mái thay lông nhanh, sản lượng trứng được hồi phục trong thời gian ngắn, đây là một trong những tính trạng để chọn giống.

Những thay đổi mạnh của thức ăn và điều kiện nuôi dưỡng, các tác nhân strees (nhiệt độ, độ ẩm cao, thấp; bệnh tật…) đều có thể gây nên hiện tượng thay lông trước thời hạn.

Ở con non, gia cầm thay lớp lông đầu tiên bằng lớp lông cơ bản (lớp thứ hai), quá trình này kết thúc khi khối lượng cơ thể đã cơ bản hoàn thành và bắt đầu thành thục sinh dục. Thời điểm bắt đầu và số ngày thay lông non của gia cầm ở các dòng, giống khác nhau thì khác nhau, bắt đầu từ 1,5 tháng tuổi và kết thúc hoàn toàn lúc 5,5 – 6 tháng, khi bắt đầu đẻ trứng. Việc thay lông ở gà trống xảy ra mạnh mẽ hơn ở gà mái. Thay lông cánh xảy ra cùng lúc với việc thay các lông khác.

Thay lông cánh ở gà bắt đầu theo hướng từ trong ra ngoài. Lông cánh của gà con có 7 lông ống hàng thứ nhất và tám lông hàng thứ hai. Tiếp theo mọc 3 lông hàng thứ nhất còn lại, trong khi đó thay lông hàng thứ nhất bắt đầu từ những lông cuối (8 – 10) chưa mọc hết. Trong thời gian này xuất hiện những lông vũ chưa đủ dài của hàng thứ hai. Việc thay chúng xảy ra theo hướng ngược lại – từ ngoài vào giữa cánh. Ở gà con cũng như gà trưởng thành, chiếc lông cánh đầu tiên của hàng thứ hai rất nhỏ, đó là dấu hiệu đặc trưng cho gà. Cũng cần nhớ là một phần lông non ở gà con và gà tây con có thể còn lại đến lần thay lông đầu tiên.

Ở vịt, việc thay lông non bắt đầu lúc 60 – 70 ngày tuổi và kéo dài 2 tháng. Chúng chỉ thay những lông ở thân, còn lông cánh được thay vào kỳ sau.

Thay lông non ở ngỗng bắt đầu lúc 75 – 80 ngày tuổi, cũng như ở vịt.

Thay lông của gia cầm trưởng thành được nhắc lại mỗi năm một lần trong đời và thường diễn ra vào một mùa cố định trong năm, khi thời gian chiếu sáng thay đổi: từ ngày dài chuyển sang ngày ngắn, thường gặp vào cuối mùa hè và mùa thu, thỉnh thoảng vào mùa đông.

Tính chu kỳ và hướng thay lông của gia cầm có những đặc điểm riêng. Ở những gà có sản lượng trứng cao, thay lông bắt đầu vào tháng 10 – 11 và kéo dài 8 – 11 tuần. Gà mái có sản lượng trứng thấp bắt đầu thay lông từ tháng 7 – 8, quá trình thay lông kép dài hơn. Gà đẻ thay lông không đúng thời gian khi có rối loạn về điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc.

Sự thay lông vĩnh viễn ở gà thường diễn ra tương tự như thay lông non của gà con, tuần tự từ lông móc cổ, lưng, sau đó đến những phần khác, đồng thời thay cả lông cánh. Lông cánh của hàng thứ nhất rụng kế tiếp nhau bắt đầu từ chiếc thứ nhất đến chiếc thứ 10. Mỗi chiếc lông cánh được thay tương đương với sự thay 10% bộ lông của cơ thể. Chiếc lông đầu tiên đ ược thay vào đầu thời kỳ thay lông, chiếc thứ năm vào thời kỳ giữa, chiếc lông thứ 10 sẽ rụng vào cuối kỳ thay lông. Theo số lượng những chiếc lông cánh đã được thay , ta có thể xác định mức độ thay lông của gà.

Quá trình thay lông có thể khác nhau. Việc thay lông chậm thường gặp ở gà đẻ nuôi lồng trong điều kiện tiểu khí hậu được điều chỉnh ổn định. Lông của chúng rụng dần dần, việc đẻ trứng không bị gián đoạn. Khi thay lông nhanh, gia cầm có thể thay một lúc vài chiếc lông cánh và xuất hiện những khoảng da trần trên cơ thể.

Cơ chế thay lông của gia cầm được nghiên cứu chưa đầy đủ. Sự xuất hiện của mùa thay lông liên quan chủ yếu tới độ dài ngày chiếu sáng. Ánh sáng là tác nhân mạnh kích thích cơ quan thụ cảm thị giác và tác dụng qua vùng dưới đồi thị lên tuyến yên. Tuyến yên tăng cường hoặc giảm bớt sự hình thành các hocmon hướng sinh dục qua máu, tác động lên hoạt động của các tuyến sinh dục, từ đó tác động lên sự thay lông. Việc tăng cường chức năng của tuyến giáp trạng hoặc tiêm hocmon của nó vào cơ thể gia cầm sẽ làm cho cơ thể bắt đầu thay lông. Nếu cấy tuyến giáp trạng vào cơ thể gia cầm, sau một thời gian ngắn, bắt đầu thay lông mạnh và nhanh, gia cầm rụng hết lông chỉ trong vài ngày.

Vào giai đoạn thay lông của gà, khi mà việc thay lông diễn ra mạnh nhất, hoạt tính chức năng của tuyến giáp trạng và tuyến cận giáp tăng lên thì khối lượng của gà cũng tăng lên một ít (A. K. Đanhilova,1986). Quá trình mọc và hình thành lông ở gia cầm liên quan chặt chẽ với việc tăng cường độ trao đổi chất và năng lượng trong cơ thể, tăng tính hấp thu và tiêu hoá thức ăn.

Trong chăn nuôi gia cầm công nghiệp, người ta sử dụng một số biện pháp gây thay lông cưỡng bức: sử dụng hoá chất, hocmon hướng sinh dục, thay đổi điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc để tạo nên sự thay lông nhân tạo ở gà đẻ. Để gà thay lông nhanh, người ta rút ngắn đột ngột (đến 8 giờ) ánh sáng và cho nhịn đói (2 ngày). Trong vài ngày sau, cho ăn ít thức ăn (27 – 30g một ngày) cho đến khi thôi đẻ trứng và bắt đầu thay lông. Khi bắt đầu thay lông thì tăng khẩu phần ăn lên gấp đôi (54 – 60g) và giữ như vậy trong 3 – 4 tuần, sau đó cho gia cầm ăn bình thường và từ từ tăng độ dài ngày chiếu sáng đến mức như trước đây . Sản lượng trứng ở gà đã thay lông hồi phục đến 50% sau 1,5 – 2,5 tháng trước khi thay lông. Việc sử dụng biện pháp thay lông nhân tạo cho phép kéo dài thời gian sử dụng gà giống, giữ mức đẻ cao và giảm bớt chi phí cho sản xuất trứng.

Naipet.com

Facebook Comments
Share.

Chat
1