Chuồng Nuôi Dê Giải Pháp Hàng Đầu Để Bảo Vệ Môi Trường

0

Chăn nuôi dê là một trong những hoạt động đã có từ lâu trên địa bàn tỉnh Bến Tre đặc biệt ở các nơi có điều kiện thuận lợi về đất đai, nguồn nước, thức ăn chăn nuôi.

Thực trạng nuôi dê

Chăn nuôi dê là một trong những hoạt động đã có từ lâu trên địa bàn tỉnh Bến Tre đặc biệt ở các nơi có điều kiện thuận lợi về đất đai, nguồn nước, thức ăn chăn nuôi. Nghề chăn nuôi dê để khai thác thịt, sữa, cung cấp con giống đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người dân, góp phần cải thiện cuộc sống. Hiện tại, tổng đàn dê trên địa bàn tỉnh lên đến 95.370 con, phân bổ nhiều nhất ở các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Châu Thành và các xã vùng ven thành phố Bến Tre. Đó là chưa kể đến số lượng con giống do tổ  chức OXFAM  hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại các xã thuộc địa bàn  các huyện ven biển.Trong giai đoạn hiện nay, phát triển hoạt động chăn nuôi dê là việc làm phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đảng, nhà nước ta đồng thời góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân nông thôn.

chuong-nuoi-de

Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi dê vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức cần phải chú ý, điều chỉnh kịp thời. Đó là việc làm chuồng trại và vệ sinh chuồng trại trong chăn nuôi dê. Chuồng nuôi dê là yếu tố đầu tiên cần phải thực hiện trước khi đi vào hoạt động chăn nuôi. Chuồng nuôi dê được hình thành chắc chắc, đúng yêu cầu kỹ thuật thì mới đảm bảo cho việc quản lý, theo dõi, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế những rủi ro trong quá trình chăn nuôi. Ngược lại, làm chuồng nuôi không đúng yêu cầu kỹ thuật sẽ khó tránh được những rủi ro, dê tăng trưởng phát triển kém, hiệu quả kinh tế giảm.

Lợi ích của việc làm chuồng nuôi dê đúng kỹ thuật

Đầu tiên là giúp cho vật nuôi tránh được những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, khí hậu. Mặc dù dê là loài động vật dễ nuôi, có khả năng thích ứng cao với điều kiện bất lợi. Tuy nhiên, việc làm chuồng quá thấp, không đảm bảo thông thoáng thì không tránh khỏi các bệnh đường hô hấp những khi mưa, bão. Đó là chưa kể đến tình trạng sàn chuồng ẩm ướt, trong thời điểm triều cường khó tránh được tình trạng dê bị xáo trộn tiêu hóa, dễ nhiễm các bệnh trướng hơi dạ cỏ, viêm ruột.

Thứ hai là giúp cho người chăn nuôi quản lý vật nuôi tránh được tình trạng dê xổng chuồng phá hoại cây trồng. Do bản tính của dê là hiếu động thích chạy nhảy, leo trèo.Vì vậy, làm chuồng chắc chắn sẽ tránh được tình trạng dê bị các tổn thương ở móng chân, cẳng chân, đặc biệt là trong các thời điểm dê mang thai.Việc làm chuồng nuôi chắc chắn, rộng rãi, thông thoáng còn giúp người chăn nuôi thực hiện các khâu quét dọn, vệ sinh chuồng, vệ sinh cơ thể vật nuôi, kiểm tra, phát hiện nhanh những thay đổi của vật nuôi như xáo trộn tiêu hóa, hô hấp, lên giống, sanh đẻ.

Lợi ích thứ ba của việc làm chuồng nuôi dê đúng yêu cầu kỷ thuật, phù hợp trong từng lứa tuổi là giúp cho dê vận động, phát triển khung xương trong giai đoạn nuôi hậu bị hoặc tích lũy thịt, mỡ trong giai đoạn vỗ béo trước khi xuất chuồng.

Lợi ích lớn và quan trọng nhất từ việc làm chuồng nuôi dê đó là góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, giảm thiểu những yếu tố gây ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Bởi lẽ dê là loài vật nuôi có tập quán ăn, ở sạch sẽ vệ sinh nhưng mùi từ cơ thể con dê, từ phân, nước tiểu của dê thải ra nếu không tập trung thu gom, xử lý thì sẽ ảnh hưởng đến mọi người ở xung quanh khu vực chăn nuôi. Ngoài ra, các khí thải sản sinh ra từ phân, nước tiểu của dê nếu không xử lý sẽ sinh nhiệt bốc lên góp phần gây ra những ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Đó là chưa kể tình trạng phát sinh ruồi, nhặng từ những nơi chứa phân, nước tiểu, các chất thải chăn nuôi.

Vì vậy, khi bắt đầu hoạt động sinh kế, người chăn nuôi cần lưu ý làm chuồng nuôi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật.

Những yêu cầu kỹ thuật khi làm chuồng dê

Vị trí làm chuồng

Do đặc tính cơ hữu của dê là thích ở nơi cao ráo, yên tỉnh, thông thoáng, sạch sẻ. Vì vậy, việc đầu tiên của người chăn nuôi là tìm vị trí phù hợp cho việc làm chuồng nuôi dê. Thông thường, nơi làm chuồng nuôi phải cao ráo, cách xa nguồn nước tự nhiên (ao, hồ, kênh rạch), xa nơi nhà ở, đường đi. Ngoài ra, người chăn nuôi cần lưu ý chọn những nơi có trồng cây tạo bóng mát, thuận tiện cho việc cung cấp thức ăn, nước uống, dọn dẹp vệ sinh, đặc biệt là tuyệt đối không xả chất thải ra môi trường xung quanh.

Hướng chuồng

Giống như chuồng nuôi của các loài vật khác, mặt trước của chuồng nuôi dê nên quay về hướng Đông, Nam, hoặc Đông Nam. Thực hiện như vậy thì chuồng nuôi sẽ thoáng mát, khô ráo nhờ ánh mặt trời chiếu vào buổi sáng, giúp cho dê hấp thu, chuyển hóa nhanh các chất khoáng từ thức ăn để phát triển khung xương. Dê sẽ tăng trưởng, phát triển nhanh, vững chắc.

Diện tích chuồng

Tùy theo số lượng dê nuôi, định hướng sản xuất và điều kiện thực tế của từng hộ để tính toán diện tích chuồng phù hợp. Nguyên tắc chung là trong giai đoạn nuôi dê hậu bị thì chuồng phải rộng rãi để dê vận động, phát triển khung xương, còn trong giai đoạn nuôi vỗ béo thì diện tích chuồng chỉ cần vừa đủ cho dê ăn uống, đi lại; chuồng nuôi dê sinh sản phải chắc chắn, vệ sinh, có nơi nhốt, chăm sóc dê con trong những ngày đầu sau khi sanh.

Diện tích chuồng nuôi tối thiểu cho 1 con dê:

– Trường hợp chuồng nuôi nhốt nhiều con trong 1 ô chuồng thì diện tích tối thiểu phải là : 2 – 3 m2.

– Trường hợp chuồng nuôi nhốt 01 con/1 ô thì diện tích tối thiểu phải là : 4 m2.

Diện tích chuồng úm dê con có kích thước tối thiểu: dài 0,8 – 1,2 m; rộng 0,6 – 0,8 m; cao 0,6 – 0,8 m.

Vật liệu làm chuồng

Tùy theo điều kiện thỗ nhưỡng của từng địa phương và điều kiện kinh tế của từng hộ mà lựa chọn vật liệu làm chuồng nuôi cho phù hợp, có thể tận dụng các vật liệu sẵn có của mình nhằm giảm chi phí xây dựng chuồng trại nhưng phải đảm bảo chắc chắn, đúng yêu cầu kỹ thuật và sử dụng được lâu dài.

Chuồng nuôi có thể sử dụng thân cây dừa, cây cau, cây tre hoặc các loại cây tạp khác. Mái chuồng có thể lợp bằng lá dừa nước, tấm Fibro xi măng….

Yêu cầu kỹ thuật

Nền chuồng: Nền đất phía dưới sàn chuồng nên nâng cao hơn bề mặt tự nhiên 0,3 m, nền chuồng nên nện chặt, nếu hộ chăn nuôi có điều kiện thì nên làm nền làm bằng xi măng hoặc lát gạch tàu.

Sàn chuồng: Là nơi đi lại sinh hoạt của dê hàng ngày cho nên cần phải làm bằng vật liệu cứng, chắc chắn. Sàn chuồng cao tối thiểu 60 – 80 cm so với mặt đất. Kết cấu của sàn chuồng gồm nhiều thanh cây thẳng và nhẵn, khoảng cách giữa các thanh cây từ 1,5 – 2cm nhằm để cho phân dê lọt qua sàn nhưng không quá rộng để tránh cho dê bị kẹt chân, viêm móng.

Vách chuồng: Vật liệu cũng giống như vật liệu làm sàn chuồng; có thể làm bằng gỗ, tre, tầm vong, cau, dừa; kích thước giữa các thanh cách nhau khoảng 8 – 12 cm ; chiều cao 1,2 – 1,5 m.

Đối với chuồng nuôi dê đực thì vách chuồng cần phải chú ý đến độ chắc   chắn của vách chuồng..

Cửa chuồng: Đối với kiểu chuồng sàn có chia ngăn thì chiều rộng cánh cửa  35 – 40 cm, cao 1 m, cửa nên làm chắc chắn và dễ thao tác.

Máng ăn: Máng thức ăn thô được treo bên ngoài vách ngăn, chiều cao vừa tầm với của dê trong từng giai đoạn tuổi, máng phải cao hơn sàn chuồng khoảng 20 – 30 cm, có chổ đủ cho dê dễ dàng đưa đầu ra ngoài ăn, tránh rơi vãi thức ăn ở bên trong chuồng. Kích thước đáy máng từ 20 – 30 cm, chiều dài tùy thuộc vào kiểu chuồng.và cố lượng dê nuôi. Máng thức ăn tinh: làm  bằng gỗ ván hoặc dùng các loại xô chậu chắc chắn để dê không phá phách.

Máng uống: Dùng xô hoặc chậu và được đặt bên trong máng ăn.

Dụng cụ bổ sung muối: có thể dùng ống tre, gáo dừa sau đó dùi lổ nhỏ cho dê liếm. Nếu có hộ chăn nuôi có điều kiện thì có thể sử dụng các loại đá liếm để bổ sung khoáng và vitamin.

Mái lợp: Tùy theo kiểu chuồng trại và quy mô đàn có thể lợp 01 mái hoặc 02 mái, mái phải dài hơn chuồng nuôi để tránh mưa tạt vào chuồng nuôi, vật liệu lợp mái tùy theo điều kiện tự nhiên của từng địa phương, hoàn cảnh kinh tế của từng hộ mà lựa chọn cho phù hợp.

VỆ SINH CHUỒNG NUÔI DÊ

Vệ sinh cơ giới

Hằng ngày nên thực hiện dọn dẹp, thu gom, xử lý phân, nước tiểu, thức ăn, nước uống còn thừa. Thông thường, dê không thích sử dụng thức ăn cũ, thức ăn rơi vãi, không uống nước có cặn. Vì vậy, cần lưu ý vệ sinh máng ăn, máng uống trước khi cho cho dê ăn.

Chú ý vệ sinh, quét dọn khu vực xung quanh nơi chăn nuôi.

Tiêu độc sát trùng

Vệ sinh nước uống: có thể dùng Chloramine B hoặc Chloramine T để khử trùng nước trước khi sử dụng.

Định kỳ phải thực hiện việc tiêu độc, sát trùng chuồng trại và khu vực xung quang chuồng nuôi.

Lịch trình thực hiện: tối thiểu từ 1-2 tuần/ l lần. Người chăn nuôi cần lưu ý phải thực hiện việc vệ sinh cơ giới trước khi thực hiện tiêu độc sát trùng để tăng hiệu quả hoạt động.

Hóa chất sử dụng để tiêu độc sát trùng: nên chọn những loại dễ tìm, sử dụng, không ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi. Hiện nay, người chăn nuôi có thể chọn một trong những hóa chất như: Biodine, Benkocide, Chloramine  B, Chloramine T, Vikon S.

Tóm lại, làm chuồng nuôi dê đúng yêu cầu kỹ thuật, bố trí hố chứa phân, nước tiểu, xử lý phân, nước tiểu, các chất thải là điều kiện đầu tiên mà người chăn nuôi cần quan tâm thực hiện đề sinh kế đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Naipet.com

Facebook Comments
Share.

Chat
1