Phần 3 và cũng là phần cuối cùng của loạt bài Chia sẻ kinh nghiệm thuần hóa chim rừng sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết để thuần hóa chim rừng cũng như chăm sóc chim.
Nói đến nuôi chim hót thì phải nói đến công phu và sự tốn kém mà nghệ nhân phải bỏ ra. Công sức tuy nhiêu khê, bề bộn, nhưng sự ham thích cao độ có thể lấn lướt mà dễ dàng quên đi. Còn số vốn bỏ ra để mua chim, tậu lồng đâu phải là ít? Cái lồng hạng trung cũng một chỉ vàng, còn con chim khá cũng tương đương với số tiền ấy. Bỏ ra một số tiền như vậy, mà không để tâm chăm sóc mà cho chim bay hoặc chết, để cho lồng hư hỏng, chẳng phải là phí của hay sao? Đó là nuôi một con, nếu nhà nuôi năm bảy con thì số tiền bỏ ra đâu phải là không đáng kể?
1. Tìm địa điểm treo lồng:
Hình ảnh minh họa
Với nhà rộng rãi lại có sân trước, sân sau thì chuyện treo lồng thì không đáng phải thắc mắc. Nhưng với nhà phố chật chội, ban ngày tìm một chỗ thoáng đãng để treo lồng chim là một chuyện khó khăn. Nuôi một hai con thì chuyện dễ dàng, nhưng nuôi năm mười con thì phải có phương pháp hẳn hoi thì mới có lợi.
Nếu chim khác loài thì lồng treo gần nhau không ảnh hưởng đến tâm lý của chim. Chẳng hạn, Họa Mi treo cạnh Khướu hoặc Chích Chòe đều được.
Nếu chim cùng loài, thì lồng chim nên treo cách xa nhau, thậm chí không cho chúng thấy mặt nhau càng tốt. Nếu nhà rộng thì treo một con sân trước, một con sân sau. Hoặc một con treo ngoài sân, một con treo trong nhà, hay treo một con ở hàng ba trên lầu và một con dưới lầu.
Trong trường hợp nhà chật mà nuôi nhiều chim lại có số chim cùng loài thì phải treo lồng xen kẽ nhau, hay trùm áo lồng kín mít những con cùng loại.
Tóm lại là cố gắng đừng để chim cùng một loài đứng gần nhau. Cái hại của chim cùng loài đứng gần nhau là con “dư lửa” sẽ “chụp” con “yếu lửa”. Con chim một khi đã bị con kia “chụp” thì suốt đời nó sẽ chạy mặt con đó luôn, y như gà nòi “rót” vậy.
Khi đã tìm được địa điểm treo lồng thích hợp rồi, ta phải chú ý đến việc an toàn cho chim. Đó là việc canh chừng mèo và kiến.
Mèo thích chụp chim. Con chim mà bị mèo chụp thì không chết nhưng cũng hoảng hốt mất vía, dù dạn cách mấy cũng nhát như chim bổi mà thôi. Do đó, việc trừ mèo hại chim là điều đáng lo nhất.
Kiến thì không làm chim chết hay hoảng sợ, nhưng với loài chim nhỏ như Yến hót, chim Khoen, nếu bị kiến cắn vào chân, có thể nổi mụn sinh ra cụt ngón, Chim đã cụt ngón, ngay cả mất móng không thôi, cũng mất hết giá trị. Ngoài ra, sự hiện diện của kiến còn làm cho thức ăn của chim bị mất mát, hư hao.
Chọn địa điểm treo lồng còn nhắm vào việc làm sao cho chim tắm nắng ban mai. Việc tắm nắng này chỉ cần nửa giờ là đủ. Để chim đứng ngoài nắng lâu, chim sẽ bị hốc, có thể cảm nắng mà chết.
Trưa ta treo lồng chim vào chỗ mát mẻ, yên tĩnh.
Tối ta trùm kỹ áo lồng chim để cho chim khỏi bị cảm lạnh.
Chim bị bệnh thì xù lông, biếng ăn, ít hót.
2. Cách cho ăn uống:
Hình ảnh minh họa
Ở rừng thì loài chim nào cũng biết ăn trái cây, kế đó là sâu bọ, côn trùng. Nói một cách rõ ràng hơn, sống trong thiên nhiên thì chim ăn tạp. Những gì có thể ăn được như kiến, mối, châu chấu, cào cào, cóc nhái… hễ vớ được là chúng tọng vào bao tử hết. Ở rừng, là nơi “mạnh được yếu thua” nếu cứ “kén cá chọn canh” thì chỉ có chết đói.
Tuy nhiên, khi đã thuần hóa chim rừng tức đã nuôi chúng trong lồng nhà, thì chim được ăn những thức ăn riêng biệt. Điều này có thể làm cho chúng lạ miệng trong những ngày đầu, nhưng rồi cũng quen dần, thích hợp dần.
Thức ăn của từng loại chim được các nghệ nhân nghiên cứu chế biến riêng sao cho thích hợp với khẩu vị của chúng, và giúp chúng tăng trọng nhanh hơn.
Người nuôi chim phải tự tay chế biến thức ăn cho từng loại chim nuôi trong nhà. Điều cần là công thức chế biến không được thay đổi. Nếu một lon tấm trộn bốn hột gà hay năm hột gà, thì lần sau cũng cứ thế mà làm, không được thêm bớt. Vì rằng sự thay đổi thức ăn sẽ làm cho chim ” đổ lông trái mùa”. Đó là điều cấm kỵ.
Chim ở nhà người ta vừa thay lông xong, mình mua về cho ăn thức ăn khác, chim lại thay lông lần nữa.
Một mùa, (tiếng chuyên môn trong nghề chính là một năm) mà chim thay lông hai ba bận thì làm sao “sung” được.
Thức ăn đổ vào cóng ta nên cho ăn đủ trong ngày, sáng mai “châm” thêm để tránh thức ăn bị hư hao do mưa nắng tạt vào, hoặc do chim ỉa vào làm bẩn.
Nước uống thì nên dùng nước trong, thật sạch (như nước mưa, nước máy, nước giếng) và chỉ đổ nửa cóng cho chim uống trong ngày mà thôi. Nếu đổ đầy thì chim sẽ nhúng đầu vào tắm, làm dơ lồng, ướt bố, và hư hỏng thức ăn kế cận.
Ngoài ra, mỗi ngày ta phải rửa cóng nước cho sạch sẽ trước khi thay nước mới để giữ sự tinh khiết cho nước uống của chim.
Mọi việc cẩu thả trong việc cho chim ăn uống dễ dẫn đến chim nuôi ốm dần và kiệt sức. Đó là điều nhà chăn nuôi nào cũng nên tránh né.
3. Cách tắm cho chim:
Hình ảnh minh họa
Loài chim nào cũng thích tắm cả. Chim nuôi trong lồng cần được tắm thường xuyên. Sự tắm đem lại cho chim nhiều điều ích lợi. Điều thứ nhất là được mát mẻ, thứ hai là tẩy sạch những con mạt, và những trứng mạt, vốn là vật ký sinh sống trong loài có lông vũ. Chúng ta phải đặt lệ tắm cho chim, chẳng hạn một tuần hai lần, hoặc ba lần, hay mỗi ngày tắm một lần. Thời dụng biểu đã đặt ra thì nên áp dụng cho đúng. Ta không nên để cho việc chim tắm tùy hứng, khi thì ngày nào cũng tắm, khi để cả tháng mới tắm một lần.
Muốn tắm, ta phải sắm cho chim loại lồng tắm riêng. Loại lồng này có bán tại các chợ chim, giá cả vừa phải.
Trong lồng tắm dĩ nhiên phải có cái thau nhỏ để đựng nước tắm. Nước này phải là nước sạch phải pha thêm một chút muối, có tác dụng sát trùng, làm ung trứng mạt, và làm cho trứng mạt không bám vào chân lông.
Chim tắm rất nhanh, thời gian tắm cho mỗi con trung bình khoảng mười lăm phút. Tắm xong, ta cho chim vào lồng và treo vào chỗ nắng một lúc cho chóng khô lông. Tránh treo lồng ở chỗ có gió lùa, gió to.
Tóm lại, chăm sóc chim là một công việc tuy không nặng nề nhưng rất nhiêu khê. Nếu ta làm tốt công việc này thì việc chăn nuôi sẽ gặt hái được kết quả tốt.
Nói đến cách tắm chim, cũng không thể không nhắc đến việc vệ sinh lồng chim.
Lồng chim phải giữ vệ sinh chu đáo. Mỗi lần tắm chim là mỗi lần vệ sinh cho lồng. Trước hết, phải thay bố mới, bố cũ đem giặt giũ và phơi khô, để dành thay vào lần sau.
Trước khi đặt bố mới vào lồng, ta nên dùng cây cọ quét sạch tất cả những chất thức ăn thừa thãi như thức ăn chim, chân cẳng cào cào, phân chim, .v.v.. Những chất này gây cho lồng chim hôi hám, và là nhân tố gây cho ruồi nhặng, kiến gián bu vào.
4. Chim thay lông và cách chăm sóc:
Mỗi năm chim hót thay lông một lần, nếu hoàn cảnh sống bị đổi thay đột ngột thì chúng có thể thay lông nhiều lần.
Chim thay lông thường là vào đầu mùa mưa. Thời gian thay lông thường kéo dài từ ba đến sáu tháng. Thường thì chim thay lông từ đầu trở xuống, phần đuôi thay sau cùng. Lông cũ không rụng ngay một lần, mà nay một ít, mai một ít. Cái nào rụng trước thì chỗ đó thay lông mới trước, cái nào rụng sau thì chỗ đó thay lông mới sau. Chính vì sự thay lông có tính cách tiệm tiến như vậy, nên trong thời gian thay lông, chim có thể bay đi kiếm mồi (nếu là chim rừng) và thân nhiệt của chim được bảo vệ.
Với chim nuội trong lồng, trong thời gian chúng thay lông, sức khỏe chúng sút kém, chim hết “lửa” nên không hót; nếu có hót thì hót ít và giọng nhỏ như kiểu chim “nói chuyện” vào lúc ban trưa.
Trong thời gian chim thay lông, ta vẫn cho chim ăn uống và tắm như thường lệ. Có điều là nên treo lồng vào những nơi mát mẻ, yên tĩnh. Tốt hơn cả là ta nên trùm kín áo lồng cho chim để chúng được tĩnh dưỡng nhiều hơn.
Suốt thời gian chim thay lông, chim không hót nên người chăn nuôi không tránh được sự buồn lòng.
Naipet.com