Sinh sản trên heo nái có vai trò quyết định đến thành công của việc chăn nuôi heo nái nói riêng và kết quả chăn nuôi của toàn trại nói chung. Vấn đề quản lý bệnh sinh sản trên heo nái là 1 yếu tố quan trọng. Sau đây chúng tôi giới thiệu một số bệnh về sinh sản thường gặp trên heo nái sau khi sinh.
Thông thường chỉ có 1 số bệnh chính hay gặp trên heo nái như sau:
Bệnh sót nhau.
Bệnh sốt sữa.
Bệnh viêm vú, viêm tử cung, mất sữa.
Bệnh bại liệt.
Hiện tượng heo nái chậm động dục trở lại.
Dưới đây là 1 số thông tin cơ bản về mỗi bệnh giúp những người chăn nuôi hiểu và khống chế phần nào thiệt hại do chúng gây ra.
Cấu tạo tử cung heo
1. Bệnh sót nhau
Trong quá trình sinh đẻ bình thường của heo mẹ, sau khi sổ thai (heo con sổ ra ngoài) 10-60 phút thì nhau thai sẽ ra ngoài. Nếu quá thời gian trung bình kể trên mà nhau thai không được đẩy ra ngoài thì được gọi là sót nhau.
Căn cứ vào mức độ của bệnh mà có thể chia ra như sau:
- Thể sót nhau hoàn toàn: Toàn bộ hệ thống nhau thai còn dính với niêm mạc tử cung ở cả 2 sừng tử cung.
- Thể sót nhau không hoàn toàn: phía sừng tử cung không chứa thai thì nhau thai con đã tách khỏi niêm mạc tử cung. Sừng tử cung bên có thai thì nhau thai còn dính chặt với niêm mạc tử cung mẹ.
- Thể sót nhau từng phần: một phần của màng nhung hay 1 ít núm nhau con còn dính với niêm mạc tử cung, còn đa phần màng thai đã tách khỏi niêm mạc tử cung.
Nguyên nhân gây bệnh?
Heo nái bị viêm niêm mạc tử cung nên sau khi đẻ nhau không ra hết.
Can thiệp vội vàng, thô bạo, không đúng kỹ thuật nên nhau thai bị đứt và sót lại.
Tử cung co bóp kém không đẩy được nhau thai ra được. Nguyên nhân làm cho tử cung co bóp kém có thể là:
- Heo nái quá già, đẻ nhiều đuối sức.
- Trong thời gian có thai heo mẹ ít vận động, nhất là giai đoạn cuối thai kỳ.
- Khẩu phần ăn thiếu khoáng, nhất là Canxi.
- Con heo mẹ quá gầy hoặc quá béo.
- Quá nhiều bào thai, bào thai quá to, dịch thai quá nhiều dẫn đến cỏ tử cung mở quá độ, giảm đàn tính và sự co bóp.
- Tất cả những ca đẻ khó → ảnh hưởng đến quá trình co bóp của tử cung → giảm sức rặn của con mẹ.
Bệnh biểu hiện như thế nào?
Heo bị sót nhau thường biểu hiện triệu chứng không rõ ràng:
- Heo mẹ không yên tĩnh, hơi đau đớn, thỉnh thoảng rặn, thân nhiệt hơi tăng, heo thích uống nước (nhờ vào kinh nghiệm chăm sóc cũng như theo dõi trong quá trình chăm sóc thực tế mà ta biết được lượng nước heo uống có nhiều hơn bình thường hay không).
- Từ cơ quan sinh dục của heo mẹ luôn thải ra dịch màu nâu.
Cách phát hiện heo mẹ sót nhau:
- Sót nhau hoàn toàn: quan sát kỹ sẽ thấy 1 màng mỏng còn nằm trong âm đạo hay treo lòng thòng ở mép âm môn.
- Sót nhau không hoàn toàn: nhìn thấy 1 ít nhung mao trên mặt màng nhung của heo mẹ.
- Sót nhau từng phần: Trải toàn bộ phần nhau thai đã ra ngoài → quan sát: thấy được những chỗ màng thai bị đứt → suy ra phần màng thai còn lại nằm trong tử cung.
Biện pháp khắc phục
- Chăm sóc, nuôi dưỡng heo nái đúng quy trình kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu chuồng trại, vận động, thức ăn và dinh dưỡng.
- Can thiệp kịp thời (ngay khi phát hiện ra heo mẹ có những dấu hiệu bệnh, không để quá muộn), đúng kỹ thuật (không quá mạnh tay → tránh những tổn thương → sót nhau).
- Tiêm thuốc Oxytoxin dưới da để kích thích co bóp tử cung đẩy nhau ra hết.
- Sau khi nhau ra, dùng thuốc tím nồng độ 0,1% hoặc nước muối 0,9% để rửa tử cung trong ba ngày liên tục.
2. Bệnh sốt sữa (bệnh liệt nhẹ sau sinh)
Là 1 bệnh phát sinh đột ngột, nhanh chóng gây nhiều nguy hiểm cho heo mẹ sau khi sinh. Bệnh gây ra cho con vật tình trạng mất cảm giác, tê liệt ở các chân, ruột, họng và gây rối loạn tất cả các phản xạ có và không có điều kiện.
Nguyên nhân gây bệnh
- Heo nái sốt sữa do nhau thai ra không hết, nhau thai ở trong tử cung sẽ tiết ra hoocmon follienlia, làm ức chế sự phát sinh của hoocmon prolactine nên tuyến vú không phát triển được gây sốt sữa.
- Do tử cung và vú bị nhiễm trùng.
- Do thức ăn mất cân đối thành phần và giá trị dinh dưỡng, nhất là đạm, khoáng.
Biện pháp khắc phục
- Nếu sốt sữa do nhau thai ra không hết thì dùng dung dịch Gluconat canxi 10% tiêm tĩnh mạch với liều 20ml/con hoặc tiêm dung dịch Oxytoxin với liều 10 – 20 UI/con hoặc có thể dùng dung dịch Ergotin tiêm bắp với liều 0,3 – 0,5mg/con.
- Nếu sốt sữa do thiếu canxi thì dùng dung dịch Gluconat canxi 10% tiêm tĩnh mạch với liều 20 – 40ml/con.
- Nếu sốt sữa do thiếu vitamin C thì có thể tiêm 200ml nước cất cộng với 5ml vitaminC/con/ngày.
- Khi thấy lợn trở lại trạng thái bình thường nhưng vẫn ít sữa thì có thể tiêm dung dịch Thyrosin ngày một lần, với liều 1ml/con/ngày.
3. Bệnh viêm vú, viêm tử cung, mất sữa
Xem bài: Hội chứng MMA trên heo nái
4. Bệnh bại liệt sau sinh
Là bệnh mà heo mẹ mất khả năng vận động sau thời gian sổ thai. Có 3 bệnh bại liệt khác nhau trên heo nái: Bệnh bại liệt trên heo trước khi sinh, bệnh bại liệt trên heo sau khi sinh, bệnh liệt nhẹ trên heo sau khi sinh (hay còn gọi là bệnh sốt sữa).
Nguyên nhân gây bệnh
- Do thai quá to, tư thế và chiều hướng của thai không bình thường.
- Quá trình thủ thuật kéo thai quá mạnh hay không đúng thao tác… →Từ đó gây tổn thương thần kinh tọa hoặc ảnh hưởng đến đấm rối hông khum → heo mẹ bại liệt.
Biểu hiện bệnh
- Lúc đầu heo mẹ đi lại khó khăn, về sau không đứng lên được mà nằm bẹp 1 chỗ.
- Bệnh thường kế phát với 1 số bệnh ở hệ tiêu hóa, hô hấp như: chướng bụng đầy hơi, viêm phế quản cấp.
- Nếu bệnh kéo dài, con vật dễ bị loét từng mảng da phía tiếp xúc với nền chuồng.
- Sau 3-4 tuần con vật gầy dần và chết.
Biện pháp khắc phục
- Thao tác can thiệp kịp thời, đúng kỹ thuật.
- Để con vật nằm trên nền chuồng có đệm rơm, rạ hay cỏ khô dày và sạch.
- Hằng ngày trở mình cho heo mẹ → tránh bầm huyết, hoại tử da và kế phát với chướng bụng, đầy hơi.
- Tăng cường thức ăn có bổ sung nguyên tố vi lượng nhất là Canxi và Photpho.
- Dùng các loại dầu nóng xoa bóp mạnh 2 chân cho heo mẹ.
- Tiêm gluconat canxi hay clorus canxi, kết hợp với vitamin B1, strchnin. Đồng thời kết hợp với phương pháp châm cứu.
5. Hiện tượng chậm động dục trở lại của heo nái
Sau khi cai sữa cho heo con, thông thường heo mẹ sẽ động dục trở lại vào ngày thứ 4-7 (chiếm 85-90%). Nếu 10 ngày sau khi cai sữa heo con mà không thấy heo mẹ động dục trở lại thì heo mẹ đó gọi là chậm động dục trở lại. Bệnh thường gặp tại các cơ sở chăn nuôi có điều kiện nuôi dưỡng kém.
Nguyên nhân
Do thức ăn có giá trị dinh dưỡng thấp, thành phần dinh dưỡng mất cân đối, thức ăn hôi mốc, có nhiều độc tố…
- Thức ăn nhiều chất bột đường hoặc thiếu đạm và vitamin A,D,E → buồng trứng heo nái chậm phát triển → chậm hay không động dục; thai yếu và quái thai.
- Thức ăn hôi mốc → sinh độc tố →gây ngộ độc cho heo → sẩy thai, chậm động dục, đẻ ít con.
- Do heo mắc các bệnh sinh sản như: Những bệnh nhiễm trùng đường máu hay đường sinh dục, bệnh tai xanh, bệnh thai gỗ… → tổn thương trên tử cung → ảnh hưởng đến sự phân tiết hormon, viêm buồng trứng → chậm động dục.
- Do chuồng trại chật hẹp, heo mẹ không thường xuyên được đi lại vận động nên sinh ra béo mập và làm cho cơ quan sinh dục không phát triển. Chuồng nuôi quá nhiều heo gặp thời tiết nắng nóng kéo dài cũng có thể làm rối loạn sinh sản.
- Do lai tạo đồng huyết, cận huyết → giống heo bị thoái hóa, chậm sinh, vô sinh. heo nái có chửa sẽ khó đẻ, thai yếu và dễ sinh ra các quái thai…
- Do nội tiết bên trong cơ thể heo: Nhiều trường hợp trên buồng trứng có u nang và những u nang này dẫn đến việc khả năng heo không sinh sản là 4%.
- Do nhiều nguyên nhân khác dẫn đến → rối loạn hormon sinh sản → thể vàng không tiêu biến đi như bình thường → nồng độ hoocmon Progesteron tăng cao → ức chế tiết hoocmon LH và FSH → ức chế quá trình động dục → heo mẹ chậm động dục trở lại.
Cách phòng
Phòng ngừa bằng dinh dưỡng: Cho heo ăn với khẩu phần thức ăn cân đối đạm, canxi và vitamin, nhất là vitamin E.
Chăm sóc quản lý: Cai sữa cho heo con lúc 3-5 tuần tuổi và cho heo nái tiếp xúc với heo đực giống từ ngày đầu cai sữa heo con.
Sử dụng kích dục tố tiêm cho heo mẹ → thúc đẩy nhanh quá trình động dục lại.
Khắc phục
- Kiểm tra lại thức ăn cho heo xem thức ăn có đảm bảo chất lượng hay không để có thể kịp thời loại bỏ thức ăn hôi mốc và cân đối lại các thành phần và giá trị dinh dưỡng như: chất bột, đường, đạm, khoáng cho hợp lý.
- Cần bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng cho heo, nhất là đạm, khoáng, vitamin. Các chất này có nhiều trong thịt, cá, trứng, tôm, cua, khô dầu đậu, đỗ, dầu cá, bí đỏ, giá đỗ nảy mầm, rau xanh non ngon,…
- Bổ sung vào cám cho heo ăn hàng ngày các loại thuốc bổ trợ như vitamin A, D, E, C, B.complex…
- Tiêm thuốc kích dục tố eCG và hCG cho heo nái. Ngoài ra, có thể tiêm eCG và Estrogen để điều trị bệnh chậm động dục sau cai sữa của heo nái.
- Nếu lần 1 không đậu thì tiếp tục cho phối lần 2, nếu đã qua 2 lần phối giống mà vẫn không đậu thì nên loại thải.
Như vậy, quá trình chăm sóc heo mẹ sau khi sinh luôn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro rất lớn. Việc nắm được căn bản nguyên nhân, biểu hiện của bệnh cũng như hướng xử lý của mỗi bệnh sẽ là cơ sở giúp chúng ta chủ động trong công tác kiểm soát, điều trị bệnh. Từ đó giảm thiểu tối đa mọi thiệt hại đáng kể do bệnh gây ra.
Hoa Đá
Naipet.com