Trong chăn nuôi cần có biện pháp phòng chống các dịch bệnh, đặc biệt là ở heo bởi dịch bệnh xảy ra sẽ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi nói chung và cho người nuôi heo nói riêng. Bởi vậy cần tìm hiểu triệu chứng các loại bệnh ở heo để phát hiện sớm và có biện pháp chữa trị.
Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết 3 bệnh thường gặp ở heo bạn cần biết để có thể phát hiện kịp thời heo bệnh:
-
Bệnh E.coli:
Theo nghiên cứu có nhiều nhóm E.coli gây bệnh với những dấu hiệu khác nhau nhưng nguy hiểm nhất là nhóm E.coli gây tiêu chảy phân trắng và nhóm phù thũng, tích nước xoang bụng:
Bệnh E.coli ở heo (Hình minh họa)
- Coli gây tiêu chảy phân trắng: Nhóm này thường gặp trên heo sơ sinh. Khi mắc bệnh heo con có dấu hiệu nhận biết như sau: đi tiêu phân lỏng như nước, có bọt, trắng hay vàng nhạt, có mùi hôi khó chịu. Một số heo bệnh bị ói mửa, bụng thót, mắt lõm sâu, da tím tái. Heo bị mất nước nhanh, lông xù, dơ, suy yếu trầm trọng, không bú và có thể chết sau 24 – 48 giờ tiêu chảy.
- Coli gây phù thũng, tích nước xoang bụng: Thường gặp trên heo con sau cai sữa 1 – 2 tuần và những con lớn trội trong đàn là những con bị nhiễm đầu tiên. Heo bệnh lờ đờ, đi đứng xiêu vẹo hay nằm liệt, co giựt, hôn mê. Có thể tiêu chảy hoặc không. Sưng phù ở mí mắt, lưỡi, âm hộ, hầu họng.
-
Bệnh tụ huyết trùng:
Dấu hiệu nhận biết heo bị bệnh tụ huyết trùng: Bệnh do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra . Bệnh xảy ra trên heo mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là heo từ 3 – 6 tháng tuổi. Heo sốt 41oC hoặc cao hơn, ho, thở khó, tím tái vùng bụng, tai và bẹn, phù thủng dưới da vùng hầu, mặt, tai. Heo chết nhanh sau 1 – 2 ngày do ngạt thở. Được chia ra làm hai thể:
Bệnh tụ huyết trùng ở heo (Hình minh họa)
- Thể cấp tính: Heo ủ rũ, ăn ít hoặc bỏ ăn, sốt cao 41°C hay hơn. Niêm mạc mũi bị viêm, chảy nước mũi đặc, đôi khi có lẫn máu. Heo thở khó và nhanh, ho khan từng tiếng, khi ho co rút toàn thân. Xuất hiện nhiều vệt tím đỏ trên da, đặc biệt là ở vùng hầu, niêm mạc bị tím tái. Thường heo chết sau 3 – 4 ngày do hiện tượng ngạt thở.
- Thể mãn tính: Thường kế tiếp theo thể cấp tính. Heo thở khó, thở nhanh, khò khè, ho từng hồi, ho khi vận động nhiều, tiêu chảy. Khớp xương bị viêm, sưng nóng, đau, nhất là khớp đầu gối, da đỏ ửng từng mảng, bong vẩy. Heo bệnh gầy yếu dần, chết sau 1- 2 tháng.
-
Bệnh lở mồm long móng:
Heo bệnh lở mồm long móng có biểu hiện như miệng có vết loét ở lợi, chân răng, hầu, thực quản, lưỡi, phổi vị viêm, tim mềm, có vết xám hay chấm nhạt, lá lách sưng đen, 4 chân móng long hẳn và sút ra, cụ thể 3 triệu chứng rõ rệt như sau:
- Sốt: Thân nhiệt heo lên cao khoảng từ 40 tới 41°C.
- Lở mồm: Nướu răng, lưỡi, vành mõm nổi mụn nước sau vài ngày vỡ ra, nhiễm trùng thành vết loét. Heo nái bầu vú nổi nhiều mụn nước có mủ .
- Long móng: Phần tiếp giáp giữa móng và chân bị nổi mụn nước, sau đó vỡ ra, nhiễm trùng lở loét nung mủ, heo đi khập khễnh, đau đớn.
Bệnh lở mồm long móng ở heo (Hình minh họa)
Bệnh thường gây chết cho heo con, ít gây chết cho heo trưởng thành nhưng làm giảm năng suất và sản lượng, đối với heo nái mang thai giai đoạn cuối còn có thể gây sảy thai. Bệnh này không chỉ ở heo mà các loài động vật có móng guốc đều có thể bị mắc, có 7 type virus gây bệnh lở mồm long móng. Ở Việt Nam hiện nay type gây bệnh được xác định là type O.
Người chăn nuôi cần tìm hiểu kỹ những dấu hiệu nhận biết các bệnh nhằm phát hiện heo bị bệnh sớm nhất có thể để có biện pháp phòng tránh cho cả đàn, không gây thiệt hại kinh tế.
Naipet.com