Viêm phổi phức hợp là thể viêm phổi cấp tính, thường gây chết trên heo với các đặc điểm: heo đột ngột sốt cao, rất khó thở. Bệnh thường xảy ra trên heo sau cai sữa, heo nuôi thịt hoặc xảy ra trên cả heo nái, heo nọc. Heo mắc bệnh có thể chết trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát bệnh hoặc chết sau đó vài ngày.
Bệnh tích phổi dính sườn trong bệnh viêm phổi phước hợp trên heo.
1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh xảy ra do hệ thống phòng vệ đường hô hấp bị tổn thương do nhiễm trùng nguyên phát kết hợp với điều kiện nuôi dưỡng kém gây mất khả năng đề kháng từ đó đường hô hấp trở nên mẫn cảm với các vi khuẩn gây viêm phổi.
1.1 Các hệ thống phòng vệ đường hô hấp bị tổn thương
Trên đường hô hấp có 3 hệ thống phòng vệ chính:
Xoang mũi: xoang mũi có vai trò sưởi ấm không khí lạnh và lọc các loại bụi có kích cỡ lớn, giữ cho phổi luôn ấm và trong sạch. Heo bị nhiễm bệnh viêm teo mũi do Bordetella bronchiseptica và Pasteurelle multocida type D, độc tố của 2 loại vi khuẩn này làm teo sụn xoang mũi dẫn đến xoang mũi bị hư (hình1), không còn khả năng sưởi ấm và lọc bụi trong không khí, khí lạnh và bụi vào thẳng trong phổi gây viêm mãn tính trên phổi từ đó phổi bị yếu dễ cảm nhiễm với các loại mầm bệnh khác.
Xoang mũi bị hư trong bệnh viêm teo mũi truyền nhiễm do Bordetella bronchiseptica và Pasteurelle multocida type D
Hệ thống lông rung phế quản: có vai trò bắt và đẩy các hạt bụi có kích cỡ nhỏ ra khỏi đường hô hấp. Nhiễm Mycoplasma hyopneumoniae sẽ làm tê liệt và cụt dần các lông rung (hình 2), hậu quả bụi sẽ tồn đọng ngày càng nhiều trong phế quản, phế quản bị kích thích gây nên triệu chứng ho liên tục trên heo, phổi bị viêm mãn tính cũng là điều kiện để các loại mầm bệnh khác phát triển.
lông rung phế quản bị cụt do Mycoplasma hyopneumoniae
Đại thực bào trong phế nang và các loại bạch cầu: trong phế nang chứa nhiều tế bào có khả năng diệt khuẩn bao gồm bạch cầu lympho, bạch cầu trung tính và đặc biệt là đại thực bào. Đại thực bào có khả năng tiêu diệt một lượng rất lớn các vi trùng xâm nhập vào đường hô hấp bao gồm vi trùng Pasteurella, Haemophillus, Actinobacillus…giúp phổi chống được sự nhiễm trùng.
Heo bị nhiễm bệnh tai xanh, virus PRRS tấn công làm phá vỡ toàn bộ các đại thực bào trong phế nang (hình 3), làm mất khả năng diệt khuẩn của phế nang, từ đo phổi rất nhạy cảm với vi khuẩn gây nhiễm trùng cấp tính.
Đại thực bào phế nang bị phá hủy trong bệnh tai xanh
Trường hợp heo nhiễm bệnh Circo. Virus Circo xâm nhập và gây viêm toàn bộ các hạch bạch huyết, nơi sản sinh các loại bạch cầu góp phần làm giảm khả năng diệt khuẩn của phổi, điều này giải thích viêm phổi là triệu chứng chính thường thấy trong bệnh Circo (hình 4).
Viêm hạch bạch huyết trên heo trong bệnh do Circo virus
1.2 Quản lý – nuôi dưỡng kém
Bao gồm chuồng trại ẩm thấp do thường xuyên tắm và rửa chuồng hoặc do chuồng trại không thông thoáng, kém vệ sinh, tồn đọng các mùi hôi thối như NH3 , H2S. Các yếu tố trên góp phần làm suy yếu sức kháng bệnh đường hô hấp, từ đó tạo điều kiện thuận tiện cho các loại vi khuẩn phát triển gây bệnh.
1.3 Các vi khuẩn gây viêm phổi cấp tính bao gồm
Pasteurella multocida type A, Haemophillus parasuis, Actinobacillus pleuropneumoniae. Các vi khuẩn này thường xuyên có mặt trong chuồng trại và trong vùng hầu họng của heo, khi sức đề kháng của đường ho hấp yếu đi, vi khuẩn sẽ xâm nhập xuống phổi và gây viêm cấp tính. Trong 3 loại vi khuẩn trên, nguy hiểm nhất là Actinobacillus pleuropneumoniae với ngoại độc tố gây tràn dịch phổi – màng phổi và gây xuất huyết cấp tính tại phổi. Đây là triệu chứng chính của bệnh viêm phổi thường đi kèm với bệnh tai xanh hay bệnh do Circo virus.
2. Triệu chứng
Bệnh phát ra đột ngột với triệu chứng: sốt cao, rất khó thở do phổi bị xuất huyết và tràn dịch, hai tai lạnh và tím bầm, một vài trường hợp có thêm triệu chứng chảy máu mũi hoặc xuất huyết điểm trên da.
3. Điều trị bệnh
Do diễn biến bệnh rất nhanh, ngoài ra bệnh xảy ra do đồng thời nhiều loại vi khuẩn cùng tấn công phổi, do đó việc dùng kháng sinh điều trị ít mang lại kết quả tốt, một số heo hồi phục sau điều trị vẫn mang các di chứng trong phổi, từ đó thường ít ăn, chậm lớn.
4. Phòng bệnh
- Giữ ấm cho heo, tuyệt đối không tắm heo lúc sáng sớm, lúc trời lạnh, chỉ rửa chuồng ở khu vực có nhiều phân, nước tiểu, giữ khô phần chuồng còn lại.
- Hiện nay phần lớn người chăn nuôi dùng kháng sinh trộn trong thức ăn để kiểm soát bệnh, các kháng sinh thường dùng là Chlortetracyclin, Tylosin, Lincomycin, Amoxicillin…Do dùng lâu ngày, các kháng sinh trên đây đã bị vi khuẩn đề kháng, rất nhiều trại trộn kháng sinh liên tục nhưng bệnh viêm phổi vẫn xảy ra. Biện pháp tốt nhất và kinh tế nhất là tiêm phòng vaccine đa giá chứa đầy đủ tất cả các kháng nguyên tương ứng với các bệnh viêm teo mũi truyền nhiễm, bệnh do Mycoplasma, viêm phổi do vi trùng Pasteurella, Haemophillus và Actinobacillus cho heo nái và heo con.
Naipet.com