Bệnh AEV (Avian encephalomyelitis – AEV) là một bệnh truyền nhiễm của gà con với biểu hiện rối loạn sự phối hợp vận động như bại liệt, co giật. Đồng thời gây bệnh mạn tính ở gà lớn làm giảm tỷ lệ đẻ trứng và chết phôi. Bệnh xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới.
I. Động vật cảm thụ
Gà, gà tây, gà lôi và chim cút rất mẫn cảm với bệnh này.
II. Nguyên nhân
Tác nhân gây bệnh là do virus Avian encephalo-myelitis (AEV), virus có thể tồn tại một thời gian trong chuồng nuôi gà.
III. Phương thức truyền lây
- Lây nhiễm qua thức ăn, nước uống. Do những con bị bệnh bài thải mần bệnh ra môi trường chuồng trại.
- Lây truyền qua trứng do những đàn gà giống nhiễm virus (AE), virus này truyền qua trứng trong vòng 3-6 tuần. trứng đem ấp có thể gây chết phôi hoặc gà nở ra 1 ngày tuổi đã phát bệnh.
- Lây nhiễm từ những đàn gà bệnh sang đàn gà không bệnh. Do nhập đàn mới hay do di chuyển đến một nơi khác đã có mần bệnh.
- Lây nhiễm qua dụng cụ và người chăn nuôi.
IV. Triệu chứng
Đối với gà con:
Nếu bệnh được truyền qua trứng từ mẹ thì sau 2 tuần tuổi mới biểu hiện một số triệu chứng sau:
- Mệt mỏi, ủ rũ và ngại di chuyển. Nếu đuổi, gà bệnh di chuyển quay vòng hoặc nằm bẹp tại chỗ.
- Một số gà co giật vùng đầu, cổ và đuôi.
- Tỷ lệ bệnh có thể tới 50% và chết tới 20%. Gà chết do đạp lên nhau, đói và mất nước.
Giai đoạn gà giò trên 8 tuần tuổi:
- Giai đoạn này ít biểu hiện triệu chứng.
- Ở gà đẻ tỷ lệ giảm từ 5-50% kéo dài 1-3 tuần. Trong trường hợp cá biệt có thể ngưng đẻ. Khả năng trứng nở từ những đàn gà này cũng giảm do chết phôi ở giai đoạn cuối.
- Một số con bị mù (thủy tinh thể bị đục) sau mỗi ổ dịch.
V. Bệnh tích
Không có bệnh tích đại thể trên các cơ quan phủ tạng. Chỉ có bệnh tích vi thể trong tế bào. Vì vậy lấy bệnh phẩm não, tim, tụy và dạ dày tuyến bảo quản trong nước sinh lý có 10% formalin. Đem soi kính hiển vi những tế bào trên.
VI. Chẩn đoán
- Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và dịch tễ học (co giật ở giai đoạn gà con).
- Phân lập và giám định virus. Tuy nhiên ở các phòng thí nghiệm không có điều kiện để làm thì phải căn cứ vào triệu chứng lâm sàng trên.
- Kiểm tra tổ chức học. Bệnh tích vi thể kiểm tra dưới kính hiển vi cho thấy hệ thống thần kinh trung ương viêm nhưng không có mủ. Tế bào xung quanh mạch ngoại vi ở tất cả các phần của não và dây chằng tủy sống bị thấm dịch (loại trừ tiểu não). Tiểu não bị viêm, những hạt nhỏ xuất hiện cả ở dạng lan tràn và tụ lại thành điểm.
Bệnh tích ở tế bào thần kinh đệm, chỉ thấy ở lớp nhân của tiểu não, những hạch nhân bị viêm, các cơ quan nội tạng thấy tăng các nang Lympho.
- Nuôi cấy bệnh phẩm trên phôi gà: sau 4-5 ngày phôi bị teo những cơ, xương và chết.
- Làm phản ứng trung hòa để xác định trạng thái mẫn cảm hoặc miễn dịch của đàn gà.
VII. Phòng và trị bệnh
a. Phòng bệnh
Phòng bằng vacxin:
Vacxin Myelovax loại nhược độc đông khô do Rhone Merieux Pháp sản xuất.
Chủng lấn 1 lúc 10-14 tuần tuổi, pha cho uống (không dùng cho gà đẻ). Một số nước còn dùng phương pháp chủng vào cánh, phương pháp này chỉ cần chủng 10% số gà trong đàn(với loại vacxin nhược độc). sau đó tự các gà lây nhiễm cho nhau và tạo được miễn dịch cho toàn đàn.
Cũng có một số nước dùng vacxin chết. Vacxin này chỉ dùng cho gà trong giai đoạn đẻ, kháng thể sinh ra ở gà mẹ được truyền qua trứng cho gà con phòng bệnh được 2-3 tuần sau khi nở.
Sau khi tiêm phòng vacxin nhược độc, miễn dịch hình thành cao sau 2-3 tuần. trong thực tế virus gây bệnh tồn tại trong môi trường, đặc biệt trong những trại nuôi gà tập trung đủ mọi lứa tuổi. Vì vậy cho phép gà luôn luôn được tiếp xúc và nhiễm virus lại. Sau khi bị nhiễm tự nhiên hoặc sau khi tiêm chủng vacxin nhược độc miễn dịch trong cơ thể kéo dài một năm. Miễn dịch từ gà mẹ sẽ truyền sang trứng cho con được ở 2 tuần tuổi đầu.
b. Trị bệnh
- Loại bỏ những con bệnh nặng (bị liệt, qúa yếu).
- Dùng kháng sinh phổ rộng (Chlotetrasol, Neodexin, Neomycin, Septotryl, T.T.S, Dibiotic v.v…) để chống vi khuẩn bội nhiễm kế phát.
- Cung cấp tốt thức ăn, nước uống tránh để gà đói và chật mà giẫm đạp lên nhau gây chết.
Nguồn tin: (Theo Sách hỏi đáp bệnh về gia cầm)
Naipet.com