Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến bệnh tiểu đường ở người, bạn rùng mình vì đây là căn bệnh khó chữa và các biến chứng nguy hiểm của nó? Bạn không ngờ rằng bệnh tiểu đường cũng có ở mèo, và càng ngạc nhiên hơn khi biết số mèo mắc bệnh này ngày một tăng lên. Để giúp bạn có cái nhìn tổng quan về căn bệnh này ở mèo, mời bạn đọc kĩ bài viết dưới đây:
Cũng như người, loài mèo
cũng bị bệnh tiểu đường.
1. Bệnh tiểu đường ở mèo là gì?
Bệnh tiểu đường ở mèo là tình trạng các tế bào tuyến tụy của mèo không tiết ra đủ hoocmon insulin, hoặc các tế bào mất kiểm soát khi điều tiết insulin ( đóng vai trò chuyển hóa đường glu-cô trong máu vào tế bào). Bệnh tiểu đường ở mèo được chia thành 2 loại:
Loại 1: Hiếm gặp, nguyên nhân bệnh là do thiếu insulin
Loại 2: rất phổ biến, nguyên nhân nói chung là do các tế bào chống lại hoạt động của insulin, dẫn tới tình trang thiếu insulin, sau đó bệnh ngày càng diễn biến tệ hơn.
2. Triệu chứng bệnh
Dựa vào tình trạng lượng hoocmon insulin sụt giảm nhiều hay ít để ta phát hiện triệu chứng bệnh có nghiêm trọng hay không. Loài chó mắc bệnh tiểu đường thường có nguy cơ bị đục thủy tinh thể, nhưng loài mèo lại không như vậy. Sau đây là những triệu chứng bệnh tiểu đường phổ biến nhất mà mèo hay gặp:
- Hay khát nước và đi tiểu nhiều: do đường glu-cô không thể xuyên qua các tế bào dẫn đến mức độ đường huyết trong máu tăng đột biến (chứng hyperglycemia). Lượng đường thừa này được lọc qua thận, và ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Sau đó, con vật bị mất nhiều nước vì tiểu nhiều, điều này khiến nó thèm uống nhiều nước hơn.
- Đi ngoài không đúng chỗ: bởi vì mèo đi tiểu nhiều bất thường dẫn đến nó phải giải quyết “nỗi buồn” mọi lúc mọi nơi. Đây cũng là một trong vài dấu hiệu đầu mèo mắc bệnh tiểu đường.
- Thói quen ăn uống thay đổi: Một số con mèo mắc bệnh thường ăn ít hơn vì chúng cảm thấy mệt mỏi; nhưng những con mèo khác lại trở nên thèm ăn, chúng ăn rất nhiều vì vùng dưới đồi não kích thích tiêu hóa của chúng.
- Sụt cân: Do cơ thể của mèo không thể hấp thu lượng calo để chuyển hóa thành năng lượng, nên chất béo trong cơ thể bị đốt cháy thành năng lượng, sau đó mèo sẽ bị sụt cân nhanh chóng.
- Di chuyển bất thường: Một số trường hợp mắc bệnh tiểu đường có dị tật trong hệ thần kinh: mèo gập khuỷu chân sau xuống để đi lại (tư thế gang bàn chân). Triệu chứng bất thường này còn được gọi là bệnh thần kinh tiểu đường.
- Hoạt động ít, ốm yếu và chán nản: Dù thú cưng có ăn nhiều calo đến bao nhiêu thì chúng lại không thể hấp thu được, rồi dẫn đến tình trang thiếu năng lượng. Bạn biết cảm giác tồi tệ khi bạn bỏ ăn lâu ngày rồi đấy. Một chú mèo mắc bệnh tiểu đường cũng có cảm giác giống bạn kể cả khi nó có ăn hay không. Nhiều con mèo có thể bị teo cơ bắp đáng kể, do đó cơ thể chúng trở nên ốm yếu. Ngoài ra, khi mèo bị bệnh này, chúng còn trở nên chán nản, đờ đẫn, và mệt mỏi với mọi thứ xung quanh.
- Nôn mửa: Khi bệnh tiểu đường ngày càng trầm trọng, cơ thể mèo phải tự đốt cháy chất béo bên trong, sau đó tích tụ chất thải có tên gọi Ketones. Khi lượng Ketone trong máu cao lên, và nồng độ pH trong máu giảm sút, mèo bệnh thường cảm thấy buồn nôn, và có thể tử vong.
Ngoài ra, ta còn bắt gặp một vài dấu hiệu khác của bệnh trên mèo cưng như lông mọc thưa, các bệnh về gan phát triển, sức đề kháng kém và tình trạng quá nhiều Ketone trong nước tiểu của mèo.
Cổ chân mèo bình thường so với mèo bị tiểu đường
3. Chẩn đoán bệnh
Bệnh tiểu đường ở mèo được chẩn đoán dựa trên nồng độ đường glu-cô trong máu, trong nước tiểu tăng cao như thế nào, và các triệu chứng bệnh. Đối với trường hợp mèo mắc bệnh cường giáp (hyperthyroidism) hoặc suy thận mãn tính (thường gặp ở mèo già) có dấu hiệu tương tự, ta không thể chỉ dựa vào triệu chứng bệnh để chẩn đoán bệnh tiểu đường. Sau đây là 3 thủ tục chính khi chẩn đoán bệnh tiểu đường ở mèo:
- Tiểu sử bệnh án.
- Khám sức khỏe: phát hiện sự mất nước, lông mọc rối, và thay đổi cân nặng ở mèo. Một số con mèo còn bị chứng gan phù nề.
- Xét nghiệm sinh lí: các dấu hiệu của bệnh tiểu đường có thể xảy ra cùng với các bệnh khác, cho nên việc xét nghiệm sinh lí là cấp bách để chẩn đoán chính xác bệnh tật. Khi mắc bệnh tiểu đường, mèo bệnh sẽ có lượng đường huyết cao và đi tiểu ra chất glu-cô; ngoài ra mèo còn được chẩn đoán hội chứng nhiễm Ketone axit đái đường nếu ta xét nghiệm thấy có chất xe-tôn trong nước tiểu của nó. Khi xét nghiệm, ta còn biết được enzym trong gan và lượng cholesterol của mèo tăng cao như thế nào, và mức độ các chất natri, kali, photpho trong cơ thể mèo có thể thấp hơn bình thường.
4. Điều trị
Để kiểm soát hiệu quả bệnh tiểu đường ở mèo, bạn cần trao đổi bệnh tình của mèo cưng thường xuyên với bác sĩ thú y để tìm ra cách làm thuyên giảm bệnh. Đôi khi nồng độ đường glu-cô trong máu của mèo tăng nhẹ hơn bình thường, người nuôi thú cần an tâm là chuyện đó không đáng nguy cho lắm.
- Trong đa số các trường hợp mèo mắc bệnh tiểu đường, pháp đồ điều trị bằng insulin vẫn là ưu tiên hàng đầu: Trong tủ thuốc thú y có sẵn nhiều loại hoocmon insulin tự chế dành cho mèo. Hầu hết các con mèo bệnh cần tiêm insulin hai lần mỗi ngày, và việc chữa trị này khá đơn giản với nhiều người nuôi thú.
- Quản lí bữa ăn cũng vô cùng quan trọng: Một vài nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng những con mèo được cho ăn bữa ăn giàu protein và ít tinh bột có cơ hội giảm bệnh tình nhẹ hơn so với bữa ăn giàu chất xơ. Ta có thể tìm ra nhiều công thức chế biến bữa ăn kiêng mà mèo cưng thích trên sách báo, trên các nguồn thông tin thú cưng uy tín trên mạng. Các nghiên cứu trên cũng cho biết tình trạng kháng insulin liên quan trực tiếp đến sự thừa cân ở mèo, do đó, bác sĩ thú y sẽ giúp bạn thiết lập kế hoạch kiểm soát cân nặng cho mèo cưng.
- Pháp đồ điều trị OGA (Oral glycemic agents) dùng cho tiểu đường loại 2 có tác dụng kích thích tuyến tụy tiết ra hoocmon insulin và chủ yếu dành cho những người nuôi mèo không có khả năng tiêm insulin cho thú cưng. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của pháp đồ này là người chủ phải cho mèo uống thuốc mỗi ngày, mà điều này cũng rất áp lực cho cả mèo cưng và chủ nuôi.
Béo Phì do bệnh tiểu đường
5. Theo dõi bệnh lí
Kiểm tra định kì lượng đường huyết trong máu của mèo rất cần thiết khi mới chẩn đoán bệnh để chắc chắn không có thay đổi gì trong khi điều trị bệnh.
Kiểm tra tại nhà:
Máu: được đo bằng máy đường kế – một dụng cụ đo rất quan trọng cần có để đảm bảo kết quả xét nghiệm đúng. Bác sĩ thú y sẽ đưa ra một bảng theo dõi lượng đường huyết cho bạn, từ đó bạn dễ dàng theo dõi sức khỏe mèo cưng dựa trên các kết quả đo được (nếu có kết quả bất thường, bác sĩ thú y sẽ điều chỉnh lại kế hoạch điều trị.
Nước tiểu: Có hai cách để bạn theo dõi liệu nước tiểu của mèo cưng có lẫn đường glu-cô hay chất Ketone hay không: thay thế vật liệu lót thông thường trong hộp vệ sinh của mèo bằng vật lót không thấm nước, sau đó đặt mẫu thử xét nghiệm (bác sĩ thú ý sẽ cung cấp cho người nuôi) vào chỗ nước tiểu, và quan sát xem có thay đổi màu sắc của mẫu thử hay không. Nếu mẫu thử đổi màu chứng tỏ trong nước tiểu của mèo có đường glu-cô hoặc xê tôn.
Đo cân nặng cho mèo hàng tuần: Bạn có thể sử dụng cân trẻ em để có kết quả chính xác nhất.
Khi theo dõi chứng thèm ăn/ khát nước, người nuôi mèo nên đánh giá những thứ sau: Liệu mèo cưng có ăn lượng thực phẩm bình thường? Mèo cưng có hay uống nước không? Mèo cưng có cư xử bình thường không?
Mặc dù căn bệnh tiểu đường ở mèo chưa có phương thuốc chữa khỏi, nhưng nếu mèo bệnh được chăm sóc sức khỏe tốt, được yêu thương, che chở như bao con mèo khác thì chắc chắn chúng sẽ sống thọ hơn cùng chúng ta đó.
Naipet.com