I. Nguyên nhân
Bệnh do Coronavirus gây ra. Lây lan qua đường tiêu hóa và hô hấp. Bệnh xảy ra trên mọi lứa tuổi heo. Có 3 type coronavirus gây bệnh tiêu chảy trên heo, một týp gây bệnh TGE, hai týp còn lại gây bệnh dịch tiêu chảy địa phương (Porcine Epidemic Diarrhea – PED) là PED I và PED II. Triệu chứng lâm sàng cả 3 týp đều giống nhau nên không phân biệt được. Đặc điểm của TGE là xảy ra vào mùa lạnh và gây tử vong rất cao. Còn PED I và PED II xảy ra quanh năm và gây tử vong thấp hơn. PED týp I gây tiêu chảy chủ yếu trên heo choai, heo thịt, hậu bị, nái nhưng không gây tiêu chảy trên heo con theo mẹ. PED týp II gây tiêu chảy trên mọi lứa tuổi. PED I và PED II tạo miễn dịch thấp và ngắn, trên những đàn không có kháng thể. Thời gian ủ bệnh trong 1-2 ngày và xảy ra trong 3-4 ngày. Đặc biệt là trên heo con 1 tuần đầu, tỷ lệ chết là 100%. Heo con từ 8-14 ngày chết 50%. Từ 15-21 ngày là 25% và rất hiếm khi chết khi heo trên 21 ngày.
Mô phỏng cấu trúc Coronavirus.
Vi rút bị chết ở 50 độ C trong 45 phút, ở 37 độ C dưới 2 giờ. Một vài chủng rất nhạy cảm với nhiệt độ tuy nhiên khi đông lạnh chúng tồn tại rất lâu. Trong các sản phẩm đông lạnh, vi rút tồn tại trong nhiều năm. Vi rút rất nhạy cảm với nhiệt độ và ánh nắng mặt trời. Kháng thể đặc hiệu IgA trong sữa đầu giúp bảo vệ heo con chống lại bệnh. Kháng thể hình thành từ 7-8 ngày sau khi nhiễm và kéo dài 6 tháng trên heo thịt và từ 10 tháng đến 2 năm trên heo nái. Vi rút tồn tại trong phổi và ruột 104 ngày sau khi nhiễm. Vi rút được phát hiện trong phân 14 ngày sau khi nhiễm. Sau khi nhiễm bệnh, vi rút bài thải ra môi trường trong 15 tuần.Thông thường là 4 tuần. Bệnh xảy ra phổ biến vào mùa lạnh.
II. Dấu hiệu lâm sàng
Heo con tiêu chảy phân vàng, kèm theo ói, mất nước trầm trọng và tử vong 100% trong tuần đầu. Đặc biệt trong bệnh này mẹ cũng tiêu chảy và mất sữa. Bệnh xảy ra khi thời tiết lạnh. Heo thịt cũng tiêu chảy trong 3-4 ngày rồi hết nhưng không chết nếu không ghép nhiều bệnh khác.
III. Chẩn đoán
Dựa vào đặc điểm của bệnh. Khi mổ khám thấy dạ dày heo con đầy sữa vón cục, ruột non căng phồng dịch màu vàng có bọt. Hạch màng treo ruột sưng. Kiểm tra qua kính hiển vi thấy các vi nhung mao bị mòn.
Coronaviruses in swine (TGE, HEV, PRCV, PED)
Về triệu chứng lâm sàng, không thể phân biệt được là TGE hay PED, tuy nhiên đặc điểm của TGE là chỉ xảy ra vào mùa lạnh và tử số rất cao, ở Việt Nam Coronavirus phát hiện chủ yếu là PED. Bệnh do PED xảy ra quanh năm và chết ít hơn ở heo sau 21 ngày tuổi.
Chẩn đoán phòng thí nghiệm. Vi rút được xác định bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang và PCR.
Bệnh dễ lẫn với các bệnh khác như bệnh cũng do Coronavirus nhưng không phải là bệnh TGE: Bệnh PED I, PED II (dịch tiêu chảy địa phương), bệnh do Treponema hyodysenteriae (gây bệnh hồng lỵ), bệnh tiêu chảy do Rotavirus, bệnh tiêu chảy heo con do Clostridium,…Bệnh PED I, PED II thường xảy ra quanh năm và tỷ lệ tử vong trên heo con từ 10 – 100%. Có thể định bệnh chính xác bằng các chẩn đoán huyết thanh học (phòng thí nghiệm).
IV. Điều trị và phòng ngừa
Bệnh không có thuốc đặc trị. Các loại kháng sinh chỉ giúp điều trị những bệnh kế phát do vi khuẩn mà thôi. Dùng các chế phẩm điện giải để bù nước cho các heo tiêu chảy. Lưu ý khi dùng các chế phẩm điện giải là phải pha đủ lượng nước theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Một số biện pháp khống chế bệnh
Giữ chuồng đẻ ấm bằng đèn úm hồng ngoại. Rải bột úm (như Mistral) trong chuồng đẻ và cả khu nái đẻ, các công nhân cũng như kỹ thuật khi đi từ ngăn chuồng này qua ngăn chuồng khác đều phải bước qua bột úm hoặc hố sát trùng nhúng chân, ủng. Điều này giúp chuồng khô ấm và hạn chế lây lan mầm bệnh.
Đối với đa số dịch phải tăng cường sát trùng để tránh lây lan. Riêng đối với dịch TGE thì phải làm ngược lại. Nghĩa là phải nhanh chóng gây nhiễm cho toàn thể nái trong trại để chúng tạo kháng thể bảo hộ heo con sau khi sanh.
Gây nhiễm bệnh cho nái sắp sanh bằng cách hứng phân heo con, lọc lấy nước, pha kháng sinh và cho mẹ ăn 2 lần cách nhau 5 – 2 tuần trước khi sanh.
Đối với nái hậu bị, một số trại gây nhiễm bằng cách cấp dịch ruột heo con qua hệ thống cấp nước. Hoặc cho nái tơ ăn dịch ruột heo con chết vì bệnh, nếu không đủ ruột heo thì cho nái hậu bị ăn cách quãng, cứ cho một con ăn rồi cách hai đến ba con lại cho ăn một con rồi để chúng tự lây cho nhau.
Dùng dạ dày và ruột heo con nghi mắc bệnh hoặc vừa chết băm nhỏ hoặc xay nhuyễn, trộn kháng sinh (peni, pen-strep, colistin,…), pha với sữa để trong 2 – 3 giờ trước khi cho nái ăn. Một bộ dạ dày và ruột heo con thường được sử dụng cho 10 – 20 nái. Cho nái sắp sanh ăn 2 lần cách nhau 5 – 2 tuần trước khi sanh. Để làm được điều này phải để dành ruột heo con bằng cách lấy ruột cất giữ bằng cách đông đá để sử dụng lần 2. Tùy theo số lượng nái cần sử dụng mà dự trữ số ruột heo cho phù hợp. Những nái mang thai ăn lần đầu ngày hôm sau sẽ tiêu chảy, sau 2-3 ngày sẽ khỏi, khi ăn lần 2 có con tiêu chảy, có con không. Những nái được cho ăn ruột heo con bệnh 2 lần sẽ sanh con bình thường. Một số trại chỉ cho nái ăn ruột heo con 1 lần cũng mang lại kết quả khả quan, nhưng nái phải được gây nhiễm ít nhất 2-3 tuần trước khi sanh để có đủ thời gian tạo đủ kháng thể bảo hộ. Những nái sau khi nhiễm do đã tạo được kháng thể nên bảo hộ được heo con sau khi sinh. Nếu nái bầu mà chỉ còn ít hơn 2 tuần nữa đến ngày sinh, khi gây nhiễm thì sau đó cả heo mẹ và heo con sinh ra đều bị bệnh tiêu chảy cấp do heo mẹ không kịp tạo kháng thể bảo hộ cho đàn con. Những con được sanh từ mẹ đã bị nhiễm thường hay tiêu chảy sau cai sữa 2 – 3 ngày do không còn kháng thể mẹ truyền qua sữa. Để hạn chế điều này, nên cai sữa trễ khi heo con > 7 kg và đã biết ăn tốt, bổ sung kháng sinh cho heo con trong vòng 7 – 10 ngày sau cai sữa.
Tại Philipine một số trại dự trữ ruột heo bệnh để sử dụng khi cần, tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng không nên trữ ruột heo bệnh. Chỉ dùng ruột heo bệnh cho nái ăn khi trại có xảy ra dịch mà thôi.
Hiện nay chưa thấy vắc xin cho bệnh này tại Việt Nam. Trên thế giới vắc xin TGE không có nhiều, đa số là vắc xin PED được sản xuất tại Nhật và Hàn Quốc. Nhưng vắc xin đối với bệnh này mức bảo hộ không cao.
Tại Hàn Quốc có vắc xin sống cho uống hoặc tiêm nhưng không có hiệu quả thực tế.
Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
Chuột, chó, mèo, chim là những tác nhân mang mầm bệnh cơ học. Vi rút corona có thể lây lan theo gió đến 1,6 km.
Naipet.com