Bệnh Lao Bò – Bovine Tuberculosis

0

1. Đặc điểm bệnh:
Bệnh do vi khuẩn có tên Mycobacterium tuberculosis bovis. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu cho trâu bò nhưng cũng có thể gây bệnh cho người (nhất là trẻ em), heo, dê, cừu, mèo và các động vật hữu nhũ khác. Ơ sở thú, người ta đã phân lập được M. bovis từ khỉ, hươu, nai và các thú hoang khác. Trâu bò cũng có thể bị bệnh với M. avium, M. tuberculosis và các Mycobacterium khác trong môi trường chung quanh. Các vi khuẩn trên thường không có tính gây bệnh cao như M. bovis nhưng có thể gây ra phản ứng với tuberculin làm phức tạp cho chẩn đoán bệnh dựa trên phản ứng quá mẫn muộn.

benh-lao-bo-bovine-tuberculosisBệnh tích của bệnh lao trên phổi bò.

Chẩn đoán bệnh lao bò trên thú còn sống dựa trên triệu chứng lâm sàng và phản ứng quá mẫn muộn. Chẩn đoán sau khi chết dựa trên các bệnh tích đại thể và vi thể.

2. Xác định căn bệnh:

Các triệu chứng của bệnh lao chỉ có giá trị định hướng cho chẩn đoán nhưng không thể dùng xác định bệnh. Trong giai đoạn đầu của bệnh, người ta chưa thấy triệu chứng lâm sàng. Nếu bệnh tiến triển thì thấy con vật gầy ốm, sưng lớn các hạch lâm ba cạn, triệu chứng ho và các triệu chứng khác, tùy theo loại cơ quan có bệnh.

Kiểm tra đại thể có thể nghi ngờ bệnh khi có bệnh tích casein hóa hoặc calci hóa. Các bệnh tích lao có thể thấy ở các cơ quan nội tạng, trên mặt các màng thanh dịch nhất là màng phổi, xương và khớp. Thường gặp nhất ở phổi, khí quản, trung thất ngực, hạch lâm ba vùng hầu, tuyến vú, gan, lách và ruột non. Các bệnh tích thoạt đầu gồm các hạt nhỏ có casein hoặc calci hóa trong hạch lâm ba vùng hầu, ngực và đôi khi hạch màng treo ruột. Về sau chúng gồm rất nhiều hạt to hơn, cứng, màu trắng xám ở khu vực màng phổi và màng bụng (hạt xám). Kích thước các hạt này thay đổi từ đầu đinh ghim tới hạt phỉ (hazel nut). Trong thể lao hạt kê, các hạt lao rất nhiều ở phổi, gan, lách và các cơ quan khác, chúng thường có màu xám-vàng.

Các chẩn đoán vi thể có thể hỗ trợ cho nhận định các bệnh tích lao. Mẫu gồm các hạch và mô khác được cố định với formol 10%, nhúng paraffin, cắt và nhuộm H & E. Các hạt bao gồm các mô biểu bì và tế bào khổng lồ không đủ cơ sở để chẩn đoán bệnh lao, cần thiết phải phân lập xác định căn bệnh.

Bệnh phẩm cho chẩn đoán vi khuẩn học là các hạch có bất thường. Mẫu nên được bao gói kín khi vận chuyển đến phòng thí nghiệm. Trường hợp ở thú chưa có bệnh tích mà có phản ứng dương tính với tuberculin, ta có thể lấy tuyến nước bọt hàm dưới, hạch lâm ba vùng hầu, hạch phổi, hạch trung thất ngực và một vài hạch màng treo ruột.

Có thể lấy mẫu sữa nếu nghi ngờ bệnh lao vú. Lấy khoảng 25-30 ml từ mỗi núm vú trong điều kiện vô trùng, khoảng cuối thời điểm vắt sữa. Trong điều kiện khí hậu nóng nên cho thêm acid boric (nồng độ cuối cùng 0,5% w/v) làm chất tĩnh khuẩn.

Để loại trừ các vi khuẩn khác ngoài Mycobacterium, mẫu bệnh phẩm được nghiền nhuyễn và 1 phần của bệnh phẩm được trộn với 2 phần acid oxalic 5% hoặc NaOH 5%. Hỗn hợp được giữ 5-10 phút ở nhiệt độ phòng. Chất dịch trong ở trên được rót cẩn thận vào các lọ nhỏ hoặc ống nghiệm có nút vặn, trong đó có các hạt thủy tinh, được giữ ở 370C trong 15 phút. Sau đó ly tâm trong 10 phút ở tốc độ 3000-4000 vòng/phút. Dịch trong ở trên được bỏ đi và cặn được rữa với nước sinh lý vô trùng và lại tiếp tục ly tâm. Phần cặn được dùng nuôi cấy, kiểm tra trên kính hiển vi và thử sinh học (gây bệnh cho chuột lang). Sữa, nước tiểu hoặc các dịch khác cũng được ly tâm 10 phút với tốc độ 3000-4000 vòng/phút. Các vi khuẩn kháng cồn-kháng toan được chứng tỏ qua phương pháp nhuộm Ziehl Neelsen, vi khuẩn bắt màu đỏ trong khi các vi khuẩn hoặc tế bào khác bắt màu xanh.

Các vật liệu nuôi cấy được cho vào 2 ống môi trường Lowenstein Jensen, 2 ống môi trường Petragnani và 2 ống Stonebrink. Môi trường Lowenstein Jensen được bổ sung pyruvat và kiềm từ môi trường Coletsos . Môi trường 7H11 cải tiến có thể thay thế môi trường Petragnani và chứa kháng sinh để ức chế tạp khuẩn. Các môi trường trên được nuôi cấy ở 370C trong thời gian 8-10 tuần lễ và được kiểm tra hàng tuần xem có vi khuẩn mọc chưa. Khi dùng môi trường 7H11, thời gian cần thiết chỉ còn 6 tuần lễ. Các môi trường được chứa trong các ống nghiệm có nút vặn để tránh bị khô.

Đặc điểm khuẩn lạc:

M. bovis mọc chậm hơn M. tuberculosis. Cần 5-8 tuần để khuẩn lạc M. bovis có thể xuất hiện. Trên thạch gồm các khuẩn lạc trắng, ướt, hơi xù xì và bỡ. Chúng không sinh sắc tố. Thêm 1% Na pyruvat kích thích M. bovis phát triển, ngược lại glycerol ức chế.

M. tuberculosis cần độ 3-4 tuần để mọc. Khuẩn lạc khô, cứng chắc, xù xì và có máu trắng, vàng hay da cam. Các khuẩn lạc thường dính chặt vào môi trường. Glycerol kích thích sự phát triển của vi khuẩn.

M. avium cần 2-3 tuần để mọc. Khuẩn lạc ướt, lan tràn, hơi láng và óng ánh. Nhiệt độ tối hảo là 40-42 độ C .

Các khuẩn lạc của các loài Mycobacterium khác thường mọc nhanh hơn, có màu vàng. Ơ vài loài, sắc tố được hình thành khi có ánh sáng và tương tự như loài M. avium.

Tính gây bệnh cho động vật thí nghiệm:

Thử nghiệm sinh học được thực hiện trên chuột lang vì rất mẫn cảm với vi khuẩn lao bò và lao người. Thường dùng 2 chuột lang để tiêm 1 ml bệnh phẩm (huyễn dịch nghiền ở trên) vào đùi I/M hoặc phúc mạc. Sau 4-5 tuần lễ, người ta tiêm tuberculin hữu nhũ và tuberculin loài cầm vào bên sườn con vật. Kết quả được đọc sau 24 giờ. Điều này có thể giúp không cần phải nuôi cấy tiếp để xác định loại typ của Mycobacterium hữu nhũ hoặc loài cầm cũng như loại trừ khả năng bệnh giống lao (Yersinia pseudo-tuberculosis).

Hiện nay, việc dùng các môi trường nuôi cấy và phản ứng sinh hóa dễ dàng hơn phương pháp tiêm chuột lang, ngoài ra còn có thể phân biệt các loài Mycobacterium; đồng thời tránh khả năng lây nhiễm cho người qua thú thử nghiệm bị gây bệnh. Những trường hợp nên dùng chuột lang là trong các mẫu bị nhiễm tạp hoặc để phân biệt M. bovis với chủng BCG. Bệnh tích thể hiện lách sưng to, có rất nhiều nốt lao màu trắng-vàng và các điểm hoại tử màu xanh lá cây vàng ở trên gan. Hạch lâm ba vùng tiêm bị casein hóa. Vi khuẩn có thể được phân lập lại trên môi trường nhân tạo để xác định typ.

-Phân biệt M. avium với M. bovis và M. tuberculosis tương đối dễ. Cả 2 typ vi khuẩn trên hữu nhũ đều gây bệnh cho chuột lang, trong khi typ trên gia cầm (avium) khó gây bệnh. M. avium mọc nhanh hơn trên môi trường nhân tạo và các khuẩn lạc có các đặc điểm khác nhau (như đã nói ở trên). Nó dễ dàng tạo huyễn dịch trong nước muối sinh lý. Các phản ứng nitrat, mẫn cảm với pyrazinamide và thiophen-1-carbonylic acid hydrazid (TCH) và nhu cầu oxygen được dùng phân biệt các typ người và typ bò.

M. tuberculosis hiếu khí, có phản ứng dương tính với niacin và nitratase, đề kháng với TCH (môi trường LJ có TCH, 5mg/l) và mẫn cảm với pyrazinamide (môi trường LJ cải tiến và môi trường Kirchner có chứa pyrazinamide, 65 mg/lít).

M. bovis là loại vi hiếu khí, phản ứng niacin và nitratase âm tính, nhạy cảm với TCH và kháng pyrazinamide.

  • Phân biệt M. tuberculosis và M. bovis hơi khó hơn. Cần chú ý đặc điểm phát triển của khuẩn lạc và trên môi trường phân lập. Trên môi trường phân lập Wagner-Mitscherlich, các vi khuẩn lao người phân giải glycerol trong môi trường thành màu nâu vàng. Các vi khuẩn lao bò không acid hóa môi trường nên không làm đổi màu.
  • Để phân biệt M. tuberculosis với các vi khuẩn Mycobacterium khác, kể cả M. bovis, người ta thường làm test niacin. Phản ứng như sau: 1 ml dung dịch potassium cyanid 1% và 1 ml dung dịch chloramine 5% cho nhanh vào khuẩn lạc vi khuẩn nuôi cấy trên môi trường Lockeman và làm chết vi khuẩn trong hơi nước sôi 3 giờ. Sau khi trộn kỹ, môi trường được giữ ở nhiệt độ phòng 3-5 phút. Một màu vàng cho thấy có acid nicotinic là loại được tạo ra từ typ lao người. Có thể làm phản ứng này với các mẫu giấy thấm đã chuẩn bị sẵn, đầu mẫu giấy thấm nhúng vào trong một huyễn dịch có vi khuẩn (lấy từ môi trường Lowenstein -Jensen pha với nước sinh lý mặn). Nếu mẫu giấy đổi sang màu vàng chanh trong vòng 15 phút, coi như phản ứng dương tính.
  • Nếu không có phương tiện để xác định typ vi khuẩn, có thể dùng test sinh học để phân biệt chủng lao người và lao bò. Tiêm tĩnh mạch 1 thỏ với 0,01 mg canh trùng của M. bovis sẽ làm chết thỏ sau 4-6 tuần với các triệu chứng bệnh lao toàn thân. M. avium cũng có thể làm chết thỏ nhưng thường bệnh tích đại thể không tràn lan cũng không rõ ràng như với M. bovis. Các phết kính của lách và gan (có vẻ bình thường) ở các thỏ trên có thể phát hiện rất nhiều vi khuẩn kháng cồn kháng toan tụ tập thành từng cụm giống như hoa hồng trong thể bệnh gọi là typ Yersin (bại huyết cấp tính) do M. avium, thỏ thường chết sau 3-6 tuần. Một liều 0,01 mg chủng lao người thường ít gây chết thỏ.

Chuột lang rất mẫn cảm với vi khuẩn lao bò và lao người, nhưng đề kháng với vi khuẩn lao gia cầm. Liều 0,1 mg canh trùng M. bovis hoặc M. tuberculosis khi tiêm bắp sẽ giết con vật sau khoảng 6 tuần lễ. Liều tương tự với vi khuẩn lao gia cầm chỉ gây một bệnh tích cục bộ và hạch lâm ba vùng đó sưng lên. Gà con 3 tháng tuổi được tiêm tĩnh mạch với 0,1 mg vi khuẩn lao gia cầm sẽ chết trong khoảng dưới 8 tuần.

M. bovis và M. tuberculosis không gây chết gà.

3. Phản ứng quá mẫn muộn:

Phản ứng lao tố với tuberculin là cơ sở để chẩn đoán bệnh lao ở trên thú sống. Phản ứng có thể chỉ dùng tuberculin typ bò hoặc tốt hơn là dùng cả 2 loại tuberculin của bò và của gia cầm cùng một lúc ở các vị trí khác nhau. Điều này cho phép phân biệt các phản ứng đặc hiệu và không đặc hiệu.

Ơ trâu bò, PPD chứa ít ra 2000 đơn vị, được dùng tiêm trong da với liều 0,1 ml hoặc 0,2 ml vào khoảng 1/3 giữa cổ. Chỗ tiêm phải được cắt lông trước và không có các dấu hiệu gì lạ. Khoảng cách giữa 2 chỗ tiêm là 10-15 cm. Độ dầy da được đo bằng thước kẹp trước và sau khi tiêm 72-77 giờ.

Kết quả được đọc là dương tính nếu độ dầy da có tăng lên 3mm hoặc nếu chỉ có một vùng phù thũng phân tán dưới da không kể bề dầy da.

Một thử nghiệm tương tự bao gồm 2 loại tuberculin của bò và gia cầm được sử dụng cùng một lúc ở các vị trí khác nhau ở cùng một bên cổ. Kết quả phản ứng sẽ cho thấy con vật bị nhiễm M. bovis hoặc loại khác. Trường hợp nếu nghi ngờ nên lặp lại test này sau 60 ngày.

4. Phòng chống bệnh:

Không dùng vaccin.
Các biện pháp thực hiện đối với trại chăn nuôi trâu bò.
Bảo vệ các đàn thú khỏe:

  • Kiểm tra thường xuyên các thú đang nuôi trong đàn.
  • Mỗi năm hoặc mỗi 2, 3, 4 năm, mọi thú (từ 6 tuần tuổi trở lên) được thử phản ứng lao tố. Nếu không có phản ứng dương tính sau 2 lần thử liên tiếp cách nhau 6 tháng-1 năm, cơ sở đó sẽ được công nhận là không nhiễm.
  • Kiểm tra thú mới đưa vào đàn:
  • Sau khi đưa vào, trong vòng 15 ngày phải kiểm tra với tuberculin. Nếu phản ứng dương tính thú phải được đánh dấu và loại ra.

Xử lý các đàn thú mắc bệnh:

Mọi thú có phản ứng dương tính với tuberculin được đánh dấu bằng chữ T vào lỗ tai phải. Chúng được giết chậm nhất trong vòng 1 tháng sau đó. Sau khi giết con cuối cùng dương tính, các cơ sở được tẩy trùng. Để được công nhận là cơ sở không còn bệnh, phải qua 2 đợt thử nghiệm tuberculin đều âm tính.
Đền bù: ở một số nước như Pháp có trợ cấp khi xử lý bò bệnh lao.

——————————————————————————————————————————————–

Bài 2: Bệnh Lao Bò – Bovine Tuberculosis

1. Nguyên nhân

Bệnh do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis bovis. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu trên trâu bò nhưng cũng có thể gây bệnh cho người (nhất là trẻ em), dê, heo cừu, mèo và các loài động vật hữu nhũ khác.

Trực khuẩn Gram+, không hình thành nha bào và giáp mô nhưng có tính kháng toan, kháng cồn.

benh-lao-bo-bovine-tuberculosis 6Nốt lao trên phổi bò

2. Sức đề kháng của vi khuẩn

Vi khuẩn có sức đề kháng mạnh nhất là chỗ thiếu ánh sáng và được làm khô. Trong phân gia súc, đờm, chỗ tối thì vi khuẩn có thể sống hàng tháng. Ánh sáng mặt trời có khả năng làm mất độc lực vi khuẩn sau 8 giờ. formol 1%, NaOH 2% tiêu diệt mầm bệnh trong 12 giờ…

3. Phương thức truyền lây

Các loài động vật máu nóng, máu lạnh, gia súc, thú rừng, người đều mắc bệnh. Có thể xếp thứ tự cảm nhiễm như sau: người, bò, gà, heo, chó, mèo, trâu. xâm nhập vào cơ thể theo các con đường sau:

  • Đường hô hấp: phổ biến nhất là ở bò và người, mầm bệnh từ cơ thể bệnh bài xuất ra ngoài qua đường hô hấp hay qua phân, mầm bệnh có trong không khí, gia súc khỏe hít vào mắc bệnh.
  • Đường tiêu hóa: thông thường qua bú sữa, thức ăn, nước uống có mầm bệnh.
  • Ngoài ra có khi lây lan qua núm nhau, đường sinh dục, đường phối giống.

4. Triệu chứng

  • Nhóm lao phổi: ho khan, sau to hơn có âm ran, về sau ho ướt ho có đờm, vật ốm, đờm lúc đầu loãng sau đặc dần có thể có mủ máu. Thời gian sau là rối loạn hô hấp, thở hắt nhiều, niêm mạc mũi có thể xuất huyết, phổi có âm ran ướt.
  • Nhóm lao hạch: hạch sưng cứng, bề mặt hạch không trơn, hạch cứng lồi lõm, không di động được, các hạch dưới hàm, vai, hạch vú, hạch trước vai đều bị sưng.
  • Nhóm lao vú: chủ yếu ở bò sữa năng suất cao, vú sưng, núm vú bị biến dạng, hạch vú sưng to ghồ ghề, sản lượng sữa giảm.
  • Nhóm lao đường tiêu hóa: ít gặp, thường gặp các ổ lao ở ruột có thể ở gan, gia súc tiêu chảy, gầy dần, rối loạn tiêu hóa, niêm mạc đường tiêu hóa bị phá hủy, hạch màng treo ruột bị thoái hóa dạng bã đậu.

5. Bệnh tích

Có thể nghi ngờ bệnh khi có bệnh tích casein hóa hoặc calci hóa.

Các hạt lao chủ yếu có ở phổi, màng treo ruột và hạch lamba, xương hay khớp.

Các bệnh tích lúc đầu gồm các hạt nhỏ có casein hoặc calci hóa trong hạch lamba vùng hầu, ngực và đôi khi ở hạch màng treo ruột về sau chúng gồm rất nhiều hạt to, cứng, màu trắng xám ở khu vực màng phổi và màng bụng (hạt có màu xám), kích thước hạt thay đổi từ đầu đinh ghim tới hạt phỉ. Trong thể lao hạt kê, các hạt lao có rất nhiều ở phổi, gan lách và các cơ quan khác, chúng thường có màu xám vàng.

nuoi-bo-tu-nhien-o-uruguay 1a nuoi-bo-tu-nhien-o-uruguay 2b nuoi-bo-tu-nhien-o-uruguay 3c
nuoi-bo-tu-nhien-o-uruguay 4d nuoi-bo-tu-nhien-o-uruguay 5e nuoi-bo-tu-nhien-o-uruguay 6f nuoi-bo-tu-nhien-o-uruguay 7g nuoi-bo-tu-nhien-o-uruguay 8h

(a) ; Hạt lao phổi giống như ngọc trai trên màng phổi trong xoang ngực
(b) ; Hạt lao màu vàng trắng trên gan
(c) ; Hạt lao trên gan
(d) ; Các hạch phổi to lên rõ và có các hạt màu vàng trắng ngà
(e) ; Thoái hóa dạng bả đậu ở hạch màng treo ruột
(f) ; Tế bào khổng lồ trong u hạt hạch phổi và tế bào kháng axit trong bào tương
(g) ; khuẩn lạc Mycobacterium bovis nuôi cấy 8 tuần ở 37oC trong môi trường Herold.

6. Chẩn đoán

Có nhiều phương pháp

  • Chẩn đoán bằng phản ứng quá mẫn muộn (phản ứng dị ứng bằng Tuberculin).
  • Phương pháp chẩn đoán lấy mẫu bệnh phẩm xác định vi khuẩn gây bệnh.
  • Chẩn đoán bằng phương pháp mổ khám kiểm tra hạch, phổi tìm ra những triệu chứng điển hình bệnh lao.

Phương pháp chẩn đoán bằng phản ứng quá mẫn muộn:
Phản ứng lao với Tuberculin là cơ sở để chẩn đoán bệnh lao ở thú sống. Ở trâu bò, có thể chỉ dùng tuberculin của bò và của gia cầm cùng 1 lúc ở 2 vị trí khác nhau thì cho biết được phản ứng đặc hiệu và không đặc hiệu.

Ở trâu bò, PPD chứa 2000 đơn vị, được dùng tiêm trong da với liều 0,1 ml hoặc 0,2 ml vào khoảng 1/3 giữa cổ. Chổ tiêm phải được cắt lông trước và không có dấu hiệu gì lạ. Khoảng cách giữa 2 chổ tiêm là 10-15 cm. Độ dày da được đo bằng thướt kẹp trước và sau khi tiêm 72-77 giờ.

Kết quả: Dương tính nếu độ dày da có tăng lên 3mm hoặc nếu chỉ có một vùng phù thũng phân tán dưới da không kể bề mặt da.

7. Phòng bệnh

Không tiến hành điều trị cho gia súc bị bệnh lao mà phải loại thải chúng vì mầm bệnh lây cho người.

Không dùng vaccin cho trâu bò để phòng bệnh lao vì rất khó khăn để chẩn đoán bệnh.

Các biện pháp thực hiện đối với trại chăn nuôi trâu bò

  • Kiểm tra thường xuyên các đàn thú nuôi trong đàn bằng phản ứng quá mẫn muộn với Tuberculin mỗi năm 2 lần vào mùa khô và mùa mưa.
  • Đối với những thú mới chuẩn bị nhập đàn thì phải nhốt riêng và trong vòng 15 ngày phải kiểm tra với Tuberculin, nếu dương tính thì loại ra, âm tính thì mới cho nhập đàn.
  • Định kỳ kiểm tra bệnh lao cho công nhân trong trại chăn nuôi, vì bệnh lao có thể lây qua từ bò cho người và ngược lại.
  • Đàn thú bệnh thì phải cách ly và phải được giết chậm nhất trong vòng 1 tháng sau đó. Sau khi giết phải tiến hành tiêu độc, sát trùng chuồng trại.

Naipet.com

Facebook Comments
Share.

Chat
1