1. Căn bệnh
Toxoplasmosis do đơn bào Toxoplasma gondii thuộc lớp Sporozoasida, ngành Apicomplexa gây ra. Mầm bệnh được tìm thấy năm 1908 trên động vật gặm nhấm ở châu Phi.
1.1 Hình thái
Toxoplasma gondii (Nicolle & Manceaux, 1908). Oocyst có hình cầu kích thước 11–14 x 9–11 m. Oocyst không có lỗ noãn, thể cặn, hạt cực và chứa hai Sporocyst hình elip, kích thước 8,5 x 6 m, không có thể stieda, có thể cặn. Sporozoite có kích thước 8 x 2 m. Oocyst có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài hàng năm, bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70oC trong dung dịch iodine và ammonia. Nuôi cấy ở môi trường bào thai gà Toxoplasma phát triển tốt.
Hình thái của oxoplasma gondii
1.2 Vòng đời
T. gondii có 3 quá trình sinh sản: quá trình sinh sản vô tính xảy ra ở các mô bào, chủ là ở não, gan và cơ; quá trình sinh sản hữu tính xảy ra ở ruột; quá trình sinh bào tử xảy ra ở môi trường ngoài.
Trong cơ thể vật chủ cuối cùng vừa có quá trình sinh sản hữu tính (Gamegony) vừa có quá trình sinh sản vô tính (Schizogony).
Sự phát triển của Toxoplasma gondii trong cơ thể mèo như sau:
Vòng đời của Hình thái của Toxoplasma gondii
- Khi mèo ăn phải kén (cyst) có chứa Bradyzoite hoặc ăn phải Tachyzoite trong ký chủ trung gian, đến ruột Bradyzoite được phóng thích, vào biểu mô ruột hình thành Schizont rồi tạo giao tử và cuối cùng phát triển ra Oocyst. Oocyst có ở trong phân sau khi nhiễm 4 – 5 ngày. Đồng thời Bradyzoite cũng xâm nhập vào các cơ quan khác để tạo thành Tachyzoite và phát triển giống như trong cơ thể của ký chủ trung gian.
- Nếu mèo ăn phải Oocyst (đã hình thành Sporozoite) vào ruột Sporozoite được giải phóng. Sporozoite phát triển theo 2 hướng: một là nó xâm nhập vào biểu mô ruột hình thành Schizont rồi tạo giao tử và cuối cùng phát triển ra Oocyst; hai là xâm nhập vào các cơ quan khác để tạo thành Tachyzoite và phát triển giống như trong cơ thể của ký chủ trung gian.
- Ký chủ trung gian bị nhiễm Toxoplasma khi ăn phải Oocyst trong phân mèo hoặc ăn phải một ký chủ trung gian khác có chứa Bradyzoite hoặc Tachyzoite trong cơ thể. Chu trình phát triển này xảy ra ở các cơ quan ngoài ruột.
- Nếu ký chủ trung gian ăn phải Oocyst, đến ruột Sporozoite được giải phóng Sporozoite chui qua vách ruột, vào máu đến các tế bào fibroblast, gan, cơ tim… hình thành các Tachyzoite. Giai đoạn này ký chủ thường biểu hiện bệnh cấp tính. Nếu ký chủ sống sót sẽ hình thành kháng thể và ức chế sự phát triển của các Tachyzoite. Tachyzoite bắt đầu hình thành kén, bên trong chứa nhiều Bradyzoite. Đến khi nào miễn dịch suy yếu thì kén này vỡ ra và Bradyzoite hoạt động trở lại tạo ra các Tachyzoite. Tachyzoite lại hình thành kén, bên trong chứa nhiều Bradyzoite.
- Nếu các ký chủ trung gian phải thịt ký chủ trung gian khác có kén chứa Bradyzoite hoặc có Tachyzoite (chó ăn chuột) vào cơ thể, Bradyzoite được giải phóng, chui qua niêm mạc ruột tới các mô bào hình thành các Tachyzoite và quá trình phát triển cũng tương tự như ăn phải Oocyst.
Quá trình sinh bào tử như sau: Noãn nang (Oocyst) thải qua phân của mèo ra môi trường ngoài, sau 2 – 4 ngày bên trong noãn nang hình thành 2 sporocyst, mỗi chứa 4 sporozoite và trở thành dạng gây nhiễm.
2. Dịch tễ học của bệnh
Ký chủ cuối cùng là mèo nhà và động vật thuộc họ mèo (Felidae), trong đó mèo nhà có vai trò rất quan trọng. Ký chủ trung gian của mầm bệnh gồm 200 loài động vật: chó, trâu, bò, dê, cừu, thỏ, chuột, côn trùng, gia cầm, chim và cả người.
Kén chứa Bradyzoite có ở cơ, nhu mô gan, phổi, não, tế bào biểu mô tuyến, cơ tim, màng nhau thai, bạch cầu. Trường hợp bệnh cấp tính có thể tìm thấy mầm bệnh trong máu và dịch tiết màng bụng.
Toxoplasmosis là một bệnh lây nhiễm trên nhiều loài, trong đó có con người.
Toxoplasmosis là một bệnh chung giữa người và động vật có ở khắp mọi nơi. Ở Mỹ qua kiểm tra huyết thanh học tỷ lệ nhiễm ở chó là 34-59%, ở mèo 34%, ở trâu bò 47%, ở lợn 30%, ở dê 48%. Bệnh đã thấy ở lợn Canada, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Hungary, Mehyco… Ở Việt Nam điều tra huyết thanh học ở một số địa phương cho thấy tỷ lệ dương tính ở người khoảng 5%. Bệnh chưa được nghiên cứu đầy đủ trên động vật ở nước ta.
Đường lây nhiễm thứ nhất là qua nhau thai. Thứ hai là do ăn thức ăn, uống nước có nhiễm Oocyst và do ăn thịt có chứa Tachyzoite hay Bradyzoite chưa nấu chín. Oocyst phát tán qua phân mèo.
3. Triệu chứng bệnh
Giai đoạn sinh sản hữu tính không gây bệnh, có khi chỉ gây bệnh nhẹ. Gia súc nhiễm Toxoplasma ít biểu hiện triệu chứng. Đây là đặc điểm quan trọng của bệnh. Triệu chứng thường xảy ra ở động vật còn non và động vật ở trạng thái stress. Bệnh thường ở dạng cấp tính. Ở chó non, lợn con, mèo con thường sốt, tiêu chảy, hạch lâm ba sưng, viêm gan, viêm cơ, viêm não, vàng da, viêm phổi, viêm tử cung, loét ruột.
Ở gia súc, chó mèo, cừu thường bị sẩy thai hay chết thai. Triệu chứng sẩy thai còn có thể xảy ra trên lợn, trâu bò, dê.
Ở người, những em bé mới sinh có thể bị viêm não, phát ban đỏ, vàng da, viêm màng đệm võng mạc, tràn dịch màng não. Tỷ lệ tử vong cao. Trẻ em sốt, hạch bạch huyết sưng to hàng tháng.
4. Chẩn đoán
Dựa vào triệu chứng và bệnh tích. Cần phân biệt trường hợp sẩy thai với triệu chứng sẩy thai của các bệnh khác như Brucellosis, Leptospirosis.
- Phương pháp chắc chắn nhất là phương pháp phân lập ký sinh, tiêm truyền cho động vật thí nghiệm là chuột, chuột đồng vàng hay chuột lang. Sau 8 tuần kiểm tra động vật thí nghiệm xem triệu chứng bệnh tích và tìm ký sinh.
- Kiểm tra tiêu bản tổ chức học, phổi và não là phương pháp cơ bản để xác định các Schizont của Toxoplasma.
5. Điều trị
Ở vật chủ trung gian khi bị bệnh ở trạng thái cấp tính dùng các thuốc trị các dạng tự do và các dạng Cyst có trong tế bào tổ chức và trong máu.
- Toltraruzil 25 ppm trộn thức ăn cho ăn.
- Sulfadiazine liều 73 mg/kg P.
- Sulfapyrimidine, Sulfadimidine, Sulfamerazine, Sulfapyrazine dùng trị cho gia súc có hiệu quả.
- Pyrimethamine 0,44 mg/kg P dùng cho uống hoặc ăn có hiệu quả.
- Ở người điều trị bằng Sulfamethoxazole-Trimethoprim (800-160 mg), 1 viên x 4 lần/ ngày, chống phù não bằng Mannitol 10%, chống nôn bằng Metochlorpamide.
6. Phòng bệnh
Sử dụng thuốc phòng bệnh cho mèo và gia súc. Quản lý chất thải của mèo. Không cho mèo vào trại chăn nuôi.
Đối với người:
- Thận trọng khi tiếp xúc với mèo, khi điều trị mèo, đặc biệt là phụ nữ khi chơi với mèo, nếu tiếp xúc nên dùng bao tay.
- Kiểm soát thực phẩm, không ăn thịt tái hoặc sống. Khi ăn rau sống phải rửa sạch.
Naipet.com