Khái niệm về An toàn sinh học và An toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm thương mại quy mô nhỏ
An toàn sinh học là việc thực hiện các biện pháp tổng hợp nhằm làm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm và phát tán mầm bệnh cho gia cầm nuôi.
Để thực hiện được điều này, người chăn nuôi cần phải chấp thuận hàng loạt sự thay đổi về thái độ và hành vi của mình để giảm nguy cơ lây nhiễm trong tất cả các hoạt động liên quan đến gia cầm, và các sản phẩm gia cầm.
Các biện pháp An toàn sinh học cần được chú trọng và coi là một phần công việc hàng ngày của người chăn nuôi.
Ba yếu tố cơ bản của An toàn sinh học:
1. Giữ khoảng cách và kiểm soát ra vào
Giữ khoảng cách hoặc cách ly có nghĩa là tạo ra khoảng cách để giữ cho gia cầm, giữ cho các trại chăn nuôi gia cầm không bị nhiễm bệnh bằng cách tránh xa những nguồn lây nhiễm (gia cầm ốm, chết, gia cầm mang trùng, con người, thức ăn nước uống, chất thải chăn nuôi, dụng cụ, trang thiết bị chăn nuôi, động vật khác…)
Giữ khoảng cách và kiểm soát tốt ra vào được cho là biện pháp đầu tiên và có hiệu quả tốt nhất để đạt được mức độ ATSH cao. Nếu mầm bệnh không thâm nhập được vào chuồng nuôi gia cầm, thì không thể xảy ra sự lây nhiễm.
Các việc cần làm để đảm bảo việc giữ khoảng cách:
- Các trại nuôi gia cầm cần cách xa nhau, cách xa khu dân cư, cơ sở công cộng…
- Các trại chăn nuôi cần có hàng rào, có cổng luôn đóng, có biển hiệu để hạn chế người ra vào
- Khu chăn nuôi, chuồng nuôi và bãi chăn cần bố trí hợp lý, có hố sát trùng ở cổng ra vào
- Cách ly gia cầm mới mua về, gia cầm ốm và nghi ốm
- Có nơi chứa và xử lý chất thải riêng, cách biệt khu chăn nuôi
- Có nơi chưa thức ăn và dụng cụ chăn nuôi
- Kiếm soát sự ra vào của ngưới chăn nuôi, khách viếng thăm, bao gồm người buôn bán, vận chuyển hành hóa, và thú y viên,
- Kiểm soát và khống chế động vật khác ra vào trại chăn nuôi
- Kiểm soát con giống và việc vận chuyển giống
- Áp dụng cùng vào cùng ra.
2. Giữ vệ sinh: Giữ vệ sinh có nghĩa là quét dọn và làm sạch thường xuyên hoặc định kỳ.
Để đảm bảo việc giữ vệ sinh cần:
- Quét dọn sạch sẽ chuồng nuôi, khu vực xung quanh chuồng hàng ngày.
- Sử dụng dụng cụ cọ rửa và nước để làm sạch những dụng cụ nhỏ như ủng, giày dép, dụng cụ chăn nuôi ..
- Dùng bơm cao áp rửa sạch xe cộ, nền, tường của chuồng nuôi, nhà nuôi.
- Việc rửa bằng chất tẩy rửa hoặc chất sát trùng sẽ cho hiệu quả diệt trùng cao hơn.
Để đảm bảo vệ sinh cá nhân phòng chống lây nhiễm cần:
- Rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với gia cầm và các nguồn lây bằng xà phòng và nước sạch;
- Bố trí ủng và quần áo bảo hộ lao động chuyên biệt cho khu vực nuôi; ngay tại chỗ ra vào để tiện sử dụng;
Làm sạch có thể loại bỏ 90% sự nhiễm bẩn
Khử trùng sau khi làm sạch có tác dụng loại bỏ nốt 10% còn lại
3. Chủ động tiêu diệt mầm bệnh bằng vệ sinh và khử trùng: là việc dùng các hóa chất sát trùng với nồng độ đảm bảo để tiêu diệt mầm bệnh.
Có rất nhiều chất sát trùng có thể diệt mầm bệnh, với điều kiện:
a) được sử dụng đúng nồng độ (như nhà sản xuất khuyến cáo)
b) tiếp xúc đủ lâu với bề mặt cần khử trùng đã được vệ sinh, làm sạch
Mầm bệnh rất nhỏ, thường ẩn chứa bên trong các chất bẩn, vật dụng và dễ bị che phủ đi bởi các chất hữu cơ như phân, chất thải, do đó các chất sát trùng sẽ không thể ngấm vào bên trong chất bẩn với một nồng độ đủ cao để có thể diệt được mầm bệnh và nhiều chất sát trùng có thể bị vô hiệu hóa bởi các chất hữu cơ như gỗ hay phân.
Do đó, với các vật dụng (ví dụ như phương tiện vận chuyển, trang thiết bị chăn nuôi) phải vào (hoặc ra) trang trại cần được làm sạch triệt để để loại bỏ những vết bẩn nhìn thấy được – hầu hết mầm bệnh nhiễm trên bề mặt các vật dụng là từ phân hoặc từ chất thải .Việc cọ rửa như vậy sẽ làm sạch hầu hết những mầm bệnh lây nhiễm.
Vì vậy việc sát trùng chỉ hiệu quả khi vật dụng đã được vệ sinh, làm sạch và thời gian tiếp xúc với hóa chất đủ lâu (ví dụ khử trùng qua đêm).
Bước này trong thực tế thường khó thực hiện đúng do đó là bước kém hiệu quả nhất và là bước cuối cùng trong ATSH, được áp dụng sau khi đã làm vệ sinh cẩn thận bề mặt vật dụng.
Tóm lại, ATSH trong chăn nuôi gia cầm là áp dụng các biện pháp tổng hợp cần thiết để ngăn không cho mầm bệnh thâm nhập vào gia cầm nuôi, vào trang trại chăn nuôi.
Tại sao cần áp dụng các biện pháp ATSH trong chăn nuôi gia cầm?
Trong những năm gần đây, chăn nuôi gia cầm hàng hóa phát triển mạnh ở Việt Nam, do đó mật độ gia cầm tăng cao ở các vùng chăn nuôi nuôi thâm canh dẫn đến nhiều bệnh truyền nhiễm trở nên trầm trọng hơn (Cúm gia cầm, Niu-cát –xơn, Gum-bo-ro, Hen gà, Bạch lỵ, ký sinh trùng đường máu,…)
Một số bệnh của gia cầm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng đã bùng phát và lây nhiễm (Cúm gia cầm, bệnh Bạch lỵ)
Vận chuyển và buôn bán gia cầm gia tăng trong khi khả năng kiểm soát dịch bệnh chưa đáp ứng được làm tăng khả năng lây nhiễm.
Người tiêu dùng có nhu cầu cao hơn về sản phẩm gia cầm chất lượng và an toàn.
Các biện pháp ATSH là công cụ đắc lực để tránh được các rủi ro về bệnh dịch cho gia cầm, tăng hiệu quả sản xuất chăn nuôi và hướng đến an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Áp dụng các biện pháp ATSH cho chăn nuôi gia cầm có lợi gì?
Giữ cho gia cầm khỏe mạnh và có năng suất cao
Giảm chi phí thuốc thú y, tăng thêm thu nhập cho người chăn nuôi
Cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm gia cầm có chất lượng cao hơn
Ghi nhớ:
03 nguyên tắc cơ bản của ATSH là:
Giữ khoảng cách và kiếm soát ra vào
Giữ vệ sinh
Chủ động tiêu diệt mầm bệnh bằng vệ sinh và khử trùng
Các nguyên tắc về An toàn sinh học được áp dụng để phòng tránh nhiều dịch bệnh khác nhau, trên nhiều đối tượng gia súc gia cầm khác nhau.
Mầm bệnh và đường truyền lây
Mầm bệnh: Các vi sinh vật như vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm có khả năng gây bệnh cho gia cầm
Các nhóm bệnh chính:
Nhóm bệnh | Đặc điểm chính |
Bệnh do vi rut | Gồm các bệnh như Cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro, Marek, Bệnh Viêm phế quản truyền nhiễm (IB), Bệnh Đậu gà, Bệnh Viêm thanh khí quản truyền nhiễm, Bệnh Dịch tả vịt, Bệnh Viêm gan vịt…
Bệnh lây lan nhanh trong đàn, gây tỷ lệ chết cao Đường lây lan chính: hô hấp và tiêu hóa Bệnh không điều trị được bằng kháng sinh Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vắc xin và đảm bảo các biện pháp An toàn sinh học |
Bệnh do vi khuẩn | Gồm các bệnh như Tụ huyết trùng, Hen, Bạch ly, Thương hàn, bệnh do E.Coli…
Bệnh lây lan, có thể gây chết gà Đường lây lan chính: tiêu hoá và hô hấp Có thể điều trị bằng kháng sinh Cách phòng bệnh tốt nhất là đảm bảo các biện pháp An toàn sinh học |
Bệnh do ký sinh trùng | Do các loài sống ký sinh bên trong cơ thể gà (nội ký sinh) như: giun, sán, đặc biệt là cầu trùng,… hoặc trên các bộ phận bên ngoài cơ thể gà (ngoại ký sinh) như: mò, mạt, rận, ghẻ,…
Tác hại của bệnh là làm gà gầy yếu, chậm lớn, đẻ kém, tiêu tốn nhiều thức ăn dẫn đến thiệt hại kinh tế; đồng thời gây tổn thương cơ quan nội tạng, tạo cơ hội cho các mầm bệnh khác xâm nhập Cách phòng bệnh tốt nhất là đảm bảo các biện pháp An toàn sinh học và định kỳ tẩy giun sán |
Bệnh do nấm | Gồm các bệnh như Nấm phối, Nấm diều
Bệnh lây lan, có thể gây chết gà Đường lây lan chính: hô hấp và tiêu hóa Có thể điều trị bằng thuốc trị nấm Cách phòng bệnh tốt nhất là đảm bảo các biện pháp An toàn sinh học |
Bệnh Cúm gia cầm là gì? Sự tồn tại và lây lan của vi rút CGC độc lực cao
Bệnh Cúm gia cầm là gì?
Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm do Vi rút H5N1 độc lực cao gây nên. Bệnh mới xuất hiện ở Việt Nam từ 2003 trở lại đây. Vi rút H5N1 gây bệnh cho gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút và chim hoang dã. Bệnh lây lan nhanh, làm cho gia cầm chết hàng loạt và gây nên dịch.
Bệnh lây sang cả người và cũng được gọi là bệnh Cúm gia cầm.
Sự tồn tại và lây lan của vi rút CGC độc lực cao.
- Vi rút có trong thịt, máu, lông, nhớt, dãi, phân, trứng của gia cầm bị bệnh
- Vi rút có thể sống lâu trong thịt tuơi, nhất là trong môi trường bảo quản lạnhVi rút có thể sống lâu trong phân gia cầm, trong chất độn chuồng (từ 3 ngày đến 3 tháng tùy theo nhiệt độ môi trường), trong đất, nước (từ 3 đến 7 ngày), từ đó lây lan ra ngoài môi trường.
- Vi rut dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát trùng, nhiệt độ cao và ánh nắng mặt trời chiếu thẳng (ở 70 độ C, virus bị tiêu diệt trong vòng vài phút).
- Vi rút có thể biến thể tạo ra chủng mới có đặc tính gây bệnh và độc lực khác chủng gốc
Đặc điểm của bệnh Cúm gia cầm
- Vi rút H5N1 có thể gây bệnh cho tất cả các loại gia cầm gà, vịt, ngan, ngỗng, chim bồ câu, chim cút và các loài chim hoang dã. Các loài gia súc, gặm nhấm cũng có thể mắc bệnh.
- Bệnh gây thiệt hại kinh tế vô cùng lớn do phải tiêu hủy toàn bộ gà bệnh và gà khỏe của vùng dịch, do phải tiến hành các biện pháp bao vây ổ dịch, cách ly, vệ sinh, sát trùng, tiêu độc triệt để trong thời gian dài.
- Bệnh có thể lây và gây từ vong cho người tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh.
- Bệnh xảy ra quanh năm.
- Nguy cơ tiềm ẩn của đại dịch trên người nếu xảy ra biến thể với việc kết hợp giữa tính gây độc cao và khả năng lây lan giữa người và người.
Đường lây lan của bệnh:
- Lây chủ yếu qua đường hô hấp.
- Lây trực tiếp từ con bị bệnh sang con khỏe.
- Lây gián tiếp qua thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi, không khí nhiễm mầm bệnh.
- Lây gián tiếp qua gia súc, các loài gặm nhấm, côn trùng và chim hoang dã bị nhiễm bệnh.
- Lây gián tiếp qua tay, chân, quần áo người chăn nuôi hoặc khách tham quan,
Naipet.com