Hội Chứng MMA Ở Heo Nái – Mastitis Metritis Agalactia

0

I. Đặt vấn đề

Hội chứng MMA là một tập hợp các triệu chứng của các bệnh: viêm vú (Mastitis), viêm tử cung (Metritis) và mất sữa (Agalactia). Bệnh thường xảy ra trên heo nái bị bệnh đường sinh dục, trong các thời kỳ mang thai và chiếm tỷ lệ cao nhất ở nái giai đoạn sau khi sinh. Hội chứng MMA có tác hại rất lớn trong chăn nuôi đặc biệt là trên nái như làm giảm khả năng sinh sản ở cácchu kỳ sinh sản tiếp theo, gây ảnh hưởng trên đàn heo con theo mẹ (heo con không đủ sữa bú, giảm tăng trưởng và tăng tỷ lệ heo con chết ở giai đoạn theo mẹ), tăng chi phí giá thành chăn nuôi, giảm hiệu quả kinh tế của hộ nuôi.

hoi-chung-mma-o-heo-nai-mastitis-metritis-agalactiaVú heo nái bị viêm

II. Nội dung

2.1 Định nghĩa
Hội chứng MMA là tình trạng xáo trộn sinh lý của nái sau khi sinh thường được ghi nhận trên chẩn đoán lâm sàng gồm có: vú sưng cứng đỏ sẫm, sữa giảm hoặc ngừng, tử cung tiết dịch viêm chảy ra bên ngoài. Những hiện tượng bệnh lý này gọi là hội chứng M.M.A.

Hội chứng M.M.A thường xảy ra khoảng 12 – 72 giờ sau khi sinh. Viêm tử cung, viêm vú, tắc sữa thường đi kèm với nhau hoặc xảy ra riêng lẻ, khi chúng xảy ra với mức độ nặng thì có rất nhiều tác hại đối với heo mẹ và heo con.

Viêm tử cung
Trong hội chứng M.M.A, viêm tử cung là chứng thường gặp nhất và xảy ra ở nhiều cấp độ, thông qua tính chất của dịch viêm tiết ra từ tử cung, thường gặp các dạng viêm nhờn, viêm có mủ và viêm lẩn mủ

  • Viêm dạng nhờn: thường xuất hiện rất sớm sau khi sinh, lớp niêm mạc tử cung bị tổn thương nhẹ, kích thích tiết dịch nhờn tử cung, dịch viêm thường loãng, lợn cợn, mùi tanh, sau vài ngày dịch tiết giảm dần. Nhiều khi không cần điều trị cũng tự khỏi.
  • Dạng viêm mủ: Thể viêm này tương đối nặng, niêm mạc tử cung bị tổn thương nặng, có sự xâm nhập của vi trùng sinh mủ và hầu hết các vi trùng cơ hội. Nó đôi khi chính là hậu quả của viêm nhờn. Viêm dạng mủ thường biểu hiện các triệu chứng sốt, chán ăn, tiết dịch viêm nhiều mủ có thể lẩn một ít máu.
  • Viêm dạng mủ lẩn máu: Đây là dạng viêm rất nặng, thường đi kèm với nguyên nhân đẻ khó, sót nhau, tử cung bị tổn thương nặng. Nái có biểu hiện sốt cao, dịch viêm rất hôi, thường dẫn đến veiem vú mất sữa. Nếu không can thiệp kiệp thời nái rất dễ bị tử vong sau một thời gian hoặc không còn khả năng nuôi con.

Viêm vú
Viêm vú thường ít gặp hơn viêm tử cung. Viêm vú xảy ra ở một vú hoặc vài vú hay cả bầu vú, vú bị viêm thường sưng cứng, màu đỏe bầm, khi ấn vào còn để lại vết, vú không tiết sữa hoặc tiết sữa có lẩn máu. Viêm vú thường đi kèm với sốt cao, vú bị đau, heo hay nằm sấp không cho con bú, viêm vú ít xảy ra nhưng khi xảy ra thì mức tác hại rất lớn vì tác động trước tiếp trên heo con sơ sinh. Nếu không chữa trị kịp thời, vú viêm sẽ bị teo lại, mất sữa, cũng có khả năng bị xơ hóa và mất khả năng cho sữa.

Mất sữa
Kém sữa hay mất sữa thường là hậu quả của hai chứng viêm tử cung và viêm vú. Những xáo trộn về sinh lý của hai chứng trên làm cho nái không tạo ra sữa ở mức bình thường, biểu hiện là sản lượng sữa giảm và mất hẳn. Bệnh thường xảy ra từ 1 – 3 ngày sau khi sinh hoặc có thể thấy ở bất cứ thời điểm nào trong giai đoạn nuôi con.

2.2 Nguyên nhân gây bệnh

2.2.1 Quản lý chăm sóc
Trong thời gian mang thai, nái ít vận động, nhốt chung quá đông, vệ sinh kém, sự thay đổi đột ngột của môi trường, thời tiết quá nóng hay quá lạnh trong thời gian sinh sản cũng là nguyên nhân gây hội chứng M.M.A (Hasting, 1995 và Vicker, 1960).

Theo Nguyễn Như Pho, Nguyễn Văn Bé (1980), khảo sát hội chứng M.M.A tại trại chăn nuôi Phước Long, các tác giả kết luận: vệ sinh kém, quy trình chăm sóc nái chưa hợp lý là nguyên nhân gây bệnh tại trại.

Việc quản lý cũng quan trọng như vấn đề dinh dưỡng trong việc phòng chống hội chứng M.M.A, vệ sinh quá kém, heo nái thiếu vận động, thời tiết quá nóng hay quá lạnh, nhốt quá đông…là nguyên nhân gây nên hội chứng M.M.A. Lấy phân hằng ngày, rửa khử trùng cho nái đẻ, tắm kỹ cho nái trước khi sinh…có thể ngăn chặn được sự tích tụ của vi trùng và giảm bớt hội chứng M.M.A Black (1968); Olmedo (1972); Wingert (1972); Broodsbank (1950); Bain (1966)

2.2.2 Rối loạn sinh lý nội tiết
Martin và cộng tác viên (1967), nhận thấy heo nái mắc hội chứng M.M.A có buồng trứng teo nhỏ, tuyến giáp teo lại, tuyến thượng thận lớn lên, các mô trong tuyến thượng thận và tuyến yên thoái hóa. Các tác giả kết luận: sự mất cân bằng về việc sản xuất kích thích tố có thể giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nên trạng thái bệnh lý này.

2.2.3 Dinh dưỡng

Khẩu phần ăn
Foster (1969); Becker (1974); Leif Goranson (1984) cho biết để làm giảm hội chứng M.M.A nên cho nái ăn từ 2,2 – 2,4 kg trong giai đoạn mang thai và giảm thấp còn 1 kg trước khi sinh hai tuần, kết hợp cho ăn nhiều cỏ tươi.

Nguyễn Như Pho và cộng tác viên đã tiến hành và công bố lượng thức ăn cho nái chữa kỳ là 2 – 2,5 kg/ ngày (tùy thuộc vào mức độ ốm hay mập), 84 ngày đến trước khi sinh 1 tuần cho ăn từ 2,5 – 3 kg, trước khi sinh 1 tuần giảm xuống còn 1,2 kg/ ngày và tăng cường rau xanh, chất xơ đồng thời tăng thêm vitamin, chất khoáng thay thế lượng thức ăn giảm xuống bằng chất xơ. Quá trình này giúp cho nái tránh được hiện tượng giảm ăn sau khi sinh, tránh được táo bón có hiệu quả tốt trong việc phòng ngừa hội chứng M.M.A.

Thành phần thức ăn
Beat (1959) báo cáo: nguyên nhân gây hội chứng M.M.A là thiếu dinh dưỡng có thể do thiếu một hay nhiều sinh tố chủ yếu, thiếu chất khoáng bột đường hay nước. Một số ý kiến cho rằng nuôi heo bằng thực phẩm đậm đặc trong những ngày cuối của giai đoạn mang thai và trong khi nuôi con, có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng này.

Chất đạm:
Beat (1956) và Vicker (1960) cho rằng khẩu phần heo nái thiếu protein có lẽ gây ra hội chứng M.M.A, trái lại Summer và Ringarp (1960) đã chứng tỏ khẩu phần dư đạm gây ra hội chứng M.M.A. Vern (1954) tin rằng khẩu phần thiếu hay thừa protein đều có thể gây viêm vú và tắt sữa.

Khoáng:

  • Cu (đồng): Theo Pestin và Coll (1958) đồng trong máu ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp bằng cách tăng sản xuất Thyroxin, kích thích sản xuất sữa và tăng toàn diện sự biến dưỡng của heo nái.
  • Mn (Man-gan): Voiner (1953) cho biết thức ăn thiếu Mn làm giảm khả năng sinh sản, ngoài ra còn có liên quan đến sự hình thành kích thích tố tuyến sữa.
  • Co (Cobalt): Theo Sansted (1953) hội chứng M.M.A có thể phát sinh do thiếu Co trong khẩu phần, tác giả bổ sung Co và nhận thấy tỷ lệ M.M.A giảm rõ rệt
  • Ca, P (Calci, Phosphor): Theo Wilz (1956) nếu thiếu một vài khoáng chất trong khẩu phần như Calci và phosphor hay các khoáng vi lượng là nguyên nhân gây nên hội chứng M.M.A. Năm 1955 Boley báo cáo hàm lượng Ca trong máu thấp khi sinh có thể gây tắt sữa.
  • Se (Selenium): Ullrey (1969) kết luận có sự tương quan mật thiết giữa sự thiếu Se và sự phát sinh M.M.A.

Sinh tố:
Ullrey (1960) khẩu phần chứa vitamin E (22UI/kg thức ăn) làm giảm tỷ lệ bệnh. Theo Schenk Kolb (1962) nếu thiếu vitamin A sẽ gây sừng hóa niêm mạc tử cung dẫn đến đậu thai kém, thai chết, sót nhau và làm giảm sức đề kháng của niêm mạc tử cung.

Chất xơ:
Gampton và Harris (1969) đưa ra vai trò của chất xơ là giúp tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Ensor (1957), Brooksbank (1958) và Firth cho rằng nái táo bón là nguyên nhân gây hội chứng M.M.A

2.2.4 Sinh đẻ không bình thường
Đẻ khó: gặp nhiều ở các trường hợp khác nhau, như sự phát triển cơ thể của nái chưa được hoàn chỉnh mà cho phối sớm hoặc nái già sinh đẻ nhiều tử cung co bóp yếu…và thường khi gặp những trường hợp này cần phải áp dụng các thủ thuật sản khoa, từ đó màng niêm mạc, bộ phận sinh dục có thể bị tổn thương, điều này sẽ dễ dàng gây ra hội chứng M.M.A (Mikhailop, 1970).

Sót nhau: Ensor (1957), Brooksbank (1958), Victor (1960) và Tharp (1970) đều cho rằng sót nhau sẽ đưa đến chứng tắt sữa, nhiễm trùng và viêm tử cung.

2.2.5 Vi trùng
Hội chứng M.M.A theo đa số các tác giả không là bệnh truyền nhiễm, những vi sinh vật được phân lập là các vi sinh vật cơ hội, chúng xâm nhập vào bộ phận sinh dục trong điều kiện vệ sinh kém. Các tác giả đã phân lập được nhiều loại vi trùng khác nhau. Amstrong và cộng tác viên (1968) cho rằng vi trùng trong quan hệ với M.M.A gồm có: Citrobacter, Enterobacter, Proteur, Escherichia, Klebsiella, Pseudomonas, Staphylococcus, Streptococcus. Năm 1983, Ngô Thanh Long và Thái Thị Thúy Phượng phân lập vi trùng từ mẫu sữa bệnh, mủ tử cung đã tìm thấy: E.coli, Streptococcus, Staphylococcus aureus, Klebsiella, Pneumonia. Đây là những vi trùng cơ hội chúng có thể xâm nhập vào bầu vú qua vết trầy, cũng có thể qua ống dẫn sữa và dễ dàng xâm nhập vào tử cung lúc cổ tử cung mở.

2.3 Triệu chứng và bệnh tích
Hội chứng MMA thường xuất hiện với các triệu chứng như: bỏ ăn, táo bón, sốt cao. Ngoài ra, những dấu hiệu lâm sàng ở bầu vú, cơ quan sinh dục cũng được lưu ý: chảy dịch, mủ ở đường sinh dục, xung huyết bầu vú, giảm tiết sữa dẫn đến heo con gầy yếu, thể hiện trạng trầm uất hoặc hung hăng ở các mức độ khác nhau, ít đứng dậy và ít tiết sữa. Heo nái thường sau sinh thường có các triệu chứng sau đây:

Viêm tử cung
Vi khuẩn xâm nhập vào cơ quan sinh dục của nái trong quá trình đẻ, nhất là khi thời gian đẻ kéo dài hoặc khi dùng tay can thiệp trong quá trình đỡ đẻ. Sót nhau hay sót con cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng tử cung. Các biểu hiện của nái viêm tử cung: nái sốt trên 40 độ C và âm đạo có dịch có mùi hôi chảy ra, nếu viêm nặng có mủ trắng chảy ra. Nái biếng ăn, mệt mỏi.

Đặc điểm của bệnh là tử cung tiết nhiều dịch viêm, tùy theo mức độ có hai dạng viêm sau:

  • Dạng nhờn:là thể viêm nhẹ xuất hiện sau khi viêm khoảng 1-3 ngày, niêm mạc tử cung bị viêm nhẹ, tử cung tiết nhiều dịch nhờn hoặc đục, lợn cợn, mùi hơi tanh. Thường sau vài ngày,dịch tiết giảm dần đặc lại, heo nái không sốt hoặc sốt nhẹ, nhiệt độ cơ thể từ 39,5 – 40 độ C, heo nái vẫn cho con bú bình thường. Thể viêm này ít ảnh hưởng đến sức khỏe của nái do đó ít ảnh hưởng đến heo con. Nếu nuôi dưỡng chăm sóc không tốt, tình trạng viêm sẽ chuyển từ dạng viêm nhờn sang dạng viêm tử cung có mủ. Dịch viêm của heo mẹ rơi trên nền chuồng, heo con liếm phải có thể tiêu chảy, từ đó ảnh hưởng đến tăng trọng và sức sống heo con.
  • Dạng viêm có mủ: là dạng viêm nặng, số lượng vi sinh vật nhiễm tăng cao. Heo sốt cao (40-41độ C), tăng hô hấp, khát nước, kém ăn và thường nằm nhiều. Nái rất mệt, ít cho con bú và rất hay đè con. Khoảng 8 – 10h sau khi có triệu chứng, từ trong tử cung mủ sẽ chảy ra, lúc đầu dịch viêm lỏng, trắng đục và dần dần chuyển sang nhày đục, có khi lẫn máu, mùi hôi tanh và kéo dài 3 – 4 ngày. Sau đó xuất hiện mủ dày đặc, dính vào âm hộ, nếu không can thiệp kịp thời sẽ chuyển sang thể viêm rất nặng. Heo kém ăn hoặc không ăn, sản lượng sữa giảm, thường kéo dài 2 – 4 ngày.
  • Dạng viêm mủ lẫn máu: tổn thương mao mạch gây chảy máu, sốt cao 40 – 41 độ C, không ăn kéo dài, sản lượng sữa giảm hoặc mất hết, heo có thể chết do nhiễm trùng máu, dịch viêm có mùi rất tanh.

Nếu điều trị không kịp thời sẽ chuyển sang dạng viêm mãn tính, ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh, sinh đẻ sau này và có thể gây vô sinh.

hoi-chung-mma-o-heo-nai-mastitis-metritis-agalactia 1Viêm tử cung có mủ trên heo nái

Viêm vú:
Do kế phát của viêm tử cung, sót nhau. Cơ thể bị nhiễm trùng huyết, do nhiễm trùng từ ngoài vào qua núm vú gây viêm. Do nái ăn nhiều chất đạm, khi đẻ nhiều sữa con bú không hết sữa tích lại căng cứng hoặc gây viêm hoặc chỉ cho con bú một bên, hàng vú bên kia sữa bị tích tụ gây viêm.

Vi khuẩn có thể xâm nhập trực tiếp qua ống dẫn sữa đầu vú hoặc theo đường máu từ các nhiễm trùng khác hoặc nhiễm trùng từ vết xây sát quanh bầu vú. Triệu chứng biểu hiện rõ tại bầu vú viêm với các đặc điểm: heo mẹ giảm ăn, sốt 40 – 41 độ C, bầu vú căng cứng, nóng đỏ, có biểu hiện đau khi sờ nắn, không xuống sữa, vắt những vú sưng thấy sữa lợn cợn trắng, xanh, vàng.

Tùy số lượng vú bị viêm, heo nái sẽ có biểu hiện khác nhau. Nếu do nhiễm trùng trực tiếp thì chỉ có một vài bầu vú bị viêm. Heo mẹ sốt nhẹ, ăn ít, lượng sữa giảm, có biểu hiện lười cho con bú, heo con do thiếu sữa nên đòi bú liên tục, kêu rít, đồng thời heo con bị tiêu chảy toàn đàn do bú phải sữa bị viêm nên gây nhiễm trùng được ruột. Nếu trường hợp viêm tử cung có mủ dẫn tới nhiễm trùng máu làm toàn bộ bầu vú đều bị viêm, heo mẹ sốt cao, bỏ ăn, nằm sấp không cho con bú. Đây là triệu chứng điển hình của hội chứng MMA. Trường hợp này cần ghép bầy con và loại thải heo mẹ.

Mất sữa:
Heo nái mất sữa thường bị sốt, bỏ ăn, và bầu vú bị xung huyết, cứng sau trở nên nhão mềm. Để nhận biết hiện tượng mất sữa ở heo nái cần quan sát đàn heo con. Khi heo mẹ mất sữa Sản lượng sữa giảm hoặc mất hẳn do nái bị viêm vú hoặc vừa viêm vú vừa viêm tử cung. Chứng mất sữa thường đi kèm trong các bệnh gây sốt cao như viêm tử cung dạng có mủ, viêm phổi. Trong bệnh viêm tử cung dạng nhờn, viêm vài bầu vú, sự mệt nhọc do sinh đẻ chỉ làm kém sữa trong một thời gian ngắn (2-3 ngày).

Mất sữa cũng có thể xảy ra khi nái bị táo bón hoặc nhu động ruột bị ức chế trong thời gian đẻ, khi đó các độc tố đường ruột có thể đi vào trong máu gây ức chế tác dụng của hormon prolactin và oxytocin, làm giảm tiết sữa.

Các trường hợp mất sữa thường rất khó điều trị. Chỉ trong trường hợp kém sữa dùng biện pháp kích thích heo nái ăn, cung cấp đủ nước uống, chích Oxytocine. Vì vậy nếu heo nái bị viêm tử cung, sót nhau hoặc viêm vú phải điều trị ngay, vì đó là những nguyên nhân gây mất sữa sau khi sinh.

2.4 Phòng và điều trị bệnh

2.4.1 Trường hợp viêm tử cung:

  • Phải phát hiện càng sớm càng tốt (trong vòng 12-72h sau khi sinh), nhằm can thiệp để tránh heo nái bị nhiễm trùng huyết.
  • Thục rửa tử cung với dung dịch sát trùng iodine 1 lần/ngày trong 3 ngày
  • Bơm thuốc kháng sinh OTC VET LA 20% ( oxtetracycline – Greenvet) hoặc Navet-Penstrep (Dihydrostreptomycin sulfate, Penicillin G Procain – Navetco)
  • Tiêm kháng sinh Colamp (ampicillin trihydrate + colistin sulfate + dexamethasone acetate – Vemidim) 1ml/10kg/ngày trong 3 ngày; hoặc Genta 40 (gentamycin – Vemidim) hoặc sử dụng enrofloxacine
  • Hạ sốt với PARVET (acetaminophen – Vimidim) hoặc VIME ABC (analgine, vitamin C, vitamin B2 – Vimidim)
  • Tiêm oxytocin 10-20 UI/nái để tống các dịch nhầy ra.

Vệ sinh sát trùng chuồng đẻ và tắm rửa vệ sinh nái sạch sẽ trước khi đưa vào chuồng đẻ. Bảo đảm vệ sinh nguồn nước uống và thức ăn. Cho nái uống đủ nước trong giai đoạn nái mang thai khoảng 20lít/ nái/ ngày và trong giai đoạn tiết sữa nuôi con từ 35 – 50 lít nước/ nái/ ngày. Có thể tiêm kháng sinh colamp ngay sau khi sinh 1-2 giờ nhằm phòng ngừa MMA.

Hạn chế khẩu phần nái trước khi sinh, giảm chất đạm, tăng cường chất xơ. Bổ sung Magnesium sulfate (MgSO4) với liều 2kg/ tấn thức ăn để giúp nhuận tràng, chống táo bón. Chú ý cho nái uống đầy đủ nước.

2.4.2 Trường hợp viêm vú:

  • Vệ sinh bầu vú sạch sẽ, tiến hành nặn sạch sữa viêm ra ngoài; vệ sinh hai chân sau hang ngày.
  • Xoa bóp vú viêm và lau sạch với nước ấm.
  • Bấm răng heo con, cho heo con bú sữa đầu và cố định đầu vú phân đều cho từng heo con
  • Có thể sử dụng kháng sinh Ampicilline trihydrate, Marbofloxacin, …
  • Tiêm Oxytocin với liều thấp (2-5 UI/ nái), nhiều lần trong ngày để giúp vú tiết sữa (thời gian bán hủy 6-7 phút, cấp 2-4 giờ/lần).

Vệ sinh sát trùng chuồng đẻ và tắm rửa vệ sinh nái sạch sẽ trước khi đưa vào chuồng đẻ.
Bảo đảm vệ sinh nguồn nước uống và thức ăn. Cho nái uống đủ nước trong giai đoạn nái mang thai khoảng 20lít/ nái/ ngày và trong giai đoạn tiết sữa nuôi con từ 35 – 50lít nước/ nái/ ngày

3. Các nghiên cứu về MMA

Theo nghiên cứu (Bilkei G, Horn A., 1991) cho thấy sử dụng Ampicillin trihydrat 300mg/kg + 200ml dung dịch nước muối vô trùng 1 lần/ngày trong 3 ngày cho thấy tỷ lệ tử vong trên heo viêm tử cung giảm đáng kể so với sử dụng tiêm bắp Ampicillin trihydrat liều 50mg/kg.
Theo nghiên cứu (AC Hirsch, H. Philipp vàR. Kleemann, 2003) so sánh hiệu quả của meloxicam và flunixin trong điều trị hội chứng viêm vú trong bệnh MMA. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về hiệu quả lâm sàng giữa hai loại thuốc. Nhưng sử dụng meloxicam cho tỷ lệ tử vong giảm thấp hơn so với sử dụng flunixin, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P≤0.05).

Theo nghiên cứu (van Gelder KN1, Bilkei G., 2005) cho thấy việc kích hoạt các phản ứng miễn dịch tế bào ở heo mẹ bị MMA ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của heo con theo bú với nồng độ cortisol trong huyết thanh tăng cao.

Nghiên cứu chứng minh hiệu quả của enrofloxacin trong điều trị MMA (Acta Vet. Brno 2006)
Một nghiên cứu (Krieter, J. ; Presuhn, U., 2009) về biến đổi gen trong điều trị MMA. Kết quả ủng hộ giả thuyết cho rằng chọn lọc giống có thể làm giảm tỷ lệ mắc MMA trên heo nái.
————————————————————————————————————————————————————-

Bài 2: HỘI CHỨNG MMA TRÊN HEO NÁI

Hội chứng bệnh là tập hợp những triệu chứng của các bệnh: viêm vú (Mastitis), viêm tử cung (Metritis) và mất sữa (Agalactia). Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng heo nái trước và sau khi sinh có ảnh hưởng rất nhiều đến nguy cơ gia tăng bệnh MMA trên vật nuôi…

hoi-chung-mma-o-heo-nai-mastitis-metritis-agalactia 1

Hội chứng MMA gây ra những thiệt hại lớn trong chăn nuôi heo nái:

  • Hội chứng MMA thường xảy ra trên các heo nái bị bệnh đường sinh dục, heo nái trong các thời kỳ mang thai và chiếm tỷ lệ cao nhất là heo nái giai đoạn sau khi sinh.
  • Làm giảm khả năng sinh sản của nái ở các chu kỳ sinh sản tiếp theo.
  • Gây ảnh hưởng trên đàn heo con theo mẹ: heo con không đủ sữa bú, giảm tăng trưởng và tăng tỷ lệ heo con chết ở giai đoạn theo mẹ.
  • Tăng chi phí giá thành chăn nuôi, giảm hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi.

I. Nguyên nhân gây bệnh

Các vi khuẩn gây bệnh là những vi khuẩn cơ hội luôn hiện diện trong phân và chuồng như E.coli, Staphylococcus, Streptococcus… Và những thay đổi cơ thể học của heo nái trong giai đoạn mang thai góp phần tạo điều kiện cho các vi khuẩn này phát triển gây bệnh. Tuy nhiên, yếu tố dẫn đến hội chứng MMA chính là việc chăm sóc quản lý heo nái trong chuồng trại kém.

Những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng viêm vú, viêm tử cung và mất sữa cho heo nái:

  • Viêm bàng quang (bọng đái) do không cho nái uống nước đầy đủ: Heo nái bình thường đã có cơ thể học thuận lợi cho các vi khuẩn từ đường tiểu xâm nhập vào tử cung. Khi heo nái mang thai, khối thai lớn chèn ép gây ứ đọng nước tiểu trong bàng quang, tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi, phát triển gây viêm. Đặc biệt, trường hợp heo nái uống nước không đầy đủ, hoặc uống nước bẩn thì viêm bàng quang càng dễ dàng xảy ra. Lúc heo nái sinh cổ tử cung sẽ mở ra, vi khuẩn nhanh chóng lọt vào tử cung gây viêm và đi vào máu đến vú làm viêm vú.
  • Bón do không cho heo nái vận động thường xuyên: khi heo nái mang thai, khối thai lớn chèn ép sẽ làm giãn nhu động ruột gây ra tình trạng bón. Vi khuẩn trong phân sẽ có điều kiện sinh sôi, cùng với các độc tố gây viêm trong phân đi xuyên qua thành ruột vào máu, đến vú và tử cung gây viêm.
  • Stress: nái mang thai sắp đến ngày sinh thường hay bị Stress. Stress làm giảm sức khỏe, sức đề kháng của heo nái chống lại các vi khuẩn gây bệnh, tạo cơ hội cho chúng phát triển. Thời gian sinh kéo dài (trên 4 giờ) cũng thường là tác nhân gây MMA.
  • Viêm đường tiểu, viêm thận, viêm bàng quang, tử cung mãn tính do không điều trị hết hẳn bệnh: đây là “cái ổ” của những vi khuẩn gây bệnh. Chỉ cần có sự suy yếu về sức khỏe, hoặc một cơ hội thuận lợi nào đó các vi khuẩn sẽ nhanh chóng sinh sôi và đi vào máu đến vú gây viêm vú mất sữa.
  • Do khẩu phần thức ăn không cân đối, cho ăn quá nhiều chất đạm nhưng thiếu chất xơ và khoáng (nhất là thiếu canxi và phospho), không cung cấp đủ nước sạch cho heo uống, thể trạng heo quá mập ở giai đoạn cuối thai kỳ… cũng là những yếu tố góp phần gia tăng nguy cơ heo nái mắc bệnh MMA.
  • Vệ sinh chuồng trại kém: nếu chuồng trại không được dọn rửa kỹ, nhất là chỗ thoát phân thì vi khuẩn trong phân, nước tiểu tồn đọng sẽ có điều kiện xâm nhập vào cơ quan qua các ống dẫn sữa của bầu vú, qua các vết thương, qua chỗ thoát tiểu, qua âm đạo để xâm nhập vào cổ tử cung và bầu vú gây viêm.

II. Cơ chế sinh bệnh

Viêm vú:

  • Trong điều kiện chuồng trại, vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi kém, vi khuẩn có thể xâm nhập trực tiếp qua ống dẫn sữa ở đầu vú.
  • Vi khuẩn theo đường máu từ các vết trầy, vết thương bị nhiễm trùng khác trên cơ thể thú để gây bệnh.
  • Heo nái tốt sữa, heo con bú không hết làm sữa ứ đọng trong bầu vú là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

hoi-chung-mma-o-heo-nai-mastitis-metritis-agalactia 5Vú bị viêm do hội chứng MMA

Viêm tử cung:

  • Vi khuẩn từ môi trường xâm nhập vào cơ quan sinh dục của nái trong quá trình sinh đẻ (nhất là khi thời gian đẻ của nái kéo dài trên 4 giờ).
  • Do người dùng tay can thiệp trong quá trình đỡ đẻ gây trầy xước bên trong đường sinh dục của nái.
  • Hiện tượng sót nhau hay sót con nếu không can thiệp kịp thời cũng sẽ gây bệnh viêm tử cung trên gia súc.

hoi-chung-mma-o-heo-nai-mastitis-metritis-agalactia 3Âm đạo xuất dịch có mủ trắng

Mất sữa:

  • Sản lượng sữa giảm hoặc mất hẳn là kết quả tất yếu khi nái bị viêm vú, hoặc vừa viêm vú vừa viêm tử cung, do độc tố của vi khuẩn có thể đi vào trong máu gây ức chế tác dụng của hormon Prolactin và Oxytoxin – là hai hormon cần thiết tham gia trong quá trình tiết sữa của gia súc.
  • Do cơ thể heo mẹ bị suy dinh dưỡng trong lúc mang thai
  • Do ăn nhiều trong giai đoạn mang thai dẫn đến sự chán ăn sau khi sinh. Lượng nước uống thiếu, thời tiết quá nóng cũng là nguyên nhân dẫn đến kém sữa.

III. Triệu chứng

Viêm tử cung: đặc điểm của bệnh là tử cung tiết nhiều dịch viêm, tùy theo mức độ có hai dạng viêm sau:

hoi-chung-mma-o-heo-nai-mastitis-metritis-agalactia 4Âm đạo xuất dịch viêm nhờn

Viêm nhờn: Đây là dạng viêm nhẹ, hiện tượng viêm chỉ xuất hiện trên lớp niêm mạc, bệnh xảy ra sau khi sinh khoảng 1 – 3 ngày với các triệu chứng: dịch viêm lỏng, nhờn có lợn cợn đục, mùi hơi tanh, thân nhiệt nái bình thường hay sốt nhẹ, vài ngày sau dịch tiết giảm dần, đặc lại. Heo nái ăn ít, song sản lượng sữa giảm không đáng kể, do đó ít ảnh hưởng đến heo con.

Viêm có mủ: dạng viêm này có thể do hậu quả việc không điều trị dạng viêm nhờn hoặc do các vi trùng sinh mủ tấn công mạnh vào tử cung. Dịch viêm có lẫn mủ pha lẫn máu, mùi tanh. Bệnh nặng với các triệu chứng: sốt cao (40-410C), bỏ ăn thở dồn dập, sản lượng sữa rất ít hoặc mất hẳn, tử cung có nhiều vết loét.

Viêm vú: Triệu chứng biểu hiện rõ tại bầu vú viêm với các đặc điểm: bầu vú căng cứng, nóng đỏ có biểu hiện đau khi sờ nắn, không xuống sữa, vắt những vú sưng thấy sữa vón cục.

Tùy số lượng vú bị viêm, heo nái sẽ có biểu hiện khác nhau. Trường hợp 1 vài bầu vú viêm, heo nái sốt nhẹ, ăn ít, lượng sữa giảm. Nếu nhiều bầu vú hoặc toàn bộ bầu vú viêm, heo nái sốt cao, bỏ ăn, nằm sấp không cho con bú.

hoi-chung-mma-o-heo-nai-mastitis-metritis-agalactia 6

Mất sữa: chứng mất sữa thường đi kèm trong các bệnh gây sốt cao như viêm tử cung dạng có mủ, viêm nhiều bầu vú.

IV. Phòng bệnh

  • Định kỳ sát trùng khu vực chuồng nuôi, chuồng nái đẻvà để trống chuồng trên 10 – 15 ngày. Trước và sau khi heo nái đẻ phải dọn dẹp phân, chất thải và tắm trước khi đẻ.
  • Cho heo nái vận động thường xuyên.
  • Chọn lựa kỹ loại thức ăn: thức ăn phải sạch sẽ tránh nhiễm khuẩn. Cho heo nái ăn 2 – 2,4 kg/ngày trong giai đoạn đầu mang thai, giai đoạn 2 tăng lên 2,5 – 3 kg/ngày, trước khi sinh một tuần giảm xuống còn 1 – 1,2 kg/ngày, tăng lượng thức ăn xơ, đồng thời tăng thêm chất khoáng và vitamin.
  • Cung cấp đầy đủ nước sạch cho nái uống trong giai đoạn mang thai và tiết sữa. Nước cần sạch, không nhiễm các loại khoáng độc.
  • Sau khi nái sinh cần theo dõi số lượng nhau ra ngoài hết chưa, nếu cần thiết nên vệ sinh đường sinh dục của thú thật tốt bằng các biện pháp thụt rửa tử cung, tiêm Oxytocine giúp tháo sạch sản dịch, nhau thai còn sót ra khỏi tử cung. Đặt thuốc kháng viêm để phòng nhiễm trùng sau khi sinh.

V. Điều trị

Khi nái có biểu hiện viêm tử cung cần phải:

  • Thụt rửa tử cung
  • Chích kháng sinh: Enrofloxacine, Norfloxacine, Gentamycine, Kanamycine. Có thể tiêm chích cho heo nái thêm Oxytocine và Gluconate calcium để kích thích hệ thống tuyến vú của heo nái tiết sữa và tạo sữa nuôi con.
  • Cung cấp vitamin C, ADE-Bcomplex, thuốc hạ sốt.

Việc điều trị phải được tiến hành sớm khi thấy có dịch viêm và heo nái sốt cao, nếu chậm trễ sẽ dẫn đến hậu quả kéo dài thời gian điều trị, tử cung bị tổn thương nặng làm giảm khả năng nuôi dưỡng bào thai ở lứa sau hoặc nhiễm trùng máu không điều trị được.

Dùng nước đá rửa và chườm ở đầu vú viêm để giảm sưng, nóng, đỏ, đau. Sau đó dùng tay xoa bóp nhẹ nhàng 2 – 3 lần/ ngày để vú mềm dần; vắt vú bị viêm 4 – 5 lần/ ngày cho hết sữa để hạn chế việc lây lan từ vú viêm sang vú lành.

  • Dùng MgSO4 cho heo uống với liều 20 – 30g/ con/ ngày. Sau 2 – 3 ngày heo có thể cho sữa bình thường.
  • Dùng một số loại thuốc kháng sinh đặc trị như: Penicilin tiêm xung quanh vú ngày 2 lần, Streptomycin, bơm Teramycin vào vú viêm qua lỗ tiết sữa. Trước khi bơm nên vắt cạn sữa trong vú viêm.

Các trường hợp mất sữa thường rất khó điều trị. Chỉ trong trường hợp kém sữa dùng biện pháp kích thích heo nái ăn, cung cấp đủ nước uống, chích Oxytocine. Vì vậy nếu heo nái bị viêm tử cung, sót nhau hoặc viêm vú phải điều trị ngay, vì đó là những nguyên nhân gây mất sữa sau khi sinh.

Chú ý chăm sóc heo con trong thời gian điều trị bệnh cho heo nái. Đảm bảo cho heo con được bú sữa đầu trong vòng 24 giờ sau khi sinh và giữ ấm cho heo con.

Naipet.com

Facebook Comments
Share.

Chat
1