Cách Lấy Bệnh Phẩm Và Bảo Quản Trong Thú Y

0

1. Lấy mẫu máu

1.1 Cách lấy: (dụng cụ đã vô trùng)
Khi gia súc, gia cầm còn sống lấy máu ở tĩnh mạch cổ (trâu, bò, ngựa, dê, gà), vịnh tĩnh mạch cổ (lợn), tĩnh mạch rìa tai (lợn lớn, trâu bò), tĩnh mạch cánh hoặc đâm thẳng vào tim để lấy (gia cầm), tĩnh mạch kheo chân (chó) vv…

Khi gia súc, gia cầm đã chết lấy máu ở tim ngay khi mới bộc lộ.

cach-lay-benh-pham-va-bao-quan-trong-thu-y 1Lấy mẫu máu trên heo

1.2 Bảo quản và sử dụng:
Phiết tiêu bản, để khô, cố định bằng cồn Methanol, gói riêng từng đôi tiêu bản bằng giấy mềm, dùng để chẩn đoán ký sinh trùng đường máu, vi trùng, huyết học ….
Máu bảo quản trong dung dịch chống đông, thông thường dùng Natri citrate 4%. Bảo quản ở 1 – 4 độ C. Dùng tiêm truyền bản động vật hoặc động vật thí nghiệm chẩn đoán các bệnh do virus, vi trùng, ký sinh trùng …

Máu tách huyết thanh, huyết thanh được tách khỏi máu đông trước khi máu phân huỷ. Bảo quản ở 1 – 4 độ C. Dùng để phát hiện kháng thể các bệnh virus, vi trùng, ký sinh trùng….

2. Các cơ quan, tổ chức cơ thể

(não, hành tuỷ, tim, gan, phổi, thận, hạch, lách, dạ dày, ruột, tuyến, xương, da….)

2.1 Cách lấy: (dụng cụ đã vô trùng)

  • Não, tuỷ sống, tuỷ xương: Bộc lộ xương sọ, cột sống, dùng kéo cong cắt các dây thần kinh, lấy não và tuỷ sống cho vào hộp vô trùng
  • Các cơ quan tổ chức (tim, gan, phổi, thận, hạch, lách, dạ dày, ruột, tuyến, da….), mỗi tổ chức lấy từ 100 – 200 g.
  • Dùng dao sắc cắt giữa nơi biến đổi bệnh lý và nơi bình thường. Riêng bệnh phẩm kiểm tra vi thể độ dày không được quá 0,5 cm.

2.2 Bảo quản và sử dụng

  • Phiết tiêu bản, để khô, cố định, gói riêng từng đôi tiêu bản dùng để chẩn đoán vi trùng, virus …
  • Cho chẩn đoán biến đổi vi thể, ngâm trong dung dịch formalin 10%
  • Cho chẩn đoán virus (nuôi cấy, tiêm truyền), đặt trong ngăn lạnh âm hoặc dung dịch bảo quản có Glycerin .
  • Cho chẩn đoán vi trùng, đặt trong ngăn lạnh 1 – 4 độ C .

3. Mủ và dịch xuất tiết:

3.1 Cách lấy: (dụng cụ đã vô trùng)
Dùng tampon ngoáy nơi có mủ hoặc dịch xuất tiết cho vào ống nghiệm nút kín.

3.2 Bảo quản và sử dụng:
Bảo quản lạnh 1 – 4 độ C dùng để kiểm tra vi trùng, virus.

4. Các chất chứa trong ruột:

4.1 Cách lấy:
Dùng chuôi dao hoặc thìa xúc hoặc gạt các chất chứa trong ruột, dạ dày vào cốc đựng bệnh phẩm, đậy kín.

4.2 Bảo quản và sử dụng:
Bảo quản lạnh 1 – 4 0 C dùng để kiểm tra vi trùng, ký sinh trùng, độc chất, hoá chất…

5. Lấy mẫu sữa:

Bệnh phẩm sữa được lấy sau khi làm vệ sinh đầu vú núm vú nhưng không được tiệt trùng. Vắt bỏ những giọt sữa đầu tiên và lấy vào ống nghiệm những giọt sữa tiếp theo.Trường hợp viêm vú nặng có thể thấy dịch nhầy xuất hiện.Bệnh phẩm sữa có thể lấy từ các thùng sữa dùng cho một số xét nghiệm cần thiết. Sữa dùng cho xét nghiệm không được làm lạnh, đun hoặc lắc mạnh.

* Mẫu máu: Xét nghiệm mẫu máu là một trong những xét nghiệm thường quy thông dụng nhất và tốt nhất, mẫu máu phải do bác sĩ thú y hoặc cán bộ kỹ thuật đã qua đào tạo lấy. Tuy nhiên, người chăn nuôi và người chủ gia súc có thể lấy mẫu máu nhưng phải có những dụng cụ lấy máu thích hợp. Có thể lấy hai loại mẫu máu là máu đông để chắt huyết thanh và máu có chất chống đông.

Chú ý: Tất cả bệnh phẩm trước khi đưa đến phòng xét nghiệm phải được bao gói cẩn thận: Dùng chất độn mềm để tránh vỡ; nút kín, để đứng có túi nilon dai bọc ngoài để tránh đổ; được sát trùng trước khi đưa vào 2 lần hộp để tránh lây lan sang người và ô nhiễm ra môi trường; dùng hộp xốp hoặc phích lạnh có đá bảo quản để bệnh phẩm tránh hư hỏng khi vận chuyển.

Cách lấy máu toàn phần và chắt huyết thanh:

Với trâu bò, ngựa, dê, cừu: Lấy máu ở tĩnh mạch cảnh nằm ở mé dưới cổ ở hai bên khí quản. Trước khi lấu máu, khâu cố định gia súc là hết sức quan trọng, vừa an toàn cho người thực hiện và gia súc, vừa lấy máu dễ dàng. Đầu gia súc phải cao và hơi nghiêng về một bên để cổ cong ưỡn ra, ấn ngón tay cái vào rãnh tĩnh mạch cảnh ở phần cuối cổ để tĩnh mạch cảnh nổi rõ. Do máu trong tĩnh mạch cảnh chảy từ đầu về tim, khi đó máu dồn lại trong tĩnh mạch và tĩnh mạch căng phồng nên nhìn thấy rõ ở dưới trong khoảng vài giây. Nếu nghi ngờ có thể xác định tĩnh mạch bằng cách sờ nắn nhẹ, tĩnh mạch đầy máu có cảm giác mềm xốp. Trường hợp khó xác định có thể dùng dây buộc quanh cổ phần dưới như garô sẽ thấy rõ hơn. Trong khi cố định tĩnh mạch, đâm kim vào tĩnh mạch, hơi song song với tĩnh mạch, để chiều dài kim nằm dọc trong tĩnh mạch. Một sai sót phổ biến thường gặp là đâm kim quá vuông góc với cổ dẫn đến kim xuyên thẳng qua tĩnh mạch.

Trong quá trình lấy máu chú ý là kim phải tiệt trùng, thật sắc, loại kim sử dụng một lần là tốt nhất. Khi đâm kim trúng tĩnh mạch máu sẽ chảy ra, hứng máu trong ống nghiệm đã tiệt trùng. Lấy khoảng 5 ml máu là đủ cho phần lớn các yêu cầu xét nghiệm. Huyết thanh xét nghiệm yêu cầu mẫu máu phải đông để tất cả hồng cầu và bạch cầu, sợi fibrin vón lại thành cục, phần còn lại là huyết thanh. Muốn vậy, để ống nghiệm máu hơi nghiêng cho diện tích tiếp xúc bề mặt lớn, trong nhiệt độ môi trường tránh nơi quá nóng và ánh mặt trời chiếu trực tiếp trong khoảng 1 – 2 giờ sau đó đặt vào ngăn dưới tủ lạnh ở 4 độ C, sau vài giờ hoặc qua đêm dùng pipet hoặc bơm tiêm lấy huyết thanh ra. Hoặc có thể dùng máy ly tâm với tốc độ 1000 v/phút trong 10-15 phút, chắt lấy huyết thanh. Huyết thanh lấy ra được chứa trong ống mới sạch. Có thể gửi mẫu máu chưa tách huyết thanh đi xét nghiệm, nhưng có nguy cơ dung huyết do Hemoglubin lọt ra khỏi hồng cầu vào huyết thanh. Nếu gửi mẫu đi chậm 1 ngày, máu phải để đông chắt huyết thanh và giữ trong tủ lạnh cho tới khi gửi mẫu. Nếu gửi mẫu chậm hàng tuần hay lâu hơn, mẫu huyết thanh phải bảo quản trong tủ lạnh âm tới khi cần cho xét nghiệm.

cach-lay-benh-pham-va-bao-quan-trong-thu-y

Một số xét nghiệm yêu cầu mẫu máu toàn phần không đông. Trong trường hợp này, lọ đựng mẫu phải có chất chống đông máu, do phòng xét nghiệm cung cấp. Hiện có một số chất chống đông máu, dùng chất nào là phụ thuộc vào xét nghiệm tiến hành. Một chất chống đông là Heparin, chất chống đông tự nhiên của cơ thể để ngăn cản sự đông máu trong hệ tuần hoàn. Tuy nhiên, khi dùng bất kỳ chất chống đông nào, mấu chốt là lắc kỹ nhưng nhẹ nhàng ngay sau khi lấy máu để chất chống đông trộn đều trong toàn mẫu máu, nếu không máu có thể bị đông. Phải gửi mẫu máu toàn phần đến phòng xét nghiệm càng nhanh càng tốt, tốt nhất là bảo quản lạnh (ủ đá) vì để lâu tế bào máu sẽ bị phân huỷ, mẫu máu toàn phần không được để tủ lạnh âm vì hồng cầu sẽ bị phá huỷ ngay.

Việc lấy máu tiến hành rất dễ dàng do sự phát triển ống chân không. Ống chân không là một ống nghiệm nút kín được hút chân không, có gắn kim hai đầu đã tiệt trùng và một bộ phận giữ kim. Kim lắp xoáy vào bộ phận giữ kim, một đầu kim đâm thẳng vào tĩnh mạch cảnh, một đầu đâm xuyên qua nút cao su của tuýp chân không. Áp lực âm của phần rỗng trong ống nhanh chóng hút máu vào trong ống nghiệm và chứa lại ở đó. Ống lấy máu có chất chống đông hoặc không có chất chống đông để lấy tuỳ theo yêu cầu.

Cách lấy máu này vừa thực hiện dễ dàng vừa vệ sinh hơn vì trong hệ thống đóng kín đảm bảo máu không rớt ra ngoài.

Với gia cầm: Máu có thể lấy ngay trước hoặc sau khi con vật chết. Đối với gia cầm còn sống, thường xuyên lấy hai bệnh phẩm máu cách nhau một vài ngày để xác định hàm lượng kháng thể tăng hoặc giảm đối với những bệnh xét nghiệm bằng phản ứng huyết thanh. Thường lấy máu ở tĩnh mạch cảnh hoặc tĩnh mạch cánh hoặc đâm thẳng vào tim. Điều này giúp an toàn cho gia cầm khi lấy máu lần thứ hai .

  • Lấy máu tĩnh mạch cánh: thường là phương pháp tốt và đơn giản nhất đối với gà, gà tây và với hầu hết các loại gia cầm khác nuôi trong điều kiện tự nhiên. Bộc lộ tĩnh mạch bằng cách nhổ một số lông trên bề mặt tĩnh mạch vùng cánh, tĩnh mạch nhìn rõ nằm dưới vết lõm của cánh giữa khớp nối cánh và cơ cánh tay. Nếu dùng cồn 70% hoặc chất sát trùng không màu thấm ướt vùng tĩnh mạch sẽ thấy tĩnh mạch rõ hơn. Người lấy máu dùng một tay giữ hai cánh áp vào nhau, cầm chặt hai cánh ở vùng phía trên và chọc kim vào tĩnh mạch bên phải cánh, tay kia giữa bơm tiêm chọc kim vào tĩnh mạch, kim đối diện trực tiếp với tĩnh mạch chảy về tim.
  • Lấy máu ở tim: Gia cầm được người lấy máu giữ lưng nằm xuống bàn bụng ngửa lên trên với tay trái. Trước khi lấy máu người lấy máu nhổ lông vùng diều và cửa vào lồng ngực, sát trùng để cho khô. Kim đâm từ đường vào lồng ngực phía trước song song với cột sống, hơi chếch về phía trái cho đến khi kim chọc vào tim. Máu sẽ chảy vào bơm tiêm, dùng tay phải kéo bơm tiêm rút máu từ từ ra.

Máu lấy 2 -3 ml là đủ. Nếu để máu đông chắt huyết thanh trong bơm tiêm phải kéo bơm tiêm dài ra, nút đầu kim tránh nguy hiểm, để bơm tiêm nằm ngang cho máu đông và chắt huyết thanh. Trường hợp cho máu vào ống nghiệm thao tác phải nhanh tránh đông máu trong bơm tiêm.

Chú ý kích thước và chiều dài kim phụ thuộc vào kích thước của gia cầm, gia cầm càng to kim càng phải dài và to hơn.

Cách lấy máu phiết tiêu bản

Máu tốt nhất để phiết là lấy ở các mạch máu nhỏ có thể lấy được bằng cách chích máu ở mỏm tai hay một điểm ở đuôi bằng một kim sắc đã tiệt trùng, nếu cần thiết đầu tiên phải cắt lông. Chọc kim vào mạch máu sẽ có một giọt máu nhỏ chảy qua sau đó đặt giọt máu vào một đầu của phiến kính. Trước khi máu đông thao tác phải nhanh, phiến kính phiết máu phải giữ chắc trên một mặt phẳng nằm ngang, một tay khác phiết nhẹ máu sang đầu kia của phiến kính, đặt lamen hoặc lam kính khác theo một góc 450 đối với phiến kính nằm ngang để cho giọt máu lan ra đều cả rìa. Bằng một động tác nhẹ nhàng, chắc chắn đẩy lamen hoặc phiến kính sang đầu phiến kính đối diện, kéo giọt máu sau nó tạo thành một màng máu mỏng. Nếu làm đúng thì máu sẽ được rải đều và thon lại ở đầu cuối phiến kính. Sau đó màng máu phải được để khô hẳn bằng vẩy tay hoặc để trong không khí và cố định bằng cồn Methanol trong nửa phút.

Tiêu bản kính đã phiết được bảo quản bằng cách úp mặt 2 phiến kính không phiết với nhau, mặt phiết ra ngoài, dùng giấy mềm bao gói lại. Nếu có hộp đựng tiêu bản chuyên dụng thì xếp nghiêng các tiêu bản đã phiết theo rãnh và mặt đã phiết về cùng một phía, sau đó gửi đến phòng xét nghiệm.

Naipet.com

Facebook Comments
Share.

Chat
1