Bệnh tụ huyết trùng được Bollinger phát hiện lần đầu tiên trên bò năm 1878 ở Munich (Đức). Những năm tiếp theo bệnh được phát hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới, trên nhiều loài gia súc, gia cầm. Bệnh do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra thường ở 2 thể chủ yếu là nhiễm trùng huyết, xuất huyết (Haemorrhagic septicaemia) và viêm phổi ở bò (Bovine Pneumonia). Thể viêm phổi ở bò thường gặp tại các nước châu Âu và khu vực Bắc Mỹ, ở Châu Á và Châu Phi thường ở 2 thể chủ yếu, nhiễm trùng huyết, xuất huyết và viêm phổi ở bò (Frank, 1989).
Sau hơn 100 năm kể từ khi phát hiện đến nay, bệnh tụ huyết trùng trâu, bò thể nhiễm trùng huyết, xuất huyết vẫn tồn tại và gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nhiều nước thuộc khu vực Châu Á, nhất là trâu, bò ở các vùng Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Philippin, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia… Để khống chế bệnh, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về vi khuẩn Pasteurella multocida (P. multocida), bệnh học Pasteurellosis và vắc xin tiêm phòng nhưng vẫn không loại trừ và thanh toán được bệnh, đặc biệt là những nước nhiệt đới, tại các khu vực miền núi địa hình đi lại khó khăn, bệnh tụ huyết trùng vẫn là mối đe dọa thường trực người chăn nuôi. Kết quả nghiên cứu của Bùi Quý Huy và Trần Hữu Cổn (1996), Phan Thanh Phượng (2000): Bệnh tụ huyết trùng gia súc, gia cầm vẫn là mối đe dọa cho người chăn nuôi, thiệt hại do bệnh chiếm trên 80% trong số thiệt hại do dịch bệnh của trâu, bò.
Việc nắm vững những đặc tính của bệnh sẽ giúp cho người chăn nuôi chủ động được công việc phòng bệnh cũng như trị bệnh khi bệnh xảy ra và đặc biệt là trong những trường hợp phát hiện được sớm sẽ giúp giảm thiểu được những thiệt hại xảy ra.
I. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh Tụ huyết trùng Pasteurellosis ở trâu bò do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra, thể hiện đặc trưng là tụ và xuất huyết ở các vùng đặc biệt trên cơ thể. Vi khuẩn vào máu gây nhiễm trùng máu, thể nặng gọi là bại xuất huyết trâu bò.
Pasteurella multocida lần đầu tiên được tìm thấy vào năm 1878 ở các loài chim bị nhiễm bệnh tả, đến năm 1880, được phân lập bởi Louis Pasteur, là cầu trực khuẩn, gram âm. P. multocida là vi khuẩn hiếu khí và yếm khí tùy tiện, ưa kiềm nhẹ, pH=7,2-7,4, có thể nuôi cấy ở nhiệt độ từ 13 độ C đến 38 độ C, thích hợp nhất là 37 độ C
Vi khuẩn P. multocida có thể nuôi cấy ở nhiều loại môi trường như: Môi trường nước thịt, môi trường thạch thường. Theo (Jablonski và cs, 1996) để vi khuẩn P.multocida phát triển tốt trên môi trường nhân tạo cần thêm một số chất như: cystein, glutamic axit, leucine, methionine, muối vô cơ, nicotinamide, pantothenate, thiamine và đường. Trong đó leucin tác dụng kích thích tăng trưởng. Trên các môi trường nuôi cấy thông thường vi khuẩn phát triển kém, vi khuẩn phát triển tốt hơn trên môi trường nuôi cấy có bổ sung 5-10% huyết thanh hoặc máu động vật.
Đặc tính sinh hóa cơ bản của vi khuẩn tụ huyết trùng như sau
- Dương tính trong các phản ứng Indole, khử Nitrat, Catalase, Oxidase.
- Phân giải lên men các loại đường Glucose, Galactose, Saccarose, Mannose và Levulose.
- Không lên men đường Lactose, Maltose, Ducitol và Rafinose
- Prederickson (1973) khi nghiên cứu tính chất sinh hóa của vi khuẩn đã chia P. multocida thành 6 type (biotype) dựa trên các phản ứng phân giải các loại đường sau:
- Type 1: Phân giải Arabinose, Ducitol và Xylose
- Type 2: Không phân giải Arabinose, Ducitol và Xylose
- Type 1, 6: Phân giải Xylose
- Type 2, 3, 4, 5: Không phân giải Xylose
- Type 6: Không phân giải Manitol, Sorbitol.
II. Cơ chế sinh bệnh
Các Stress do ngoại cảnh là yếu tố quan trọng cho bệnh phát ra. Bệnh thường xảy ra khi trâu bò bị lạnh, ẩm ướt, nhốt trong chuồng trị không thích hợp, đói hoặc kiệt sức. Khi sức khỏe gia súc yếu sẽ giảm sức đề kháng, mất thế cân bằng sinh học thì vi khuẩn có trong cơ thể gia súc trở nên cường độc gây bệnh hoặc bài thải ra môi trường gây bệnh cho trâu bò, gia súc khác.
III. Sức đề kháng của vi khuẩn
- Vi khuẩn tồn tại lâu ngoài cơ thể trâu bò; trong đất ẩm và thiếu ánh sáng, đầm lầy, ao bẩn có nhiều chất hữu cơ, trong chuồng trại thường tồn tại 1-3 tháng.
- Vi khuẩn tụ huyết trùng dễ bị diệt bằng nước nóng 58 độ C trong 20 phút, ánh sáng mặt trời trong 12 giờ, nước vôi 10%, formol 1%, axit fenic 5% đều diệt được trong thời gian 1-3 phút. Các chất sát trùng thông thường cũng dễ tiêu diệt được vi khuẩn.
IV. Tính chất phân bố bệnh
Bệnh phân bố khắp nơi trên thế giới Châu Âu, Châu Á, Châu Phi… Ở nước ta bệnh thường phát sinh ở các vùng nóng ẩm và xảy ra rải rác quanh năm. Tuy nhiên có tính chất theo mùa và thường rộ lên vào lúc giao mùa mưa, đầu mùa mưa, nắng nóng thất thường, hoặc chuyển vùng, thường vào vùng sau lũ lụt.
Phan Đình Đỗ và Trịnh Văn Thịnh (1958) cho biết Bệnh tụ huyết trùng ở Việt Nam được phát hiện vào những năm cuối thế kỷ 19: Cudamie thông báo về bệnh ở trâu thuộc tỉnh Bà Rịa và Long Thành năm 1868, sau đó Gemain (1869) phát hiện bệnh ở Gò Công, Yersin phát hiện bệnh ở ở các tỉnh miền Trung vào các năm 1889-1895. Năm (1901) Shein bằng phương pháp phân lập và tiêm truyền qua động vật thí nghiệm đã xác nhận ổ dịch ở trâu, bò xảy ra ở Tây Ninh là do vi khuẩn P. multocida.
Trong các năm từ 1990-1994 bệnh xảy ra ồ ạt thành dịch ở trâu, bò trên diện rộng với 1.579 ổ dịch, làm chết 28.331 trâu, bò. Hai năm 1996-1997 bệnh đã bùng nổ ở trên 25 tỉnh, thành. Năm 1999 cả nước có 14.963 trâu, bò mắc bệnh với 2.292 con chết do bệnh. Theo Phan Huy Thụy (2000) ở Vĩnh Phúc trong 3 năm 1997-1999 đã có 212 ổ dịch THT trâu, bò với 1.610 con ốm và 557 con chết.
Theo báo cáo của Cơ quan Thú y Vùng VI quý I/2012 bệnh tụ huyết trùng trâu bò xảy ra ở 5 tỉnh Bình Thuận, Bến Tre, Ninh Thuận, Tiền Giang và Long An khiến trên 1.000 con bị bệnh, 16 con chết.
- Nguồn bệnh chính là các trâu bò mang trùng. Vi khuẩn ký sinh ở niêm mạc mũi, hầu và tuyến hạnh nhân. Trên đàn gia súc đã từng xảy ra bệnh, có đến hơn 40% trâu bò khoẻ mạnh vẫn mang trùng.
- Là bệnh truyền nhiễm có tính địa phương
- Bệnh xảy ra rải rác quanh năm ở hầu hết các tỉnh từ bắc vào nam
- Các ổ dịch thường phát sinh vào thời điểm nóng, ẩm mưa nhiều (từ tháng 6 đến tháng 9), làm cho đàn bò chết nhanh với tỷ lệ cao do nhiễm trùng huyết và viêm phổi cấp, vi khuẩn này có thể tồn tại từ 2 đến 4 tuần ở phân rác và chuồng trại ẩm ướt, thiếu ánh sáng
- Ngay ở bò khoẻ cũng có tỷ lệ mang vi khuẩn từ 5 đến 7% mà vẫn sống khoẻ mạnh, nhưng khi sức đề kháng của bò giảm thấp vì các yếu tố bất lợi như thay đổi thời tiết, vận chuyển thiếu thức ăn thì vi khuẩn sẽ trở nên cường độc, gây bệnh và làm cho bò chết rất nhanh.
V. Loài cảm thụ:
Trong tự nhiên hầu hết các loài gia súc, gia cầm, loài có vú và loài chim đều mẫn cảm với bệnh. Theo Lignieres (1900) ít nhất có 6 dạng bệnh tụ huyết trùng khác nhau: Ở gà, trâu, bò, lợn, cừu, dê, ngựa và chó, cả 6 dạng bệnh này đều thấy ở thỏ.
Theo De Alwis (1982) loài vật cảm nhiễm mạnh nhất đối với bệnh tụ huyết trùng là trâu, bò trong đó trâu mẫn cảm hơn bò. Bệnh có thể lây sang lợn, ngựa, chó… nên trong ổ dịch tụ huyết trùng trâu, bò cần chú ý phòng bệnh cho cả lợn, ngựa, chó, cả dê cũng dễ mắc bệnh. Nhiều tác giả khẳng định: Nơi nào có bệnh tụ huyết trùng trâu, bò thì ở đó người ta cũng phát hiện bệnh này trên động vật hoang dã (voi tại Srilanka, gấu tại Anh, báo tuyết tại Hymalaya) (Carter và CS, 1975). Tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết của các loài vật bị bệnh tụ huyết trùng trâu, bò phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Mức độ cảm nhiễm, sức đề kháng cơ thể, lứa tuổi, mùa vụ…
Bệnh xảy ra ở hầu hết các lứa tuổi, những con đang bú mẹ ít mắc hơn những con trưởng thành.Trâu, bò 1-3 tuổi dễ mắc hơn trâu bò già và khi mắc thì tỷ lệ chết cao hơn.Trâu bò càng béo, khỏe, trẻ càng dễ mắc bệnh và tỷ lệ chết cao. Bê, nghé dưới 6 tháng tuổi ít mắc bệnh. Theo De Alwis (1984) mức độ cảm nhiễm của động vật non mạnh hơn động vật già. Khi nghiên cứu dịch tại Srilanka tác giả cho biết tỷ lệ mắc bệnh đối với trâu bò dưới 2 năm tuổi là 30-32%, trong khi đó trâu, bò trên 2 năm tuổi chỉ mắc bệnh 3-5% ở bò và 8-9% ở trâu.
Bệnh tụ huyết trùng phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, khí hậu.Mustafa và cs (1978) nghiên cứu về ảnh hưởng của mùa vụ tới bệnh tụ huyết trùng đã nhận xét bệnh thường liên quan tới điều kiện khí hậu ẩm ướt.Ở các nước Châu Á bệnh tụ huyết trùng tập trung vào các tháng và mùa khác nhau trong năm. Ở Lào bệnh phát ra từ tháng 4 đến tháng 8, ở Pakistan bệnh xảy ra rải rác quanh năm song thường ở tháng 4 đến tháng 6 hàng năm (FAO, 1991).
Naipet.com