1. Căn bệnh do Rotavirus:
Rotavirus là virus thuộc họ Reoviridae (RNA virus), phân chia thành các serogroup, serotyp và subgroup. Rotavirus gây bệnh tiêu chảy ở nhiều loài động vật kể cả người.
Bê thường mắc bệnh bởi các serotyp group A, các serotyp group B ít gặp hơn. Các bê tuổi dưới 14 ngày thường dễ mắc bệnh bởi các Rotavirus trong đường ruột, đa số bệnh xảy ra vào tuần lễ đầu của đời sống. Tỷ lệ mắc bệnh có thể cao (50-100%) và tỷ lệ chết thay đổi. Các triệu chứng bệnh và tỷ lệ chết của bê chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bao gồm: mức độ miễn dịch, số lượng và loại serotyp của virus, stress, nhốt chật chội. Các bê SPF bị nhiễm Rotavirus thường bị tiêu chảy nhẹ và bình phục nhanh. Trong điều kiện tự nhiên, bê có thể bệnh ở các mức độ : không rõ, nhẹ, vừa hoặc gây chết. Giống như ở trường hợp các bệnh đường ruột khác, thú càng nhỏ tuổi càng dễ mắc bệnh nặng vì mất nước, chất điện giải.
Bê tiêu chảy vọt cần câu
Thông thường Rotavirus hay phối hợp với các mầm bệnh khác như ETEC và Cryptosporidium parvum gây bệnh tiêu chảy ở bê. Rotavirus thường mở đường cho E.coli (nhóm ETEC hoặc AEEC).
Các Rotavirus thường chỉ gây viêm ở ruột non với đặc điểm phá hủy các tế bào nhung mao, các tế bào hình trụ sẽ bị thay thế bởi các tế bào hình vuông ở các hố (crypt). Mặc dù các tế bào mới chưa trưởng thành này có tính đề kháng với virus nhưng chúng không đủ khả năng làm nhiệm vụ tiêu hóa hoặc hấp thu như bình thường vì thiếu disaccharidase và hoạt tính ATPase. Vì thế bệnh tiêu chảy do Rotavirus có đặc điểm kém tiêu hóa và kém hấp thu. Hơn nữa, các tế bào của các hố ruột tiếp tục nhiệm vụ tiết nên chẳng bao lâu sự tiết sẽ nhiều hơn sự hấp thu nên càng làm cho thú tiêu chảy thêm. Ap suất thẩm thấu ở lòng ruột tăng lên sẽ làm rút nước và các chất như lactose ra và các chất khác sẽ lên men trong ruột già tạo ra các acid béo bay hơi. Thú bị mất nước và chất điện giải, nếu bệnh nặng sẽ gây ra acidosis.
2. Triệu chứng bệnh do Rotavirus:
Không có triệu chứng nào đặc biệt riêng cho Rotavirus nên cần phân biệt với bệnh do ETEC hoặc các tác nhân khác trong ruột. Ngoài ra, cảm nhiễm có thể không có triệu chứng, nhẹ, vừa hoặc nặng là do số lượng, serotyp của virus, miễn dịch của bê, tình trạng stress.
Thú uể oải, giảm bú, tiêu chảy, mất nước là các triệu chứng chính. Một số con bệnh có thể sốt, chảy nước bọt, nằm quị. Phân thường có nhiều nước và có màu vàng nhưng nếu bị nhiễm nhiều loại mầm bệnh khác thì màu sắc có thể thay đổi.
Các triệu chứng uể oải, mất nước, shock thường xảy ra ở các bê non (dưới 5 ngày tuổi) và bệnh ít xảy ra trên bê lớn hơn 2 tuần tuổi. Các thú nằm quị thường đi tiêu phân rất nhiều nước và bụng chướng lên ở phần bụng phải với ruột non chứa đầy chất lỏng.
3. Chẩn đoán bệnh do Rotavirus:
Cần xác định căn bệnh ở trong phân của bê mắc bệnh cấp tính, phân phải được lấy trong vòng 24 giờ đầu tiên kể từ lúc mắc bệnh và tiêu chảy. Phân được gởi tới phòng thí nghiệm.
Lấy mẫu phân trên bê bị tiêu chảy do Rotavirus
để kiểm tra dưới kính hiển vi điện tử để phát hiện các hạt Rotavirus. Hoặc làm phản ứng ngưng kết với hạt latex hay phản ứng ELISA để phát hiện kháng nguyên của virus. Các test khác có thể làm như RIA nhưng thường chỉ dùng trong nghiên cứu chứ không dùng chẩn đoán. Ngoài ra có thể làm phản ứng miễn dịch huỳnh quang với vết phết niêm mạc ruột trong trường hợp thú bị chết bệnh.
4. Điều trị bệnh do Rotavirus:
Nguyên tắc điều trị cũng tương tự như đối với các bệnh ETEC và Coronavirus. Cũng giống như trường hợp Coronavirus truyền dịch (chất điện giải và năng lượng) ít hiệu quả do cơ chế sinh bệnh khác nhau và chỉ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu. Tuy nhiên cho uống chất điện giải cũng có thể giúp con vật khỏe lên trong giai đoạn chờ niêm mạc ruột phục hồi. Tiêu chảy có thể kéo dài hàng tuần lễ do bị viêm ruột non-ruột già nặng. Kháng sinh cũng có thể được chỉ định để tránh nhiễm trùng kế phát do vi khuẩn.
5. Kiểm soát bệnh do Rotavirus:
Các biện pháp quản lý giúp giảm khả năng tiếp xúc với mầm bệnh. Cần dọn rửa chuồng bò đẻ sạch sẽ trước khi đưa vào, cách ly ngay con sơ sinh với mẹ (tránh tiếp xúc với phân), đặt bê vào một chuồng sạch và cho bú sữa đầu với các dụng cụ không bị nhiễm trùng.
Một loại vaccin sống giảm độc cho uống dùng cho bê sơ sinh trước khi cho bú sữa đầu nhưng vì khá phiền toái và dễ bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn vì sữa đầu sẽ bị giữ lại nhiều giờ do kết hợp với vaccin.
Phương pháp được cho là phù hợp nhất là tăng cường kháng thể trong sữa đầu để bảo vệ bê chống xâm nhiễm của Rotavirus. Nếu sữa đầu chỉ được cho bú trong vòng 1 hoặc 2 ngày thì sự bảo vệ tại chỗ sẽ giảm sút và bê trở nên mẫn cảm với bệnh. Tiếp tục cho uống sữa đầu là điều lý tưởng và có thể phối hợp sữa đầu của nhiều bò mẹ. Cho bú lần đầu với loại sữa đầu chứa hàm lượng kháng thể cao sẽ tạo ra đủ số kháng thể trong máu bê và các kháng thể tiết IgG1 có thể được chuyển vào ruột.
Bò cái thường được tiêm phòng với loại vaccin vô hoạt vào lúc 6 tuần và 3 tuần trước khi sinh và sau đó hàng năm tiêm nhắc 1 lần vào khoảng 4 tuần trước khi sinh.
Tóm lại, hiện nay các biện pháp kiểm soát bệnh bao gồm:
- Giảm cơ may tiếp xúc với mầm bệnh.
- Tiêm vaccin chết cho bò chửa (có thể chứa Rotavirus và Coronavirus).
- Bảo đảm bê bú được sữa đầu và nếu có thể cho bê uống sữa đầu trong 30 ngày
Naipet.com