Escherichia coli là vi khuẩn thường trú trong đường tiêu hóa của thú máu nóng và gặp ở khắp nơi trong môi trường chung quanh. Bệnh do E. coli có thể ở dạng khu trú trong ruột hoặc bại huyết và là bệnh gây tỷ lệ chết cao nhất ở thú non. Các biện pháp chăm sóc quản lý yếu kém thường mở đường cho bệnh xảy ra.
E. coli là trực khuẩn Gram âm, có cấu trúc kháng nguyên bao gồm kháng nguyên O có nguồn gốc từ thành tế bào, kháng nguyên giáp mô (K), kháng nguyên pili hoặc tiêm mao (fimbriae) gọi là kháng nguyên F, cũng như kháng nguyên chiên mao (flagella) gọi là H. Kháng nguyên F đôi khi được xếp vào nhóm kháng nguyên K nhưng hiện nay nên phân biệt.
Cấu trúc của vi khuẩn E. coli
Kháng nguyên thân O (somatic antigen) là thành phần polysaccharid của lipo-polysaccharid trong khi kháng nguyên K có bản chất carbohydrate. Kháng nguyên F và H là các protein. Kháng nguyên O gây ra nội độc tố. Kháng nguyên K được cho là giúp cho sự bám của vi khuẩn vào tế bào ruột (enterocyte). H có nhiệm vụ trong di chuyển và F có vai trò đặc hiệu trong tính bám dính và gây bệnh của E. coli.
Bám dính hoặc xâm nhập được vào tế bào ruột là điều cốt yếu để E. coli có thể gây bệnh. Ngoài ra kháng nguyên K và F cũng rất quan trọng. Một số E. coli tạo ra độc tố đường ruột (enterotoxine) gây tiêu chảy nặng. Hiện có một số kiểu phân nhóm dựa vào tính cường độc, khả năng gây bệnh tích tế bào và triệu chứng lâm sàng:
- EPEC (enteropathogenic E. coli)
- ETEC (enterotoxigenic E. coli)
- AEEC (attaching effacing E. coli)
- EIEC (entero-invasive E. coli)
- EHEC (entero-hemorhagic E. coli)
- SLTEC (Shigella-like toxin producing E. coli).
Các cách phân chia nói trên thường dễ bị các nhà thú y nhầm lẫn vì một số kiểu chồng lắp và có thể một số dòng E. coli gây bệnh theo nhiều kiểu. Thí dụ: một ETEC có thể cũng được xếp vào EPEC. Cũng như các vi khuẩn EPEC có thể gây bệnh bằng cách bám vào tế bào ruột và phá hủy các vi nhung mao ruột gây kém hấp thu. Một số EPEC sinh độc tố gây tổn thương niêm mạc ruột và cũng giúp bám dính. Ngoài ra, ETEC có thể bám dính bằng tiêm mao mà không gây tổn thương tế bào ruột, tiết enterotoxin gây tiêu chảy. Cơ chế của nó là gia tăng hoạt động của c.AMP (cyclic Adenosin Mono-Phosphate) hoặc c.GMP (cyclic Guanosine monophosphate). Các E. coli gây xuất huyết và phá hủy các vi nhung mao thường xảy ra ở ruột già, sinh ra cytotoxin được mô tả giống Shigella. Cả EPEC và EHEC gây bệnh không cần enterotoxin. Còn có một số chủng E. coli sinh yếu tố hoại tử tế bào (cytotoxic necrotizing factor – CNF) là loại độc tố được di truyền qua plasmid, tìm thấy trên các chủng gây bại huyết ở bê sơ sinh.
E. coli gây ra 3 thể bệnh chính trên bê, nghé:
- Bệnh bại huyết do E. coli trên bê, nghé (do EPEC)
- Tiêu chảy do sinh độc tố đường ruột (do ETEC)
- Tiêu chảy dạng khác do E. coli (do AEEC và SLTEC)
I. BỆNH BẠI HUYẾT DO E. COLI TRÊN BÊ, NGHÉ (DO EPEC)
1. Căn bệnh:
Bại huyết do E. coli trên bê mới sinh thường liên quan đến tình trạng bê không được thừa hưởng miễn dịch thụ động qua sữa đầu hoặc sữa đầu có chất lượng kém. Ngoài ra nó còn là bệnh do quản lý kém. Thú sơ sinh tiếp xúc với mầm bệnh trong điều kiện không được bảo hộ đầy đủ sẽ mắc bệnh. Khu vực chuồng đẻ bẩn, bụi bặm hoặc quá đông, không sát trùng cuống rốn kỹ là các yếu tố mở đường cho bệnh xảy ra.
Nhiều chủng E. coli có thể gây nhiễm trùng cơ hội (opportunnistic infection) cho bê sơ sinh. Các kháng nguyên O gồm: 12, 26, 45, 78, 86, 115, 117 và 137 (Besser, 1985) hoặc O: 1, 2, 8, 20, 117, 55, 26 và 78 (Holland, 1990); O: 15, 16, 35, 78, 86, 115, 117, 137 (Brumer, 1973). Có sự khác biệt vì tùy theo điều kiện địa lý hoặc môi trường.
Các chủng gây bại huyết (septicemia) ở bê con cũng chứa các plasmid (Vr. plasmid) hoặc colicin V. plasmid). Trường hợp sữa đầu có đủ lượng kháng thể bảo đảm ít ra 1000 IgG mg/dl huyết thanh (10 mg/ml huyết thanh ) hoặc tốt hơn là 1600 mg/dl huyết thanh cho bê sẽ bảo hộ chống bệnh. Bê hấp thu lượng kháng thể ít hơn 500 mg IgG/dl rất dễ bệnh.
Vì IgG là thành phần Immunoglobulin chính và có tương quan với hàm lượng IgM và IgA, nó được dùng làm chỉ tiêu khảo sát về miễn dịch ở sữa đầu (colostrum) cũng như huyết thanh trên bê. Tuy nhiên Gay cho biết IgM là thành phần quan trọng nhất để chống bệnh bại huyết do E. coli và hàm lượng tối thiểu phải hơn 80 mg IgM/dl huyết thanh.
Bại huyết do E. coli xảy ra từ 1-14 ngày tuổi. Đường xâm nhập có thể qua cuống rốn, ruột hoặc đường mũi cũng như niêm mạc miệng, yết hầu. Các triệu chứng lâm sàng xuất hiện nhanh chóng và thường rõ rệt sau 24 giờ. Bê có được bảo hộ phần nào hoặc do chủng E. coli ít độc có thể gây bệnh mãn tính hơn.
Các bê mắc bệnh bại huyết sẽ bài xuất E. coli trong nước tiểu, chất tiết mũi, miệng, sau đó là qua phân nếu còn sống đến giai đoạn tiêu chảy. Vì vậy sự truyền lây xảy ra trong các chuồng nhốt chung bê hoặc quá đông hay trong chuồng đẻ quá bẩn. Ngoài ra, vi khuẩn phát tán qua nước tiểu hoặc gây ô nhiễm các máng ăn chung qua chất tiết mũi, miệng.
2. Triệu chứng:
Thể quá cấp: thú uể oải, yếu ớt, tim đập không đều (tachycardia) và nhất là bị mất nước. Tuổi bệnh: thường dưới 7 ngày tuổi, có khi dưới 24 giờ tuổi, sốt có thể nhận thấy lúc bắt đầu khởi bệnh nhưng thường diễn ra trước khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện do tác động của độc tố và bại huyết. Thú bệnh thể quá cấp nằm một chỗ và thân nhiệt có thể giảm. Phản xạ bú giảm hoặc không có. Các niêm mạc bị xuất huyết. Thú bị kích động hoặc biểu hiện viêm màng não. Một số con bị sưng cuống rốn. Tiêu chảy có thể thấy nếu bê còn sống sót lâu hơn.
Thể cấp: tuổi bệnh thường dưới 14 ngày tuổi và thường có sốt, tiếp đó là cuống rốn sưng, tiêu chảy, một số khớp bị sưng nóng, thú có thể có triệu chứng thần kinh.
Thể mãn: con vật yếu ớt, giảm trọng, hay nằm một chỗ, viêm khớp. Các triệu chứng thể cấp của bệnh có thể khó phân biệt với nhóm ETEC do cũng có mất nước, yếu ớt. Tuy nhiên thú bệnh bại huyết ít mất nước hơn cũng như ít tiêu chảy lỏng hơn so với ETEC.
Huyết học: thể tích tế bào máu tăng do mất nước và shock nội độc tố. Tổng số bạch cầu thay đổi và thường thấp hơn hoặc ở mức trung bình, có thể thấy tình trạng nghiêng tả.
Giảm glucose huyết (hypoglycemia) thường thấy và tình trạng acidosis mặc dù ít trầm trọng hơn so với ETEC. Nuôi cấy máu là biện pháp chẩn đoán hữu hiệu nhưng không kịp thời.
3. Chẩn đoán:
Khi có triệu chứng lâm sàng khiến nghi ngờ bệnh bại huyết do E. coli, nên phân tích hàm lượng kháng thể trong huyết thanh của bê. Mặc dù tình trạng mất nước có thể làm tăng hàm lượng protein huyết thanh nhưng cũng có thể có ích lợi. Tổng số protein huyết tương ở thú bình thường > 6 g/dl hoặc tổng số protein huyết thanh > 5,5-6 g/dl ở bê 24 giờ tuổi.
Người ta có thể dùng một bộ kit chứa dung dịch sodium sulfit để làm kết tủa Ig (có bán trên thị trường). Có 3 nồng độ của sodium sulfit và cứ 9 ml mỗi nồng độ trên (xem bảng) ta cho thêm vào 0,1 ml huyết thanh bê và để yên 1 giờ. Đọc kết quả như sau:
Các thử nghiệm khác dùng để đánh giá nhanh miễn dịch thụ động bao gồm; 10% glutaraldehyde (tỷ lệ huyết thanh: thuốc thử là 10:1), phản ứng ngưng kết xảy ra hoàn toàn khi mức globulin > 600 mg/dl huyết thanh.
Nuôi cấy máu cho chẩn đoán xác định nhưng thường cho kết quả quá chậm nên ít có giá trị thực tiễn.
4. Điều trị:
Điều trị các trường hợp quá cấp tính của bệnh bại huyết do E. coli: ít có kết quả vì độc tố vi khuẩn đã có quá nhiều trong máu. Các triệu chứng tiến triển quá nhanh nên hầu hết bê đều ngã và hôn mê khi người thú y đến chẩn đoán. Các tình trạng shock, acidosis do acid lactic tạo nên, hypoglycemia và nhiều cơ quan phủ tạng không hoạt động là những dấu hiệu của bệnh quá cấp.
- Đầu tiên nên cân bằng chất điện giải bằng cách truyền vào tĩnh mạch dung dịch glucose và bicarbonate. Dùng corticosteroid và flunixin meglumine (0,5 g/kg) đưa vào TM cùng với kháng sinh như Gentamycin, Amikacin, Enrofloxacin hay Trimethoprim-sulfa có tác dụng rất hiệu quả chống vi khuẩn Gram âm. Điều trị như thế đối với thú non có nghĩa là ”chữa được thì sống”.
- Cần thận trọng khi dùng các thuốc có khả năng hại thận cho thú bị mất nước.
- Nếu các điều trị trên giúp con vật ổn định lại thì có thể truyền khoảng 2 lít máu (không có virus BLV hoặc BVD) tuy nhiên tính ra chỉ độ 20 ml huyết tương bò cho 1 kg thể trọng của bê, không đủ số lượng kháng thể Ig trong máu. Nên cấp 40 ml/kg thể trọng bê thích hợp hơn.
Bại huyết do E. coli thể cấp tính có shock: có thể điều trị bằng tiêm kháng sinh liều cao vào tĩnh mạch, truyền dịch, truyền máu. Có thể điều trị triệu chứng cục bộ bằng các biện pháp đặc hiệu. Thí dụ bê bị viêm màng não có thể dùng Diazepam để trị các cơn thần kinh, thú bị viêm khớp cũng cần rửa và diệt trùng ổ khớp.
Bệnh thể mãn: thường gây suy nhược, viêm nhiều khớp và tiêu chảy. Tiên lượng thường xấu. Mặc dù biểu hiện yếu ớt, mất nước, gầy còm nhưng các bê này thường có cân bằng acid-base ở mức bình thường cũng như chất điện giải nên truyền dịch cũng không hữu hiệu.
5. Phòng bệnh:
Dùng sữa đầu và biện pháp quản lý.
Các trường hợp bệnh bại huyết do E. coli thường chỉ rải rác, nhưng nếu có tình trạng bệnh xảy ra, ta cần phải đánh giá các biện pháp quản lý có liên quan đến bò cái khô, bò mang thai và bê sơ sinh. Cần trả lời 2 câu hỏi cơ bản:
1. Các bê sơ sinh có được cho bú đủ số lượng sữa đầu có chất lượng tốt ngay sau khi sinh?
2. Môi trường có chứa số lượng lớn E. coli trong giai đoạn bò cái mang thai và khi sinh?
Hai câu hỏi trên có liên quan đến bò mẹ và bê sơ sinh. Sản xuất sữa đầu có chất lượng tốt là do ở bò cái, trong khi số lượng và thời điểm cho uống sữa đầu lại là vấn đề của người quản lý. Một số thông tin cần tham khảo dưới đây:
- Immunoglobulin từ mẹ truyền được tập trung tại tuyến vú của bò qua một cơ chế vận chuyển tích cực trong vài tuần lễ cuối của thai kỳ. Mặc dù IgG1 là loại chuyển qua sữa nhiều nhất. IgG2, IgM và IgA cũng thấy có nhiều. Colostrum chứa lượng IgG cao hơn nhiều lần so với ở huyết thanh thú mẹ và làm giảm thấp tạm thời lượng IgG1 ở thú mẹ.
- Cần khoảng thời gian 40 ngày – 90 ngày không vắt sữa sẽ giúp tạo colostrum chất lượng tốt. Thú sinh lần đầu có hàm lượng kháng thể trong sữa đầu thấp hơn so với bò sinh nhiều lần.
- Một số dòng trâu bò có thể cho sữa đầu có kháng thể thấp. Thí dụ bò thịt có mức cao hơn bò Holstein. Điều này phản ánh sự chọn lọc di truyền hoặc phản ánh tác động pha loãng của số lượng sữa sản xuất ra nhiều hơn ở bò sữa so với bò thịt.
Đánh giá sữa đầu dựa trên bề dầy của lớp kem là phương pháp không tốt. Phương pháp thông dụng là dùng colostrometer, một loại đo lường tỷ trọng riêng của sữa có thể gián tiếp đo hàm lượng chất khô và trong đó có hàm lượng Immunoglobulin. Nhiệt độ cần để đo chính xác là 20 độ C . Tỷ trọng sữa đầu trên 1,050 ở 20 độ C cho ta đánh giá mức đầy đủ Immunoglobulin (hàm lượng trên 30 mg IgG1/ml) để có thể truyền được 100 mg IgG1 (theo nhu cầu một bê Holstein trong 12 giờ đầu tiên ).
Ngoài colostrum, các biện pháp quản lý cần chú ý loại trừ khả năng nhiễm E. coli. Thú mang thai không được nuôi ở môi trường quá bẩn vì vi khuẩn nhiễm vào bộ lông cũng như vào vú. Cần dọn rửa sạch chuồng bò đẻ hoặc chuồng nuôi bê và tẩy trùng. Các thú sơ sinh không nhốt chung thành nhóm để tránh tiếp xúc nhau, cần giữ chuồng sạch và trực tiếp cho bú sữa đầu hơn là để chúng tự bú lấy số lượng cần thiết. Cần nhớ là không thể bảo vệ hoàn toàn bê nếu chỉ dựa vào sữa đầu chống lại các điều kiện ngoại cảnh, một số bê bú ít hay không được bú sữa đầu cũng có thể sống sót nếu điều kiện vệ sinh chuồng trại hoàn hảo.
Đọc tới đây chắc các bạn đã nắm một phần nào về bệnh do E. coli gây ra trên bê, nghé. Nếu có thắc mắc gì về nội dung, xin comment cho chúng tôi và chúng tôi rất hân hạnh trả lời câu hỏi.
Naipet.com