Virus Cúm Và Bệnh Cúm Gia Cầm

0

Virus gây bệnh cúm bao gồm ba type: type A, type B và type C. Căn cứ vào sự hiện diện của các glycoprotein bề mặt (Glycoprotein gây ngưng kết hồng cầu: Hemagglutinin (HA) và men tan nhầy Neuraminidase (NA). , virus thuộc type A được chia thành các phân type (subtype). HA và NA được gọi là các yếu tố kháng nguyên của virus. Các type của virus cúm

Virus cúm với các yếu tố kháng nguyên H và N, lớp màng bao (envelop), protein liên kết (matrix protein M1, ribonucleoprotein: RNP
Các subtype của virus cúm A và virus cúm B bao gồm các chủng khác nhau.

virus-cum-va-benh-cum-gia-camCấu trúc kháng nguyên của virus cúm. Virus cúm với các yếu tố kháng nguyên H và N, lớp màng bao (envelop), protein liên kết (matrix protein M1, ribonucleoprotein: RNP

Các yếu tố H và N do các gene quy định nên khi các gene biến đổi, những yếu tố kháng nguyên này biến đổi theo. Có hai loại biến đổi ở mức độ phân tử:
Các đột biến điểm (point mutations): Thường sảy ra trên hai gene mã hóa các thành phần kháng nguyên dẫn đến các biến đổi nhỏ của H và N (người ta dùng thuật ngữ biến đổi trôi dạt – antigenic drift để mô tả các đột biến kiểu này). Kết quả hình thành nhiều kiểu kháng nguyên H và N khác nhau được ghi nhận bằng các ký hiệu H1, H2, H3 v.v. và N1, N2, N3, v.v. Vì vậy để ký hiệu mỗi loại virus ta dùng một nhóm gồm hai ký hiệu một từ H và một từ N như: H1N1, H1N2, H2N2, H5N1…. Điều đáng lưu ý là kết quả của biến đổi trôi dạt dẫn đến sự ra đời của chủng virus cúm mới mà kháng thể đối với các chủng virus trước nó không nhận ra được. Đây là nguyên nhân tại sao một người đã bị nhiễm virus cúm nhưng vẫn có thể bị nhiễm trở lại và chương trình giám sát dịch cúm phải được tiến hành chặt chẽ để đánh giá sự thay đổi của các chủng virus từ đó quyết định chủng virus nào nên được đưa vào danh sách sản xuất vaccine. Cũng chính vì thế, những người muốn miễn dịch với virus cúm cần được tiêm vaccine hàng năm.
Các biến đổi lớn có tính chuyển đổi (antigenic shift) sảy ra khi virus cúm nhiễm từ loài này sang loài khác hoặc do trộn lẫn, tái tổ hợp gene của virus cúm ở các loài khác nhau (ví dụ giữa virus cúm A ở người và virus cúm A ở gia cầm). Khi loại biến đổi này sảy ra sẽ cho ra đời một phân type virus mới mà tác hại của nó khó thể lường trước được. Đây cũng là một trong những yếu tố để một đại dịch bùng phát.

Các loài bị nhiễm virus

1. Nhiễm virus cúm A (influenza type A):

Căn cứ vào đặc tính gây bệnh và cấu trúc di truyền , virus cúm A còn được phân thành hai loại: Loại có độc lực cao (hay tính gây bệnh cao): highly pathogenic (HPAI) và loại có tính gây bệnh thấp: low pathogenic (LHAI). Hầu hết các virus A đều có tính gây bệnh thấp và thường gây ra các triệu chứng nhẹ ở gia cầm. Ngược lại, các virus có độc lực cao có thể gây bệnh nặng và nhiều khi gây chết gia cầm mắc bệnh. Tuy nhiên có loại virus độc lực cao (như H5N1) lại không gây bệnh ở một số loài chim trong đó có vịt. Một điều phải chú ý là các loại độc lực thấp có thể biến đổi thành loại độc lực cao.
Các loài chim hoang dã, gia cầm, lợn, ngựa và một số động vật khác là đối tượng có thể trở thành vật chủ của tất cả các subtype của virus cúm A.
Các loài gia cầm như gà và gà tây khi nhiễm virus cúm A có thể biểu hiện triệu chứng cúm điển hình và nhiều khi bị chết.
Có sự khác nhau đáng kể trong bộ gene giữa các phân type A chỉ nhiễm ở người và các phân type nhiễm cả ở người và gia cầm.

Các virus cúm A đã được xác định nhiễm cả người và gia cầm bao gồm:

  • Cúm A H5: Gồm 5 phân type đã được xác đinh, trong đó nhóm có độc lực cao H5N1 đã và đang lưu hành tại châu Á và châu Âu.
  • Cúm A H7: Gồm 9 phân type đã được xác đinh. H7 có thể nhiễm từ các loài chim hay gia cầm mang virus sang người. Người bị nhiễm các virus H7 có thể biểu hiện triệu chứng từ viêm kết mạc mắt hay các triệu chứng tổn thương đường hô hấp trên hoặc cả hai. Đặc biệt, H7 hiện diện trong cả nhóm có độc lực thấp và nhóm có độc lực cao. Nhìn chung, H7 có thể gây bệnh cho người từ biểu hiện các triệu chứng dạng nhẹ cho đến tử vong.
  • Cúm A H9: Gồm 9 phân nhóm có thể nhiễm ở người (ít sảy ra và có độc lực thấp).

2. Virus cúm B (influenza type B):

Thường chỉ phát hiện thấy ở người và không bao gồm các phân type. Virus cúm B cũng có thể gây bệnh nặng cho người nhưng ít gây thành dịch như virus cúm A.

3. Virus cúm C (influenza type C):

Người bị nhiễm virus cúm C có thể biểu hiện các triệu chứng ở dạng nhẹ. Virus cúm C không gây thành dịch.

virus-cum-va-benh-cum-gia-cam 1Bệnh cúm gây ra trên nhiều loại động vật khác nhau, trong đó có con người

Điều kiện để đại dịch cúm sảy ra một đại dịch cúm (mang tính toàn cầu) sảy ra nếu hội tụ các điều kiện sau:

  • Một phân type mới của virus cúm A được tạo ra và lưu hành trong cộng đồng
  • Loại virus này gây các triệu chứng trầm trọng
  • Virus này có thể lây từ người Đường lây truyền sang người theo một phương thức truyền lây có tính ổn định.

Việc giám sát và xác định các điều kiện trên vô cùng quan trọng trong công việc phòng và trị bệnh.

BỆNH CÚM GIA CẦM, NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG BỆNH CHO VẬT NUÔI

1. Nguyên nhân:

Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm type A thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Virus cúm A gây bệnh cho gia cầm, một số loài động vật có vú và người. Bệnh cúm gia cầm động lực cao (HPAI) được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) xếp vào danh mục bảng A. Biến chủng H5N1 của virus cúm gà bắt đầu hoành hành từ năm 1997. Trước đây, loại virus này chỉ gây bệnh cho gia cầm, song hiện nay lại gây bệnh cho cả thủy cầm và động lực của nó rất mạnh. Type virus này có tính biến dị cao, có thể kết hợp với các type khác sinh ra đại dịch. Virus lây lan mạnh trong điều kiện độ ẩm cao và nhiệt độ lạnh. Virus cúm cư trú trên các loài thủy cầm di cư như: cò ngỗng trời, vịt trời… nên khả năng lây lan bệnh rất rộng và khó kiểm soát. Hiện nay, không một quốc gia nào khẳng định có đầy đủ phương tiện và kỹ thuật để ngăn ngừa, chống lại đại dịch cúm này nếu điều đó xảy ra.

Loài mắc bệnh: gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, đà điểu, các loài chim…

2. Triệu chứng của bệnh

  • Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 21 ngày, có trường hợp kéo dài đến 28 ngày.
  • Gà bị bệnh cúm thường sốt cao, chảy nước mắt, đứng tụm một chỗ, lông xù, phù đầu và mắt, da tím tái, chân xuất huyết, chảy nước dãi, mào và yếm tím tái.
  • Tỷ lệ mắc bệnh cúm và chết tùy thuộc vào loài vật mắc bệnh, động lực của virus gây bệnh cũng như tuổi mắc và điều kiện môi trường. Trường hợp virus gây bệnh có động lực cao, gà có thể chết 100%.
  • Ngoài ra, khi gà bị cúm còn có thêm biểu hiện ăn ít, giảm sản lượng trứng, một số con còn có biểu hiện bị co giật.

3. Đường lây truyền

Trực tiếp: Bệnh chuyển từ con nhiễm bệnh cho con khỏe.

Gián tiếp: Bệnh truyền thông qua không khí, dụng cụ chăn nuôi, xe cộ, phân rác, thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh.

4. Phòng bệnh

Các trại chăn nuôi gia cầm áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để ngăn chặn mầm bệnh lây lan vào trại.

Đổi mới phương thức chăn nuôi: Chăn nuôi tập trung, cách xa khu dân cư theo quy trình khép kín là điều kiện hàng đầu trong phòng bệnh. Cần tổ chức mạng lưới cung ứng vắc-xin đầy đủ và kịp thời để người dân chủ động tiêm phòng cho đàn gia cầm với tỉ lệ 100%.

Với các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, dụng cụ bảo hộ lao động và người vào trại phải được tiêu độc, khử trùng. Thức ăn nước uống, chất độn chuồng phải đảm bảo không chứa mầm bệnh. Ngoài ra, người chăn nuôi nên đăng ký với trạm thú y trên địa bàn để thẩm tra điều kiện vệ sinh thú y và cấp chứng nhận cho phép chăn nuôi. Đăng ký với trạm thú y để tiến hành lấy mẫu huyết thanh xét nghiệm virus cúm theo quy định.

Thường xuyên sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, vệ sinh thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi. Hạn chế tối đa người ra vào trại, phương tiện vận chuyển trước khi vào trại phải qua hố sát trùng ở cổng, đồng thời thường xuyên thay thuốc sát trùng tại các hố trước cổng để ngăn chặn virus từ bên ngoài xâm nhập vào qua các phương tiện vận chuyển.

Tiêm phòng vắc-xin H5N1 cho gà, vịt. Gà 2 – 5 tuần tuổi 0,3ml/con; trên 5 tuần tiêm 0,5ml/con; sau đó 4 tháng tiêm nhắc lại 1 lần. Vịt 2 – 5 tuần tuổi tiêm 0,5ml/con; sau 28 ngày tiêm nhắc 1ml/con; sau đó 4 tháng tiêm nhắc 1 lần.

Cho gia cầm ăn đầy đủ khẩu phần các loại cám có chất lượng tốt và ổn định, cho uống thêm B.Complex giúp cho gia cầm khỏe mạnh tăng sức đề kháng với bệnh. Ngoài vaccine cúm gia cầm tiêm theo sự hỗ trợ của Nhà nước cần tiêm phòng định kỳ, đầy đủ các loại vacxin thông thường như: Marek gà; Gumboro gà; đậu gà; tả gia cầm; tụ huyết trùng gia cầm theo lịch của cơ quan thú y địa phương, giúp cho gia cầm miễn dịch với các bệnh này.

Chỉ nên mua gia cầm khỏe mạnh được tiêm phòng đầy đủ và có nguồn gốc rõ ràng để nuôi. Lưu ý khi mua gia cầm về nên nhốt riêng cách xa đàn gia cầm gia đình đang nuôi, cho uống thuốc bổ trong vòng 10-15 ngày bằng cách dùng nước sạch hòa với B.complex cho uống 2 lần/ngày vào sáng và tối, sau thời gian cách ly thấy gia cầm khỏe mới thả vào nuôi chung với đàn gia cầm đang nuôi.

Những ngày thời tiết lạnh, thả gia cầm muộn và nhốt sớm. Duy trì nhiệt độ chuồng nuôi và nhốt gia cầm theo ngày tuổi, tháng tuổi. Giữ chuồng luôn khô sạch, vệ sinh chuồng trại định kỳ bằng các loại thuốc sát trùng có hiệu quả dài ngày (loại thuốc có thành phần Iot như Han Iodine 10%), khoảng 7-10 ngày phun/lần sau khi dọn chất độn chuồng.

Có thể cho gia cầm ngửi khói quả bồ kết định kỳ 5-7 ngày/lần, làm mũi gà thông thoáng, phòng hiệu quả các bệnh về đường hô hấp và tiêu diệt virus cúm, giúp gia cầm khỏe mạnh chống lại bệnh.

Khoảng 2-3 ngày cho gà uống nước tỏi pha loãng/lần. Đập dập 2-3 củ tỏi sống, để trong không khí 15-20 phút sau đem hòa với 10-15 lít nước đem cho gà uống, bã tỏi rải quanh chuồng cho gà ngửi mùi. Các chất kháng sinh thực vật có trong tỏi tiêu diệt mạnh virus cúm gia cầm.

Kiểm soát giết mổ: Xây dựng các lò giết mổ gia cầm tập trung để kiểm soát nguồn gốc và tình hình dịch bệnh, áp dụng dây chuyền giết mổ tự động và đóng gói sản phẩm khi đưa ra tiêu thụ.
Không buôn bán gia cầm sống tại các chợ và khu vực đông dân cư.

Tăng cường dinh dưỡng: Trong khẩu phần ăn hàng ngày của gia cầm đảm bảo đầy đủ dưỡng chất để tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Tiêu độc khử trùng: Phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần bằng các loại thuốc thông dụng như aldehyde (formol, glutaraldehyd), phenol, các phức hợp chứa Iodine, các loại hóa chất gây ôxy hóa (sodium dodecyl sulfate). Chúng đều có hiệu quả trong diệt trừ mầm bệnh ở ngoài môi trường, áo quần, dụng cụ, phương tiện vận chuyển.

Giám sát chặt sức khoẻ đàn gia cầm, phát hiện nhanh những biểu hiện bất thường như giảm ăn, giảm đẻ, gia cầm chết đột ngột đều phải lấy mẫu đi xét nghiệm.

Thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của gia cầm nuôi, chim và gia cầm hoang dã, ngăn ngừa lây truyền bệnh qua các nhân tố trung gian như thức ăn, nguồn nước, phương tiện vận chuyển, khách tham quan…

Khi có kết quả xác định bệnh cúm phải thực hiện tiêu huỷ toàn đàn và các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Naipet.com

Facebook Comments
Share.

Chat
1