Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp trên hệ tiết niệu của chó. Theo số liệu thống kê năm 2011 của Trạm Chẩn đoán Xét nghiệm và Điều trị – Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh, qua 1570 ca bệnh lý hệ tiết niệu được chẩn đoán bằng kỹ thuật siêu âm đã ghi nhận được 675 ca sỏi niệu (chiếm 43%). Sỏi tiết niệu là một trong những nguyên nhân gây suy thận mãn tính trên chó.
X-quang phát hiện sỏi
đường tiết niệu trên chó.
Tùy theo vị trí, sỏi tiết niệu bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo. Trên thực tế sỏi thận rất hiếm gặp ở chó vì đa số sỏi niệu được hình thành ở bàng quang.
Theo thành phần hóa học sỏi tiết niệu bao gồm sỏi struvite, sỏi urate, sỏi oxalate và sỏi cystin…( xem hình 1,2,3)Trên 50% sỏi bàng quang là sỏi struvite, còn lại là sỏi oxalate, sỏi urate và sỏi cystin. Sỏi struvite thường gặp trên chó cái. Sỏi tiết niệu xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến ở giai đoạn 4 – 6 năm tuổi.
Nhiễm trùng đường niệu do Staphylococcus spp là một yếu tố đáng lưu ý trong việc hình thành sỏi struvite.
Sỏi struvite (trái), Sỏi urate (phải)
Sỏi oxalate
Triệu chứng lâm sàng của bệnh lý sỏi tiết niệu trên chó là đi khom lưng, tiểu khó, tiểu lắt nhắt, tiểu không kiểm soát, tiểu ra máu hoặc bí tiểu. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp không có biểu hiện lâm sàng và chỉ được phát hiện tình cờ qua kiểm tra sức khỏe định kỳ. Chẩn đoán sỏi tiết niệu được thực hiện bằng phương pháp siêu âm hoặc chụp X-quang hệ niệu không dùng thuốc hoặc có dùng thuốc cản quang và xét nghiệm nước tiểu (hình 4,5,6,7).
Sỏi bàng quang trên chó cái:Viên sỏi (mũi tên đỏ) có hiện tượng tăng âm, kích thước đo được là 5,35 cm, kèm theo đó là vùng bóng lưng (mũi tên trắng).
Sỏi niệu đạo (mũi tên đỏ) trên chó đực, Sỏi cũng có hình ảnh đặc trưng là tăng âm và có bóng lưng. U: Urethral (niệu đạo); B: Bladder (bàng quang).
Sỏi thận hai bên với kích thước sỏi đo được lần lượt là 2,92 cm và 2,58 cm
Sỏi thận trái có kích thước 2,08 cm; thận phải ứ nước hoàn toàn, vùng vỏ thận mỏng (mũi tên xanh), vùng tủy thận có hồi âm trống (mũi tên tím).
Điều trị sỏi tiết niệu là một công việc rất phức tạp và lâu dài. Tùy vào vị trí sỏi, kích thuớc sỏi, thành phần hóa học của sỏi cũng như tình trạng ứ nước của thận để lựa chọn cách điều trị thích hợp: điều trị nội khoa hoặc điều trị ngoại khoa hoặc phối hợp cả hai phương pháp. Dưới đây xin gợi ý một vài phác đồ điều trị nội khoa sỏi tiết niệu.
Thuốc kháng sinh: Khi chó có các dấu hiệu của viêm thận, viêm bàng quang thì cần sử dụng một trong những loại kháng sinh có tác dụng trên đường tiết niệu để điều trị: Nhóm cephalosporin từ thế hệ thứ hai trở đi (cefuroxim, ceftriaxon, cefepim); Nhóm quinolon (norfloxacin, enrofloxacin). Cần lưu ý tránh các kháng sinh gây độc trên thận (như nhóm aminoside).
Thuốc giảm đau, an thần tác động đến hệ thần kinh trung ương: Sử dụng trong trường hợp thú có dấu hiệu đau quặn vùng thắt lưng, tuỳ thuộc vào mức độ đau mà có thể chọn một trong các loại thuốc sau: ketoprofen (cho uống 2 mg/kg thể trọng ngày đầu tiên, sau đó giảm còn 1 mg/kg thể trọng mỗi ngày); piroxicam (0,3 mg/kg thể trọng cho uống mỗi 2 ngày); diazepam (2 – 10 mg cho uống 3 lần mỗi ngày).
Thuốc chống co thắt, gây giãn cơ trơn, giãn niệu quản: No-spa, Spasfon.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Khẩu phần ăn ít đạm, ít khoáng…
Sử dụng thuốc bào mòn và làm tan sỏi: Thực tế ít có thuốc nào có khả năng làm tan sỏi. Mục đích sử dụng các thuốc này là làm thay đổi môi trường pH nước tiểu, làm giảm khả năng các tinh thể sỏi kết dính lại với nhau từ đó làm chậm quá trình hình thành sỏi:
- Ammonium chloride trong sỏi struvite: cho uống liều 200 mg/kg thể trọng/ngàychia làm 3 lần.
- Allopurinol trong sỏi urate: cho uống theo liều 30 mg/kg thể trọng/ngày chia làm 2– 3 lần.
- Methionine trong sỏi struvite: 0,2 – 1g cho uống mỗi ngày 3 lần.
Vũ Kim Chiến
Trạm Chẩn đoán Xét nghiệm và Điều trị
Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh
Naipet.com