Bệnh Dịch Tả Heo – Classical Swine Fever CSF

0

Là bệnh truyền nhiễm do virus lây lan mạnh ở heo với những đặc tính đặc trưng: lây lan mạnh, sốt cao, tỉ lệ heo bệnh và chết trong vùng dịch cao; heo cảm nhiễm ở mọi lứa tuổi với những tổn thương xuất huyết và hoại tử ở nhiều cơ quan nhất là đường tiêu hóa. Bệnh thường ghép với các bệnh Phó Thương Hàn, Tụ Huyết Trùng, gây thiệt hại kinh tế trong chăn nuôi heo nhiều năm qua ở Việt Nam…

benh-dich-ta-heo-classical-swine-fever-csf 1Thận xuất huyết điểm là bệnh tích đặc trưng của bệnh DTH

Do Pestivirus gây ra, có dạng hình cầu, cấu trúc khối, sức đề kháng tương đối cao 2 – 3 tuần ở chuồng trại, chịu đựng được điều kiện khô và lạnh rất tốt.

1. Truyền nhiễm học

a.) Chất chứa căn bệnh
Heo bệnh: máu chứa virus (nhiễm sau 24h) đến toàn cơ thể nhiễm virus trước khi có sốt. Virus có nhiều nhất ở hạch, lách.

Heo bệnh mãn tính: virus biến mất trong máu, hạch sau vài tuần, nhưng bài thải qua nước tiểu và nước dãi 2 – 3 tháng.

b.) Đường xâm nhập
Qua đường tiêu hóa vào hạch nhân, ruột non. Ngoài ra còn có thể xâm nhập qua đường niêm mạc sinh dục, hô hấp hoặc da trầy.

c.) Cách lây lan
Trực tiếp: do nhốt chung, đường sinh dục (giao phối), qua nhau (heo nái chửa).

Gián tiếp: chất bài tiết (nước tiểu, phân), thức ăn, thú sản (thịt heo bệnh), chuồng trại, dụng cụ, động vật truyền lây: người, ruồi, muỗi, rệp, chim.

benh-dich-ta-heo-classical-swine-fever-csf 2Đoạn ruột xuất hiện các nốt loét hình cúc áo

d.) Cách sinh bệnh:
Nung bệnh 3 – 8 ngày (có khi đến 22 ngày)
Virus theo đường tiêu hóa vào hạch hầu, amydal, hạch màng ruột. Sau đó vào máu gây bại huyết, sốt, rối loạn tuần hoàn và phân bố virus khắp các cơ quan trong cơ thể (niêm mạc tiêu hóa, hô hấp, thần kinh). Virus rất thích hạch, dẫn tới viêm hạch, giảm bạch cầu.

Virus còn tấn công vào các tế bào nội mạc mạch quản gây tắc mạch làm nhồi huyết ở lách, hoại tử ở ruột hay làm vỡ mạch, từ đó làm thấm xuất tương dịch, xuất huyết ở phủ trạng, dưới da. Virus hình thành mụn loét ở ruột già tạo bệnh tích tròn, hình cúc áo.

2. Triệu chứng:

Triệu chứng rất thay đổi, nên nghi dịch tả heo khi có sốt.

a.) Thể quá cấp:
Sốt cao (41 – 42 0C), da ửng đỏ, chết nhanh sau 1 – 2 ngày, thường gặp trên heo choai.

b.) Thể cấp tính

  • Ủ rũ, kém ăn, sốt (40,5 – 41,5 0C), liên tục 3 – 4 ngày.
  • Các triệu chứng thường gặp ở da, mắt, tiêu hóa, hô hấp, thần kinh:
  • Vùng da mỏng (mặt trong đùi, 4 chân, mõm, tai): xuất huyết bằng đầu đinh ghim hoặc lấm tấm hoặc thành mảng bầm tím.
  • Mắt: viêm kết mạc, đặc như mủ.
  • Tiêu hóa: khi giảm sốt heo tiêu chảy, ban đầu tháo sau đi táo, đôi khi nôn mửa, niêm mạc miệng có nốt loét phủ bựa vàng trắng, vàng xám.
  • Hô hấp: mũi chảy mũi đặc, loét vành mũi, thở khó, ngồi như chó.
  • Thần kinh: viêm não, thể hiện co giật khi rờ đến, liệt 2 chân sau làm đi loạng choạng
  • Sinh dục: heo nái chửa bị sẩy thai.
  • => Thể cấp thường gây chết sau 6 – 10 ngày.

benh-dich-ta-heo-classical-swine-fever-csfĐàn heo bệnh mệt, thở khó, ngồi kiểu chó

c.) Thể mãn tính:
Bệnh kéo dài 1 – 2 tháng, heo gầy yếu, lúc táo bón, lúc tiêu chảy, da lở loét.

3. Bệnh tích

a.) Thể quá cấp:
Không rõ ràng, chỉ thấy hạch lâm ba sưng đỏ và thận xuất huyết ở vùng vỏ.

b.) Thể cấp tính

  • Xuất huyết điểm da niêm mạc.
  • Hạch lâm ba: xuất huyết (màu mận chín) ở vùng vỏ, đôi khi vùng tủy hoặc toàn bộ hạch. Thường gặp bệnh tích ở các hạch hầu họng.
  • Niêm mạc miệng lợi: xuất huyết có loét phủ bựa vàng.
  • Niêm mạc dạ dày: sưng, xuất huyết có thể loét.
  • Ruột già: loét hình đồng xu hay hình cúc áo, đặc biệt ở van hồi manh tràng.
  • Lách: không sưng, nhồi huyết, lồi lên như răng cưa.
  • Thận: xuất huyết vỏ thận.
  • Niêm mạc bàng quang: xuất huyết, dày lên.
  • Phổi: viêm tụ huyết, nhiều vùng gan hóa.
  • Màng não: có xuất huyết.

c.) Thể mãn tính
Ruột và phổi thường có bệnh tích (nốt loét tròn ở ruột và phổi thường có hiện tượng dính sườn).

4. Phòng và trị bệnh

Điều trị không mang lại kết quả tốt vì không có thuốc trị bệnh, duy nhất chỉ có thể dùng kháng huyết thanh dịch tả heo, nhưng giá đắt do đó không phù hợp với mụch đích kinh tế.

Tiêm phòng vaccine dịch tả là biện pháp hiệu quả nhất, đề nghị sử dụng vaccine đúng theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất.

Ngoài các biện pháp vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại bằng hóa chất thông thường như Formol 3%, nước vôi 20%… còn có các biện pháp như:

  • Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát sát trùng.
  • Nhốt riêng heo mới mua về ít nhất là 10 – 15 ngày.
  • Vệ sinh cơ thể, tiêu độc chuồng trại thường xuyên.
  • Khi bệnh xảy ra bắt buộc phải công bố bệnh dịch, chỉ công bố hết dịch sau 45 ngày kể từ khi ổ dịch chấm dứt.

Naipet.com

Facebook Comments
Share.

Chat
1