Những Điều Cần Chú Ý Khi Nuôi Dưỡng Gà Hậu Bị

0

Hậu bị là giai đoạn quan trọng nhất chuẩn bị cho đàn gà đẻ trứng thương phẩm hay trứng giống phát triển tốt và khả năng sinh sản cao. Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc gà trong thời gian từ lúc mới nở đến khi đẻ trứng quyết định tuổi đẻ trứng đầu, số trứng đẻ ra và trọng lượng trứng cũng như thời gian khai thác trứng. Những điều cần chú ý khi nuôi gà hậu bị là tập trung vào việc giữ cho tốc độ sinh trưởng của gà ở mức dàn đều trong suốt quá trình sống, đảm bảo cho sự phát triển các đặc tính sinh lý hài hòa và cân bằng. Mỗi giống có mức độ sinh trưởng đặc trưng theo từng hướng sản xuất. Gà mái hướng trứng có tốc độ sinh trưởng chậm, khả năng tích lũy mỡ kém hơn so với gà hướng thịt. Gà mái hướng chuyên thịt có tốc độ sinh trưởng cao, khả năng tích lũy mỡ cao nên dễ mập và giảm khả năng đẻ trứng. Vì vậy nuôi gà hậu bị giống hướng thịt phải theo dõi chặt chẽ lượng thức ăn và mức tăng trọng của gà hàng tuần.

nhung-dieu-can-chu-y-khi-nuoi-duong-ga-hau-bi 2Gà hậu bị được nuôi trong trang trại

1. Lựa chọn gà trong giai đoạn hậu bị

Lúc gà mới nở: Lựa chọn gà con theo đúng mục đích sản xuất đẻ trứng ăn ( thương phẩm) hay trứng giống . Đàn gà giống phải theo đúng quy trình chọn giống nghiêm ngặt, chỉ chọn gà đạt tiêu chuẩn loại 1: gà con nhanh nhẹn, lông khô xốp, mắt sáng, không có bất cứ dị tật nào. Loại bỏ những gà con quá to hoặc quá nhỏ so với tiêu chuẩn giống, loại bỏ gà hở rốn, bết lông, chảy nước mắt, nước mũi, ướt đít.

Lựa chọn gà lúc 6 tuần tuổi: Đối với gà giống hướng thịt chỉ chọn những gà mái có trọng lượng trung bình gần sát với trọng lượng trung bình của giống, loại bỏ những gà mái có trọng lượng quá cao hoặc quá thấp trong đàn. Gà trống có trọng lượng từ cao nhất trở xuống với ngoại hình cân đối, ức lớn, rộng, thế đứng hùng dũng, ức dốc khoảng 450 sẽ là những gà trống cho tỷ lệ thụ tinh cao hơn so với gà trống có ức nằm ngang.

Lựa chọn gà lúc 9 tuần tuổi: Gà hậu bị chỉ nên chọn những gà mái có ngoại hình đạt tiêu chuẩn giống như lông đã mọc đủ, vóc dáng cân đối, xương ức thẳng, không dị tật ở mỏ, ngón chân. Trong đàn gà giống, số gà trống chọn sẽ bằng 10% số gà mái, với giống nặng cân có thể thêm vài phần trăm dự bị. Phải loại ngay những gà mái có biểu hiện bệnh như chân khô, mồng, tích teo mỏng, trên mồng có những đốm trắng hoặc rìa mồng nhợt nhạt hoặc bị tím tái.

Vào thời điểm gà 19 tuần tuổi: sẽ thực hiện đợt tuyển chọn dựa vào các đặc điểm sinh dục thứ cấp như mồng tích phát triển, màu đỏ tươi, lông óng mượt, cánh ép sát thân, bụng xệ xuống, đuôi vểnh cao để chắc chắn rằng chỉ chọn nuôi những gà mái sẽ đẻ tốt, loại bỏ những gà mái có ngoại hình xấu, có biểu hiện sẽ đẻ kém hoặc không đẻ.

2. Chế độ định mức ăn cho gà hậu bị

Nhiều tác giả đã chứng minh mối tương quan chặt chẽ giữa trọng lượng cơ thể lúc 18 tuần tuổi và tuổi đẻ trứng đầu tiên cũng như trọng lượng trứng. Do đó gà hậu bị phải được nuôi dưỡng hợp lý, tránh cho ăn dư thừa gây mập mỡ, tránh cho ăn thiếu quá mức không đủ tích luỹ chất dinh dưỡng cho sản xuất trứng sau này. Một chế độ nuôi dưỡng thích hợp sẽ giúp tạo ra đàn gà mái khoẻ mạnh, đạt trọng lượng chuẩn với mức tiêu thụ protein thấp nhất, từ đó giá thành gà hậu bị sẽ thấp.

Bảng 1. Ảnh hưởng của khẩu phần gà hậu bị (8 – 15 tuần) đến mức tiêu thụ năng lượng trao đổi (ME) và protein
Loại thức ăn
ME (Kcal/kg)   Protein (%)
Thể trọng lúc
15 tuần tuổi (g)
    Lượng ME
tiêu thụ (Kcal)
Lượng protein
tiêu thụ (g)
2950                       14 1272 9770 464
3100                      24 1267 9170 718
3200                       20 1291 9510 597

Chế độ dinh dưỡng và chương trình hạn chế thức ăn cho gà hậu bị rất quan trọng để duy trì mức tăng trọng hợp lý nhất. Nhu cầu dinh dưỡng cho gà hậu bị phụ thuộc vào giống, dòng và theo giai đoạn sinh trưởng.

Bảng 2.  Nhu cầu dinh dưỡng gà giống cha mẹ hướng thịt
Chỉ tiêu
Tuần tuổi
0 – 4 5 – 8 9 – 13 14 – 19
ME Kcal/kg 2800 – 2900 2800 – 2900 2700 – 2750 2750 – 2800
Protein thô (%)
20 – 21
18 – 19 15,50 – 16,50 15 – 16
Lipit (%) 3 – 5 3 – 5 3 – 5 3 – 5
Xơ (%) < 5 < 5 < 6 < 6
Ca (%) 1 1 1 – 1,3 1,3 – 1,5
     P hữu dụng (%) 0,45 – 0,55 0,45 – 0,55 0,45 – 0,55 0,45 – 0,55
Muối (%) 0,30 – 0,50 0,30 – 0,50 0,30 – 0,50 0,30 – 0,50
Lysin (%) 0,90 – 1 0,80 – 0,90 0,60 – 0,70 0,60 – 0,80
Methionin (%)
0,40 – 0,50 0,40 – 0,50 0,40 – 0,50 0,40 – 0,50
Tryptophan (%) 0,18 – 0,25 0,17 – 0,20 0,17 – 0,20 0,17 – 0,20

 

Việc hạn chế thức ăn nên được áp dụng hợp lý nhất nhằm đạt được mục đích với ít tác hại nhất.

Giảm chất dinh dưỡngnhư protein, ME, tăng xơ: Với cách này gà sẽ không bị đói, ít cắn mổ nhau nhưng sự tiêu hóa thức ăn kém gây lãng phí chất dinh dưỡng. Khi tăng tỷ lệ xơ trong thức ăn sẽ làm cho phân ướt, làm tăng ẩm độ chất độn chuồng dẫn tới tình trạng vệ sinh kém, tăng lượng amoniac trong chuồng nuôi.

Cho ăn thức ăn hạt như lúa, bắp hạt, bobo làm cho gà luôn no cơ học vì thức ăn hạt tiêu hóa chậm sẽ hạn chế cắn mổ, cho ăn hạt nảy mầm cũng có kết quả tốt.

Cho ăn cách ngày hoặc nghỉ ăn một ngày trong tuần:Cách hạn chế thức ăn này được áp dụng rộng rãi cho gà giống chuyên thịt cao sản như gà AA, Hubard thịt. Khi áp dụng phương pháp này phải bố trí đủ máng ăn. Khi gà nhịn đói, máng ăn được treo cao, lúc đổ thức ăn vào máng sẽ đồng loạt hạ xuống, như vậy gà sẽ cùng lúc có chỗ đứng ăn, tránh tình trạng chen lấn, trọng lượng không đồng đều trong đàn. Lượng thức ăn hàng ngày giảm 30%, nếu cho ăn cách ngày thì trong ngày cho ăn 150% mỗi 2 ngày.

Bảng 3. Định lượng thức ăn cho gà hậu bị hướng trứng
Tuần tuổi
Thể trọng (g)
Ăn tự do Ăn định mức
g/gà/ngày LượngTA tích lũy kg/gà g/gà/ngày Lượng TA tích lũy kg/gà
1 58 – 62 9 0,06 Tự do
2 100 – 105 16 0,18 Tự do
3 155 – 175 24 0,34 Tự do
4 230 – 250 30 0,55 Định mức
5 310 – 340 34 0,79 nt
6 395 – 435 37 1,05 nt
7 485 – 525 50 1,40 42 1,34
8 575 – 615 54 1,78 45 1,66
9 665 – 705 57 2,18 48 2,00
10 755 – 795 61 2,60 51 2,35
11 840 – 880 64 3,05 54 2,73
12 925 – 965 68 3,53 57 3,13
13 1010 – 1050 72 4,03 61 3,56
14 1095 – 1135 76 4,56 64 4,00
15 1180 – 1220 79 5,12 67 4,47
16 1265 – 1305 85 5,71 72 4,98
18 1445 – 1485 93 6,99 79 6,06
19 1530 – 1570 96 7,66 82 6,64
20 1600 – 1640 104 8,39 89 7,26

Gà giống hướng thịt trong thời gian hậu bị phải áp dụng chế độ ăn hạn chế nghiêm ngặt hơn, ví dụ bảng 4.

Bảng 4. Trọng lượng và định mức thức ăn của gà cha mẹ hướng thịt
Gà trống Gà mái
  Tuần tuổi Thể trọng (g)
Lượng thức ăn tích lũy kg/gà
Thể trọng (g)
Lượng thức ăn tích lũy kg/gà
1 100 Ăn tự do 82 Ăn tự do
2 250 Ăn tự do 190 Ăn tự do
3 480 Ăn tự do 360 Ăn tự do
4 680 65 550 Định mức
5 910 70 720 55
6 1290 80 940 60
7 1410 80
1150
70
8 1650 85
1350
70
9 1750 85
1450
75
10 1850 90
1540
80
11 1950 90
1590
80
12 2100 90
1650
80
13 2200 95
1710
80
14 2350 100
1780
83
15 2490 100
1830
83
16 2550 100
1900
83
17 2690 110
1950
83
18 2780 110
2000
85
19 2980 115
2050
85
20 3020 120
2100
85

 

Trong thời gian nuôi hậu bị phải theo dõi trọng lượng gà hàng tuần để điều chỉnh lượng thức ăn và độ đồng đều của đàn. Chế độ ăn hạn chế trầm trọng có thể làm tăng tỷ lệ chết loại do cắn mổ nên phải có biện pháp khắc phục kịp thời tình trạng xáo động, loại bỏ các yếu tố gây stress khác như nhiệt độ chuồng nuôi nóng, mật độ nuôi quá cao, chất độn chuồng ẩm, chuồng kém thông thoáng. Tác động của stress trong giai đoạn nuôi gà hậu bị sẽ gây tác hại lớn đến năng suất và chất lượng trứng sau này.

Với gà chuyên trứng việc hạn chế thức ăn có thể bắt đầu sau 6 tuần tuổi, dựa vào trọng lượng gà theo dõi được để định lượng thức ăn.

nhung-dieu-can-chu-y-khi-nuoi-duong-ga-hau-bi 3Máng ăn và máng uống cho gà hậu bị

3. Chế độ chiếu sáng của gà hậu bị

Thời gian chiếu sáng và cường độ chiếu sáng trong giai đoạn hậu bị ảnh hưởng lớn đến tuổi đẻ trứng đầu tiên.Tăng thời gian chiếu sáng trong giai đoạn hậu bị sẽ dẫn đến tình trạng phát dục sớm. Gà đẻ quá sớm khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ về thể chất nên trứng sẽ nhỏ và thời gian khai thác trứng ngắn, năng suất trứng không đạt đỉnh cao, hiệu quả kinh tế thấp. Trong 3 ngày đầu, thời gian chiếu sáng là 23 giờ/ngày để gà con làm quen với thức ăn và nước uống, hơn nữa gà chưa thể ăn nhiều thức ăn nên kéo dài thời gian chiếu sáng để gà ăn được nhiều thức ăn hơn. Từ ngày thứ 4 trở đi thời gian chiếu sáng giảm dần trung bình 2 giờ/tuần cho đến khi giữ ổn định ở mức 10 giờ/ngày. Tuyệt đối không tăng thời gian chiếu sáng trong giai đoạn sinh trưởng. Nếu ánh sáng tự nhiên tăng hay giảm không phù hợp với chế độ chiếu sáng thì phải dùng rèm che hoặc chiếu sáng bổ sung cho đủ. Cũng có nhiều tác giả đề nghị chế độ chiếu sáng cho gà hậu bị giảm còn 8 giờ/ngày từ 3 tuần tuổi đến 18 tuần tuổi sẽ tiết kiệm năng lượng và giảm cắn mổ trong đàn trong điều kiện thời tiết nóng. Trong 8 giờ chiếu sáng có thể theo chế độ 15 phút sáng/45 phút tối sẽ kích thích gà hoạt động giảm mập mỡ.

Cường độ chiếu sáng trong 2 tuần đầu là 25 lux, sau đó giảm còn 15 lux.

4. Điều kiện quản lý và chăm sóc

Đàn gà hậu bị đạt mức tăng trọng hợp lý, tỷ lệ nuôi sống cao, đồng đều là mục đích của quy trình chăm sóc và nuôi dưỡng.

Sau 2 – 3 tuần úm, nhiệt độ thích hợp cho gà hậu bị giống nằm trong khoảng 21 đến 27 0C,tuy vậy nếu điều kiện khí hậu khắc nghiệt cần phải tập cho gà làm quen dần. Nếu trong vùng khí hậu nóng nên úm gà ở những nhiệt độ giao động, tuần đầu nhiệt độ dưới đèn lên đến 35 0C, nhiệt độ xung quanh thấp hơn 6 – 70C. Nếu trong vùng nhiệt độ lạnh nên úm ở nhiệt độ 330C. Nhiệt độ chuồng nuôi ảnh hưởng đến lượng thức ăn hàng ngày và mức độ sinh trưởng của đàn gà, từ đó sẽ ảnh hưởng đến tuổi thành thục và năng suất trứng sau này. Vì vậy nên có biện pháp chống nóng hoặc lạnh cho gà.

Ẩm độ thích hợp cho sự phát triển của gà hậu bị trong khoảng 50 đến 75%. Với mức ẩm độ này dễ quản lý điều kiện vệ sinh chuồng trại, gà khỏe mạnh.

Mật độ nuôi gà hậu bị phải dung hòa mối tương quan giữa việc tạo môi trường sống tốt cho đàn gà và việc sử dụng chuồng trại một cách hiệu quả nhất. Trong điều kiện kiểm soát được nhiệt độ, ẩm độ và thông thoáng trong chuồng nuôi như ở các nước phát triển thì có thể nuôi gà với mật độ cao. Ở nước ta, trong điều kiện tự nhiên nên nuôi với mật độ vừa phải, tùy theo thời tiết và kiểu chuồng, phương thức nuôi trong lồng hay trên nền.

Bảng 5. Mật độ nuôi gà hậu bị (đơn vị tính: con/m2)
Tuổi và loại gà
Nuôi trong lồng hoặc sàn
Nuôi trên nền
Gà hướng trứng Gà giống thịt Gà hướng trứng
Gà giống thịt
Gà con 0 – 2 tuần
50 – 60
50 – 60
30
25 – 30
Gà 3 – 8 tuần
20 – 30
15
15
8 –10
Gà 9 – 18 tuần
12 – 15
8 –10
8-10
5 – 6

 

nhung-dieu-can-chu-y-khi-nuoi-duong-ga-hau-biGà hậu bị nuôi sàn

5. Phòng bệnh

Quy trình phòng bệnh áp dụng cho gà hậu bị phải đảm bảo đàn gà phát triển tốt, sức sống cao, hứa hẹn một năng suất đúng như mong đợi.

Phòng bệnh bằng kháng sinh nên sử dụng định kỳ để phòng một số bệnh thường gặp đối với gia cầm như thương hàn, CRD, tụ huyết trùng, bệnh do E. coli và bệnh cầu trùng nếu nuôi nền. Nên sử dụng kháng sinh đặc hiệu trộn trong thức ăn hoặc hòa vào nước uống trong thời gian 3 – 5 ngày/ đợt, mỗi đợt cách nhau từ 45 – 60 ngày..

Phòng bệnh bằng vacxin để phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm thường gặp, quy trình mẫu sau đây được áp dụng rộng rãi.

Điều vô cùng quan trọng trong việc phòng bệnh cho gia cầm nuôi công nghiệp là áp dụng triệt để nguyên tắc “cùng đầy chuồng – cùng trống chuồng”. Chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh, thoáng mát, thức ăn cân bằng chất dinh dưỡng, chất lượng tốt, không bị hư hỏng hoặc nấm mốc, nước uống đủ và sạch.

Bảng 6.Quy trình chủng ngừa cho gà
Lứa tuổi Bệnh Loại vacxin   Cách sử dụng
1 ngày Marek Lio – Marek   Tiêm dưới da
7 – 10 ngày Newcastle Lasota   Nhỏ mắt, mũi
10 ngày Đậu Trái gà
Kim có rãnh xuyên qua màng cánh
7 – 14 ngày
28 ngày
Gumboro
nt
Bur706,
Gumboral-CT
Nhỏ mắt, uống
15 tuần IB Phòng IB Tiêm bắp
16 – 17 tuần EDS Phòng EDS Tiêm bắp
16 –18 tuần Newcastle Imopest Tiêm bắp

 

Vaxin phòng bệnh dịch tả gà (Newcastle) tái chủng khi hàm lượng kháng thể thấp, không đủ bảo hộ đàn gà.

Hiện nay gà hậu bị trước khi vào đẻ (17 – 18 tuần tuổi) chủng vaxin hỗn hợp phòng 4 bệnh như laryngo, IB, Newcastle, EDS (hội chứng giảm đẻ) rất tiện sử dụng.

video xem thêm:

Naipet.com

Facebook Comments
Share.

Chat
1