Cách Trị Bệnh Hen Suyễn Ở Mèo

0

Hen suyễn là tình trạng các phế quản nhỏ bị hẹp thu hẹp đường hô hấp do viêm nhiễm mãn tính cấp tính, gây trở ngại cho việc lưu thông (trao đổi) không khí và ảnh hưởng đến việc hô hấp của mèo.

Bệnh dẫn đến sự thu hẹp của đường hô hấp và gây khó thở, đặc biệt là khi thở ra. Đi kèm theo đó là sự nhạy cảm quá mức của đường dẫn khí dẫn đến các cơn suyễn tái đi tái lại nhiều lần các triệu chứng như: khò khè, khó thở, nặng ngực, ho… Bệnh phát triển có thể làm cho mèo bị khó thở, dễ dẫn đến suy hô hấp, để lâu có thể gây tổn thương vĩnh viễn đến phổi và đe doạ đến tính mạng của con mèo.

cach-tri-benh-hen-suyen-o-meo

Cơ chế chính gây nên tình trạng trên xuất phát từ các nguyên nhân sau:

– Do sự co thắt của các cơ ở thành phế quản.

– Sưng và phù nề lốp niêm mạc của phế quản.

– Phổi tiết quá nhiều chất nhầy vào trong lòng các phế quản.

Ngoài ra còn có sự gia tăng quá mức các phản ứng của phế quản với nhiều yếu tố gây khởi phát cơn hen. Các đường thở trở nên dễ bị kích thích quá mức và phản ứng quá mức với một loạt các yếu tố khởi phát cơn hen như: bụi nhà, mạt, phấn hoa, khói thuốc lá, các chất gây kích thích.

Lưu ý: Đối tượng dễ mắc bệnh hen suyễn:

+ Mèo già và mèo con thường có nguy cơ cao hơn.

+ Mèo cái có xu hướng dễ mắc bệnh hơn so với mèo đực.

+ Giống mèo Siamese (mèo Xiêm), giống Himalayan và giống lai hỗn hợp có nguy cơ dễ bị hen suyễn hơn các giống mèo khác.

+ Bệnh có thể di truyền.

Triệu chứng chung của bệnh

– Ho và thở khò khè.

– Ho dai dẳng trong một thời gian dài (kéo dài hơn 5 phút hoặc nhiều hơn 2 lần/ 1 giờ – 3 lần/ 1 ngày).

– Ngồi xổm kiểu vai gập người, cổ mở rộng và thở nhanh/ thở hổn hển.

– Nôn ra bọt nhầy trắng.

– Khi thở thường hay mở miệng .

– Môi và nướu có màu xanh (bình thường có màu đỏ, hồng).

– Mèo thường hay thờ ơ và biểu hiện yếu ớt.

– Thậm chí mèo bị bệnh nặng có thể có biểu hiện khó thở, thở gấp (bình thường nhịp thở là 20 – 30 nhịp/ phút).

Ta có thể phân loại mức độ nghiêm trọng của bệnh thành 4 loại sau đây:

  1. Nhẹ: Các triệu chứng xảy ra liên tục nhưng không phải xuất hiện mỗi ngày, các triệu chứng cũng chưa thật sự ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của con mèo.
  2. Trung bình: Các triệu chứng không xảy ra hằng ngày, nhưng chúng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể/ sinh hoạt của mèo và khiến chúng suy nhược.
  3. Nặng: Các triệu chứng gây suy nhược cho cơ thể xảy ra liên tục hằng ngày
  4. Đe dọa tính mạng: Tình trạng co thắt phế quản và khó thở nghiêm trọng gây thiếu oxy, khu vực môi và mũi thay đổi (bình thường có màu hồng nay chuyển sang màu xanh) sẽ mang lại cái chết không mong muốn cho con mèo.

Do đó việc phát hiện càng sớm các triệu chứng của bệnh và điều trị sớm là hết sức cần thiết để tránh những hậu quả không mong muốn cho các chú mèo cưng của bạn.

Các trường hợp có thể gây ra hen suyễn

– Phản ứng dị ứng của viêm phế quản: phản ứng dị ứng này xảy ra khi đường hô hấp trong phổi của mèo bị viêm do gặp phải chất gây dị ứng/ chất kích thích khác tác động vào hệ thống miễn dịch (phấn hoa, nấm mốc, bụi bẩn, khói thuốc lá, nước hoa và các loại thực phẩm…)

– Các bệnh liên quan đến ký sinh trùng.

– Căng thẳng cực độ.

– Béo phì.

– Các triệu chứng hen suyễn như ở mèo cũng có thể liên quan với bệnh khác: nội ký sinh, ký sinh trùng đường hô hấp, khối u, suy tim, viêm phổi, tiểu đường.

Chẩn đoán bệnh

Điều quan trọng trong việc chuẩn đoán bệnh đó chính là xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng của bệnh. Sau đây là một số phương pháp có thể áp dụng để chuẩn đoán bệnh hen suyễn:

– Tiến hành kiểm tra vật lý triệt để cho chú mèo: Bác sĩ thú y sẽ sử dụng một ống nghe để xác định vị trí nguồn gốc cụ thể của thở khò khè, kết hợp với việc theo dõi các triệu chứng lâm sàng của bệnh.

– Chụp X quang: Việc chụp X quang có thể giúp quan sát và phát hiện ra các dấu hiệu bất thường ở chú mèo như: đường dẫn khí nhỏ có dấu hiệu hẹp hay không, có dấu hiệu viêm quanh đường hô hấp trong phổi không?

– Tiến hành xét nghệm máu: Phương pháp này có thể giúp tìm ra nguyên nhân hoặc cũng có thể loại trừ các khả năng có thể liên quan đến các bệnh khác(chẳng hạn như bệnh tiểu đường).

– Phương pháp rửa phế quản (BAL – Bronchoalveolar Lavage): Tiến hành lấy mẫu chất nhầy từ tiểu phế quản và nghiên cứu dưới kính hiển vi để xác định nguyên nhân gây bệnh. Thử nghiệm này còn được dùng để tìm ra nguyên nhân của bệnh ung thư phổi.

– Ngoài ra để chắc chắn không nhầm lẫn với các căn bệnh có triệu chứng tương tự, việc chuẩn đoán bệnh hen suyễn còn có thể được kết hợp với các phương pháp như: Đánh giá sự tăng tiết phế quản và các xét nghệm ký sinh trùng.

Lưu ý: Cần chú ý phân biệt rõ các triệu chứng của bệnh hen suyễn với các bệnh khác có dấu hiệu tương tự như: Bệnh nội ký sinh, viêm/ ung thư phổi và suy tim sung huyết, bệnh tiểu đường…

Điều trị

Tuỳ thuộc vào tình trạng nghiêm trọng của bệnh mà có phương pháp điều trị thích hợp cho mèo bệnh, trong đó mục tiêu chính của việc điều trị hen suyễn đó chính là: giúp giảm tình trạng viêm ở đường thở, làm giãn đường hô hấp và từ đó làm giảm việc sản xuất các chất nhầy.

– Để điều trị các triệu chứng do viêm, sử dụng thuốc Corticosteroid là rất hiệu quả. Tuỳ thuộc vào tình trạng riêng của từng con mèo mà bác sỹ thú y có thể áp dụng cho uống hoặc tiêm để điều trị cho chú mèo.

– Ngoài ra một số loại thuốc khác cũng có thể được sử dụng (có thể thông qua uống, hít hoặc tiêm, gel thẩm thấu qua da): Broncodilators, Steroid, Steroid dạng hít, thuốc kháng Histamin, Leukotreine, thuốc vi lượng đồng căn, thảo dược và các loại vitamin (C, E…).

– Thuốc làm giãn đường hô hấp, có các loại: Albuterol, terbutaline, Xanthina (Theophyline). Bạn nên biết là các loại thuốc giãn phế quản không giúp làm giảm viêm trong phổi, do đó tốt nhất là bạn nên điều trị đồng thời kết hợp với các loại thuốc có tác dụng làm giảm viêm cho mèo.

Lưu ý: Việc điều trị hen suyễn là hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều loại thuốc và ảnh hưởng quan trọng đến sức khoẻ của chú mèo của bạn, do đó trong việc điều trị bệnh, cách thức điều trị thế nào, phương pháp nào sẽ được áp dụng, loại thuốc nào cần dùng còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố (mức độ nghiêm trọng của bệnh, đặc điểm riêng của từng chú mèo…) vì vậy bạn cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia và bác sỹ thú y chuyên ngành để giúp tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất cho các bé thú cưng.

Hạn chế bệnh hen suyễn cho mèo

– Tiêm vắc xin cho mèo.

– Tiến hành kiểm tra thường xuyên các loại nội ký sinh cho mèo.

– Giảm bớt căng thẳng trong môi trường sống của mèo, vì chúng có xu hướng làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng và hen suyễn ở mèo.

– Hạn chế sử dụng nước hoa, nước hoa xịt phòng, chất khử mùi thảm, keo xịt tóc, chất tẩy rửa bình phun,… xung quanh môi trường sống của mèo.

– Không khí khô thường không tốt cho tình trạng hen suyễn của mèo, do đó cần giữ độ ẩm thật ổn định đặc biệt là trong những tháng hanh khô.

– Giữ cho trọng lượng của mèo luôn trong tình trạng cân đối.

– Không cho mèo tiếp xúc với khói thuốc lá, bạn nên nhớ nếu mèo của bạn bị hen suyễn khói thuốc lá là thứ cấm tuyệt đối.

– Trong trường hợp vì nhiều lý do khác nhau mà bạn cần phải sử dụng sơn cho căn nhà/ phòng của bạn, có một gợi ý nhỏ có thể giúp bạn thoát khỏi mùi sơn đó chính là đặt một bát giấm trong phòng.

Naipet.com

Facebook Comments
Share.

Chat
1